Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

DÂN CHỦ TRONG NỀN CHÁNH TRỊ MỸ - Kỳ 1: VÌ SAO PHẢI CẦN ĐẾN "ELECTORAL VOTE"?

DÂN CHỦ TRONG NỀN CHÁNH TRỊ MỸ  Bài dài, chia làm 2 kỳ.  Kỳ 1: VÌ SAO PHẢI CẦN ĐẾN "ELECTORAL VOTE"? Tạm thời tôi vẫn giữ ...

DÂN CHỦ TRONG NỀN CHÁNH TRỊ MỸ 
Bài dài, chia làm 2 kỳ. 
Kỳ 1: VÌ SAO PHẢI CẦN ĐẾN "ELECTORAL VOTE"?
Tạm thời tôi vẫn giữ nguyên văn "electoral vote" (mà chưa chuyển ngữ)
* Nền tảng bầu cử Tổng thống Mỹ, xin chú ý, là dựa vào phiếu PHỔ THÔNG (popular vote) theo qui trình kiểm phiếu phổ thông độc lập THEO BANG (state), chớ không kiểm phiếu phổ thông toàn quốc (each-state popular vote, not nationwide popular vote). Vậy, mắc giống gì lại cần đến "electoral vote" ở đây?
A/ Cấu trúc liên bang buộc nước Mỹ phải bảo đảm hài hòa giữa nguyên tắc BÌNH ĐẲNG với nguyên tắc HỢP LÝ:

A.1) Nên nhớ nước Mỹ là quốc gia hợp thành từ các bang (united states, gồm 50 bang) chớ không phải quốc gia đơn nhứt (như Pháp, Đại Hàn...); mỗi bang đều có thẩm quyền tự trị mà không trái với Hiến pháp liên bang, ví như những "tiểu quốc". Bất kể lớn nhỏ, các bang đều bình đẳng; nếu không tuân thủ nguyên tắc BÌNH ĐẲNG giữa các bang, nước Mỹ sẽ đối diện với nguy cơ phân rã.
Thành thử, mỗi bang dù lớn hay nhỏ đều bằng nhau về số Thượng nghị sĩ liên bang (Senate), qui định là 2.

A.2) Mặt khác, nếu "ngang vai phải lứa" ráo trọi thì sẽ không hợp lý giữa bang đông dân (đông cử tri) với bang ít dân (ít cử tri), cũng dẫn tới nguy cơ tan đàn xẻ nghé. Thành thử bang đông dân hơn sẽ phải được nhiều Dân biểu liên bang (House of Representatives), bang ít dân thì có ít Dân biểu.
Đông dân (đông cử tri) nhứt hiện nay là bang California có 55 Dân biểu liên bang. Bang ít dân như bang Alaska thì chỉ vỏn vẹn 1 Dân biểu liên bang.

A.3) Kết hợp giữa nguyên tắc "bình đẳng" (bảo đảm quyền lợi của thiểu số) với "hợp lý" (bảo đảm quyền lợi của đa số) đã tạo nên sự TỐI ƯU trong nền tảng dân chủ của nước Mỹ!
Tỉ dụ này cho dễ hình dung:
Nếu chỉ có tuân theo nguyên tắc "dân chủ cho đa số", bang California với 53 Dân biểu (trong liên bang) so với bang Alaska có 1 Dân biểu => California gấp 53 lần Alaska.
Nhưng, khi kết hợp với nguyên tắc "bình đẳng" để bảo đảm dân chủ cho cả thiểu số: bang California có 55 vị (53 dân biểu + 2 thượng nghị sĩ) so với bang Alaska có 3 vị (1 dân biểu + 2 thượng nghị sĩ) => California, lúc này, chỉ còn gấp 18 lần Alaska.
Thấy gì? Bang đông dân vẫn được giữ "quyền lực" cao hơn bang ít dân; nhưng đồng thời không còn quá chênh lệch, vị thế của bang ít dân được nâng lên (Alaska thay vì chỉ là 1/53 "quyền lực" thì giờ đây được nâng lên, thành 1/18 "quyền lực" khi so với California).

B/ Bây giờ, đi vào NỀN TẢNG POPULAR VOTE CỦA BẦU CỬ TÔNG THỐNG MỸ:
B.1) Luôn luôn nhớ rằng nước Mỹ là Liên bang, với 50 bang ví như "50 tiểu quốc" hợp thành. Do đó, nhằm thể hiện sự bình đẳng giữa các bang, cuộc bầu cử phải được tiến hành trong mỗi bang và phải kiểm phiếu độc lập theo từng bang!

Chẳng hạn, hồi bầu cử TT 2016, bang Texas ông Trump có nhiều popular votes hơn bà Hillary; còn bang New York thì bà Hillary nhiều popular votes hơn.
Quí bạn hãy thử hình dung nếu Texas, New York là những "quốc gia" riêng rẽ, đơn nhứt (như Pháp, Đại Hàn...): Ông Trump thắng cử tại Texas (vì được nhiều phiếu popular votes của dân hơn), tức ông Trump trở thành "tổng thống" của "nước" Texas. Cũng vậy, bà Hillary trở thành "tổng thống" của "nước" New York (vì được nhiều phiếu dân bầu hơn).

Nhưng, ngặt cái nước Mỹ gồm 50 bang lận. Không lẽ áp dụng cách thức ứng viên nào trở thành "tổng thống tiểu bang" được nhiều bang hơn thì trở thành Tổng thống của liên bang (tức Tổng thống Mỹ)? Đâu được! Bởi vì có bang đông dân, có bang ít dân. Vậy, phải "chấm điểm" mần răng?

B.2) Giải pháp được đưa ra: dùng electoral votes để "chấm điểm".
Quí bạn chú ý: Electoral votes từ đâu ra? SỐ LƯỢNG PHIẾU electoral votes được dựa trên SỐ LƯỢNG GHẾ thượng nghị sĩ + dân biểu liên bang mà mỗi bang được phân bổ. Như bang California có 55 ghế (2 ghế thượng nghị sĩ, 53 ghế dân biểu liên bang), bang Alaska có 3 ghế, bang Texas có 34 ghế, bang New York có 31 ghế...

Như đã phân tích ở phần A, việc phân bổ số ghế (thượng nghĩ sĩ, dân biểu) cho mỗi bang đem lại sự tối ưu của nền dân chủ Mỹ. Thành thử áp dụng "electoral vote" tương ứng với số ghế của từng bang là giải pháp hoàn toàn tối ưu.

Ông Trump thắng cử tại bang Texas (thắng bằng phiếu bầu của dân, popular votes), áp dụng cách thức "chấm điểm" theo electoral votes, vậy ông Trump được 34 phiếu electoral votes.
Bà Hillary thắng cử tại bang New York (thắng bằng popular votes), áp dụng cách thức "chấm điểm" theo electoral votes, vậy bà Hillary được 31 phiếu electoral votes.
Ai thắng cử tại bang Cali là lụm tới 55 phiếu electoral votes, còn thắng cử tại bang Alaska thì chỉ có 3 phiếu elecroral votes thôi... (*).

B.3) Quí bạn thấy gì? "Electoral votes" thuần túy là kỹ thuật qui đổi từ KẾT QUẢ ỨNG VIÊN NÀO THẮNG POPULAR VOTES TRONG TỪNG BANG!
Hồi bầu cử TT 2016, mỗi bang sau khi có kết quả kiểm phiếu dựa trên Ý NGUYỆN CỦA DÂN qua lá phiếu popular votes, NGAY LẬP TỨC - trên mạng trực tuyến (online) - hiện ra kết quả qui đổi thành số phiếu Electoral votes!

Bạn để ý: có ông thần, bà thần nào lúc đó từ trên trời rơi xuống chớp nhoáng gọi là bỏ phiếu giai đoạn kế tiếp không? KHÔNG. Hoàn toàn không có ông/bà đại cử tri nào bằng xương bằng thịt ráo trọi, không có "tai to mặt lớn" nào đi bầu thay cho dân, tước quyền chọn lựa của người dân hết ráo.

B.4) Ngay sau khi có kết quả QUI ĐỔI thành số phiếu electoral vote ở các bang, nếu ứng viên nào đạt được tổng cộng quá bán 270 electoral votes (tổng cộng toàn 50 bang và Đặc khu thủ đô là 538 phiếu electoral votes) thì, lại mời quí bạn chú ý, các cơ quan thông tấn quốc tế loan tin ai trở thành Tổng thống Mỹ cái rụp!

Tức là, không cần đợi tới họp hành/bỏ phiếu của "Electoral College" (giải thích ở phần C) gì ráo, chỉ cần có kết quả kiểm phiếu qui đổi "electoral votes" - gắn chặt tức thời với kết quả popular votes trong từng bang - và ứng viên nào đạt 270 electoral votes trở lên (mà không xảy ra kiện cáo đòi tái kiểm phiếu popular votes), là đã CHÍNH THỨC trở thành tân Tổng thống rồi đa!

Vậy, "Electoral College" là cái giống gì, hiểu sao mới đúng?
Mời đọc kỳ 2 để tỏ tường, đồng thời giải ảo những cách hiểu còn mập mờ về "dân chủ chánh trị".
-------------------------------------------------------------------
(*) Có 48 bang áp dụng nguyên tắc "winner takes all": người thắng cử popular votes trong bang, sẽ được "chấm điểm" là hưởng trọn số phiếu qui đổi "electoral votes" của bang! Còn 2 bang Maine và bang Nebraska áp dụng nguyên tắc "proportional representation" (đại diện theo tỷ lệ): chia số phiếu electoral votes theo tỉ lệ popular votes mà mỗi ứng viên có được trong bang.


Nguyễn Chương MT




Không có nhận xét nào