"TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?" Câu nói/hỏi của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn nguyên giá trị, nóng hôi hổi, khi mấy hôm nay phiên t...
"TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?"
Câu nói/hỏi của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn nguyên giá trị, nóng hôi hổi, khi mấy hôm nay phiên tòa xử băng nhóm tội phạm hè nhau chiếm đoạt ngân sách quốc gia.
Cũng đã có nhiều trường hợp, trước tòa, các tội phạm đã nộp lại tiền để được giảm án. Đó là những trường hợp vận đúng câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?".
Nhưng câu nói đó chỉ dành cho những trường hợp như vậy hoặc na ná như vậy. Riêng tôi, tôi chúa ghét ai hỏi tôi (hoặc hỏi người khác) câu đó khi thấy tôi (hoặc người khác) đang chăm chỉ làm việc.
Lý do:
- Người hỏi tôi nhiều tiền gấp nhiều lần tôi. Vậy sao họ không hỏi họ, mà khi thấy tôi chăm chỉ làm việc thì lại hỏi tôi câu đó?
- Tôi chả có tiền nhiều đâu, thậm chí một đời làm báo nghèo rớt, chẳng để dành được chỉ vàng. Tôi có làm việc quần quật cũng chỉ kiếm đủ tiền cho vợ đi chợ hoặc mua sắm đồ dùng thiết yếu, chẳng có dư dật gì đâu. Cho nên khi không biết tôi có tiền hay không, đừng nói với tôi câu đó, nó chỉ thể hiện bạn là người hồ đồ, không biết gì mà nói như thánh phán.
- Câu nói trên của ông Vũ, có ý nghĩa đại khái ông đánh giá những giá trị khác còn lớn hơn cả tiền bạc; chứ ông không hề khinh thường tiền bạc. Nếu chọn giữa 2 điều, sự tử tế và tiền bạc, thì ông chọn sự tử tế. Ông không muốn những thứ khác, chỉ vì tiền mà làm khuấy đảo các giá trị mà ông muốn và đang xây dựng, theo đuổi. Do đó ông trách vợ ông rằng bà ấy vì tiền để làm gì, mà để hôm nay vợ chồng đầu ấp tay gối mà phải ngồi trước tòa để tranh chấp và tổn thương danh dự.
- Làm người thì phải làm việc! Không làm việc thì không xứng đáng với những gì cuộc sống ban tặng, không hiểu được giá trị của cuộc sống.
Người ta làm việc nhiều, có khi làm quần quật, không chỉ đơn giản chỉ vì mục đích duy nhất là kiếm thật nhiều tiền mà thôi. Mà có khi họ làm vì muốn khám phá bản thân họ, hoặc là sự khẳng định qua việc thực hiện ý tưởng mới, chinh phục khó khăn, khẳng định bản lĩnh... Những điều này được chứng minh không chỉ là số tiền kiếm được bao nhiêu, mà còn là những vấn đề họ đạt được và vượt qua. Và như vậy, họ xác định được giá trị của họ không chỉ đơn giản là tiền.
Nhà văn có tác phẩm, nhà khoa học có phát minh, nhà nghiên cứu có công trình..., đó là giá trị của họ. Nói chung, thành quả lao động là giá trị. Tương tự như vậy, người làm thuê, người nông dân, anh công nhân... vẫn đều tạo ra giá trị, chính là hiệu quả năng suất chất lượng công việc. => Vậy thì người sản xuất, nhà buôn..., làm ra được sản phẩm (tốt), kiếm được nhiều tiền, đó là sự khẳng định giá trị của họ, chứ không phải họ chỉ biết tham tiền, mê tiền như ta nghĩ.
- Lao động còn là thái độ đối với cuộc sống, biết ơn cuộc sống. Ta yêu sự sống, sinh mạng của ta, ta luôn muốn cuộc sống của ta tốt đẹp, ta mong muốn cuộc sống đem lại cho ta sự thuận lợi, hạnh phúc... Tất cả những cái đó chỉ có được khi ta chăm chỉ làm việc mà thôi. Không có con đường nào khác đem lại hạnh phúc ngoài lao động đâu, kể cả được cho cục tiền, được nuôi ăn chơi như công tử..., cũng không đem lại hạnh phúc được đâu.
Cho nên, làm việc, lao động, là vừa để đem lại sự sống tốt đẹp cho chính ta, mà cũng là trả ơn cho cuộ sống này, thể hiện lòng biết ơn của ta đối với cuộc sống.
- Chỉ có làm việc và kiếm được nhiều tiền thì mới mong làm được điều gì đó giúp đỡ người khác. Chúng ta ngưỡng mộ ông Ba Đức khi ông ấy mời ông Park về làm HLV cho tuyển VN. Chính vì ông Ba Đức làm việc miệt mài và trở thành người giàu có, mới có điều kiện tuyển thiếu niên về, có tiền mời HLV đội Asenan sang dạy, mới có tiền trả cho ông Park. Nhờ đó ông đã đưa nền bóng đá VN tiến lên một bước.
Đấy, tiền nhiều là vậy đấy. Đừng chê tiền, đừng khinh tiền. Nó thực sự là một giá trị nếu nó được làm ra từ sức lao động chân chính. Chúng ta phải biết kính trọng người làm ra đồng tiền chân chính. Câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?" dành cho người làm việc chân chính, là câu hỏi không đúng chỗ. Người hỏi có vẻ thể hiện ta đây khinh rẻ tiền bạc, không ham tiền bạc, để khẳng định mình. Nhưng thực ra, đó chỉ là sự hợm mình hoặc có gì đó ghen tị khi không được như người đang làm việc chăm chỉ mà thôi.
Những người thấy người khác làm việc mà hỏi câu đó, chính là đi gieo rắc sự lười biếng cho người khác. Không có lao động thì không có phát triển, "làm biếng ngồi ăn lở núi non" (Nguyễn Trãi), thì chỉ kéo cuộc sống đi thụt lùi và đem lại nghèo đói, bất hạnh mà thôi.
Còn những người như ông Son, ông Tuấn, cùng nhiều ông bà khác đứng trước vành móng ngựa hôm nay, ta không cần hỏi họ câu này, mà có lẽ thời gian qua chính họ đã hỏi họ nhiều lắm.
Vy Dang
Không có nhận xét nào