SAO ÔNG KHÔNG BÁN KHI ĐANG CÒN CHỨC? Cái tít bài này thuộc loại "hàng độc" của báo điện tử Người Đưa Tin viết về ông Đoàn Ngọc Hải...
SAO ÔNG KHÔNG BÁN KHI ĐANG CÒN CHỨC?
Cái tít bài này thuộc loại "hàng độc" của báo điện tử Người Đưa Tin viết về ông Đoàn Ngọc Hải, theo kiểu "Lỡ mai anh chết em có buồn không? Sao em không khóc khi anh còn sống..."
Chuyện ông Hải có nhiều góc nhìn, chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Đây cũng là môt góc nhìn khác.
Có lẽ giới showbiz phải tôn ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM) là bậc thầy về công nghệ lăng-xê và tạo hot trend trên báo chí và mạng xã hội. Lúc đương chức, ông đã từng là tâm điểm thu hút sự chú ý khi đeo đồng hồ tiền nhiều tỷ, cầm điện thoại siêu sang xuống đường “dẹp loạn vỉa hè” (và dẹp luôn cả kế sinh nhai không ít người nghèo), đập phá công trình vi phạm (và đập luôn cả những di sản mang giá trị lịch sử) một cách kiên quyết đến mức đôi khi… không cần theo quy định nào của pháp luật . Ông cũng từng gây chú ý khi xin nghỉ việc, rồi lại rút đơn xin nghỉ. Sau đó, ông được điều chuyển công tác đến một doanh nghiệp Nhà nước và một lần nữa ông lại xin nghỉ. Và lần này thì ông nghỉ thật. Chốn quan trường ông nhận không ít khen chê, trái chiều. Thậm chí là… rằng hay cũng thật là hay.
Tưởng ông nghỉ thì “sóng yên bể lặng”, ai dè ông “tái xuất” hoành tráng hơn với việc bất ngờ rao bán chiếc điện thoại Vertu và chiếc đồng hồ Patek Philippe mà ông vẫn luôn mang theo suốt “thời vang bóng” với mục đích “để làm từ thiện”. Hai thứ vật dụng cũ này (đã khấu hao sau nhiều năm sử dụng) được ông ước tính có giá trị trên 2 tỷ đồng khi rao bán.
“Tôi không sử dụng nữa. Sống càng đơn giản càng tốt. Thay vì xài điện thoại, đồng hồ xịn, tôi bán đi lấy tiền mua một căn nhà nhỏ trong hẻm cho những người vô gia cư có chỗ qua đêm miễn phí thì có ý nghĩa hơn”, ông Hải chia sẻ trên báo chí.
Hiện ông Hải đang nhờ một cửa hàng ở khu vực trung tâm TP.HCM bán hai vật dụng trên và ông mong muốn sẽ có khách hàng trả giá cao hơn khi biết “ông bán 2 vật dụng trên để làm từ thiện”.
Còn nhớ, hình ảnh uy quyền khi ông Hải chỉ tay, sai việc cấp dưới với chiếc đồng hồ hạng sang lấp lánh trị giá ngang một căn nhà hay đứng giữa đường nghe điện thoại Vertu sang chảnh đã từng khiến người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo thấy bất ngờ vì không hiểu với đồng lương công chức Nhà nước sao ông Phó chủ tịch quận lại “có điều kiện” chơi sang ngang với các đại gia như vậy?
Còn bất ngờ hơn khi chỉ vì đi tìm câu trả lời cho thắc mắc của người dân mà người viết bài này đã bị đích thân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hồi bấy giờ là ông Trương Minh Tuấn yêu cầu Ban Biên tập xử lý với hình thức rút thẻ nhà báo.
Hồi đó, khi ông Hải đang là “người hùng” được mạng xã hội tung hô, nhận được sự phản ánh của người dân, theo đề xuất của phóng viên, cơ quan đại diện phía Nam của bản báo đã gửi công văn đề nghị được phỏng vấn ông Hải về nguồn gốc của 2 vật dụng đắt tiền này. Thay vì nhận được sự trả lời, công văn gửi đến cá nhân ông Hải không hiểu sao ngay lập tức được phát tán lên mạng xã hội với hàng loạt bình luận lên án vì đã “xúc phạm” hình ảnh người hùng, đồng thời tòa soạn nhận được cơn lôi đình của ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Ông Tuấn chụp lại tin nhắn của ông Hải: “Em nhận được văn bản này và băn khoăn quá, không hiểu báo chí có quyền hạn như vậy không” gửi Ban Biên tập báo và kết luận: đây là hành vi xâm phạm đời tư, yêu cầu phải xử lý nghiêm và thu thẻ nhà báo của người gửi văn bản đề nghị phỏng vấn này ngay lập tức. Mặc dù Tòa soạn đã giải trình: tuy văn bản này có văn phong chưa thật chuẩn với hình thức quy phạm (do phóng viên trẻ soạn thảo, người ký lại sơ suất chưa hiệu chỉnh lại), nhưng nội dung chỉ đề nghị ông Hải cho phép phóng viên được gặp để phỏng vấn về nguồn gốc của chiếc đồng hồ và điện thoại siêu sang này, và liệu hai vật dụng này đã được ông Hải kê khai tài sản theo đúng quy định của luật Phòng chống tham nhũng hay chưa, nhưng ông Bộ trưởng vẫn kiên quyết yêu cầu Ban Biên tập phải “xử lý nghiêm và thu thẻ nhà báo ngay lập tức”.
Cuối cùng, để giải tỏa áp lực cho tờ báo trước cơn nóng giận bất thường của ông Bộ trưởng, người viết chấp nhận bị thu thẻ nhà báo với lý do tự ý gửi công văn cho ông Hải khi chưa xin phép cấp trên. Cũng cần nói thêm, sau khi người viết bài này bị thu thẻ nhà báo, những lúc ông Hải “xuống đường” chỉ đạo dẹp vỉa hè thì trên tay đã vắng bóng chiếc đồng hồ và điện thoại siêu sang vốn là vật “bất ly thân” của ông. Đâu đó trên mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin: hai vật dụng đó của ông Hải thực ra không đáng bao nhiêu tiền (?).
Có một sự trùng hợp tình cờ: Khi ông Đoàn Ngọc Hải công khai rao bán tài sản tiền tỷ được sử dụng lúc còn đương chức, thì trước tòa, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thú nhận đầy cay đắng: “Tôi rất xấu hổ với tội danh nhận hối lộ... Đây là nỗi nhục của chúng tôi”. Nhắc lại chuyện cũ không phải vì ông Bộ trưởng đã “ngã ngựa” và ông Phó chủ tịch quận đã trở về làm dân, mà chỉ vì cho đến bây giờ người viết vẫn băn khoăn về lời giải thích “đồng hồ và điện thoại xịn được người thân tặng” của ông Đoàn Ngọc Hải. Cũng giống như những lời giải thích về tài sản của một số quan chức khác kiểu như: “Tôi xây biệt phủ rộng hàng nghìn m2 là nhờ đi buôn chổi đót” hay “thời trẻ tôi chạy xe ôm, đi làm thuê, làm mướn”, lời giải thích của ông Hải mang tính… hài hước khá cao.
Phải nhìn nhận rằng, đọc những lời giải thích trên, mỗi người dân chắc hẳn đều cảm nhận một nỗi xót xa. Phải đến hôm nay, ông Đoàn Ngọc Hải mới nhận ra chân lý “sống càng đơn giản càng tốt”, điện thoại xịn, đồng hồ sang cũng chỉ là vật ngoài thân. Chân lý của ông Đoàn Ngọc Hải quả là đúng đắn, phù hợp ở thời điểm hiện nay, khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang được đẩy mạnh, không ít quan chức biến chất đang phải trả giá cho những sai phạm do không đứng vững được trước những cám dỗ của đồng tiền. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng, phải đến khi về làm thường dân thì ông Đoàn Ngọc Hải mới đúc kết được chân lý này.
Thời gian qua, hành vi tặng quà cho quan chức khiến dư luận rất quan tâm, bởi thực trạng này cần phải có biện pháp căn cơ để giải quyết thấu đáo. Về vấn đề này, một lãnh đạo cục Phòng chống tham nhũng từng thừa nhận trên báo chí: “Không kiểm soát được tài sản của người thân quan chức cũng là kẽ hở cho tham nhũng”.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong thời điểm này: Tại sao khi đang quyền chức thì ông Hải lại sử dụng đồng hồ, điện thoại hạng sang, chỉ đến khi về làm thường dân, ông mới nghĩ đến việc “sống càng đơn giản càng tốt”? Những tài sản trên, trong thời gian đương chức, ông Hải có kê khai theo đúng quy định của luật Phòng chống tham nhũng? Liệu rằng tài sản tiền tỷ này đúng như lời ông nói là “được người thân tặng” hay ai đó tặng?
Sao ông không bán những vật ngoài thân này để làm từ thiện khi đang còn chức,và khi chúng chưa bị hư hao qua thời gian sử dụng, thưa ông Đoàn Ngọc Hải? Khi đặt câu hỏi này, người viết đã được trả lại thẻ nhà báo và cũng vững tin rằng, tấm thẻ này mình xứng đáng được cầm, không chỉ vì ông Hải đã về làm dân và ông Tuấn thì đang đứng trước tòa, mà vì một chân lý đã tồn tại qua thời gian như một quy luật tất yếu : “Cái gì thuộc về Xê-da sẽ trả lại cho Xê-da”.
Huy Anh
Không có nhận xét nào