Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

COVID-19: HIỂU BIẾT ĐỂ TRÁNH GÂY HỌA

COVID-19: HIỂU BIẾT ĐỂ TRÁNH GÂY HỌA cho cả bản thân và cộng đồng ======================= Khi đối mặt với một dịch bệnh truyền nhi...

COVID-19: HIỂU BIẾT ĐỂ TRÁNH GÂY HỌA
cho cả bản thân và cộng đồng
=======================

Khi đối mặt với một dịch bệnh truyền nhiễm, bao giờ cũng vậy, con người sẽ sợ loài của mình hơn là mầm bệnh vô hình.

Đại dịch COVID-19, đối mặt với mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thành lập “đội đặc nhiệm” đa ngành, thực hiện cách li đặc biệt với xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), thời điểm bắt đầu cách li kể từ ngày 13 tháng 2.

Có một sự việc đáng tiếc, một nam thanh niên 38 tuổi đã rời khỏi xã Sơn Lôi đi thăm người yêu vào chiều ngày 13/2, nhân ngày lễ tình nhân Valentine. Thời điểm đó chưa có lệnh cấm “nội bất xuất ngoại bất nhập”, nhưng để tránh những nguy cơ tiềm ẩn lan truyền vi rút, “đội đặc nhiệm” đã thực hiện cách li đặc biệt với nam thanh niên, cách li cả cô bạn người yêu, cách li thêm 12 người họ hàng trong đó có một người là phó bí thư đảng ủy xã là những người tiếp xúc gần.

Đó là một hành động phòng chống dịch mạnh mẽ chưa từng có!

Tôi chia sẻ với nam thanh niên, với cô người yêu và 12 người họ hàng khác; các bạn không có lỗi trong sự việc này, nhưng hành động cách li mạnh mẽ với các bạn là thực sự cần thiết để đảm bảo không ai bị ốm vì các bạn, đó cũng là cách tốt nhất giúp nhanh chóng loại bỏ đại dịch COVID-19 ra khỏi Việt Nam.

Tôi đánh giá rất cao “đội đặc nhiệm” của tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt đánh giá cao trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi công dân tỉnh Vĩnh Phúc, thời điểm đầu tôi ghi nhận người dân có sự chủ quan nhưng sau đó mọi chuyện đã thay đổi. Bởi vậy mà tôi không đồng ý với những ai coi Vĩnh Phúc là mầm mống dịch bệnh đáng sợ, coi nam thanh niên 38 tuổi ở xã Sơn Lôi như tội đồ; mà ngược lại cần phải nhìn thấy Vĩnh Phúc và người dân Vĩnh Phúc đang đi đầu trong công tác phòng dịch với những việc làm và sự hi sinh rất tuyệt vời.

Điều chúng ta cần ghi nhớ: mỗi người có thể trở thành một “nhà máy” sản xuất mầm bệnh!

Typhoid Mary là một trong những “nhà máy” như thế. 

Bà chính là biểu tượng lây truyền bệnh khét tiếng nhất trong lịch sử, người được ghi nhận là “siêu lây nhiễm” đầu tiên, truyền bệnh thương hàn cho 53 người, trong đó có 3 người tử vong.

Câu chuyện xả ra vào tháng 8 năm 1906.

Một bệnh nhân bị thương hàn, người đến từ Oyster Bay, thuộc hòn đảo Long Island ở khu vực Đông Nam thành phố New York của Hoa Kỳ.

Người đó là thương nhân Warren giàu có.

Gia đình Warren đã thuê một biệt thự, họ đến Oyster Bay nghỉ mát vào mùa hè, tổng cộng tất cả 11 người; giới quý tộc Mỹ thời đó vẫn chọn Oysster Bay là điểm đến.

Ít ngày sau, con gái Warren cũng bị thương hàn, được gia dình chuyển đến bệnh viện. Ngay sau đó, bà Warren ngã bệnh, cùng với 2 người giúp việc khác. Người làm vườn tiếp tục bị mắc thương hàn. Cuối cùng là một cô con gái khác của Warren.

Thương hàn, một bệnh nhiễm trùng khủng khiếp vào thời điểm đó, do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra, thường lây truyền qua đường ăn uống, do thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, với tỉ lệ tử vong vào khoảng 10%. Bản thân tôi thời học sinh viên y năm thứ tư, đi thực hành tại khoa Lây của Bệnh viện Bạch Mai, nay thuộc Viện Y học Lâm sàng & Các bệnh Nhiệt đới, tôi bốc bệnh án thi tốt nghiệp đúng bệnh thương hàn.

Vì thế mà tôi hiểu dịch thương hàn bùng phát giống như ở Mỹ không hiếm.

Số liệu thống kê tại nước Mỹ năm 1906, có tổng số 9712 người bị nhiễm thương hàn tại thành phố Philadelphia, dịch bệnh ở New York cũng nghiêm trọng không kém, với 3467 ca nhiễm và 639 ca tử vong ở thành phố này; xã hội Mỹ khủng hoảng nghiêm trọng.

Có một điều đặc biệt là thương hàn chưa bao giờ xảy ra ở Oyster Bay.

Vi khuẩn thương hàn có ái tính đặc biệt với các khu ổ chuột, những nơi bẩn thỉu, đặc biệt là những tòa nhà chung cư đông đúc có nhiều người nghèo không đảm bảo vệ sinh. Ở nước Mỹ tự do, nói đến vi khuẩn thương hàn, là nói đến những người nhập cư, người di cư, người ăn xin, đặc biệt là tội phạm lẩn trốn pháp luật.

Đó là những nơi vệ sinh công cộng cực kì yếu kém, với những dòng nước ôi thiu, rác rưởi tích tụ, ruồi bọ nhung nhúc, giun chuột chạy qua, những nơi thực sự thuận lợi để vi trùng thương hàn sinh sôi nảy nở và phát triển.

Ngược lại, Oyster Bay là nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của New York, những người giàu có nhất nước Mỹ đều tìm đến, đặc biệt với Tổng thống Mỹ Roosvelt, nên sau này Oyster được ví như “nhà trắng” thứ 2 của nước Mỹ cho mỗi kì nghỉ hè. 

Biệt thự gia đỉnh Warren thuê có khu nhà ở khá rộng rãi, có bể bơi và hồ nước, có khu vườn thênh thang phía trước; tổng thể rất sạch sẽ và ngăn nắp, với những người hầu gái chăm chỉ dọn dẹp suốt ngày.

Chủ căn biệt thự xác định, nếu không tìm ra nguồn lây nhiễm bệnh cho Warren, chắc chắn sẽ chẳng ai dám thuê. Đó là lí do để bác sĩ George Sopa được mời đến điều tra nguyên nhân.

Sau khi kiểm tra kĩ lưỡng, từ nhà vệ sinh cho ra đến phòng khách, rồi đồ ăn thức uống, cả nước dùng sinh hoạt; Sopa đều không phát hiện ra vi khuẩn Salmonella. Và ông bắt đầu nghi ngờ, rằng có ai đó trong căn biệt thự, mới là nguồn gieo rắc vi khuẩn.

Đầu bếp Typhoid Mary được bác sĩ Sopa chú ý nhất!

Mary là người Mỹ nhập cư từ Bắc Ireland, bà làm đầu bếp nổi tiếng, chủ yếu phục vụ cho những gia đình giàu có. Warren đã thuê Mary trong kì nghỉ hè, trả cho bà 45 đô la mỗi tháng, đó là mức lương khá cao với những người đầu bếp tại thời điểm đó.

Bác sĩ Sopa phát hiện ra rằng những gia đình thuê Mary làm đầu bếp đều bùng phát bệnh thương hàn.

Trong số những gia đình đen đủi nhất, có luật sư Drayton, 9/11 người bị mắc bệnh thương hàn. Người duy nhất không bị mắc là Drayton, bởi trước đó luật sư đã bị mắc và được chữa khỏi; người thứ 2 chính là đầu bếp Mary. Thời điểm đó, dịch thương hàn đang đày đọa nước Mỹ, rất khó để thuê điều dưỡng chăm sóc, nên ông Drayton phải cùng bà Mary vật lộn với dịch, cả ngày lẫn đêm 2 người thay nhau chăm sóc 9 người còn lại. Luật sư Drayton rất biết ơn Mary về điều này, khi dịch bệnh qua đi, ông đã biếu tặng bà Mary 50 đô la như một món quà thể hiện sự cảm kích.

Sau khi rời gia đình Warren: đầu bếp Mary tiếp tục đến nấu nướng cho 2 gia đình nữa.

Gia đình đầu tiên, một người hầu nữ phụ trách giặt giũ, bà bị nhiễm thương hàn 14 ngày sau khi Mary đến. Ở gia đình thứ 2, cũng một người hầu nữ giặt ủi bị nhiễm, rồi đến đứa trẻ duy nhất trong gia đình mắc bệnh, sau đó đã chết vì thương hàn. Bác sĩ Sopa để ý thấy, dường như đầu bếp Mary đi bất cứ đâu, thì bệnh thương hàn bám theo và xảy ra ở đó.

Nghi ngờ đầu bếp Mary là người siêu lây nhiễm, bác sĩ Sopa nghĩ rằng thức ăn có thể là nguyên nhân chính gây bênh, nhưng rõ ràng đồ ăn đều được nấu chín ở 100˚C, vậy bằng cách nào để vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại ở nhiệt độ ấy.

Bác sĩ Sopa dành thời gian tìm hiểu, rồi ông phát hiện thấy có một món bánh tráng miệng làm bằng kem với những quả đào tươi ngon, ai khoái khẩu với món này đều mắc thương hàn.

Và có 1 điều đặc biệt: đầu bếp Mary rất ghét rửa tay!

Giống như hầu hết mọi người khi đó, không ai thích việc rửa tay, đầu bếp Mary cũng vậy, bà không chịu rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn. Ngay cả sau khi đi vệ sinh, bác sĩ Sopa phát hiện ra rằng, chưa bao giờ ông thấy đầu bếp Mary rửa tay sau khi ra khỏi toilet.

Câu chuyện rửa tay cũng xuất phát từ đầu bếp Mary, nước Mỹ những năm 1940, học sinh có phong trào xếp thành hàng dài rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn. Nhưng phải đến những năm 1980, Trung tâm Kiểm soát và phòng người Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mới liệt kê rửa tay là một cách thức hiệu quả nhất đề phòng lây nhiễm bệnh do vi khuẩn và vi rút.

Tất cả manh mối giúp bác sĩ Sopa kết luận: đầu bếp Mary chính là người truyền nhiễm bệnh thương hàn! Vấn đề đặc biệt khó giải thích là, đầu bếp Mary không mắc bệnh thương hàn, thậm chí bà rất khỏe mạnh. Thời điểm đó không có khái niệm người khỏe mạnh mang vi khuẩn truyền nhiễm, chẳng ai tin đầu bếp Mary mang trong người Salmonella, vì thế mà bác sĩ Sopa rất cần có bằng chứng về điều này.

Năm 1907, bác sĩ Sopa gặp Mary, ông yêu cầu bà cung cấp mẫu phân và máu, để làm xét nghiệm chẩn đoán. Đầu bếp Mary đã vô cùng giận giữ. Bà đột ngột cầm một cái xiên thịt sắc nhọn, lao thẳng về phía bác sĩ Sopa, không nói một câu nào; Sopa hoảng quá lao ra ngoài đường, ông vấp phải hòn đá, ngã đập đầu xuống đất và bất tỉnh với máu mê bê bết.

Typhoid Mary là một phụ nữ rất xinh đẹp, ở tuổi 38, bà cao 1.67m với những thớ tịt săn chắc giống đàn ông, nên bác sĩ Sopa chắc chắn không phải là đối thủ. Cũng may có hòn đá ngoài đường làm cho bác sĩ Sopa bị vấp ngã, nên Mary đã dừng lại, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thực sự, Mary nổi tiếng là phụ nữ cáu kỉnh và bướng bỉnh, bà cũng là người khá nóng tính.

Sau vài tuần dưỡng thương, bác sĩ Sopa xác định không đủ sức đối mặt với đầu bếp Mary, ông quyết định trình báo sự việc với chính quyền địa phương, sở y tế thuộc thành phố New York, trình báo luôn cả cảnh sát và yêu cầu hỗ trợ ông tìm ra nguyên nhân căn bệnh.

Khi đó Mary vừa kí hợp đồng làm đầu bếp cho một gia đình giàu có khác.

Để ngăn chặn căn bệnh, sở y tế yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, cảnh sát đồng ý bắt giữ đầu bếp Typhoid Mary. 

Và cuộc rượt đuổi chẳng khác gì mèo vờn chuột.

Buổi sáng hôm đó, sở y tế dẫn 3 cảnh sát đến một căn hộ, nơi đầu bếp Mary đang trú ngụ. Sau 3 tiếng gõ cửa “cạch… caạc… cạch…” đúng như mở đầu bản Symphony No9 của Beethoven, bà Mary mở cửa và sững sờ.

Ngay lập tức, đầu bếp Mary phóng 2 cú đấm trúng mặt 2 viên cảnh sát, họ ngã quay cu lơ đúng cách nockout của những tay đấm võ sĩ quyền anh hạng nặng. Viên cảnh sát thứ 3 hoảng quá, anh đóng sập cửa để ngăn chặn cuộc tấn công, nhưng thật đen đủi khi cánh cửa kẹp chặt lấy chân anh, hậu quả viên cảnh sát này bị thương tích nặng nhất mặc dù đã thoát được 1 cú đấm.

Mary quay trở vào bếp của mình và biến mất như một con ma.

Hàng trăm cảnh sát được điều động, ngôi nhà ngay lập tức được phong tỏa, họ lật ngược tất cả mọi thứ, nhưng không thấy bóng dáng đầu bếp Mary đâu cả.

Giám đốc sở cảnh sát thành phố New Yorrk có mặt, ông đứng trên nóc tòa nhà, nhìn trời và nhìn đất, ông bỗng phát hiện thấy có một chiếc ghế cô đơn dưới đường, thấy những dấu chân in trên tuyết từ ngôi nhà đến chiếc ghế, rồi thấy cả những dấu chân mờ nhạt dẫn đến căn hộ nơi hàng xóm.

Cảnh sát ngay lập tức chuyển sang căn hộ hàng xóm, họ lật ngược căn nhà, nhưng điều kì lạ đã xả ra, họ chỉ thấy những bước chân là dấu vết duy nhất đầu bếp Mary đã có mặt, tung tích của bà vẫn bặt vô âm tín.

Suốt 6 giờ tìm kiếm, cảnh sát trưởng thành phố New York vô cùng chán nản, họ bắt đầu nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng thật bất ngờ, viên cảnh sát trưởng tự dưng thấy miếng vải ca rô luồn qua khe cửa, nó cứ phất phơ mà chẳng dính vào đâu cả. Đội quân tinh nhuệ nhất được huy động đến, họ phán đoán, rất có thể đầu bếp Mary đang nấp sau cánh cửa. Những cảnh sát to khỏe nhất được đẩy lên tuyến đầu, có nhiệm vụ mở cánh cửa, họ chấp nhận có thể sẽ phải ăn những cú đấm nockout.

Cánh cửa được mở ra và Mary được đưa đến bệnh viện.

Cảnh sát ngồi trong xe áp tải mô tả, đoạn đường đến bệnh viện dài như chưa bao giờ dài như thế với họ, đầu bếp Mary như một con thú dữ mới xổng chuồng, những lời chửi bới và đe dọa, rồi khóc lóc và cầu nguyện. Những bác sĩ đi cùng thì đang nghĩ nát óc, xem bằng cách nào để động viên đầu bếp Mary đi toilet, để họ lấy phân của bà làm xét nghiệm Salmonella.

Tại bệnh viện, đầu bếp Mary bị cách li tuyệt đốt, bà phải cung cấp mẫu máu và phân 3 lần mỗi tuần. Đúng như phán đoán của bác sĩ Sopa, vi khuẩn salmonella được tìm thấy ở tất cả cả mẫu xét nghiệm, với mật độ dày đặc.

“Tôi chưa bao giờ mắc bệnh thương hàn!”

Mary giận giữ, bà đã bị cách li tuyệt đối ở một hòn đảo thuộc North Brother, thời hạn cách li 3 năm. Trong căn nhà gỗ giữa hoang đảo, Mary được cung cấp đầy đủ thực phẩm, bà tự nấu ăn và sống như một tù nhân, mỗi ngày chỉ có duy nhất con chó săn làm bạn cùng với bà, cả 3 cùng ngồi ngắm tuyến rơi trên bầu trời nước Mỹ.

Thời điểm đó, một số lượng lớn người nhập cư từ Ireland vào New York, họ là những người nghèo đói, rách rưới và bẩn thỉu, nên được coi là những ổ chứa bệnh dịch. Hàng loạt các dịch bệnh như thương hàn, tả, sốt vàng và lao, đều được coi là nguồn gốc căn nguyên từ những người nhập cư. Trên những con thuyền lênh đên ngoài biển, thần chết luôn cận kề, dịch bệnh đã giết chết rất nhiều những số phận. Lên được trên bờ, cảnh sát New York đến gõ cửa từng nhà, bắt dân nhập cư phải đi tiêm phòng đầy đử mới được tham gia lưu thông trên đường.

Ba năm sau Mary đâm đơn kiện cả thành phố New York.

Giới truyền thông khi đó, với mục đích giật tít câu viu, đã đặt cho đầu bếp Mary rất nhiều biệt danh. Lúc này là “Phù thủy New York”, lúc khác là “Người đàn bà nguy hiểm nhất thế giới”, rồi đến “Món ăn Petri dành cho mọi người”, vân vân… và vân vân.

Tuy nhiên, tại phiên tòa một nhà báo đã bị Mary hút hết cả hồn. Anh miêu tả trong bài viết của mình: “Cô Mary thật là xinh đẹp và hồng hào, cô có làn da sạch sẽ và rất đẹp, vóc dáng cô khỏe mạnh, khuôn mặt ngay thẳng và đôi mắt rất sáng”.

Năm 1910, Mary được thả tự do, nhưng cô phải cam kết từ bỏ làm đầu bếp. Mary cũng phải đến trình diện sở y tế New York để kiểm tra sức khỏe 3 tháng 1 lần.

Nhưng cô đã nuốt lời hứa.

Sau khi làm đủ các thứ công việc, từ làm vườn, đến giặt ủi quần áo, Mary thuê một căn hộ để sống nhưng không đủ tiền trang trải, nên cô quay lại làm đầu bếp.

Nước Mỹ khi đó có khẩu hiệu: Đừng truyền thương hàn như Mary – Xin bạn hãy rửa tay!

Năm 1915, dịch thương hàn bùng phát tại bệnh viện phụ khoa ở Manhattan, khởi điểm 25 người mắc và 2 người chết; cảnh sát tìm thấy Mary làm đầu bếp tại đó, cô đã đổi tên khác.

Tòa án kết tội, sự đồng cảm của công chúng cũng biến mất, thay vào đó là sự tức giận, một số người còn nói Mary chính là kẻ giết người độc ác.

Lần này, Mary bị cách li vĩnh viễn, cảnh sát đưa bà đến hòn đảo North Brother, đúng căn nhà gỗ cũ kĩ năm xưa cùng với một con chó săn làm bạn, bà ở đây nốt phần còn lại cuộc đời mình. Năm 1938, Mary qua đời vì viêm phổi sau khi nằm liệt 6 năm trời vì đột quỵ, khám nghiệm tử thi cho thấy vẫn có số lượng lớn vi khuẩn đang sống trong cơ thể bà, chủ yếu tập trung ở túi mật. Sau khi hỏa táng, tro cốt của Typhoid Mary được chôn cất ở nghĩa trang nổi tiếng San Raymond, thuộc thành phố New York.

Câu chuyện của Mary đã gây ra tranh cãi về đạo đức cho đến tận hôm nay.

Tạp chí Forbes bình luận: “Không phải Mary là người độc ác, mà là sự thiếu hiểu biết của cô, khiến Mary trở thành kẻ giết người”.

Các quan chức y tế tham gia bắt giữ Mary tại thời điểm đó, họ buộc tội Mary không tin bác sĩ dẫn đến mù quáng, đó là kết quả của những suy nghĩ thiếu giáo dục. Rõ ràng việc nấu ăn và mang vi khuẩn trong người, đó không phải là vấn đề xấu, nhưng khi 2 thứ đó kết hợp lại, sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng. Typhoid Mary thiếu hiểu biết, cô khăng khăng cho rằng mình không phải là nguồn gieo rắc bệnh tật, nên cô đã không chấp nhận từ bỏ công việc nấu ăn, dẫn tới ngộ sát thêm 2 người và buộc phải cách li vĩnh viễn.

Nhiều học giả Mỹ đã phải đau đớn thốt lên rằng: “Mary là tù nhân của sức khỏe cộng đồng New York”.

Trong thời đại hàng loạt các bệnh không có cách điều trị, nước Mỹ chọn cách ném tất cả các bệnh nhân truyền nhiễm ra đảo để cách li, coi đó là phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Bệnh lao, bệnh đậu mùa, sốt vàng cho dù là một đứa trẻ, thì cũng bị tách ra khỏi vòng tay mẹ và ném ra ngoài đảo, cơ hội tiếp cận với y tế là rất mong manh.

Trong một lá thư gửi về đất liền Mary viết: “Ngoại trừ việc ném tôi ra đảo hoang cùng với một con chó săn, cách chính quyền bỏ tù tôi và coi đó là biện pháp giúp tôi điều trị bệnh, thì chính quyền chẳng làm thêm điều gì khác cho tôi”.

Những năm tháng sống ngoài đảo hoang, Typhoid Mary vẫn cung cấp đều đặn mẫu phân và máu, để phục vụ nghiên cứu. Thời điểm đó chưa có hiểu biết nhiều về bệnh thương hàn. Một số bác sĩ nghi ngờ vi khuẩn sống trong ruột của Mary và yêu cầu cô phẫu thuật cắt bớt ruột, một số bác sĩ khác lại nghĩ vi khuẩn cư trú chủ yếu trong túi mật và yêu cầu Mary cắt túi mật, Mary từ chối tất cả các cuộc phẫu thuật bởi cô không muốn mình trở thành con vật thí nghiệm cho nước Mỹ.

Bí mật chỉ được làm sáng tỏ vào năm 2013, sau một nghiên cứu của Đại học Y khoa Stanford, đã chỉ ra những điểm quan trọng về lí thuyết người lành mang bệnh.

Theo đó, vi khuẩn ban đầu khi xâm nhập cơ thể, các đại thực bào giống như cảnh sát sẽ truy tìm và tiêu diệt. Nhưng thời gian sau các đại thực bào suy yếu, lúc này vi khuẩn chui vào cảm hóa luôn cả đại thực bào, nó trở thành đôi bạn thân của nhau và chung sống hòa bình. Đó là lí do để 6% người mang vi khuẩn thương hàn trong cơ thể nhưng không có triệu chứng của bệnh. 

Y học hiện đại cùng với vắc xin và kháng sinh, đã giúp chúng ta hôm nay có cuộc sống an toàn, bằng chứng là hầu hết các loại dịch bệnh đều bị khống chế; điều đó tưởng như loài người đã thực sự tránh được hiện tượng cá nhân “siêu lây nhiễm”.

Nhưng khi đại dịch SARS xảy ra, đã xuất hiện những người lây bệnh cho rất nhiều người, lúc đó nhân loại mới nhận ra rằng, có những nỗi sợ hãi tưởng như đã chôn vùi hàng thế kỉ nhưng sự thực chưa bao giờ từ bỏ chúng ta. Vi rút corona chủng mới gây đại dịch COVID-19 cũng có đặc điểm 80% giống vi rút gây đại dịch SARS năm 2003, bởi vậy mà giới chuyên môn y khoa đang phải hết sức cẩn thận, việc cách li để không bùng phát dịch ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Và mỗi cá nhân, cần phải tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn chuyên môn, đó là cách tốt nhất để phòng bệnh, tránh không để mình trở thành cá nhân “siêu lây nhiễm” như câu chuyện buồn của cô đầu bếp Mary.

Hãy nhớ kĩ: rửa tay sạch để bảo vệ sức khỏe!

Bs Trần Văn Phúc



Không có nhận xét nào