Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

“HIỆN TƯỢNG KHÁ BẢNH” - AI LÀ NGƯỜI CẦN SUY NGHĨ?

“HIỆN TƯỢNG KHÁ BẢNH” - AI LÀ NGƯỜI CẦN SUY NGHĨ?     Rất nhiều tờ báo và các trang mạng đưa tin bằng những ý kiến và quan điểm trái chiều v...

“HIỆN TƯỢNG KHÁ BẢNH” - AI LÀ NGƯỜI CẦN SUY NGHĨ?

    Rất nhiều tờ báo và các trang mạng đưa tin bằng những ý kiến và quan điểm trái chiều về vụ án mang “hiện tượng Khá Bảnh”, nhưng theo tôi, bài viết trên trang cá nhân của nhà giáo Chu Mộng Long là bài có những phân tích khá khách quan và đáng phải suy ngẫm nhất.
     Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, giám đốc Công an tỉnh Nghệ an thì đó là hiện tượng mang tính tôn sùng cá nhân lệch lạc của giới trẻ, nó không quá quan ngại vì khi lớn lên giới trẻ đó sẽ tự định hướng lại được ý thức của mình. Tuy nhiên theo tôi thì đây là một ý kiến rất chủ quan vì rằng:
     Phần lớn ý thức không phụ thuộc tâm, sinh lý theo bản năng phát triển từng giai đoạn của lứa tuổi mà nó phụ thuộc cơ bản vào mọi tác động từ bên ngoài như giáo dục và mọi sự ảnh hưởng khác trong cuộc sống để đến một giai đoạn nào đó sẽ tạo nên ý thức hệ mà hoàn toàn chi phối mọi hành vi của con người. 
     Tất cả các nước văn minh đều bắt đầu từ bộ máy công quyền, lập pháp và hành pháp chuẩn mực cùng một nền giáo dục mang tính nhân bản cao và đồng bộ. Từ trên xuống dưới đều thượng tôn và bình đẳng trước Pháp luật cùng với ý thức cộng đồng cao do tiếp thụ được tri thức cơ bản từ nền giáo dục ngay từ khi hình thành ý thức . Hơn thế nữa là bản sắc dân tộc của họ luôn được bảo tồn đúng nghĩa chứ không theo kiểu “thương mại hoá bản sắc” như nước ta hiện nay.
     Khi một đất nước mà mọi tầng lớp quan chức đều tự cho mình vị trí của những bậc “phụ mẫu thiên hạ”, tự cho mình quyền sinh sát trên hàng triệu sinh mạng khác, tự cho mình cái quyền quyết định vận mệnh cho cả một Quốc gia và dân tộc mà bỏ ngoài tai những ý nguyện của dân chúng với mọi hành xử “không giống bất kỳ ai” và luôn bằng mọi cách nếu không chà đạp luật pháp thì cũng lách những kẽ hở của luật pháp để mưu cầu lợi ích cá nhân thì chính tự thân nó đã làm mất đi hầu hết các chuẩn mực xã hội.
    Mọi chuẩn mực bị mất ở ngay cái nơi cần chuẩn mực nhất ấy nó sẽ phá vỡ tất cả mọi chuẩn mực của toàn xã hội, làm đà kéo theo nền đạo đức dân tộc trượt dài xuống dốc suy thoái để trở thành mảnh đất mầu mỡ sinh sôi và dung dưỡng mọi thói đời.
      Thực chất của hai từ “thần tượng” mang tính ám chỉ nhiều hơn là thực nghĩa mà nói cho đúng thì mọi con người đều cần những tấm gương để tự soi và học hỏi. Từ khi mới hình thành ý thức, con người ta đã được học cách đấu tranh bằng bạo lực mang tính giành giật cùng với những hành xử mang tính “ông giời con” và chứng kiến những văn hoá bản sắc đã được “thương mại hoá” làm cho méo mó, biến dạng và sặc mùi tiền bạc thì đương nhiên một lúc nào đó nó đã nghiễm nhiên trở thành ý thức hệ để chi phối toàn bộ hành vi trong mỗi cuộc đời. Bởi vậy, chỉ cần một ví dụ nhỏ thôi rằng tất cả các cán bộ, đảng viên ĐCS Việt Nam đều được học, học rất lâu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong bao nhiêu năm qua, học thường xuyên nhưng chính “cái lò ông Trọng” đã, đang và còn đốt rất nhiều củi “đã được học” mà tuyệt nhiên không có “củi không được học”!
     Vậy thì khi đã hình thành “ý thức hệ” theo chiều tốt hay xấu thì sự học hỏi khác hầu như không có tác dụng đáng kể ngoài sự tác động bằng sự chuẩn mực của luật pháp.
     Khi một quan chức bị đưa ra vành móng ngựa vì phạm tội hay bị chết dù bất cứ lý do gì thì cái mà họ nhận được ở dân tộc mình là sự hân hoan vui mừng cùng những câu thoá mạ. Nhưng đối với thường dân thì mọi sự thường ngược lại - nhất là những điển hình như Hà Văn Nam, Dương Minh Tuyền hay Khá Bảnh v v... thì quả thực mọi sự không thể gọi là thường tình.
      Bởi vậy hiện tượng Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền là một vấn đề không đơn thuần chỉ là “sự nhận thức lệch lạc của giới trẻ” mà nó là vấn đề nghiêm trọng của xã hội, là điều đáng xấu hổ cho một cơ chế vận hành mà không ai khác các lãnh đạo Việt Nam cần phải nghiêm khắc nhìn lại mình mà thay đổi tư duy thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc ai đó. 
     Trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc lại câu nói của một danh nhân: “muốn huỷ diệt một dân tộc, không cần phải dùng đến vũ khí nguyên tử mà chỉ cần huỷ hoại nền giáo dục của dân tộc đó”!

N.C.V.





Không có nhận xét nào