HIỆN TƯỢNG KHÁ BẢNH: CẦN CHẤN HƯNG GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ HAY GIÁO DỤC NÊN TỰ NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH? Khá Bảnh bị phạt tù 10 năm về tộ...
HIỆN TƯỢNG KHÁ BẢNH: CẦN CHẤN HƯNG GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ HAY GIÁO DỤC NÊN TỰ NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH?
Khá Bảnh bị phạt tù 10 năm về tội tổ chức và đánh bạc. Đó là mức án nghiêm khắc. đúng người đúng tội.
Hình phạt là một biện pháp giáo dục mạnh dành cho kẻ phạm tội và răn đe những người chưa phạm tội.
Nhưng xem ra vụ án này bị phản ứng ngược, từ kẻ bị hình phạt cho đến những đám đông chưa phạm tội. Khá Bảnh đến và rời tòa với nụ cười và đôi tay vẫy chào kiêu hãnh – kiểu chào của lãnh tụ Hitler đối với dân Đức một thời. Bất ngờ là rất đông học sinh, các fan của Khá Bảnh, tiếp tục ngưỡng mộ Khá Bảnh như ngưỡng mộ một anh hùng. Không chỉ trẻ con. Có thông tin một số trường từng mời Khá Bảnh đến giao lưu với học sinh, hóa ra lãnh đạo nhà trường cũng ngưỡng mộ Khá Bảnh?
Nên nhớ, trước đó có một nhân vật hot khác cũng có kiểu chào như vậy là "soái ca Dương Minh Tuyền", kẻ đã từng làm cho cả một đám đông, người lớn lẫn trẻ con, ngưỡng mộ.
Bài trước, tôi nói đây là "thất bại thảm hại của giáo dục" là nói cho cả một hệ thống, chứ không đơn thuần là ngành giáo dục. Không ở đâu như ở ta, giáo dục là cả một hệ thống đồ sộ: từ tuyên giáo, tôn giáo, đoàn thể, báo chí, văn chương cho đến các cơ quan thực thi pháp luật, từ nhà trường cho đến gia đình. Mỗi trẻ em sinh ra được hấp thụ cả một hệ thống tầng tầng lớp lớp giáo dục như vậy.
Tướng công an Nguyễn Hữu Cầu nói đúng. "Khá Bảnh là một thần tượng không chuẩn mực về đạo đức", "Cần chấn hưng giáo dục đối với giới trẻ". Nhưng ông lại khá lạc quan khi cho rằng đó chỉ là hiện tượng nhất thời, "Khi giới trẻ lớn lên một chút nữa, nhận thức khác đi một chút nữa sẽ thấy Khá Bảnh không phải thần tượng của mình và nhận thức khác đi. Do vậy, chúng ta cũng phải thông cảm cho giới trẻ, tại thời điểm này họ thấy đúng nhưng tại thời điểm khác, họ lớn hơn, khôn hơn sẽ thấy cái đó không đúng, phải tránh xa".
Trong tôn giáo và triết học, tội phạm hiển nhiên là Hiện tượng (cái bị tha hóa) chứ không lẽ là Bản thể (cái khuôn mẫu toàn thiện, toàn mỹ). Chỉ cần nhất thời bọn trẻ học tập và làm theo gương các "soái ca" của chúng là đã làm cho xã hội tan nát, ông Cầu ạ!
Đã đành tuổi trẻ thì đua đòi rất nhất thời, nhưng trách nhiệm của người lớn là phải ngăn chặn kịp thời và định hướng đúng, nếu không, từ nhất thời sẽ gây tác hại to lớn và lâu dài.
Không ít người hỏi tôi, liệu có phải do ngành giáo dục dạy bọn trẻ quá nhiều chữ mà không dạy người, tức dạy đạo đức cho chúng không? Tôi bảo sai hoàn toàn! Bản thân cái "chữ" đã gắn với "người", vì chữ là người. Ngoài môn giáo dục công dân, gần như mọi môn học trong nhà trường đều gắn với giáo dục đạo đức. Không chỉ bọn trẻ, người lớn cũng "bị" học đạo đức cả đời. Vậy thì tại sao để "thành người" đối với xã hội ta, không chỉ trẻ em mà cả người lớn, lại khó thế?
"Cần chấn hưng giáo dục đạo đức đối với giới trẻ" ư? Theo tôi, muốn vậy, nên chấn hưng đạo đức đối với người lớn đã, tức kẻ đang làm giáo dục nên nhìn lại chính mình!
Xin lỗi các bạn tuyên giáo. Cơ quan đứng đầu giáo dục của xã hội ta hiện nay được Đảng giao phó cho chính là tuyên giáo, bao gồm hai nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục. Chỉ tuyên truyền và giáo dục giáo điều cùng với sự rình rập chụp mũ những tiếng nói chính trực thì không có tác dụng giúp con người thành người. Hiển nhiên gắn liền với tuyên giáo là báo chí tuyên truyền. Chỉ tuyên truyền một chiều với những lời tung hô, ngợi ca sáo rỗng thì chẳng khác gì nước đổ lá khoai.
Cùng với cơ quan tuyên giáo là các đoàn thể. Các đoàn thể hiện nay hình như chỉ chú tâm hoạt động phong trào với những trò chơi lố lăng, tổ chức cổ vũ những sao to sao nhỏ, tưởng để ru ngủ thanh thiếu niên, nhưng hậu quả là đánh thức căn bệnh sùng bái thần tượng một cách tùy tiện – thần tượng hiện hữu trước mắt bao giờ cũng có sức mạnh hơn các thần tượng siêu hình.
Thứ đến là các cơ quan thực thi pháp luật. Sự xét xử và trừng phạt là biện pháp giáo dục mạnh để trấn áp tội phạm, răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Nhưng pháp luật chưa nghiêm minh, đặc biệt là xét xử không công bằng, ắt dẫn đến hiện tượng người dân không tâm phục khẩu phục. Tội phạm không cúi đầu hối cải mà tươi cười ngạo nghễ là một tác dụng ngược.
Không thể không nói đến tôn giáo khi đất nước ta có một lượng người tín ngưỡng rất lớn. Mục đích của tôn giáo hiển nhiên là giáo dục điều thiện. Nhưng tôn giáo lại tha hóa đến mức biến tín đồ thành kẻ cầu quan, cầu tài, cầu lộc, kể cả cầu bẻ cổ địch thủ thì chỉ làm gia tăng cái ác. Người lớn tin vào điều ác mà nhầm tưởng điều thiện là sự vô minh đã đến tột cùng, trách chi trẻ em tin vào Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền?
Khi người lớn toàn chạy đuổi vào dục vọng, thậm chí tôn thờ dục vọng thì nền tảng giáo dục gia đình ắt đổ vỡ. Khi cả guồng máy xã hội biến thành một trào lưu chạy theo tiền tài, danh vọng, đủ các loại chạy: chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu, chạy việc làm, chạy trường, chạy lớp, chạy điểm… thì còn được mấy gia đình giữ được gia phong để làm gương cho con trẻ?
Giáo dục trong nhà trường đóng vai trò quan trọng, nòng cốt, nhưng xét đến cùng chỉ là một phần trong cái hệ thống tầng tầng lớp lớp trên kia. Các nhà giáo dục quá chủ quan khi thiết kế một chương trình giáo dục toàn những điều to tát, tức cũng giáo điều, trong khi những giá trị làm người căn bản thì rất mờ nhạt. Giáo dục đạo đức mà không thực hành bằng sự điều chỉnh hành vi mà chỉ học bài trả bài thì chữ "trả" đã thực hiện đúng nghĩa của nó, người dạy tự học tập và làm theo hơn là bắt người học phải học tập và làm theo.
Cuối cùng, tôi trả lời câu hỏi mà không ít bạn thắc mắc. Rằng, lý do gì mà giới trẻ lại noi gương những "soái ca" bất hảo, trong khi có nhiều tấm gương sáng chói mà cả hệ thống giáo dục đã đưa vào trong nội dung giáo dục? Liệu những tấm gương ấy có vấn đề?
Theo tôi, những tấm gương đạo đức trong nội dung tuyên truyền, dạy học không có vấn đề gì. Lẽ nào tấm gương của thần thánh, Phật, Chúa trong tôn giáo, những lãnh tụ, những anh hùng trong lịch sử lại có vấn đề. Huyền thoại, tôn giáo là sản phẩm kiến tạo văn hóa, hiển nhiên luôn có tính hư cấu để tạo dựng niềm tin, tín ngưỡng, không ai đặt ra rằng đó là thật hay giả. Niềm tin chỉ đổ vỡ khi chính người trực tiếp tuyên truyền, dạy dỗ không đảm bảo tư cách.
Một nhà tu nhân danh Chúa, nhân danh Phật dạy điều tốt đẹp, nhưng đầy tham vọng, dục vọng, trước mắt tín đồ chỉ thực hiện hành vi trục lợi, buôn thần bán thánh, cưỡng dâm, hiếp dâm thì Phật hay Chúa chẳng đi vào trái tim của ai. Trong dân gian, một ông thầy cúng thất đức thì đã làm cho thánh thần mất thiêng, huống hồ là một tôn giáo chính tông.
Một nhà tuyên giáo, như trường hợp Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, lời lẽ thì nhân danh chủ nghĩa Marx, đạo đức - tư tưởng Hồ Chí Minh chụp mũ những tiếng nói chính trực, viết sách chống diễn biến, tự diễn biến, nhưng chính mình lại tham ô, hối lộ, phạm tội tày đình thì chính các ông là tấm gương tày liếp bôi nhọ vào những gương sáng mà cả hệ thống tuyên giáo đã gầy dựng nên.
Một nhà giáo, nhà văn, nhà báo hay một ông cha trong một gia đình, có mang hết bao nhiêu tấm gương đẹp đẽ trong quá khứ ra nhồi hết vào đầu người khác, nhưng chính mình lại tham lam, cơ hội, lưu manh, háo danh, háo sắc, ấu dâm, hiếp dâm, nói chung mọi tật xấu có đủ, thì giáo dục tự nó phản tác dụng.
Chung quy, chính tấm gương người dạy mới có tác động mạnh mẽ hơn những tấm gương trong sử sách. Người dạy thất đức thì những tấm gương đẹp đẽ trong sử sách ắt bị mang ra vẽ nhọ bôi hề.
Đổ lỗi kinh tế thị trường hay môi trường Internet ư? Chẳng lẽ Việt Nam ta mới có những thứ này hay sao? Cũng kinh tế thị trường và tự do Internet, nhưng các quốc gia văn minh đã thiết lập nên những giá trị mới cho chính môi trường cuộc sống hiện đại của họ. Trong khi chúng ta có kinh tế thị trường nhưng chưa có đạo đức kinh tế thị trường, chỉ có bạo lực và thôn tính theo chủ nghĩa tư bản hoang dã cá lớn nuốt cá bé. Trong khi chúng ta có tự do Internet nhưng tự do tùy tiện, tiếng nói chính trực thì bị vùi dập, bị đe dọa, còn những tiếng nói a dua, nịnh bợ, chụp mũ, vu khống thì lại được biểu dương. Có nghĩa là kinh tế thị trường hay Internet không có lỗi, chỉ là lỗi của cả hệ thống giáo dục đang trở thành vô giáo dục trong hoàn cảnh kinh tế và văn hóa mới.
Tóm lại, muốn giới trẻ không thần tượng Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền hay những "soái ca" khác, những nhà giáo dục hãy đứng cao hơn Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền đã. "Giáo đa thành oán", dạy đạo đức nhiều mà vô đạo đức, tức nói một đằng làm một nẻo, thì trẻ con sẽ oán hận hơn là tin tưởng để làm điều tốt.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào