NHỚ ĐẾN Ý CHÍ CỦA NGƯỜI MIỀN NAM MỘT THỜI... * 45 năm dù bị mất tên, nhưng luôn sống trong tâm trí người dân! 1/ Đây kể chuyện hồi nẳm, hay ...
NHỚ ĐẾN Ý CHÍ CỦA NGƯỜI MIỀN NAM MỘT THỜI...
* 45 năm dù bị mất tên, nhưng luôn sống trong tâm trí người dân!
1/ Đây kể chuyện hồi nẳm, hay ơi là hay. Hồi năm 1907, tờ báo "Lục Tỉnh tân văn" ra đời, xuất bản tại Sài Gòn, viết bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán (六省新聞). Tờ báo do một người Pháp đứng tên về mặt pháp lý, kỳ thực do người Việt là Trần Chánh Chiếu điều hành hết ráo. Ông ngấm ngầm ủng hộ phong trào đòi độc lập.
Sao lại gọi "Lục tỉnh"? Là để nhắc tới "Nam Kỳ lục tỉnh" trước kia.
Quí bạn cần biết là vào lúc tờ báo ra đời, Nam Kỳ gồm tới 20 tỉnh lận (chưa kể thành phố Sài Gòn; 20 tỉnh là: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa; Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu).
Thêm dữ kiện vừa nêu, quí bạn (nhứt là các bạn trẻ tuổi) thêm hiểu rằng: Người Pháp khi thôn tính miền Nam, họ chia tỉnh, tăng lên số tỉnh cái rụp, làm gì có "lục tỉnh" (!) - mà hiện nay dám tuyên truyền láo lếu danh xưng "Nam Kỳ" là danh xưng dưới thời Pháp thuộc?
Vậy, Nam Kỳ vào thời nào mà chỉ có 6 tỉnh (lục tỉnh)? Là dưới thời Hoàng đế Minh Mạng, vào năm 1832 đã đặt ra danh xưng "NAM KỲ" 南 圻; chia thành 6 tỉnh (người miền Nam quen gọi "Nam Kỳ lục tỉnh" là vì vậy) (xem bản đồ đính kèm).
2/ Lãnh thổ này đã bị xâm chiếm vào năm 1862 (bị thôn tính 3 tỉnh miền Đông, sau đó vài năm chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây). Lực lượng chiếm đóng đã thay bằng tên mới (Cochinchine), tính cho đến lúc tờ báo "Lục tỉnh tân văn" ra đời (1907) là 45 năm "NAM KỲ" đã bị mất tên.
Nhưng, cho dù bị mất tên (thay bằng cách gọi mới của lực lượng chiếm đóng từ bên ngoài tràn vô) nhưng danh xưng NAM KỲ LỤC TỈNH luôn sống trong tâm trí người dân miền Nam!
3/ Hồi đó báo chí ở Nam Kỳ - nói nào ngay - được hưởng quyền tự do "ăn đứt" so với miền Bắc (những ai nghiên cứu đều biết sự thực này). Đó, đặt măng-sét báo là "Lục tỉnh tân văn", tức nhắc nhớ tới thời kỳ miền Nam còn sống trong thể chế cũ (lúc chỉ có 6 tỉnh), lúc miền Nam còn độc lập.
Vậy mà báo chí vẫn được tự do ra măng-sét như vậy, không bị bắt bẻ làm quái gì hết. Lực lượng cai trị hồi đó, may thay, họ có phép văn minh Tây phương để tôn trọng sự hoài nhớ của người miền Nam đối với thể chế cũ, ngay trên mặt báo.
Nguyễn Chương Mt
Không có nhận xét nào