RẬN NHIỀU KHÔNG LO NGỨA Vậy là cuối cùng thì hai nhân vật chính của bàn cờ Hong Kong là Trump và Tập đã lên tiếng. Mượn báo chí là trung gia...
RẬN NHIỀU KHÔNG LO NGỨA
Vậy là cuối cùng thì hai nhân vật chính của bàn cờ Hong Kong là Trump và Tập đã lên tiếng. Mượn báo chí là trung gian để mở lời với nhau cũng là một cách đối thoại cần dùng để tránh chuyện thế giới hiểu lầm là hai bên đã đi đêm đàm phán riêng.
Vì yếu thế hơn và vì khác biệt múi giờ nên ta thấy báo chí đăng phát biểu của Tập trước. Ông Tập nói rằng “không muốn có chiến tranh thương mại nhưng sẵn sàng đáp trả nếu cần thiết”. Ta sẽ phân tích thông điệp này của ông Tập.
Trung Quốc dĩ nhiên không muốn chiến tranh thương mại nhưng ý này của ông Tập không chỉ nói với Mỹ mà còn nói với EU. Ván cờ Hong Kong ồn ào vừa qua cho thấy Tập thua. Thua vì cái bẫy Tập giao cho Carrie Lam (lúc gặp nhau ngày 5/11) giăng ra đã không sập như Tập muốn.
Sau khi đàn áp thì Hong Kong vẫn biểu tình nhưng làm Anh-Đức-Pháp xích lại gần nhau hơn. Đó cũng là lý do đến hôm nay bà Carrie Lam đã mềm lại, không còn kiên quyết bắt các sinh viên còn cố thủ trong trường đại học (để kháng chiến) phải đi ra đầu hàng sớm. Bà Carrie Lam phải mềm lại vì đảng CSTQ e ngại Anh-Pháp-Đức cứng rắn lên.
Tập không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ thì nó vẫn đang diễn ra. Như vậy cái Tập muốn là không để Trade War với EU phải diễn ra. Do đó phát biểu của Tập không chỉ để Trump nghe mà là để EU nghe nhiều hơn.
Với Mỹ thì Tập và đảng CSTQ như người nhiễm chấy rận. Đã ngứa ngáy vì đánh nhau với Mỹ quá rồi, thêm cái dự luật Hong Kong thì cũng chỉ ngứa thêm tý mà thôi. Nếu EU nhảy vào nữa thì cơn ngứa sẽ thành mối nguy là đảng CSTQ phải tẩy sạch và thay quần áo.
Ý thứ hai Tập nói “sẵn sàng đáp trả” không chỉ là để giữ thể diện mà cần coi là một hàm ý đe doạ về quân sự chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế thương mại. Kinh tế thì Trung Quốc không còn mấy dư địa để trả đũa Mỹ, thì bài toán quân sự sẽ được đặt ra.
Và hẳn nhiên câu này nói để tất cả thế giới cùng nghe. Đảng CSVN nghe sớm hơn nên mới có việc Bộ Quốc Phòng VN công bố “huy động tàu thuyền, sức mạnh tổng hợp để sẵn sàng bảo vệ biển đảo”.
Đảng em không hiểu sớm được ý của đảng anh thì còn ai vào đây.
Nếu Mỹ và phe đồng minh nhân sự kiện Hong Kong mà đánh hội đồng Trung Quốc thì rất có thể Tập sẽ động binh với Hong Kong (và có thể là Việt Nam, Đài Loan), đẩy tất cả vào thế kẹt. Mỹ muốn Tập xuống ghế, muốn đảng CSTQ thay đổi nhưng giải pháp quân sự là điều tồi tệ nhất. Không sợ đánh nhau khác với lao đầu vào đánh nhau.
Sau khi Tập phát biểu thì Trump đáp lời để Tập hiểu là Trump không coi thường Tập. Báo chí đăng Trump nói là “"Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập”. Đây là để đáp trả xác đáng thông điệp của Tập.
“Chúng ta” nghĩa là Mỹ sát cánh với Hong Kong. Nghĩa là Mỹ cần Hong Kong chứ không chỉ Hong Kong cần Mỹ. Lời phát biểu này vừa động viên Hong Kong vừa cảnh cáo Tập. Mỹ có lý do để nhanh chóng tỏ ra họ không bỏ rơi Hong Kong, đơn giản là vì nhiều nước lớn hơn Hong Kong một chút đang nhìn vào cuộc tình Mỹ-Hong Kong để tính toán số phận lẻ mọn của mình.
Đôi khi tôn trọng và chu đáo với một người tình đến trước sẽ khiến nhiều mối tình khác đến với ta vững bền hơn. Mỹ hiểu rõ điều đó hơn ai hết.
“Nhưng tôi cũng sát cánh với chủ tịch Tập” không chỉ là lời nói ngoại giao mà còn là điều quan trọng mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng phải làm khi tính toán ứng phó với Trung Quốc. Cuộc chiến Trung-Mỹ là cuộc chiến để thay đổi chứ không phải cuộc chiến tiêu diệt. Thế thì thống soái hai bên phải vừa đánh vừa đàm. Phải đánh để bên kia thay đổi và phải đàm để giữ con đường lùi, không để quá tầm kiểm soát.
“Sát cánh cùng chủ tịch Tập” không chỉ có nghĩa là đi đêm đi ngày với nhau mà còn để cản tay nhau khi cần. Đứng sát nhau thì mới chặn được bàn tay nhau đặt lên cò súng. Trump có lý do để đứng sát bàn tay của Tập. Tập vốn đi lên từ chính thể độc tài, thói quen nổ súng của Tập mạnh mẽ hơn Trump.
Như vậy thông điệp hai bên đã rõ. Điều tiếp theo Trump nói “không chắc ông có ký thông qua dự luật Hong Kong hay không”
Dự luật Hong Kong phải thông qua dù Trump có ký hay không vì đó là câu trả lời cho những giọt máu Hong Kong đã đổ đêm đàn áp. Tập thừa hiểu điều đó và miễn cưỡng chấp nhận được. Cái Tập muốn là EU phải để Trung Quốc yên. Nghĩa là dù Mỹ thông qua dự luật Hong Kong nhưng Trump phải tác động để EU không trừng phạt Trung Quốc khi Trump đi Anh vào đầu tháng 12 sắp đến. Trump đang cân nhắc là như vậy.
Cái Mỹ, Trump và phe đồng minh lo ngại không phải là không thể trừng phạt kinh tế Trung Quốc thêm nữa mà cái họ cần tính toán là đã sẵn sàng để kềm chế Trung Quốc về quân sự một khi đã ép Trung Quốc thêm về kinh tế. Do đó cái Trump tính toán lúc này không phải là dự luật, mà là sau dự luật Hong Kong thì nếu Trung Quốc tiến tới phản ứng mạnh bằng quân sự theo kiểu “vây Nguỵ cứu Triệu” thì Mỹ và đồng minh sẽ làm gì.
Đó là lý do Pompeo phải dọn đường trước ở NATO. Chúng ta thấy sau khi Pompeo dọn đường xong thì Trump và Tập mới phát ngôn. Nếu việc dọn đường của Pompeo ở NATO thuận lợi và suôn sẽ cho việc chuẩn bị quân sự với Trung Quốc (đủ để làm Trung Quốc e ngại) thì đích thân Trump sẽ ký dự luật Hong Kong để tổng thống Mỹ đầy đủ tư thế làm tổng tư lệnh tối cao.
Nếu hiệu quả của Pompeo thấp hơn Mỹ tính, Trump sẽ im lặng để dự luật tự động thông qua. Để Trump-Tập không đứt sợi dây đàm phán cuối cùng.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu kéo dài làm Tập và đảng CSTQ bị áp lực thời gian để tính toán. Ván cờ Hong Kong vừa qua để giăng bẫy phe đồng minh đã thất bại. Vậy Tập và đảng CSTQ sẽ tính toán điều gì tiếp theo ?
Dự luật thông qua mà có chữ ký của tổng bí thư Trump hay không sẽ thể hiện ý chí của Bộ chính trị NATO.
H.M
Không có nhận xét nào