[ MẮT BIẾC - TIỂU THUYẾT ĐẦU ĐỜI CỦA KU BÚA ] Trên mạng thì quá nhiều bài phân tích về bộ phim này rồi. Cho nên đây xin không lặp lại mà chỉ...
[MẮT BIẾC - TIỂU THUYẾT ĐẦU ĐỜI CỦA KU BÚA] Trên mạng thì quá nhiều bài phân tích về bộ phim này rồi. Cho nên đây xin không lặp lại mà chỉ nói về cảm nghĩ cá nhân. Chắc rằng nhiều bạn cùng tuổi và thế hệ cũng sẽ có nhiều cảm nhận tương tự.
Mắt Biếc rất đặc biệt vì nó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tác giả bài viết này. Vì đã quá lâu rồi, có thể là hơn 13-15 năm rồi kể từ ngày đầu tiên đọc nó cho nên không nhớ rõ nhiều về cảm nghĩ ban đầu.
Vào năm học lớp 8 hay gì đó, tôi được người thân tặng vài cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Lúc đó vì chỉ đọc toàn truyện tranh cho nên có chút bực bội. “Sách gì mà toàn chữ, chỉ có chút hình ở trang bìa, ai mà thèm đọc?” Tôi đã từng nói như thế. Tôi để trên kệ sách vài tuần không đụng đến. Rồi một ngày khi không còn gì để làm, trong sự chán nản và lười biếng, tôi đã lấy đại một cuốn và đọc. Tình cờ, ngẫu nhiên, do sắp đặt hay có sự dìu dắt của bàn tay này đó, tôi đã chọn Mắt Biếc.
Lúc đó chẳng hiểu ‘Mắt Biếc’ là nghĩ gì, chỉ lựa nó vì thích tấm hình cậu nhóc và cô bé ở trang bìa. Rồi từ những dòng chữ đầu tiên, tôi đã đi vào thế giới của Ngạn. Tới bây giờ vẫn còn nhớ câu đầu tiên. “HỒI CÒN NHỎ, NHỎ XÍU, TÔI KHÔNG CÓ bạn gái. Suốt ngày tôi chỉ chơi với... mẹ tôi và bà nội tôi.”
Tôi không và chưa từng sống ở quê nên có nhiều thứ rất lạ lẫm. Giếng, bắt cá, ao và làng là những thứ được giới thiệu. Nhưng câu chuyện chính là suy nghĩ của một chàng trai đang yêu.
Ngạn là một cậu bé, Hà Lan thì cùng tuổi và học cùng lớp ở trường làng. Ngay từ ban đầu tôi cũng chẳng hiểu thằng nhóc Ngạn kia đang miêu tả cái gì. Rồi dần dần qua từng trang, khi tình cảm của anh chàng từ một cậu nhóc thành một thanh niên, nó biến thành sự si tình của tuổi mới lớn.
Có nhiều chi tiết trong tiểu thuyết khác với phim. Để tôi nhớ coi đúng không.
1. Trong truyện nếu tôi nhớ không lầm thì không có Hồng (vai diễn bởi Nguyễn Lâm Thảo Tâm). Đạo diễn đưa vào để cho mọi người thấy tình cảm dại khờ của Ngạn cho Hà Lan.
2. Dũng là con của cậu Ngạn, đang trốn lính.
3. Lúc Hà Lan tới Ngạn khóc và nói “Anh Dũng tệ quá” là cô ta đã biết mình có thai với Dũng.
4. Ngạn thì ban đầu sáng tác ra nhiều bài thơ, sau đó là nhạc vì si tình Hà Lan. Tôi chỉ nhớ một đoạn, “Có những lúc tôi ngỡ ngàng tự hỏi. Tại vì sao tôi lại yêu em. Khi mặt trời sắp lẫn vào đêm. Không gì cả sao lòng tôi lại nhớ.”
5. Cuối truyện thì Hà Lan kết hôn với người khác. Ngạn ra đi và gửi lá thư cho Trà Long, con gái Hà Lan.
Giờ quay lại cảm nghĩ. Tôi đã coi Mắt Biếc đến bốn lần. Có người khen và chê nhưng đối với một người hâm mộ cuốn truyện này thì đã làm thoả mãn sự chờ đợi quá lâu. Không hiểu vì sao người ta lại không làm sớm hơn thay vì sản xuất những bộ phim hài nhảm.
Mắt Biếc đã dạy tôi rất nhiều thứ. Để tôi kể cho nghe nhé.
Điều đầu tiên chính là tình yêu. Trong sách thì Ngạn chép bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính. Đó cũng là bài thơ tình đầu tiên mà tôi đọc. “Cô nhân tình bé của tôi ơi, tôi muốn môi co chỉ mìm cười.” Ban đầu nghe sến nhưng không biết từ lúc nào nó lại trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Lời thơ thật mềm dịu và đánh thức tư tưởng của một cậu bé mới lớn trong tôi.
Yêu là gì, tự nhiên làm thơ, rồi tương tư người khác - đó là tình yêu. Tôi chưa trải qua cảm giác như Ngạn nhưng câu truyện dù giả của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa biết bao chàng trai vào thế giới tình si.
Xếp sau tình yêu có lẽ là “Chuyện Đó.” Lúc đọc thì tôi không hiểu vì sao tự nhiên Hà Lan lại có bầu. “Nó uống thuốc hay bị gì vậy?” Tôi tự hỏi rồi sau đó mới bắt đầu tìm hiểu về giới tính. Nhiều chàng trai tìm hiểu về “Cái Đó” qua phim hay truyền miệng, còn tôi thì qua câu truyện Mắt Biếc.
Tiếp nữa là văn học Việt Nam. Nguyễn Nhật Ánh thật tài khi đã dùng cuốn sách để giới thiệu những tác phẩm về tình yêu cho bạn đọc. Bài “Ghen” của Nguyễn Bính, “Yêu” của Xuân Diệu hay “Mắt Biếc” của Ngô Thuỵ Miên. Đọc xong thì tôi bắt đầu tìm hiểu về thơ tình rồi mới biết đến Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa và Hồ Dzếnh từ các cuốn tiểu thuyết khác của cùng tác giả. Văn học Việt Nam đúng là hay thật.
Cuối cùng, khác với suy nghĩ của nhiều người, tác giả muốn dùng nhân vật Ngạn kèm với sự yếu đuối của anh ta để nói thầm với các chàng trai như sau. “Yêu là phải nói, đừng im lặng rồi chịu đau. Hãy chủ động nắm bắt cơ hội. Thà cho người ta biết còn hơn lặng lẽ bơ vơ sống với mối tình sầu.” Giống như câu của Xuân Diệu, “Yêu là chết ở trong lòng một ít.”
Đừng như Ngạn, anh ta yêu nhưng không nói, để rồi nhìn cô gái chịu đau khổ. Sao người bảo vệ Hà Lan không phải là Ngạn. Sao người chăm sóc cô gái kia không phải là bạn? Hãy yêu vì nó là một phần của cuộc đời và vị ngọt cũng như đắng cay của tuổi trẻ.
Nhờ những lời văn kia mà tôi thành con người lãng mạn. Bây giờ vẫn còn chút thơ mộng. Nguyễn Nhật Ánh và Mắt Biếc đã góp phần để tôi viết dòng này đến người đọc.
Xin cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh, Victor Vũ, các diễn viên trẻ và những cá nhân trong đoàn làm phim đã góp phần mang lại ký ức tình yêu của nhiều người, trong đó có tôi. [24.12.2019]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào