Triết học bình dân : LÒNG TRẮC ẨN Bức ảnh một người phụ nữ chạy xe máy chèn lên cái mẹt đựng trái cây của một người nông dân bày trước cửa ...
Triết học bình dân :
LÒNG TRẮC ẨN
Bức ảnh một người phụ nữ chạy xe máy chèn lên cái mẹt đựng trái cây của một người nông dân bày trước cửa nhà mình cho thấy tính tàn nhẫn phổ biến trong xã hội nước ta, một xã hội thiếu vắng tình thương bởi lòng trắc ẩn đã không còn tồn tại.
Kinh khủng nữa, trước cái chết của một cụ già 84 tuổi, xin nhấn mạnh là đã 84 tuổi. Bị sát hại một cách dã man, bắn vào tim, vào đầu sau khi bị tra tấn, và mổ phanh xác sau khi đã chết. Một điều khó có thể chấp nhận ở một đất nước có đảng lãnh đạo tự nhận mình “đảng ta là đạo đức là văn minh”. Và, ghê tởm nữa là có những nhận xét (không phải là của cái hố cứt mang tên dư luận viên) mà của những người lạnh lùng, vô cảm nói rằng, ông cụ ấy đã 58 tuổi đảng, vẫn tin đảng đến cuối đời, vậy bị đảng giết cũng đáng đời.
Hai biểu hiện trên đều cho thấy cái ác đã lên ngôi trong xã hội này. Nó không còn là bình thường nữa rồi nếu chúng ta không tỉnh lại, không thấy trách nhiệm của mình.
Sự tàn ác ấy không phải là ngẫu nhiên mà có nguồn gốc. Hơn 70 năm trên miền Bắc, hơn 40 năm trên cả nước, tất cả các giá trị nhân từ trong xã hội đã bị loại bỏ một cách có phương pháp bằng bạo lực.
Trong những năm đầu tiên của các cuộc “cải cách xã hội”, nhân dân không được phép giúp đỡ đồng loại, giúp đỡ láng giềng bị chính quyền đối xử tàn tệ, gia đình và con cái của những nạn nhân bị tù đày không được che chở. Nhân dân phải ca tụng những bản án khắt khe là “nghiêm minh, đúng người đúng tội” thậm chí phải tham gia tố cáo đồng loại. Ngay cả lòng trắc ẩn đối với những người đó cũng bị cấm đoán. Những tình cảm na ná với lòng thương cũng bị nghi ngờ. Những người cộng sản cho rằng, tình thương dễ dẫn tới sự không tuân theo luật pháp, và với tình thương ngươi ta sẽ khó mà chấp nhận tố cáo người khác, chấp nhận làm mật vụ, chỉ điểm. “Tình thương cần phải bị tiêu diệt nếu đảng cần”- một người sáng lập tư tưởng của cộng sản đã nói như vậy.
Tại sao cái tư tưởng (cộng sản) ngoại lai ấy lại có thế bám rễ và sinh sôi nảy nở ở nước ta ? Vì dân trí thấp, vì là một dân tộc không có tư tưởng hay vì một bản năng hung ác nằm sâu trong máu, tuy chưa trở thành một căn tính dân tộc nhưng sẽ trỗi dậy khi gặp điều kiện ? Tôi không tin vậy, có những quốc gia bị coi là “nghèo nàn lạc hậu”, là dân trí thấp, có những dân tộc bị coi là hung bạo hoang dã nhưng họ đã không chọn cộng sản, có những quốc gia trong quá khứ từng đi xâm chiếm các nước khác, làm nhiều việc tàn ác nhưng rồi họ biết điều chỉnh và tiến tới văn minh.
Dân tộc Việt Nam phải chăng là nghèo nàn về tư tưởng ? Một dân tộc trên con đường di cư, bị kẻ thù săn đuổi đến nơi tận cùng thế giới, trước mặt là biển, sau lưng là giặc, phải chịu chết hoặc quật khởi và đã quật khởi. Cái hành động đầy tính triết học “Tuyệt xứ phùng sinh” ấy chẳng lẽ không nảy sinh ra một nền triết thuyết, một tư tưởng sao ? Nếu không có nó thì tại sao suốt ngàn năm Bắc thuộc tăm tối, chỉ cần có thời cơ trong phút chốc cả dân tộc đã đồng lòng quật khởi, Hai Bà Trưng, Ngô Vương Quyền nếu không có tư tưởng thì làm sao dẫn dắt cả một dân tộc chỉ một lời hiệu triệu mà trăm lòng như một. Các triều đại Việt Nam nếu không có tư tưởng thì 14 cuộc chiến tranh với kẻ thù hùng mạnh phương Bắc làm sao có kết quả là toàn thắng ? Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, những áng thiên cổ hùng văn làm say lòng người ấy không có tư tưởng sao ? Một câu ngắn ngủi : “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” không phải là một triết thuyết sao ? So sánh với cái câu danh ngôn tầm thường của ông Hồ Chí Minh copy “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được đảng nống lên thành tầm tư tưởng mà buồn cười, mà buồn cho cái sự suy tàn của tư tưởng nước nhà.
Một dân tộc không có (hoặc bị mất, hoặc bị chiếm đoạt) văn tự, sống ở vùng sông nước mưa lắm gió nhiều, sách vở khó mà bảo quản lâu dài thì những tư tưởng phải được cô đọng, đi qua con đường truyền khẩu nên phải dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người và quan trọng nhất là phải dễ hiểu, phải biểu đạt bằng thứ ngôn ngữ hàng ngày mà sau này các học giả với đôi chút khinh thị gọi nó là “ngôn ngữ bình dân”. Hành vi của con người không nằm ở tình huống đặc thù cá nhân hoặc ở những tư tưởng của một triết gia (dù triết gia rất cần cho xã hội) mà nó lan rộng, trải dài trong sự đa dạng rộng lớn của đời sống, trong môi trường tự nhiên và môi trường xã hội do con người tạo ra vì vậy muốn trưởng thành dân tộc đó phải có triết thuyết.
Nó không phải là tư tưởng vay mượn nguyên xi với những ngôn từ rối rắm, cao siêu xa lạ với dân tộc, bay lượn trên đầu chúng sinh không giúp gì cho đời sống thực tại.
Nó cũng không phải là việc xóa bỏ hết gốc rễ, dựng nên một ông Thánh có tư tưởng, một cha già dân tộc hướng dẫn dân chúng đi theo con đường duy nhất của ông ta. Nó dẫn đến những điều lố bịch (có chút ngây thơ) rằng ông Thánh đó khác con người nên một việc tự nhiên bình thường nhất của con người là lấy vợ sinh con cũng là một điều xúc phạm không thể chấp nhận, vậy nên Thánh không có vợ (nếu lại còn lắm vợ nhiều con nữa thì thật là ác mộng). Nhưng hỡi ôi, ông thánh ấy cũng đầy đủ thất tình lục dục như con người, thậm chí còn có những tham vọng to lớn hơn, việc ép buộc mình phải là thánh, việc bị “say sóng” trước những lời tán tụng, tung hô là bước đầu tiên dẫn đến dối trá và trượt vào tội ác. Ban đầu chỉ là che giấu bản thân tạo nên một bức màn thần bí xung quanh mình bằng những kỹ xảo, rồi giết cả những người thân của mình và tất nhiên để xây dựng một đế chế dựa trên dối trá và tội ác nó sẽ dùng cái ác để cai trị và cũng logic, cái hệ thống ấy vì là toàn trị nên nó phóng chiếu chính hình ảnh của mình lên toàn xã hội theo mọi chiều kích. Không có gì lạ khi nó tạo nên một dân tộc ích kỷ, tàn nhẫn, vô cảm tồn tại bằng mọi thủ đoạn, sẵn sàng giẫm đạp lên người khác để vượt lên. Một xã hội siêu thực dụng.
Phải làm gì ?
Không còn con đường nào khác, dù gian khổ, dù mất nhiều thời gian cũng phải đi, phải xây dựng tinh thần dân tộc từ hoang tàn đổ nát. Phải xây dựng lại tình thương, gầy lại lòng trắc ẩn vẫn còn đâu đó trong hồn Việt, từ những việc rất nhỏ. Một xã hội tử tế mới có một nền chính trị tử tế, không có điều ngược lại. Bây giờ không phải lúc đổ lỗi tại ai, suy cho cùng tất cả chúng ta đều có tội, tội đã chấp nhận sống chung cùng dối trá và tội ác và bằng muôn vàn lý do kể cả tự biện hộ cho mình chúng ta đã dần dần trở nên độc ác và dối trá.
Cứ đi, đừng băn khoăn bao giờ tới đích, đừng lo sợ cuộc đời ngắn ngủi của ta sẽ không thấy đoạn cuối con đường, đời người có là gì so với một tích tắc của lịch sử. Rồi sẽ thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, đó chẳng phải là “Tuyệt xứ phùng sinh” sao? Đừng cho đó là tuyệt lộ, là hết, là đất chết, hãy dũng cảm bước tới sẽ thấy đó là con đường sống. Nỗi sợ hãi mà biểu hiện ra bên ngoài là thái độ lãnh đạm vô cảm là vật cản lớn nhất, nhưng cũng dễ vượt nhất nếu ta dám.
Sự chia sẻ với nỗi đau thương Đồng Tâm, với cụ Lê Đình Kình không cho ta thấy rằng lòng trắc ẩn của dân Việt không chết, nó vẫn sống và sẽ sống dậy không gì cản nổi hay sao ?
Ngô Nhật Đăng
Không có nhận xét nào