TẾT NÀY CON CÓ VỀ KHÔNG? Hồi ba má tôi còn sống, cứ tới đầu tháng Chạp, ông bà lại điện qua hỏi, Tết này con có về không? Tôi luôn ng...
TẾT NÀY CON CÓ VỀ KHÔNG?
Hồi ba má tôi còn sống, cứ tới đầu tháng Chạp, ông bà lại điện qua hỏi, Tết này con có về không? Tôi luôn nghẹn lòng trước câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy.
Cuối năm, không khí lễ hội tràn ngập phố phường nước Mỹ. Lễ Tạ Ơn vừa xong đã thấy người ta bán cây thông Noel xanh thẫm; những vòng lá có trái thông nâu, chuông vàng và dải băng đỏ thắm được treo trên từng cột điện; hoa trạng nguyên phơn phớt đỏ trong văn phòng; hang đá, máng cỏ, Đức Mẹ đồng trinh, Chúa hài đồng nhấp nháy trong ánh đèn đêm rực rỡ. Đối với những người Việt xa quê, chưa lập gia đình, có lẽ đây là khoảng thời gian trơ trọi và lạc lõng nhất. Sống xa nhà, chẳng có đạo, những ngày lễ phương Tây dường như không thuộc về mình.
Noel vừa qua, đã thấy Tết Nguyên đán về ngang trước ngõ. Tết thường rơi vào tháng Một hoặc Hai dương lịch, là khoảng thời gian kinh khủng nhất của Maryland nói riêng và cả nước Mỹ nói chung, bởi nhiệt độ luôn nằm dưới 0, gió rít từng cơn rùng mình ê ẩm. Trận bão tuyết này chưa tan, trận khác đã dồn dập tới. Tuyết rơi cả đêm, dày hơn nửa thước. Xe chạy khắp đường cào xới, rải muối cho nó mau tan. Mọi thứ đen thui, dơ hầy chứ chẳng đẹp xinh như những gì mình thấy trong phim ảnh.
Nếu Tết rơi vào cuối tuần thì còn đi chùa, lễ Phật. Trong tuần thì đành chịu, bởi phải đi làm kiếm sống. Nếu có xin nghỉ cũng một hai bữa chứ nghỉ lâu lại thâm vô ngày phép. Tuy khu vực thủ đô Washington D.C. người Việt không đông như California hay Texas, nhưng mọi người vẫn tranh thủ làm một hai buổi chợ Tết vào cuối tuần để bà con mang hoa quả, bánh tét, mứt, củ kiệu, dưa hành tự làm tới bán. Thỉnh thoảng tôi đi tham dự, gặp những đứa trẻ sinh ra ở xứ người, xúng xính áo dài, khăn đóng, tươi cười hỉ hả, tự nhiên thấy nghẹn lời bởi xa xôi nhưng ấm áp chút hồn vía Việt. Trong góc chợ, vài cụ ông cụ bà đầu bạc trắng, đầy vết chân chim bởi những vất vả lo toan và nỗi nhớ nhà hằn trong suy nghĩ, nhờ con cái chở tới ngồi ôn cố tri tân. Bè bạn gặp nhau, mừng mừng tủi tủi bởi hội ngộ lần này rồi hổng biết sang năm còn có dịp thấy mặt nhau không? Chậu cúc đại đóa vàng ươm nằm gọn trong lòng bàn tay, hay cành đào hồng tươi rói (nói thiệt ở quê cho cũng chẳng thèm), thấy thương gì đâu. Có mắc gấp đôi gấp ba ngày thường cũng mua về chưng cho có mùi Tết. Đi ra, đi vô ngắm nghía đôi lần, chụp hình gửi về bên nhà khoe khoang, bên này cũng có cúc nè, thấy đã chưa? Hoa như đốm lửa sưởi ấm lòng người giữa mùa đông buốt giá.
Với ba má, bữa cơm cuối năm và ba ngày Tết luôn thiêng liêng, ấm cúng. Là lúc con cái tụ tập về chung tay chung chân, quên nợ nần bủa vây tứ phía, nấu bữa cơm với những món mỗi năm chỉ được ăn một đôi lần. Để rồi năm năm, mười năm, thậm chí hai mươi năm sau, cũng cúng y chang mấy món thơm mùi nhang, chỉ cần nghe thôi, đã biết trời sắp Tết. Sau rằm tháng Chạp, dù bận trăm công ngàn việc hay cuộc sống khổ nghèo, ba má luôn lo cho gia đình một cái Tết ấm êm. Ba lui cui sai hết thằng này dọn mạng nhện, quét vôi tường, tới đứa kia đi xin khế, hốt tro, kì cọ chân đèn sáng bóng. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội, sợ me sẽ ra nhớt, không để được lâu. Thêm vài kí kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy miếng thiếc bén ngón, lượn sóng như mái tôn, cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu làm dưa món. Chị mua thêm mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột đưa, thẩu bánh thửng về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách.
Nhiều lúc má than lưng tao dạo này yếu quá, ngồi lâu nó mỏi, nhưng vừa đưa ông Táo về trời, đã lo mua nếp về trữ đầy bồ, hai tám hối con ngâm nếp, rọc lá chuối, tuốt sống lá kĩ càng, lăng xăng ướp thịt mỡ với tiêu hành, vò đậu xanh, đậu phộng, sáng hai chín ngồi nửa ngày gói mấy chục đòn bánh tét. Nửa đêm, nhà chục người ngồi bên bếp lửa, nghe má kể đủ chuyện trên đời. Tờ mờ sáng, bánh chín đều, thơm khắp cùng làng ngõ xóm. Có năm, đêm ba mươi tụi tôi vẫn thao thức ngồi canh chị cọc cạch may cho cái áo. Xong cái nào, chị đưa cái nấy, mặc vào còn thơm mùi vải và dính cả phấn may. Tới sáng mồng một, cả nhà quây quần trước bàn thờ tổ tiên, bên chậu cúc vàng để ba má lì xì lấy lộc. Đâu có nhiều nhỏi chi đâu, vài trăm bạc tới một ngàn, nhưng thích lắm. Tiền mà.
Hai mươi mấy năm dâu bể, tất cả đã trở thành một kí ức ấm êm không bao giờ tìm lại được. Tôi nhỏ nhất nhà giờ đã ba mươi ba. Ba má đã nương gió, cỡi mây ra, một lần đi không hẹn ngày trở lại. Anh chị ai cũng có cuộc sống riêng tư. Mạnh đứa nào đứa nấy xa nhà, có vợ, có chồng, sanh con đẻ cái, mấy khi có dịp ngồi nhắc lại chuyện ngày xưa?
Tôi vẫn giữ thói quen cúng kiếng học từ ba má. Chiều ba mươi tranh thủ về sớm, ghé chợ mua ít thịt thà rau củ, chưng mâm ngũ quả gồm dưa hấu, chuối, quýt, táo hay bất cứ trái cây gì miễn đủ... năm loại, với chậu cúc vàng. Xuống bếp, lui cui nấu mâm cơm mời ông bà về ăn tất niên với con cháu. Bữa cơm xứ người không có gì đặc sắc, toàn những món đạm bạc, quê mùa. Đòn bánh tét đậu phộng khô rôm bởi nạc nhiều hơn mỡ, thịt ba chỉ thưng vàng, khổ qua xào trứng, canh bún tàu với lòng gà, thêm dĩa rau sống, củ kiệu, mắm ớt tỏi và ít chén cơm. Có năm tôi cũng ráng làm một xoong măng khô hầm thịt vịt. Chỉ có điều vịt mỡ dữ quá nên không dám ăn vì sợ cao huyết áp. Nhang tàn, ngồi chờ anh chị đi làm về ăn mà ngẹn ngào quá đỗi. Đó là thời điểm duy nhất trong năm tụi tôi được ăn cơm chung, khi mỗi người đều có công ăn việc làm, thời giờ khác biệt. Bữa nào về tới nhà cũng mệt quá, mỗi đứa một tô, chui vô phòng sống cùng… laptop.
Bữa tất niên không khói lam chiều, không tiếng nói cười sai bảo, chỉ mỗi mình mình đối diện với chính mình. Ngước lên bàn thờ nhìn hình ba má, nghe nghèn nghẹn trong lòng, chợt nghĩ tới món nợ sum vầy ngày ra đi đã trót hứa trót vay, dẫu biết rằng chẳng bao giờ trả nổi.
Tôi ráng thức tới giao thừa, bày ít bánh mứt ra cúng Phật, mong một năm mới nhiều sức khỏe, bình an. Gọi về nhà, chúc vài lời cho ấm lòng rồi đi ngủ. Sáng mồng một dậy sớm, thay nước, thắp nhang, bày bánh mứt ra mời tổ tiên. Chờ nhang tàn mới lủi thủi đi làm. Chiều tranh thủ về sớm, ghé chùa thắp mấy nén nhang cho lòng thanh tịnh. Rồi cứ thế, sáng mồng hai, mồng ba, mồng bốn, tôi dậy sớm cúng kiếng, đóng cửa đi làm, lủi thủi ra về trong gió lạnh. Thường thường thì trưa mồng ba mọi người đã nấu cơm cúng tiễn ông bà, nhưng tôi cố gắng kéo dài tới chiều mồng bốn. Bởi muốn níu kéo chút không khí Tết, muốn mỗi sáng thức dậy được nhìn mâm ngũ quả (dù lúc này đã héo queo), ngửi mùi nhang trầm thơm ngát, thay vì cái bàn thờ trống huơ trống hoắc thấy thương.
Tháng ngày trôi nhanh như gió. Một cái Tết, ba cái Tết, năm cái Tết, n cái Tết trôi qua, không dám ngoái đầu nhìn lại. Tự an ủi mình, vì tương lai, công việc đành ở lại đây bon chen kiếm sống, chứ mấy ai muốn xa nhà vào thời khắc thiêng liêng và ấm áp này đâu. Thôi thì hẹn lần, hẹn lựa, năm sau sẽ về. Tới năm sau lại hẹn năm sau nữa sẽ về để đi chợ sắm đồ, mua cúc, mua mai chưng đầy trước ngõ. Hứa vậy thôi chứ hổng biết Tết năm tới có thu xếp về được hay không? Có trời mới biết.
Giữa những ngày miệt mài miên viễn, lấy nước Mỹ làm nhà, Ninh Hòa trở thành miền nhớ khôn nguôi, khi chuyện muốn đi – muốn về chỉ gói gọn trong hai từ “mong” và “muốn”, mỗi khi trời bắt đầu trở lạnh, cây lá trơ cành, lại thèm có ai đó gọi qua thầm thì hỏi, Tết này con có về không?
Hugh Huynh
Không có nhận xét nào