Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỤ ÁN GA.TE-W.AY – GÓC NHÌN LUẬT SƯ (BÀI 1) KHỞI TỐ BỊ CAN NGUYỄN BÍCH QUY TỘI “VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI” ĐÃ ĐÚNG CHƯA?

VỤ ÁN GA.TE-W.AY – GÓC NHÌN LUẬT SƯ (BÀI 1) KHỞI TỐ BỊ CAN NGUYỄN BÍCH QUY TỘI “VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI” ĐÃ ĐÚNG CHƯA? Sau 04 tháng bị tạm giam ...

VỤ ÁN GA.TE-W.AY – GÓC NHÌN LUẬT SƯ (BÀI 1)
KHỞI TỐ BỊ CAN NGUYỄN BÍCH QUY TỘI “VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI” ĐÃ ĐÚNG CHƯA?
Sau 04 tháng bị tạm giam (thời hạn tối đa là 05 tháng trong giai đoạn điều tra, truy tố), ngày 26/12/2019 bà Nguyễn Bích Quy được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp khác. 
Đối với bị can Phiến và bị can Thúy chúng tôi chưa dám lạm bàn. Nhưng riêng đối với trường hợp của bị can Quy (là trường hợp bị khởi tố đầu tiên và cũng là trường hợp bị tạm giam duy nhất, đến nay chúng tôi vẫn giữ quan điểm việc tạm giam là trái luật) thì cần phải cân nhắc thật kỹ.
Theo các thông tin đã được công khai, sáng ngày 06/8/2019 (ngày thứ 2 bà Q làm việc), bà Quy cùng tài xế Phiến đón 13 HS theo danh sách được người của Công ty H đưa (trong danh sách có tên, địa chỉ, riêng tên lớp bằng tiếng nước ngoài, 13 cháu đón đến trường buổi sáng và 10 cháu đưa về nhà buổi chiều). Sau khi đón đủ 13 cháu đến cổng phụ của trường GW (gồm cả cháu L. mặc áo màu đỏ), bà Q mở cửa xe, các cháu tự xuống nhưng còn 02 cháu sinh đôi mới đi học khóc không chịu xuống, bà Q bước lên xe bế một cháu và dắt một cháu đi vào. Sau đó bà Q đóng cửa xe rồi đi vào nhà ăn tập thể. Tài xế Phiến lái xe đi đến Ký túc xá Học viện Báo chí & Tuyên truyền để xe, tắt máy, khóa xe và đi về. 
Từ trước khi chúng tôi được biết bà Q và nhận lời yêu cầu luật sư, qua báo chí đăng tải chúng tôi đã xác định một số vấn đề phát sinh như trách nhiệm của những người liên quan. Do đó khi bắt đầu tư vấn cho bà Q, chúng tôi đã tư vấn cho bà Q hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc (ngay từ bài viết đầu tiên của chúng tôi đã thể hiện). 
       Về tội danh bà Q bị truy tố, Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.
     Như vậy có thể thấy một người phạm tội “vô ý làm chết người” khi hành vi của người đó thỏa mãn các yếu tố sau:
    (1) Người đó phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, năng lực hành vi hình sự.
    (2) Hành vi của họ phải là hành vi làm chết người. 
    (3) Hậu quả của hành vi do họ gây ra là làm chết người.
    (4) Hành vi của người đó có lỗi vô ý. 
    Chúng tôi thấy rằng hành vi của bà Nguyễn Bích Quy không thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội phạm “Vô ý làm chết người”, việc truy tố bà Quy là chưa đủ căn cứ. Bởi:
    Thứ nhất, giả sử trong trường hợp bà Quy có lỗi không kiểm tra dẫn đến cháu L. bị bỏ quên trên xe, thì hành vi này không phải là hành vi làm chết người. Hậu quả cháu L. chết (giả sử chứng minh được cháu L. chết trên xe) không xuất phát từ hành vi của bà Quy. Cụ thể: 
   - Từ tình tiết vụ án cho thấy sau khi bà Quy xuống xe và đóng cửa xe, tài xế Phiến còn lái xe đi một đoạn gần 02 km đến Ký túc xá Học viện báo chí tuyên truyền. Tài xế Phiến tắt máy, xuống xe và khóa cửa tự động. Vậy, hành vi xuống xe, khóa cửa tự động của tài xế - người có trách nhiệm kiểm tra xe cuối cùng mới là hành vi dẫn đến việc bỏ quên thực sự một người ở trên xe, khiến họ không thể tự mở cửa. Hành vi của bà Quy và hành vi của tài xế Phiến là hai hành vi độc lập, mặc dù cùng bản chất là làm bỏ quên một hành khách trên xe, nhưng lại ở hai thời điểm khác nhau, cách nhau một khoảng thời gian tương đối dài.
   - Trong khoa học luật hình sự, tính nguy hiểm khách quan của tội phạm thể hiện qua việc tội phạm đã/đe dọa gây thiệt hại đến quan hệ pháp luật hình sự. Sự gây thiệt hại phải do hành vi khách quan gây ra, tức hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả đối với hành vi phạm tội. Mối quan hệ này được thể hiện ở nhiều mặt. Trong đó, hậu quả phải là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi. Trên thực tế, quan hệ nhân – quả giữa hành vi và hậu quả thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, có thể ở dạng một hành vi khách quan là nguyên nhân của hậu quả thiệt hại (quan hệ đơn trực tiếp) hoặc cũng có thể ở dạng nhiều hành vi cùng đóng vai trò là nguyên nhân, trong dó mỗi hành vi đều có khả năng thực tế trực tiếp làm phát sinh hậu quả (quan hệ kép trực tiếp).
   - Trở lại với Điều luật về tội “vô ý làm chết người”. Điều 128 BLHS quy định: “Người nào vô ý làm chết người, thì...”. Nghĩa là hành vi với sự vô ý của người đó phải làm chết người, phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người. Hành vi của bà Quy không chứa đựng khả năng thực tế chắc chắn sẽ làm chết người bởi nếu chỉ đóng cửa thì vẫn còn người có trách nhiệm phải kiểm tra nữa là tài xế. Việc chết người trên xe (nếu có) chỉ có thể xảy ra khi tài xế đóng, khóa cửa xe. Hay nói cách khác, việc đóng cửa xe của bà Quy không dẫn đến chết người, không gây ra tình trạng cửa xe bị khóa dẫn đến người trên xe không thể thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Điều này tương tự như việc đốt lửa sưởi ấm gây ra cháy rừng khác với việc đốt lửa ở gần khu rừng, sau đó có người mang lửa đó vào rừng làm cháy rừng vậy. Hoặc cùng là những người có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho mọi người trong một lễ hội có mổ động vật, chủ con dao đã để quên dao không cất đi, lại có người trong ban tổ chức đá con dao kênh lên làm cho người khác chót ngã vào gây thương tích vậy. Chúng ta xác định trách nhiệm của những người này ở các giai đoạn khác nhau, trong mối quan hệ khác nhau. Người đốt lửa không làm cháy rừng, người chủ con dao không đặt con dao ở vị trí có thể gây tai nạn.
     Thứ hai, bất cứ một tội phạm nào cũng phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp không chứng minh được đầy đủ các tình tiết, yếu tố cấu thành thì không được kết tội. Rõ ràng, bà Quy đã nhận trách nhiệm của một người đưa đón khi không cẩn thận đến mức tuyệt đối. Qua đây thể hiện lương tâm và sự cầu thị, hối hận của một người lớn đối với tính mạng của một trẻ em do mình có trách nhiệm đưa đón. Nhưng đây là trách nhiệm lương tâm, tình cảm của con người với con người. Còn việc kết tội về mặt hình sự thì phải đảm bảo đúng người, đúng tội, không phụ thuộc chỉ vào lời khai, lời thừa nhận của bị can.
      Thứ ba, các vấn đề cần chứng minh trong vụ án chưa được làm rõ. Về tố tụng còn nhiều sai sót. Trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự thuộc về các cơ quan tố tụng, do đó khi có tình tiết mâu thuẫn ảnh hưởng đến bản chất vấn đề thì các cơ quan tố tụng phải chứng minh được diễn biến khách quan, tức là chứng minh việc không thể xảy ra được tình huống khác trên thực tế.
    Trên đây là quan điểm cá nhân luật sư về vụ án, trên phương diện pháp lý. Liệu có khả năng trên thực tế xảy ra trường hợp cháu HS không chết trên xe hay không?
    Trong suốt quá trình tố tụng chúng tôi chưa bao giờ thể hiện quan điểm về việc bà Quy vô tội và không có trách nhiệm. Đến nay khi đã có Cáo trạng và có những đánh giá khách quan về vụ án mới có quan điểm. Ngoài các vấn đề về pháp lý nêu trên, thì theo chúng tôi vụ án còn rất nhiều các vấn đề khác phải chứng minh bởi lẽ theo quy định thì phải chứng minh đầy đủ các tình tiết mới được kết tội. Việc Viện kiểm sát cho bị can Quy tại ngoại khi thời hạn tối đa vẫn còn 01 tháng theo chúng tôi cũng đã thể hiện sự thận trọng và phù hợp với quy định. Rất mong vụ án được sáng tỏ, việc kết tội đúng người, đúng tội, vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đúng tinh thần nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đúng tinh thần rất tiến bộ của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự về kết tội trong hình sự.

Lê Minh





Không có nhận xét nào