CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI CỦA PHỤ HUYNH VN. Việc cho trẻ cấp một học toán thống kê gây ra một cơn bão tranh cãi ở Việt Nam. Điều này là kết cục nhãn...
CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI CỦA PHỤ HUYNH VN.
Việc cho trẻ cấp một học toán thống kê gây ra một cơn bão tranh cãi ở Việt Nam. Điều này là kết cục nhãn tiền cho thấy sai lầm của một hệ thống giáo dục khi tất cả mọi người đều chỉ biết tin vào thứ mình đã từng được dạy, tuyệt đối hóa, trung thành trọn đời với những gì mình biết và có phản ứng cự tuyệt với tất cả mọi sự thay đổi.
Chúng ta tranh cãi với nhau, nên hay không nên, đủ sức hay không đủ sức, mà bỏ qua một vấn đề quan trọng là ‘’học’’ như thế nào?. Sự ‘’học’’ không chỉ là đơn thuần để nắm được kiến thức mà hơn thế nó là xây dựng nên một hệ thống, trang bị cho người học cách tiếp cận các vấn đề cả học thuật lẫn cuộc sống. Dựa trên nguyên tắc này thì cái gì cũng cần và nên học.
Cá nhân tôi học xác xuất thống kê từ bé thì thấy rằng chúng lí thú cho trẻ nhỏ, rèn luyện cho trẻ em cách đặt vấn đề và phân tích tình huống, lựa chọn giải pháp và giảm thiểu rủi ro trong các phép thử. Mở rộng ra, nó còn liên kết đến các đề tài về lịch sử, nhân khẩu học ..vân vân.. độ tuổi nào cũng có thể tìm hiểu từng bước. Nói đến thống kê thì không chỉ là toán xác xuất thống kê cao cấp mà nó có thể dừng lại ở những vấn đề đơn giản mà trẻ nào cũng có thể tìm tòi, ví dụ: Có 5 con thỏ chia vào 4 cái lồng thì sẽ có ít nhất 1 lồng có nhiều hơn 1 con thỏ (Dirichlet).
Vấn đề về giáo dục ở Việt Nam ta không phải là “học” cái gì? mà là “học” như thế nào?. Mọi người cần được học để ý thức rằng không có chân lý tuyệt đối và tất cả những gì mình biết hay học được đều có thể có thiếu sót. Một thằng đần biết nghi ngờ thì còn có tiềm năng hơn kẻ ngu tin chắc mình đúng. Không ai là tuyệt đối, thiên tài hay kẻ thiểu năng đều có thể mắc sai lầm, sai lầm không phải là nguy hiểm mà điều nguy hiểm nằm ở chính sự cuồng tín của kẻ tin rằng mình không thể sai.
Lớn học theo cách của lớn, nhỏ học theo cách của nhỏ. Đàn hát, vẽ vời, thể thao, khoa học đều như vậy không có ngoại lệ. Điều quan trọng là học như thế nào, dạy như thế nào. Đối với trẻ em thì học phải có niềm vui, niềm vui biến bài toán thành trò chơi, thành câu đố. Tôi có được cái may mắn khi còn nhỏ là được bố mẹ mình dạy để cố mà nhìn ra ngoài trang sách, luôn được lưu tâm rằng mọi thứ trên đời đều cần học và đừng chần chừ học cái mới một cách chủ động.
Dạy học nó là một Nghề nhưng nó cũng là một Nghệ thuật của truyền đạt và khơi mở tâm hồn. Đừng bao giờ lo sợ trẻ không học nổi mà ta phải tự xem lại xem mình có đủ khả năng dạy trẻ những vấn đề đó hay không.
Thế hệ chúng tôi, 8 tuổi học xác xuất, 12 tuổi học quăng bom (môn ném lựu đạn), 18 tuổi học chủ nghĩa Mác (một học thuyết đã bị phương Tây bác bỏ hơn 150 năm trước). Mọi sự học ấy, đều có ích nếu học đúng cách, kể cả là học hỏi từ 1 sai lầm. Học không phải là để trả lời những câu hỏi sẵn có, mà là học để biết hoài nghi, sự hoài nghi là truyền thống của khoa học và triết học, là khởi nguồn của sự tiến bộ. Sự hoài nghi khiến ta biết đặt câu hỏi và đi tìm chân lý của mình.
#XND Le Quang
Ảnh biếm họa: ‘’Cuối cùng, tôi muốn được chôn cất cùng với xương của một con voi… chỉ để gây hoài nghi cho những nhà khảo cổ sau này mà thôi’’
Không có nhận xét nào