[ VIRUS CORONA VÀ KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN - VÌ SAO DÂN VIỆT HOANG MANG ] Khi virus Corona biến mình từ một vấn đề riêng ở thành phố Vũ Hán và l...
[VIRUS CORONA VÀ KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN - VÌ SAO DÂN VIỆT HOANG MANG] Khi virus Corona biến mình từ một vấn đề riêng ở thành phố Vũ Hán và lan rộng toàn thế giới, nó khiến dân chúng khắp nơi lo sợ. Các chính phủ có công dân ở nơi bị ảnh hưởng làm tất cả có thể để đưa ra khỏi vùng cách ly đến nơi an toàn. Ở các cửa khẩu và sân bay, người đi lại phải được kiểm tra để coi có dấu hiệu bị nhiễm không. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở mức kiểm soát và siết chặt.
Các quốc gia gửi nhân sự chuyên gia, dụng cụ y tế và viện trợ đến Trung Quốc để hỗ trợ người dân đang gặp nạn cho dù quan điểm chính trị có thể bất đồng. Trong mắt họ, đây là thảm hoạ của nhân loại chứ không phân biệt quốc tịch hay biên giới. Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, nếu không đọc báo thì có lẽ cũng khó mà biết chuyện.
Tử tế nhất có lẽ là Thái Lan, nơi tiếp đón hơn 10 triệu du khách Trung Quốc mỗi năm. Gần như không có sự kỳ thị hoặc hỗn loạn nào. Người dân tuy e ngại nhưng tự tin rằng chính phủ của họ sẽ làm tròn trách nhiệm để hạn chế hoặc ngăn chặn virus Corona. Dù trong khủng hoảng, họ vẫn đón nhận du khách tứ phương đến.
Nhưng ở Việt Nam thì mọi chuyện lại khác.
Thay vì có sự trật tự thì đang có một sự hỗn loạn ngầm. Bạn sẽ không biết hoặc nhận ra điều này ở ngoài đường phố. Dù đã gần một tuần kể từ Tết Âm Lịch trôi qua, nhưng dân chúng vẫn ăn chơi, các địa điểm du lịch vẫn chật kín khách. Nếu theo dõi mạng xã hội thì các bạn trẻ đang mừng thầm vì nhà trường đã lùi lại ngày đi học và họ có thêm thời gian để vui chơi.
Bất chấp vẻ bề ngoài vô tư đó, người dân từ Bắc xuống Nam đang hoang mang lo lắng. Họ tranh thủ đi mua khẩu trang và bất ngờ khi các cửa hàng đã hết từ bao giờ. Những cơ sở đang còn thì đẩy giá bán lên khiếm nỗi lo sợ tăng cao.
Trên các diễn đàn, dân chúng theo dõi và chia sẻ nhau những tin tức sốc và vô căn cứ, dẫn đến sự hỗn loạn về mặt thông tin. Các nhà bình luận có tiếng thì tận dụng cơ hội để tăng tương tác và các báo lề trái đua nhau coi ai là người có thể tung tin tức lôi cuốn nhất.
Không chần chờ, các cơ quan báo chí của nhà nước thì hoạt động không ngừng nghỉ nhằm phản bác dư luận trái chiều vá trấn an dân chúng. Họ tự hào nói rằng Việt Nam có hệ thống y tế tốt được WHO công nhận khi đã ngăn chặn bệnh SARS và Corona lần này cũng không có gì đáng sợ.
Ở thành phố Vũng Tàu, một thanh niên đã bị mời lên Công An và phạt hành chính 30 triệu vì lỡ đăng một tin không kiểm chứng rằng đang có bệnh nhân nhiễm Corona bị cách ly ở bệnh viện địa phương. Đây không phải là trường hợp duy nhất mà là một trong hàng chục.
Sự náo loạn này có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là từ khủng hoảng niềm tin. Người dân Việt Nam hiện nay không con niềm tin vào chính quyền nữa. Họ không còn tin vào những gì được xuất bản trên Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động hay Zing. Trong mắt họ, những tờ báo đó chỉ là nguồn tin giả dối.
Họ không còn tin rằng hệ thống y tế của đất nước này có thể ngăn ngừa virus Corona lan rộng toàn quốc. Mặc dù nhà nước thông báo rằng chỉ có 3 người Việt Nam hiện tại đang bị nhiễm, dân chúng cho rằng đó là sự giả dối và con số thực tế cao hơn rất nhiều.
Trên mạng xã hội, liên tục có các ý kiến kêu gọi đóng của biên giới bất chấp mức độ khả thi hoặc thực tế. Nhất là ở các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Hạ Long và Nha Trang, vốn là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc. Trong mắt họ, chính quyền này đã bị mua chuộc bởi một chính quyền khác.
Hãy ngừng lại và hỏi tại sao, thay vì tìm cách bịt miệng dư luận và bắt bớ những ai lên tiếng. Vì lại có khủng hoảng niềm tin ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới này?
Có phải là vì hệ thống y tế quá xuống cấp và bệnh viện quá tải đến mức bệnh nhân phải nằm dưới sàn? Một chính quyền để cho người dân chờ chết thì làm sao có đủ uy tín để họ tin rằng sẽ kìm chế được virus?
Có phải vì họ liên tục nghe tin “Corona đang được giới hạn” nhưng số lượng người nhiễm bệnh trong và ngoài nước ngày càng tăng? Đâu là sự thật và đâu là thông tin khi tất cả đang bị bưng bít. Hay vì thay vì đính chính thì chính quyền lại bắt bớ những ai tung tin trái chiều. Một nhà nước không minh bạch thì có tư cách gì để thuyết phục dân phải tin tưởng?
Hay có phải vì cán bộ và bộ máy hành chính quá thờ ơ, vô trách nhiệm và tham nhũng? Vì khi nhắc đến những người điều hành đất nước, họ chỉ nhớ đến những vụ tham ô nghìn tỷ hoặc những dự án ma đốt tiền thuế.
Tất cả những thứ đó cộng lại biến thành khủng hoảng niềm tin. Chính sự vô trách nhiệm đó đã khiến dân chúng hoang mang lo sợ. Khi họ không còn tin tưởng nữa, họ sẽ tìm đến những nguồn tin tự phát và tự phong. Khi họ mất sự kiên nhẫn, họ cho rằng đất nước này từ lâu đã không thuộc về họ mà là sân chơi riêng của một nhóm người khác.
Bình tĩnh? Làm sao được. Ngưng lo sợ? Bằng cách nào. Hãy để nhà nước làm việc? Nhà nước nào, của ai. Đừng phát tán tin đồn? Bây giờ thì còn biết tin ai nữa.
Sự hỗn loạn này chính là hậu quả của một cơ chế độc tài và chính quyền vô cảm. Xã hội thối nát này đang chìm đắm trong sự hoang mang vì người dân đã không còn niềm tin vào những người đang dẫn dắt nó.
Lo sợ về virus Corona sẽ tiêu diệt dân tộc này sao? Không cần đâu, vì tổ chức điều hành đất nước này đã làm chuyện đó từ rất lâu. Người dân nơi này đang sống như đang chết. [31.1.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào