BA DANH NHÂN BA LAN LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI Ở đây không đề cập tới Karol Wojtila (tức đức Giáo tông John Paul II), có dịp ghi chú thành một bà...
BA DANH NHÂN BA LAN LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Ở đây không đề cập tới Karol Wojtila (tức đức Giáo tông John Paul II), có dịp ghi chú thành một bài riêng.
I/ NỮ TU FAUSTINA KOWALSKA (1905-1938):
Bức linh ảnh Lòng thương xót Chúa", với dòng chữ "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa" (tiếng Ba Lan: "Jezu, ufam Tobie"), quá nổi tiếng và loan truyền toàn cầu. Nhưng trước đây, suốt 20 năm (1959-1978) lòng sùng kính bức linh ảnh bị CẤM ĐOÁN bởi chính giáo quyền Công giáo.
Bức linh ảnh gắn liền với thị kiến của nữ tu Faustina Kowalska gặp gỡ Chúa Jesus Christ trong một tu viện nhỏ bé. Sau đó đã nhờ một họa sĩ vẽ bức tranh "Lòng thương xót Chúa" dựa trên thị kiến của nữ tu Faustina (xem hình, cột trái).
... Ngày 6/3/1959 Bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra tuyên cáo cấm lưu hành "hình ảnh và những bài viết quảng bá sự sùng kính đối với Lòng thương xót của Chúa trong các hình thức do nữ tu Faustina đề xuất". Cũng theo tuyên cáo này, có những khó khăn đặt ra cho thần học như: thực hành một số hành vi sùng kính sẽ nhận được ơn tha thứ, mà không rõ liệu sự tha thứ sẽ được nhận trực tiếp hay thông qua việc tiếp nhận các bí tích. Ngoài ra giáo quyền e ngại nhiều người chú tâm quá mức vào vai trò của nữ tu Faustina trong truyền bá "Lòng thương xót Chúa".
Hai mươi năm sau, ngày 15/4/1978, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một tuyên cáo mới: hủy bỏ lệnh cấm trước đó - sau một tiến trình tìm hiểu kỹ lưỡng về hành trạng Đức tin và đạo đức của nữ tu Faustina.
Giữa lòng một thế giới đương đại với xu hướng sùng bái kiến thức, cùng với não trạng "giáo sĩ trị", đặt nặng giáo quyền thì việc tôn kính hình ảnh "Lòng thương xót Chúa" là một phương cách tạo cân bằng, và thúc đẩy tâm tình Đức tin đơn sơ mà kiên vững vô cùng!
Ngày 30/4/2000 Giáo hội Công giáo hoàn vũ đã tuyên Thánh đối với nữ tu Faustina.
II/ LINH MỤC JERZY POPIELUZSKO (1947-1984):
"Một con người / Sự thật / Thế giới thay đổi mãi mãi"
(One man / The Truth / The world changed forever)
Thập niên 80 trong thế kỷ XX, tại Ba Lan, Công đoàn Đoàn kết tổ chức đình công, đòi tăng lương, phản đối các chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội bất công; biểu tình chống độc tài và đòi dân chủ. Trong những ngày đó, Linh mục Popiełuszko đã được tòa Tổng giám mục Warsaw cử đến làm chỗ dựa tinh thần cho các công nhân theo như thỉnh nguyện của họ.
Linh mục Popiełuszko thường tham gia các vụ xử án để an ủi, nâng đỡ và khích lệ những người bị xử cũng như thân nhân; là điểm tựa cho chính những nạn nhân đó và cả gia đình của họ.
Linh mục Popiełuszko đã bị ám sát vào năm 1984 bởi Cơ quan Tình báo và An ninh nội địa Ba Lan. Cái chết của linh mục Popiełuszko đã gợi nên một nỗi thương tiếc, xúc động lớn trên toàn đất nước Ba Lan. Đã có khoảng 250.000 người tham dự thánh lễ an táng ngài.
Ngài được xem là tử vì đạo, và được Giáo hội Công giáo tuyên Chân phước vào ngày 6/6/2010.
III/ HỌA SĨ - TU SĨ ALBERT CHMIELOWSKI (1845-1916)
Theo học tại Học viện Nghệ thuật Munich vào năm 1870, và trở thành một họa sĩ Ba Lan nổi tiếng vào năm 1874. Các tác phẩm của Albert Chmielowski còn lưu lại đến nay gồm có 61 bức tranh sơn dầu, 22 bức tranh màu nước cùng nhiều bức ký họa khác. Trong đó có thể kể đến: "Sau cuộc đấu tay đôi", "Cô bé với một chú chó ", "Nghĩa trang", "Hoàng hôn"... và tác phẩm nổi tiếng nhất, "Ecce homo", hiện nay được trưng bày trong nhà nguyện của dòng "Tỉ muội Albertine" (Sisters of Albertine) ở Kraków.
Những trải nghiệm suy tư của Chmielowski gắn liền với mối quan tâm dành cho người nghèo, để rồi ông quyết định từ bỏ sự nghiệp hội họa để sống giữa những người "thấp cổ bé họng".
Ngày 25/8/1887, Chmielowski gia nhập "Dòng ba Francisco", trở thành tu sĩ. Công việc chính yếu là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.
Một năm sau, năm 1888, thành lập dòng "Tôi tớ người nghèo" (Servants of the Poor). Đến năm 1891, tham gia lập dòng dành cho các nữ tu "Tỉ muội Albertine", đảm nhiệm việc cung cấp thực phẩm và nơi ở cho những người vô gia cư, nghèo túng.
Tu sĩ Albert Chmielowski được tuyên Chân phước vào năm 1983. Sáu năm sau, ngài được tuyên Thánh.
Lúc sinh thời đức Giáo tông John Paul II cho biết:
"Tôi tìm thấy nơi ngài (Albert Chmielowski) sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để chọn lựa Ơn gọi tu hành".
Nguyễn Chương MT
Không có nhận xét nào