DÂN CHỦ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG ? Vậy là cuối cùng thì Hạ Viện Mỹ, đang do đảng Dân Chủ kiểm soát, đã mở phiên luận tội Trump để củng cố quyết tâm t...
DÂN CHỦ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG ?
Vậy là cuối cùng thì Hạ Viện Mỹ, đang do đảng Dân Chủ kiểm soát, đã mở phiên luận tội Trump để củng cố quyết tâm truy tố tổng thống Mỹ.
Các chi tiết về tính pháp lý, tính khả thi và tiến trình luận tội thì dư luận đã nói nhiều, nên tôi sẽ không nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói đến tính chính trị của vụ việc.
Sở dĩ có phiên luận tội hôm nay thì có nhiều lý do. Như các thế lực thân Trung Quốc tại Mỹ không muốn Trump làm tổng thống nữa, rồi lý do khác là nếu Trump thúc đẩy chính sách “hoà Nga” thì lợi ích của phe Do Thái tại Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng, rồi lý do khác nữa là có nhiều nghị sĩ không thích Trump...
Tất cả lý do nhỏ to chung riêng phe nhóm đó hội tụ lại với nhau là nguyên nhân dẫn đến phiên luận tội hôm nay.
Tuy nhiên tôi đánh giá nguyên nhân sâu xa nhất để phe luận tội đủ sức lôi kéo đảng Dân Chủ luận tội Trump là vấn đề Mỹ đang bối rối trong việc lựa chọn đối thủ. Bây giờ Mỹ đang thấy là Nga và Trung Quốc là đối thủ về an ninh quốc gia, còn an ninh kinh tế là Trung Quốc và Nhật, EU...
Nước Mỹ là cường quốc số 1 hiện nay, đó là điều không phải bàn cãi. Như vậy vấn đề bây giờ là Mỹ phải xác định quyết sách chính trị của họ với số 2 thế giới sẽ là như thế nào đây ? Đây chuyện rất khó với Mỹ.
Mỹ là một quốc gia dân chủ, mà nguyên tắc của dân chủ là tôn trọng số 2 và bồi dưỡng số 2. Nhưng đến khi Liên Xô hay Trung Quốc có thể đe doạ Mỹ thì Mỹ đánh. Chúng ta có thể lý luận là Mỹ đánh Liên Xô và Trung Quốc vì đó là độc tài đỏ. Thế nhưng khi Nhật vươn lên thành cường quốc số 2 về kinh tế thì Mỹ vẫn đánh Nhật về kinh tế. Như vậy vấn đề nằm ở đâu ?
Nhân loại luôn có xu hướng tiến lên các giá trị văn minh tốt đẹp và đạt được các thành tựu khoa học. Nước Mỹ có thể vượt trội các nước khác về khoa học và công nghệ, tuy nhiên ăn cắp và mô phỏng luôn đi nhanh hơn nghiên cứu và đổi mới. Thế thì vấn đề lớn trong tương lai mà Mỹ sẽ phải đối mặt là khoảng cách và sức mạnh của các quốc gia sẽ ngày càng tiệm cận lại gần nhau.
Số 2 của 20 năm nữa sẽ có khoảng cách sát với số 1 của 20 năm nữa hơn là số 2 hiện tại và số 1 hiện tại.
30 năm trước, khi Mỹ bao vây và làm Liên Xô tan rã, dù Mỹ và Liên Xô đều có vũ khí hạt nhân huỷ diệt nhưng nguy cơ chưa lớn như cuộc chiến Trung-Mỹ bây giờ. Bây giờ ngoài các diễn viên chính có hạt nhân ra, phần còn lại của thế giới cũng đã tua tủa hạt nhân. Như vậy khoảng cách về kinh tế và công nghệ của các quốc gia ngày càng thu ngắn lại.
Các bạn dù muốn Mỹ đánh Trung Quốc đến đâu, hẳn các bạn cũng sẽ lạnh mình nếu biết rằng mới đây (đầu tháng 12) các đại tướng quân đội TQ và Mỹ đã điện đàm tìm cách giảm nhẹ căng thẳng và tránh một cuộc đối đầu không mong muốn với nhau.
Chuyện Mỹ hôm nay phải lúng túng giữa Nga và Trung Quốc để rồi cuối cùng một tổng thống Mỹ phải đứng ra làm dê tế thần cho thấy chính Mỹ cũng đang mắc phải vấn đề về lý luận. Chống cả Nga lẫn Trung Quốc là một nước cờ mạo hiểm và nguy cơ thất bại rất cao. Nhưng chọn một đối thủ duy nhất lúc này và hoà hoãn với đối thủ kia cũng không làm toàn bộ những ngừoi yêu nước của Mỹ yên tâm.
Mà quy luật chính trị là một khi nội bộ không thuyết phục được nhau, không yên tâm về nhau thì sẽ có khe hở cho đối phương khai thác. Khe hở sẽ lớn hơn và dễ bị khoét sâu hơn khi phải chiến đấu với bên ngoài.
Như vậy sau chuyện Trump bị luận tội hôm nay, giới tinh hoa Mỹ sẽ phải viết lại lý luận về đồng minh và đối thủ. Như thế nào thì Mỹ sẽ gọi là đối thủ, hay Mỹ sẽ đánh bất kể đối thủ nào để luôn luôn thủ tiêu ghế số 2. Bởi vì nếu không làm rõ được điều này, bất kỳ tổng thống nào về sau cũng sẽ dễ dàng bị luận tội khi tổng thống đó bắt đầu tiến trình tấn công số 2 để giữ ngôi số 1 cho nước Mỹ.
Từng ngăn cản Nhật vươn lên về kinh tế để giờ đây quan hệ Nhật-Mỹ cũng tồn tại mâu thuẫn sâu xa. Từng bao vây làm tan rã Liên Xô để giờ đây có thêm đối thủ là Nga. Từ giờ về sau có thêm đối thủ là Trung Quốc. Cho là Mỹ sẽ thắng Trung Quốc, nhưng tiếp theo sẽ có thêm nước nào ? Đức, Pháp, Ấn Độ... chăng. Mới chỉ có Trung và Nga mà giờ Mỹ phải lúng túng về lý luận, thêm 2-3 nước nữa thì sao ?
Trump sẽ vượt qua phiên luận tội nhưng nhiệm kỳ tới đây Mỹ sẽ có “lý luận toàn cầu” mới là điều bắt buộc phải áp dụng ra.
Suy cho cùng, dân chủ cũng chỉ có thể là tương đối. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là “lý luận quốc gia” trong từng giai đoạn phát triển khác nhau.
H.M
Không có nhận xét nào