NHÌN LẠI DỊCH EBOLA 2014 Ở TÂY PHI. Virus Ebola hoành hành ở 4 quốc gia châu Phi làm hơn 1.700 người nhiễm bệnh với 932 người tử vong, đe ...
NHÌN LẠI DỊCH EBOLA 2014 Ở TÂY PHI.
Virus Ebola hoành hành ở 4 quốc gia châu Phi làm hơn 1.700 người nhiễm bệnh với 932 người tử vong, đe dọa cả thế giới trước nguy cơ đại dịch.Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lây lan do tiếp xúc với người bệnh hoặc động vật nhiễm virus. Tỷ lệ tử vong của những người nhiễm bệnh ở mức cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus. Dịch Ebola bùng phát ở Guinea , sau đó lan ra tới các nước láng giềng khác ở Tây Phi như Liberia, Sierra Leone, Nigeria và Senegal. Sau đó, người ta tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Ebola tại Mỹ và các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Giai đoạn tiếp theo, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.
Sau khi các virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ sinh sôi rất nhanh trong tế bào. Virus sẽ bành trướng, nhiễm vào tề báo khác và lan rộng khắp cơ thể. Virus Ebola gây ra cục máu đông nhỏ trong mạch máu. Số lượng máu tụ tăng dần, gây tắc dòng máu mà cơ thể lưu thông để nuôi các cơ quan như gan, não, phổi, thận. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ bị chảy máu từ miệng, mắt, tai, mũi và vết hở trên da. Người bệnh sẽ chết do mất máu quá nhiều, suy thận..
Các quốc gia vùng dịch đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Riêng Liberia, nơi bệnh dịch được coi là tiến triển mạnh nhất, với 466 người chết, đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đến 6 giờ sáng.
Để tự vệ, một số nước láng giềng quyết định đóng cửa biên giới với các nước vùng dịch, bất chấp những tác hại rất lớn của quyết định này đối với bản thân nền kinh tế quốc gia, bất chấp khuyến cáo không cần ngăn chặn việc giao thông đi lại của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngày 14/08, Cameroun tuyên bố hoãn các chuyến bay từ bốn quốc gia bị dịch, gồm ba nước Tây Phi nói trên và Nigeria, quốc gia thứ tư bị dịch, nơi được ghi nhận có bốn trường hợp tử vong vì Ebola. Ngày 18/08, Cameroun quyết định đóng cửa 2.000 km biên giới với nước láng giềng Nigeria. Một số nước Châu Phi như Kenya, Tchad cũng đã có các quyết định tương tự.
Tại sao bệnh dịch lại bùng lên ở quy mô lớn ?
Trong cuộc tọa đàm với chương trình tạp chí Y tế của RFI, bác sĩ Daogo Sosthène Zombre, người phụ trách điều phối chống dịch Ebola tại Guinea của WHO, giải thích :
« Sở dĩ bệnh dịch đã phát triển đến tầm mức này là vì, trước hết phải nói rằng, lúc đầu các trường hợp mắc bệnh đầu tiên đã không được phát hiện ra. Những người bị bệnh nặng đã được để sống cộng đồng, khiến bệnh lây lan, thậm chí khiến nhiều người chết. Người bệnh không được phát hiện, để lây lan vi rút trong cộng đồng là nguyên nhân thứ nhất.
Tiếp theo đó, các dịch vụ y tế địa phương không có kinh nghiệm để đối phó, bởi vì đây là lần đầu tiên bệnh dịch lan đến khu vực này. Cũng phải nói rằng, hệ thống y tế của chúng tôi rất kém. Đây là một khu vực vừa trải qua chiến tranh. Hệ thống y tế hiện tại còn rất mong manh.
Bên cạnh đó, ứng xử của người dân cũng không làm cho mọi việc thuận lợi hơn. Vào một thời điểm nhất định, bệnh dịch đang có chiều chững lại, nhưng rồi lại bùng lên, do các ứng xử của người dân khiến cho ngành y tế không theo dõi được ‘‘các tiếp xúc’’. Mà chỉ cần một người bệnh sống trong cộng đồng cũng đủ khiến dịch lây lan trở lại ».
Tỷ lệ bác sĩ, y tá các nước vùng dịch bị thiệt mạng trong thời gian dịch Ebola là hết sức đáng ngại. Riêng tại Sierra Leone, 10% số người tử vong do Ebola là nhân viên ngành y tế. Tiếp theo bác sĩ Omar Khan, chuyên gia duy nhất của Sierra Leone về bệnh do vi rút qua đời cuối tháng 7, đến lượt Modupeh Cole, một bác sĩ nổi tiếng khác của Sierra Leone, mất ngày 14/08, cũng do vi rút hiểm ác Ebola. Tại Nigeria, trường hợp tử vong thứ năm là một bác sĩ, chăm sóc cho bệnh nhân bị Ebola đầu tiên từ Liberia trở về. Tình trạng này khiến các lực lượng y tế, vốn đã mỏng manh của các quốc gia vùng dịch càng trở nên yếu hơn.
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào