NHỮNG NƯỚC CỜ TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ Tổ quốc Việt Nam đã trải qua bốn nghìn năm, bắt đầu từ đời Hùng Vương lập quốc với tên gọi Văn Lang,...
NHỮNG NƯỚC CỜ TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ
Tổ quốc Việt Nam đã trải qua bốn nghìn năm, bắt đầu từ đời Hùng Vương lập quốc với tên gọi Văn Lang, sau đó tên gọi được thay đổi qua từng triều đại để không ngoài mục đích là xây dựng một Quốc gia thịnh cường nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng của một dân tộc.
Trải qua nghìn năm Bắc thuộc cùng mưu đồ đồng hoá của một thứ văn hoá Bắc phương nhằm biến dân tộc Việt thành nô lệ của tư tưởng bành trướng đại Hán nhưng chúng đều thất bại dù cái thứ văn hoá Hán tộc ấy đã tìm cách chui sâu vào đời sống dân Việt bằng mọi thủ đoạn và dã tâm nhưng nền văn hoá bốn nghìn năm không vì thế mà mất đi do cha ông ta đã nhận thức sâu sắc nghĩa vụ của mình với hậu thế.
Trong cái bản sắc ấy, các bậc tiền nhân lấy tinh thần đoàn kết dân tộc làm chủ đạo mà xây dựng nếp sống cộng đồng để phát triển xã hội và gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ cho đến bây giờ mặc dù thế lực ngoại xâm luôn tìm mọi cách phá vỡ tinh thần đoàn kết đó hòng làm suy yếu một đất nước trong ván bài thôn tính của mình.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, một lần nữa lịch sử đã chứng minh tinh thần đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu để từ một dân tộc tay không mà làm nên những chiến thắng chấn động địa cầu và sau đó cả thế giới đã biết đến một quốc gia nhỏ bé cùng với từng bước trưởng thành sau những hy sinh, mất mát khủng khiếp.
Không riêng một ông vua nào, một đảng phái nào có thể làm nên lịch sử mà nó là sự đồng lòng, đồng sức và đồng hy sinh của cả một dân tộc với sự sáng suốt của đấng minh quân hay của tổ chức đảng phái nào đó khi họ biết cách tổng hợp sức mạnh dân tộc ấy bằng trước tiên là lòng yêu nước thương nòi thực sự của mình và giám hy sinh lợi ích cá nhân để tạo niềm tin, tinh thần đoàn kết mà tạo nên sức mạnh.
Đoàn kết nội bộ và đoàn kết toàn dân chính là quyết định sống còn cho quốc gia, dân tộc đó trước hoạ xâm lăng và ngay trong cả cuộc sống hoà bình và sự cường thịnh. Tuy nhiên không phải hoà bình đã có thái bình bởi khi một xã hội không đảm bảo kỷ cương và sự đoàn kết tất sẽ sinh rối loạn và suy yếu - đó là sự mong muốn nhất của các thế lực xâm lăng vì rằng thế lực ấy không thể thực hiện được ý đồ đối với một đất nước có sự đoàn kết từ trên xuống dưới để tạo nên sức mạnh.
Đất nước ta đang trong thời kỳ suy yếu, nó suy yếu không phải thiếu binh hùng tướng mạnh và ý chí quật cường mà nó suy yếu vì sự đoàn kết nội bộ của đảng phái cầm quyền đang bị phân rã bởi quyền lực và lợi ích nhóm cát cứ, nó suy yếu bởi lòng dân ly tán và lòng yêu nước của họ bị bóp nghẹt do chính thể chế cầm quyền đương nhiệm đã không ý thức rõ bạn và thù để từ đó coi những ý kiến phản biện là “thế lực chống phá”, “thế lực thù địch” hay “bị lợi dụng và bị xúi giục” mà có những hành xử mang tính bạo lực hòng đè bẹp những tư tưởng trái chiều mà giữ vị thế độc tôn trong vận hành đất nước.
Người dân không quan tâm chuyện đảng phái mà họ quan tâm đến chuyện đảng phái ấy đã, đang làm gì và họ đã được gì khi họ phải nuôi dưỡng đảng phái đó bằng chính lợi ích họ làm ra. Khi hệ thống Chính trị cầm quyền cân bằng được các giá trị vật chất, tinh thần trên phương diện bình đẳng và công bằng tất hệ thống đó đã tập hợp được sức mạnh ủng hộ của dân chúng và phát huy được sức mạnh cộng đồng, trái lại khi các giá trị vật chất và tinh thần bị lợi dụng để làm lợi ích cho phe nhóm tất họ sẽ tự chia rẽ nội bộ và làm mất dần lòng tin của dân chúng và đẩy họ sang thế phản kháng.
Khi người dân không có vũ khí là đao kiếm và súng đạn, vũ khí của họ duy nhất là ngôn ngữ, nhưng thứ vũ khí ấy không dùng để tấn công như những quy kết là “chống phá” mà chỉ là tự vệ và khi cái quyền tự vệ duy nhất bị tước đoạt một cách vô cớ thì tất nhiên là sự còn lại chỉ là phẫn nộ mà thôi.
Trước khi rời bỏ thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã một phần tiên đoán được những gì sẽ xảy ra với ĐCS Việt Nam sau khi “ngủ trên chiếc nôi vinh quang của chiến thắng” nên cụ đã nhắc nhở trong di chúc: “hãy giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, tuy nhiên lời nhắc nhở ấy không được các thế hệ sau thực hiện mặc dù nhiều năm ĐCS phát động phong trào “học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”!
Trên bàn cờ tướng mà hầu hết người Việt đều biết chơi, sự bố trí của các quân cờ phải thừa nhận rằng: đó là đỉnh cao của sự vi diệu. Ngoài sức mạnh công phá và linh hoạt của Xe và Pháo còn có sự biến hoá cực kỳ tinh xảo của quân Mã, sự bảo vệ thành trì vững chắc của Sĩ, Tượng và sự áp chế hiệu quả của Tốt sau khi quá giang nếu ván cờ đó đang đến giai đoạn tàn lụi để chuẩn bị cho bại thành bằng những bước đi cuối cùng. Một ván cờ không thể dẫn đến thắng nếu không biết sử dụng phương pháp công và thủ, những trận đánh nghi binh và những thủ pháp vu, hồi, lại càng khó thắng nếu người cầm quân bằng tư tưởng thí quân dù trước mắt có thể “lợi nước” hơn đối phương.
Bàn cờ Chính trị của đất nước đang trong giai đoạn cuối để quyết định thành bại, nói một cách khác là trên bàn cờ đã bị “thưa quân” bởi quan điểm “lợi nước” trước đó khi đang ở thế mạnh. “Người chơi cờ” đã quá đề cao sức mạnh công phá của Xe, Pháo nhưng quên sự vận hành đầy biến hoá của quân Mã, đã tin vào sức mạnh của Tượng bởi địa bàn hoạt động của tượng rộng hơn Sĩ, tuy nước đi của Sĩ chỉ là nước đi chéo nhưng lại có tác dụng “hộ thành” chắc chắn, linh hoạt hơn Tượng.
Sai lầm chết người khiến cho cuộc cờ sớm kết thúc “thảm bại” là sự quan sát thiếu tổng lược, không biết sử dụng triệt để sức mạnh công thủ của các quân cờ, không biết giữ quân để tạo thế mạnh mà chỉ lo “giữ tướng” và chống đỡ thụ động, sẵn sàng thí Tốt, Mã và coi thường sức hộ vệ tiềm ẩn của Sĩ.
Trước thế lực nội xâm đang lớn mạnh và thế lực ngoại xâm hơn hẳn mình cả cái đầu và thực lực quân sự lẫn kinh tế, đáng lẽ thay vì ĐCS Việt Nam phải củng cố sự đoàn kết nội bộ, từng bước xây dựng lòng tin để phát huy sự đoàn kết dân tộc thì họ lại vì quyền lực cần thâu tóm mà công kích nhau trên các diễn đàn và các công cụ truyền thông nhằm hạ uy tín nhau không ngoài mục đích củng cố vị thế, áo chế mạnh hơn những tiếng nói trái chiều hòng làm suy yếu hoặc triệt tiêu sức mạnh phản biện xã hội - có nghĩa họ tự phân rã nội bộ, chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, tự tách mình ra khỏi dân tộc dù đó là nền móng quyết định cho tồn vong của một chế độ.
Trong tình hình đất nước đang đứng trước những thách thức mang tính sống còn, với danh nghĩa là công dân hợp pháp đầy tính trách nhiệm, tôi kêu gọi ĐCS Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam hãy đặt vận mệnh Quốc gia, dân tộc lên trên tất cả, bằng mọi sự có thể hãy khép lại một quá khứ đáng đau buồn, hãy nhìn lại những gì đã qua để thành tâm sám hối trước lương tri và phẩm giá dân tộc, đặt lợi ích cá nhân vào lòng lợi ích chung, xoá bỏ mặc cảm trong quá khứ đang nặng những hận thù, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân đang ngự trị ở mỗi con người, tôn trọng quyền bình đẳng và quyền tự do vốn dĩ trong mọi nhu cầu chính đáng mà Công ước quốc tế về quyền con người đã quy định, cùng nhau phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc vì toàn vẹn lãnh thổ và một đất nước giầu mạnh, văn minh trong dân chủ thực sự!
Nguyễn Công Vỹ
Không có nhận xét nào