TẠI SAO CÁC BẠN HONGKONG LẠI QUYẾT LIỆT NHƯ VẬY? Mấy ngày nay, tình hình Hongkong đã thực sự căng thẳng. Dù sao thì Trung cộng cũng ...
Mấy ngày nay, tình hình Hongkong đã thực sự căng thẳng. Dù sao thì Trung cộng cũng không thể nhượng bộ, khi các bạn Hongkong nhất quyết li khai ra khỏi Trung cộng. Còn các bạn Hongkong, thì cũng không thể chấp nhận sống dưới sự cai quản của Trung cộng.
Đây chắc chắn là cuộc chiến một mất một còn. Trong đó, Trung cộng có quyền lực, có bộ máy vũ trang, có đủ các thủ đoạn ác độc, chúng cũng không phải là kẻ coi trọng mạng sống con người, cho nên, khả năng việc cuộc đấu tranh của các bạn Hongkong sẽ bị dìm trong biển máu là rất rõ ràng.
Điều này có lẽ không mấy người là không nhìn thấy. Và tôi tin là các bạn Hongkong cũng nhìn thấy. Vậy thì tại sao các bạn vẫn cứ đấu tranh, vẫn cứ biểu tình, dù đã có những bạn phải bỏ mạng, dù sự trấn áp càng ngày càng gia tăng? Các bạn trẻ Hongkong có bị thế lực nào thúc đẩy? Hay các bạn bị điên tập thể?
Nếu điên tập thể với sự phát bệnh của hàng triệu người cùng lúc, thì điều đó chưa có y văn nào ghi nhận. Nhà cầm quyền Trung cộng không đến nỗi tệ trong công tác điều tra, vậy mà suốt bao nhiêu tháng qua, vẫn không tìm ra được thế lực nào đứng đằng sau các bạn trẻ Hongkong. Khả năng có thế lực nào đó xúi giục các bạn trẻ Hongkong gần như là không có.
Vậy thì tại sao các bạn trẻ Hongkong lại quyết liệt đến như vậy? Chỉ có thể nói rằng, họ đã được sinh ra, lớn lên trong một chế độ xã hội khác, họ được giáo dục bởi một nền giáo dục khác, và bây giờ, họ thấy nguy cơ đến rất gần, là họ sẽ phải sống như những người dân Trung quốc, dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung cộng độc tài. Họ không thể chấp nhận sống như vậy, nên nhất quyết đấu tranh, để không phải sống trong môi trường mà kể từ khi Hongkong trở về với Trung quốc, họ đã nhìn thấy rõ.
Gần như không có nơi nào trên thế giới có các yếu tố địa chính trị như của Hongkong, nên không ở đâu xảy ra cuộc đấu tranh một mất một còn như đang xảy ra ở Hongkong. Chỉ có hai nơi có nét giống với Hongkong, đó là miền Nam Việt nam hơn 40 năm trước, và nước Đức hồi cuối những năm 1980. Ở nước Đức, đã có một cái kết thật đẹp cho tự do và dân chủ.
Còn ở Việt nam, thì sự khác biệt giữa miền Nam Việt nam hồi những năm 1960, 1970 so với Hongkong hiện nay là rất lớn. Chính quyền ở miền Nam Việt nam hồi đó thực chất chẳng phải là tốt đẹp gì cho lắm. Tham nhũng tràn lan. Sự lệ thuộc vào Mỹ của nhà cầm quyền lớn đến mức, ngay cả khi Hoàng Sa bị Trung cộng xâm lăng, họ cũng không dám chiến đấu, dù lực lượng mạnh hơn, chỉ vì không được Mỹ ủng hộ.
Đó là chưa kể những tướng tá tham nhũng tới mức quay qua bán vũ khí cho Việt cộng, giúp họ tiêu diệt chính thể của mình. Điều đó đã làm cho nhiều người dân chán ngán nó, và đã đi theo phe “cách mạng”. Đến khi nhìn thấy sự thối nát của “bên thắng cuộc”, thì đã quá muộn.
Cho nên, dù có sống trong một môi trường có nhiều tự do hơn, có chút dễ thở hơn, nhưng người dân miền Nam Việt nam vẫn chưa được thấy cuộc sống văn minh, xã hội dân chủ thực sự là như thế nào, để mà có thể sẵn sàng đấu tranh cho nó, chiến đấu cho nó như các bạn trẻ Hongkong.
Có lẽ hơn 2 triệu người Việt nam đang sống ở các nước phát triển là có thể hiểu được suy nghĩ của các bạn Hongkong? Tôi thì cho là chỉ rất ít, thậm chí có thể là không ai cả. Đại đa số người Việt nam ở nước ngoài hiện nay, dù ra đi theo kiểu thuyền nhân, phi cơ nhân, thùng nhân… hay bất cứ con đường nào khác, đều có tâm thế tự coi mình là người Việt nam, và chỉ có Việt nam mới thật sự là quê hương. Họ chưa thực sự tự cho mình là người Mỹ, người Đức, người Úc, người Canada… để cảm nhận thật sự, là công dân của một nước tự do dân chủ là như thế nào.
Vì vậy, chẳng mấy ai hiểu được, và thông cảm với sự quyết liệt của các bạn Hongkong, kể cả ở Việt nam, nơi mà nhiều người nghĩ, sẽ có nhiều người hiểu, và thông cảm cho các bạn Hongkong với cuộc đấu tranh một mất một còn của họ.
Có người kêu gọi người Việt học tập Hongkong. Thật khó, vì chúng ta đâu có thấy cái xã hội tự do dân chủ ra sao. Đấy là chưa kể đến việc có thể lại bị ăn cái bánh vẽ, kiểu như CNXH, CNCS hồi đó.
Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào