KHÔNG HỀ CÓ "DI SẢN (văn hóa phi vật thể) CỦA NHÂN LOẠI"! * Sở hữu di sản "văn hóa phi vật thể" là thuộc về cộng đồng / ...
KHÔNG HỀ CÓ "DI SẢN (văn hóa phi vật thể) CỦA NHÂN LOẠI"!
* Sở hữu di sản "văn hóa phi vật thể" là thuộc về cộng đồng / cá nhân, KHÔNG thuộc sở hữu của nhân loại, cũng không... của quốc gia luôn! Tại sao lại có sự cầm nhầm sở hữu ở đây?
1/ Ta nói, bấy lâu nay ở trong nước CHXHCN VN tuyên truyền nứt trời nứt đất là UNESCO công nhận ở VN có tới 12 "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" lận! (danh mục 12 di sản ghi cuối stt này). Dè đâu, mới đây, TS Frank Proschan (UNESCO) cho biết thuật ngữ "di sản văn hóa phi vật thể" được tuyên truyền... tại VN là: ĐÃ BỊ HIỂU SAI!
Theo Công ước năm 2003 của UNESCO, các di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi CỘNG ĐỒNG, NHÓM CÁ NHÂN và một số trường hợp là các CÁ NHÂN.
"Bởi vì nếu hiểu di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của quốc gia, của nhân loại thì quốc gia, nhân loại có quyền can thiệp. Thậm chí can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến QUYỀN CỦA CỘNG ĐỒNG sở hữu di sản, làm di sản trở nên méo mó" - TS Frank Proschan cho biết.
2/ TS Proschan nói vậy, về phía giới chức VN trả lời sao?
Bà Phạm Thị Thanh Hường, phụ trách chương trình Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho rằng việc sai lệch là do chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Quái, có mấy chữ mà dịch cũng không xuôi?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL), nói việc điều chỉnh thông tin trên trang web và các văn bản cần có thêm nhiều thời gian. Quái, thông báo cắt bỏ ba chữ "của nhân loại", dễ ợt, còn lại "Di sản văn hóa phi vật thể" là xong, chớ làm gì phải... nhiều thời gian - để ngâm dấm?
Trả lại quyền quyết định về di sản cho các cộng đồng, sao mà làm khó quá vậy!
3/ Ta nói, chẳng hạn trong số 12 di sản văn hóa phi vật thể, có đờn ca tài tử (cổ nhạc miền Nam) là thuộc sở hữu của các cộng đồng, các cá nhân, chớ không phải "của quốc gia" - để mần lễ hội lấy kinh phí mà làm như ban ơn cho nghệ nhân đờn ca tài tử không bằng!
Còn không gian cồng chiêng ở Tây nguyên? Quí bạn có biết, công sức tìm cách giữ gìn hồi cách đây mấy chục năm là cực khổ, suýt mất trắng nếu không nhờ người dân (dĩ nhiên) và - xin chú ý - đặc biệt có công sức của các linh mục dòng Chúa Cứu thế trong các plei (buôn làng) người Jrai...
Còn nhiều, nhiều chuyện tới giờ cười ra nước mắt, lẫn nước mắt xót xa nữa, trong nhiệt tâm gìn giữ không gian cồng chiêng.
Cái mà quí bạn thấy trên truyền hình chỉ là phần ngọn, là "hớt váng" trên công sức âm thầm từ mấy chục năm về trước...
Nguyễn Chương MT
----------------------------------------------------------------------
* 12 "Di sản văn hóa phi vật thể" được UNESCO công nhận:
1/ Nhã nhạc cung đình Huế, 2/ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, 3/ Ca trù, 4/ Dân ca Quan họ Bắc Ninh, 5/ Đờn ca tài tử miền Nam, 6/ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, 7/ Hội Gióng, 8/ Hát xoan Phú Thọ, 9/ Ví giặm Nghệ Tĩnh, 10/ Nghệ thuật Bài chòi duyên hải miền Trung, 11/ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, 12/ Nghi lễ và trò chơi kéo co.
Hình ảnh: Một ban đờn ca tài tử của cổ nhạc miền Nam hồi xưa;
Cồng chiêng trong lễ khánh thành Nhà thờ Plei Chuet của dòng Chúa Cứu thế (Pleiku)
Không có nhận xét nào