BỎ NHẬU (8): PHÁP LUẬT KHÔNG BẢO VỆ SỨC KHỎE CỦA BẠN Cảnh sát giao thông, với công cụ pháp luật mới, có thể làm giảm thiểu tình trạng ...
BỎ NHẬU (8): PHÁP LUẬT KHÔNG BẢO VỆ SỨC KHỎE CỦA BẠN
Cảnh sát giao thông, với công cụ pháp luật mới, có thể làm giảm thiểu tình trạng lái xe mất an toàn hay nhậu nhẹt bê tha ở nhan nhản hàng quán. Nhưng sẽ không có một ai ngăn chặn sức tác động của rượu, bia ở bên trong cơ thể chúng ta.
Hôm rồi đi đám cưới ở một huyện. Thông tin nắm được là phía đàng trai đã hết hơn 100 lít rượu trắng cho ngày rước dâu. Riêng đám cưới chưa tính.
Việc mời nhau, ép nhau uống có thể giảm đi phần nào ở phố thị sau khi luật tăng mức phạt nồng độ cồn. Nhưng các vùng quê thì phải mất một độ trễ khá lớn để nó thực sự có tác dụng.
Trong các cuộc nhậu như thế, thông tin người này chết vì bệnh gan, thận, người kia bị tiểu đường nặng, người nọ đang điều trị gout... vẫn được nhắc tới. Tuy nhiên, có vẻ như không vì thế mà người ta không nhậu cho đến say. Thói quen đã ăn sâu rồi.
Thực ra, những người nghiện rất khó bỏ, và họ thường uống ở nhà. Phần lớn người nhậu hiện nay chủ yếu là ham vui hoặc bị ép.
Người nghiện uống nhiều là theo nhu cầu. Nhưng những người thụ động mà uống nhiều thì không đáng.
Dư luận ủng hộ mức phạt nặng vì nó sẽ giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông. Điều luật mới cũng có thể hạn chế kha khá lượng bia rượu được tiêu thụ. Nhưng chúng ta cần nhận thấy, tự giác bỏ nhậu là điều cần thiết hơn.
Nếu Chính phủ thực tâm muốn bảo vệ toàn dân thì cần đánh thuế thật nặng các thức uống có cồn, hạn chế tiếp cận bằng cách quy định điểm bán.
Trong khi rượu bia bán rẻ ở mọi nơi, kèm theo đó là các kho bạc mở cửa để đón lượng "nhậu hối" khủng từ mọi miền, sẽ là DẠI nếu cứ chuốc vào mình một thứ chứa đầy những BẤT LỢI.
Cũng chẳng cần bày mưu tính kế đối phó mần chi. Bỏ quách là xong.
Dẫu sao, chúng ta vẫn có thể thu xếp những giây phút thư giãn với bạn bè với một chút men đủ để tiêu hóa tốt và ngủ ngon ở những nơi đảm bảo an toàn.
Đoàn Quý Lâm
Không có nhận xét nào