BÀN CỜ TRỘN LẪN GIỮA LUẬT PHÁP VỚI THỰC DỤNG CHÁNH TRỊ (Đài Loan, xét về pháp lý, vẫn có thể mơ "ngày trở về" với chiếc ghế thườn...
BÀN CỜ TRỘN LẪN GIỮA LUẬT PHÁP VỚI THỰC DỤNG CHÁNH TRỊ
(Đài Loan, xét về pháp lý, vẫn có thể mơ "ngày trở về" với chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ủa, là sao?)
Quí bạn dễ dàng đọc thấy trên mạng đoạn tiếng Việt như sau: "Năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được chọn để thế chỗ của Trung Hoa Dân Quốc theo Nghị quyết 2758 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc". Quí bạn có biết là đoạn "sử" này chỉ đúng có phân nửa hay không? Chỉ một nửa sự thật thì không hẳn là sự thật như bạn tưởng.
Bởi vì, nguyên văn Nghị quyết bằng Anh ngữ không giống hệt như đoạn tiếng Việt nêu trên!
1/ Trước hết, phải lướt qua lịch sử chút đỉnh cho có ngọn có nguồn. Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), với quốc kỳ mà bạn vẫn còn thấy tại Đài Loan hiện nay, là một trong "Big Four" thành viên SÁNG LẬP (the founding members) nên Liên Hiệp Quốc! "Big Four" gồm Mỹ, Liên bang Soviet, Anh và Trung Hoa Dân Quốc (không phải Pháp) đã soạn thảo ra Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và được phê chuẩn vào ngày 26/6/1945 (với số thành viên ban đầu là 50 quốc gia).
Trung Hoa Dân Quốc, cùng với Mỹ, Liên bang Soviet, Anh, rồi có thêm Pháp trở thành 5 Thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ ngay từ buổi ban đầu.
"Big Four" thành viên sáng lập LHQ gồm 4 quốc gia (Mỹ, Liên bang Soviet, Anh, Trung Hoa Dân Quốc) chớ người ta không ghi Roosevelt, Stalin, Churchill và Tưởng Giới Thạch - bởi vì tư cách thành viên trong định chế LHQ, cũng như Hội đồng Bảo an LHQ, là các QUỐC GIA (chớ không phải các cá nhân). Quí bạn lưu ý điểm này, có liên quan mật thiết với phần sau của bài viết.
2/ Trung Hoa Dân Quốc làm Thành viên thường trực HĐBA suốt 26 năm, qua hai giai đoạn liên tiếp: 1945- 1949 khi Trung Hoa Dân Quốc là thực thể trên toàn đại lục; 1950-1971 khi Trung Hoa Dân Quốc chỉ còn là thực thể tại Đài Loan, và cho dù chỉ còn sở hữu một lãnh thổ nhỏ bé nhưng Trung Hoa Dân Quốc (thủ đô Đài Bắc) vẫn nắm giữ một ghế thường trực tại HĐBA trong 21 năm nữa.
3/ Cho tới năm 1971, nghe như tiếng sét ngang tai, Đại hội đồng LHQ ra Nghị quyết 2758 vào ngày 25/10/1971, theo đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (People's Republic of China) - tức Trung Cộng - chiếm lấy chiếc ghế thường trực tại HĐBA. Kêu bằng đúng 50% trong đoạn tiếng Việt dẫn đầu bài viết này.
Còn 50% nào nữa? Có phải "... thế chỗ của Trung Hoa Dân Quốc"? Té ra không phải như vậy. Nguyên văn trong Nghị quyết 2758 không có đoạn nào trục xuất Trung Hoa Dân Quốc hết, mà chỉ là "trục xuất đại diện của Tưởng Giới Thạch" ("expel the representatives of Chiang Kai-shek") mà thôi.
Tại sao viết như vậy?
Bởi vì Trung Hoa Dân Quốc có mặt trong LHQ không với tư cách thành viên thông thường như mọi quốc gia khác, mà là THÀNH VIÊN SÁNG LẬP của LHQ. Bất luận một tổ chức nào nếu trục xuất thành viên sáng lập, tổ chức đó ắt xộc xệch nền tảng, nên không dễ dàng muốn "trục" là "trục" với nhiều trở ngại và hệ lụy trong pháp luật quốc tế.
Không thể trục xuất một quốc gia sáng lập, do đó chỉ có thể trục xuất một chế độ (ở đây là "chế độ Tưởng Giới Thạch"; lúc bấy giờ, năm 1971, Tưởng Giới Thạch vẫn đang cầm trịch tại Đài Loan cùng với sự thống trị độc tôn của Quốc Dân đảng là đảng của họ Tưởng).
4/ Việc đưa Bắc Kinh vô ngồi ghế thế chỗ "đại diện của chế độ Tưởng Giới Thạch" là một toan tính thực dụng chánh trị giữa các cường quốc với nhau (chuyện hậu trường giữa các chính khách chóp bu cho tới nay vẫn còn những bí mật).
Tuy nhiên, Washington cam kết bảo vệ Đài Loan giữ được thế đứng tự chủ, không để cho Bắc Kinh nuốt chửng.
5/ Đài Loan, tức Trung Hoa dân quốc, không bị trục xuất mà chỉ có chế độ Tưởng Giới Thạch bị trục xuất. Chế độ không đồng nhứt với quốc gia. Chế độ không phải là quốc gia.
Nếu tới một lúc nào đó thực lực CHND Trung Hoa (Bắc Kinh) suy yếu hẳn, xét về mặt pháp lý thì, lúc đó, lại dễ dàng để tiễn biệt CHND Trung Hoa khỏi chiếc ghế thường trực HĐBA.
Bởi vì, theo Nghị quyết 2758, Bắc Kinh được thế chỗ của "đại diện chế độ Tưởng Giới Thạch" ("the representatives of Chiang Kai-shek") chớ KHÔNG PHẢI thế chỗ đại diện của Trung Hoa Dân Quốc.
Mà chánh quyền hiện nay tại Đài Bắc, cũng như sau này, đều không còn / không phải là "đại diện của Tưởng Giới Thạch", thậm chí còn đối lập với Tưởng Giới Thạch (như đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đối lập với Quốc Dân đảng của họ Tưởng).
Do đó, xét về ngôn từ luật pháp, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hiện nay và sau này không nằm trong diện "trục xuất" (expel) theo Nghị quyết 2758, thành thử có thể ru giấc mơ hồi phục chiếc ghế thường trực của Trung Hoa Dân Quốc tại HĐBA.
Hết thảy, nói cho cùng, "ăn thua" ở tương quan thực lực giữa Washington với Bắc Kinh.
Nguyễn Chương Mt
Không có nhận xét nào