NHÂN SỰ VIÊN TỊCH CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG TÌM HIỀU VỀ GIÁO HỘI THỐNG NHẤT VIỆT NAM. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (viết t...
NHÂN SỰ VIÊN TỊCH CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG TÌM HIỀU VỀ GIÁO HỘI THỐNG NHẤT VIỆT NAM.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (viết tắt là GHPGVNTN) là một trong những tổ chức Phật giáo tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Lịch sử thành lập
Giáo hội hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Vì chính sách nhiều người cho là ưu đãi Công giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, Phật tử miền Nam Việt Nam đã xuống đường đông đảo ủng hộ Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. Sự kiện Phật Đản năm 1963 khi Phật tử ở Huế khai trương cờ Phật giáo ngày 8 tháng 5 bất chấp lệnh cấm treo cờ là ngòi thuốc nổ cho một chuỗi xung đột liên tục giữa chính quyền và các hội đoàn Phật giáo. Nhiều vụ vây chùa và bắt bớ tăng ni xảy ra trong cơn "Pháp nạn". Đến ngày 11 tháng 6 thì Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách bất bình đẳng của chính phủ. Sự kiện này gây chấn động khắp trong và ngoài nước khiến chính phủ Ngô Đình Diệm bị mất tín nhiệm. Năm tháng sau phe quân nhân đảo chính. Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết.
Trong thời gian sôi động đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức khai sanh tháng 1 năm 1964 nhằm quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật giáo về một mối. Đại đa số các tổ chức Phật giáo miền Nam và miền Trung thuộc Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) lẫn Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) đều gia nhập Giáo hội. Chùa Ấn Quang tại Sài Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội.
Vì quan điểm trung lập chính trị, kêu gọi tái lập hòa bình tại Việt Nam, Giáo hội tuy được hoạt động đã gặp nhiều khó khăn với các chính phủ quân sự của tướng Nguyễn Khánh rồi Nguyễn Cao Kỳ trong những năm 1964-1967 và cả sau năm 1968 khi chiến tranh leo thang. Dù trong hoàn cảnh đó Giáo hội hoạt động mạnh trong cả hai lãnh vực Phật sự lẫn xã hội.
Sinh hoạt xã hội
Sinh hoạt dân sự của Giáo hội là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa Phật giáo Việt Nam trong tinh thần nhập thế. Trường Đại học Vạn Hạnh thành lập năm 1964 , nhà xuất bản Lá Bối cùng những trường trung tiểu học, cô nhi viện, bệnh xá và các tổ chức thanh thiếu niên Phật giáo là thành quả của Giáo hội. Tổ chức Gia đình Phật tử được đặt dưới quyền điều hành của Tổng vụ Thanh niên thuộc viện Hóa đạo.
Giáo hội cũng gửi đơn lên chính phủ cho thành lập lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam Nha tuyên úy Phật giáo để song hành với Nha tuyên úy Công giáo trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa .
Phân hóa
Ngay từ giữa thập niên 1960 Giáo hội đã có sự rạn nứt trong giới lãnh đạo. Hàng giáo phẩm ngả thành hai khối: "khối Ấn Quang" và "khối Việt Nam Quốc tự". Khối Ấn Quang (do Thượng tọa Thích Trí Quang và Đại đức Thích Nhất Hạnh lãnh đạo) có khuynh hướng thiên tả nên bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa thu hồi giấy phép . Khối Ấn Quang từ đó hoạt động quyết liệt hơn trong việc ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam . Khối Việt Nam Quốc tự do Hòa thượng Thích Tâm Châu chủ trương thì chọn đường lối đấu tranh ôn hòa hơn.
Thời kỳ 1975-1982
Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo hội bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tịch thu các cơ sở. Khối Ấn Quang mặc dù đã ủng hộ Mặt trận Giải phóng cũng không được chính quyền mới chiếu cố. Ngay từ cuối năm 1975 đã có những đụng độ giữa Giáo hội và chính quyền. Mười hai Phật tử và tăng ni đã tự thiêu ở chùa Dược Sư, Cần Thơ để phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo cùng những điều lệ bó buộc khác . Sang tháng 3 năm 1977 khi nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trưng dụng Cô nhi viện Quách Thị Trang, Giáo hội Thống nhất phản kháng mạnh mẽ kêu gọi Phật tử xuống đường phản đối. Viện Đại học Vạn Hạnh bị nhà nước buộc phải đóng cửa . Ban lãnh đạo Giáo hội có gửi thư đòi thực thi tự do tôn giáo thì chính phủ phản ứng với lệnh bắt giam sáu thành viên lãnh đạo, trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh. Để phản đối hành động "áp bức" này Hòa thượng Thích Đôn Hậu tuyên bố rút ra khỏi Mặt trận Tổ quốc và từ chức đại biểu Quốc hội .
Năm 1981, nhằm thống nhất các hệ phái Phật giáo, sau ba năm vận động chính phủ cho thành lập một tổ chức mới mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc. Theo "Hồ sơ Thống nhất Phật giáo" của Đỗ Trung Hiếu, đảng viên cán bộ được Ban Tôn giáo chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện việc hợp nhất Phật giáo thì Giáo hội mới sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số lãnh đạo của Giáo hội Thống nhất gia nhập tổ chức mới và trở thành lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới như Hòa thượng Thích Đôn Hậu (Tăng thống GHPGVNTN) làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật GHPGVN đến khi qua đời; Hòa thượng Thích Trí Thủ (Viện trưởng Viện hóa đạo GHPGVNTN) làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đến khi qua đời; Hòa thượng Thích Trí Tịnh (Phó viện trưởng Viện hóa đạo GHPGVNTN) làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, nay là Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Đệ nhất Phó pháp chủ GHPGVN.
Tuy nhiên đa số thành viên khác của Giáo hội Thống nhất không chấp nhận tổ chức GHPGVN và bị chính phủ ép giải tán nhưng không qua văn bản chính thức của chính phủ. Ban lãnh đạo Giáo hội bị quản thúc và trụ sở tại chùa Ấn Quang bị giải tỏa. Mất trụ sở và nhân sự Giáo hội Thống nhất ngưng hoạt động hoàn toàn.
Thời kỳ khôi phục
Bước sang thời kỳ Đổi Mới của thập niên 1990 tại Việt Nam, mặc dù Hòa thượng Thích Đôn Hậu lúc đó là Phó pháp chủ kiêm Giám Luật Hội đồng Chứng minh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhân danh Tăng thống trụ trì chùa Thiên Mụ của Giáo hội Thống nhất, ông hiệu triệu Phật tử Việt Nam toàn cầu khôi phục lại Giáo hội dưới hiến chương 1964 .
Hòa thượng Thích Huyền Quang tiếp nhiệm năm 1991 làm Xử lý Viện Tăng thống, năm 2003 được tôn là Đệ tứ Tăng thống lại càng phấn đấu để phục hoạt Giáo hội Thống nhất kể cả việc đối đầu với chính phủ .
Giáo hội đòi hỏi toàn quyền hoạt động ngoài sự chỉ đạo của chính phủ nhưng không được. Điển hình là tháng 5 năm 1994 khi giáo hội tổ chức cứu trợ đồng bào tỵ nạn bão lụt miền Tây thì chính quyền ra lệnh bắt phái đoàn gồm 60 tăng ni và 300 Phật tử. Trong vụ này Hòa thượng Thích Quảng Độ bị kết án năm năm, Thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban và cư sĩ Nhật Thường bị ba đến năm năm tù.
Vì đã mất cơ sở cũ, Giáo hội lấy tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, nơi trụ trì của Đức Tăng thống và thiền viện Thanh Minh ở Phú Nhuận, nơi trụ trì của Viện trưởng Viện Hóa đạo để điều hành sinh hoạt. Năm 2007 Giáo hội cũng đặt thêm Văn phòng II Hải ngoại tại Hoa Kỳ để điều hành nhiệm vụ ngoài nước . Trụ sở đặt ở chùa Điều Ngự thuộc thành phố Westminster, California.
Vào cuối năm 2007, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có sự chia rẽ và phân hóa sâu sắc sau Giáo chỉ số 9 và bản Thông bạch được cho là phát đi từ Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, tuy nhiên cho đến nay (11/2008) chưa có văn bản chính thức nào từ viện tăng thống và viện hóa đạo quốc nội công nhận những giáo chỉ và thông bạch trên thực sự có giá trị. Hiện nay tại hải ngoại, phản ứng của đa số tăng ni Phật tử cho rằng Giáo chỉ số 9 là tiếm xưng. Nội dung giáo chỉ số 9 và thông bạch xuất hiện vào năm 2007-2008 loại bỏ hầu hết tăng ni Phật tử hải ngoại ra khỏi giáo hội, chỉ còn một vài cơ sở như chùa Diệu Pháp tại California (Thích Viên Lý trụ trì), phòng thông tin Phật giáo quốc tế (do Võ Văn Ái làm giám đốc), chùa Như Lai Colorado (Thích Chánh Lạc), Chùa Pháp Vân (Thích Hộ Giác và Giác Đẳng) và Thích Thiện Tâm ở Canada. Hiện nay thành viên của giáo hội Phật giáo thống nhất trong cũng như ngoài nước đa số đều có gốc hoặc liên hệ đến chùa Di Đà Thập Tháp tại Bình Định và có khuynh hướng tông môn lãnh đạo hơn là giáo hội lãnh đạo, điều này có thể dể dàng nhận thấy qua danh sách thành viên giáo hội được công bố trong thời gian gần đây.
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào