SEAGAMES: TỪ ĐÂY HÃY BƯỚC LÊN NGÔI SỐ 1 THỂ THAO ĐÔNG NAM Á 1. Nhiệt liệt chúc mừng Đoàn Thể Thao Việt Nam lần đầu tiên dành được ngôi vị số...
SEAGAMES: TỪ ĐÂY HÃY BƯỚC LÊN NGÔI SỐ 1 THỂ THAO ĐÔNG NAM Á
1. Nhiệt liệt chúc mừng Đoàn Thể Thao Việt Nam lần đầu tiên dành được ngôi vị số 1 ở Seagames 30 ( không tính nước chủ nhà). Trong 7 Seagames trước đó (23 – 29) vị trí này thuộc về Thái Lan.
2. Thắng lợi của Đoàn Thể Thao Việt Nam lần này rất thuyết phục. Trước hết là ở ngôi vị số 1 của Điền kinh – môn thi Olympic mà thước đo tính bằng đồng hồ điện tử (sòng phẳng và rất khó gian lận). Thứ 2 là lên ngôi số 1 về bóng đá cả nam lẫn nữ một cách rất hiển hách.
Chưa bao giờ Thể Thao Việt Nam có được một Seagames phấn khích như Seagames 30. Cảm ơn các vận động viên, ban huấn luyện cũng như cán bộ và lãnh đạo Đoàn Thể Thao Việt Nam. Biết rằng đây chỉ là thắng lợi ở mức khu vực, rất khiêm tốn, nhưng không thể không ghi nhận và khích lệ.
3. Tính theo bảng tổng sắp huy chương, chia trung bình tổng thể, và chia trung bình trên sân khách, Việt Nam vẫn còn kém hơn Thái Lan.
Cụ thể, thống kê số huy chương vàng 9 kỳ Seagames gần nhất từ Seagames 22 (2003) đến Seagames 30 (2019) - bỏ qua số lượng các nội dung thi đấu khác nhau - cho thấy Thái Lan đạt tổng thể 922 huy chương vàng, còn việt Nam đạt 775 huy chương vàng. Tính trung bình mỗi kỳ Seagames thì Thái Lan có 102,444 huy chương vàng, còn Việt Nam đạt 86,111 huy chương vàng.
Không tính nước chủ nhà, mà chỉ tính trên sân khách, thì số lượng huy chương vàng của Thái Lan là 739, còn của Việt Nam là 617. Tương ứng, số huy chương vàng trung bình mỗi kỳ Seagames trên sân khách của Thái Lan là 92,375, và của Việt Nam là 77,125. Bảng thống kê số lượng huy chương vàng của 11 nước Asean từ Seagames 22 (2003) – 30 (2019) được liệt kê trong ảnh kèm theo.
4. Việt Nam sẽ là chủ nhà Seagames 31 vào năm 2021. Việt Nam lại có cơ hội lớn nhất dành ngôi vị số 1, nhưng theo một cách sòng phẳng (fair play). Xin mạo muội đề xuất vài điểm để tham khảo.
4.1. Tất cả các môn Olympic với tất cả các phạm trù đã được đưa ra tranh huy chương trong các kỳ Seagames trước đây đều được đưa vào tranh tài ở Seagames 31 – ngoại trừ các môn Việt Nam thật sự không có khả năng tổ chức, chứ không phải Việt Nam không có khả năng tranh huy chương.
4.2. Khuyến khích duy trì các môn thể thao riêng của các nước Asean - đã được đưa vào trong các kỳ thi Seagames trước, mà có triển vọng phổ cập sâu rộng quốc tế - với số lượng các bộ huy chương hợp lý.
5. Theo dõi các vận động viên điền kinh, bơi lội, vật, bóng đá … của Việt Nam thi đấu tại Seagames 30, cảm nhận được rằng Việt Nam sẽ chiếm ngôi số 1 về thể thao Đông Nam Á từ đây, nếu tiếp tục được đầu tư đúng hướng.
Thể Thao là nơi đua tranh kiêu hãnh của mỗi quốc gia. Không thể không mất ngủ.
Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào