VIỆT NAM CÓ VỠ NỢ KHÔNG ? Có một bạn trẻ gửi cho tôi link một bài viết trên BBC Việt, tựa đề bài báo có một câu hỏi khá thú vị là “Việt Nam ...
VIỆT NAM CÓ VỠ NỢ KHÔNG ?
Có một bạn trẻ gửi cho tôi link một bài viết trên BBC Việt, tựa đề bài báo có một câu hỏi khá thú vị là “Việt Nam có nguy cơ vỡ nợ không” ?
Câu trả lời là tôi thấy có khả năng. Liên tục trong 10 năm nay, căn cứ vào các thông tin công khai về ngân sách quốc gia (cứ cho là các con số này là sát thực tế, không mang tính định hướng XHCN) thì chúng ta thấy năm nào cũng bội chi.
Một đại biểu quốc hội vừa mới phát biểu là “nợ và bội chi” là bình thường vì ta đang phát triển và có phát triển. Đó là ông này nói một phía. Phía thứ hai ông không nói đến là nợ do tham nhũng và lãng phí, thất thoát. Nếu tiền nợ tăng lên để đầu tư bền vững thì quốc gia nào cũng không lo ngại, nhưng nếu không thể kiểm soát được tiền vay nợ nằm trong đầu tư hay thất thoát thì là nguy cơ.
Để giải quyết bài toán nợ nần thì có hai kênh vốn nội và vốn ngoại. Về phần vốn ngoại thì ta đang gặp một nguy cơ lớn. Tổ chức tài chính có uy tín lớn nhất trong top 3 thế giới là Moody’s đang xem xét hạ bậc tín nhiệm tài chính của Việt Nam. Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho Việt Nam tới đây về tài chính đối ngoại.
Mặc dù chính phủ Việt Nam lên tiếng cho rằng đánh giá của Moody’s là thiếu khách quan, nhưng khổ nổi bọn tư bản giãy chết và các chính phủ của nó hẳn nhiên tin Moody’s hơn là tin đảng CSVN. Họ sẽ xem việc Bộ tài chính Việt Nam phản đối Moody’s giống chuyện ông Vũ Khắc Ngọc tuyên truyền về Visual Air.
Việt Nam còn một kênh huy động vốn ngoại nữa là đầu tư từ tư nhân và chính phủ Trung Quốc bên cạnh bọn tư bản giãy chết. Nhưng có vấn đề là quan hệ Việt-Trung đang căng thẳng. Nên điều này cũng không dễ làm. Trong bối cảnh đảng CSVN đang phải dựng ngọn cờ giữ nước cao hơn bình thường vì vấn đề Biển Đông thì nghị quyết 50 buộc phải thực thi, nghị quyết này sẽ là một rào cản lớn cho việc vay tiền từ Trung Quốc.
Nghĩa là tới đây việc tiếp cận vốn vay nước ngoài của Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Khó khăn khách quan và khó khăn chủ quan.
Đối ngoại gặp khó thì quay về đối nội. Nhưng e rằng thu ngân sách tới đây cũng càng khó khăn. So với khoá trước của đảng thì khoá này đã tăng thu thêm thuế và thêm nhiều loại thuế mới. Sức dân thì có hạn. Cộng thêm vấn đề pháp trị ngày càng yếu kém làm giới trung lưu và tư sản (vốn là xương sống của nền kinh tế) càng chán nản, hoài nghi chính quyền và không muốn đóng góp nhiều hơn. Xu hướng những hộ gia đình có chừng 10 tỷ tài sản muốn rời bỏ Việt Nam ra nước ngoài đầu tư sinh sống nhiều hơn.
Kinh tế và chính trị là cái trứng và con gà trong chính sách vĩ mô. Muốn phát triển kinh tế thì phải cải cách chính trị. Cải cách chính trị làm mất đặc quyền nắm giữ kinh tế của đảng, làm đảng rung động đến nền tảng nên đảng cứ ném đá dò đường chậm rãi qua sông. Nhưng khổ nổi thực tế không chờ ai và các quy luật kinh tế không thể ngồi chờ kiểu chơi ném đá dò đường.
Bội chi trong kinh tế tiếp tục gia tăng, cải cách pháp trị nửa vời dẫn đến không thể quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả ngân sách thì nguy cơ vỡ nợ quốc gia là phải có và đã có. Đảng biết điều này rõ hơn chúng ta.
Nền kinh tế Việt Nam không thể trong lành nếu ta nhìn về đánh giá của Moody’s như cách mà ông Vũ Khắc Ngọc làm với Air Visual Apps
H.M
Không có nhận xét nào