COVID-19: PHẢI PHÒNG TỪ CAMPUCHIA ================================= Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tàu du lịch Hà Lan – Hoa Kỳ MS W...
COVID-19: PHẢI PHÒNG TỪ CAMPUCHIA
=================================
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tàu du lịch Hà Lan – Hoa Kỳ MS Westerdam đã bị nhiều quốc gia và khu vực châu Á từ chối nhập cảng, con tàu vô gia cư đã phải trôi dạt trên biển 14 ngày.
Westerdam khởi hành từ Hồng Kông vào ngày 1 tháng 2, chuyến đi kéo dài 14 ngày, kế hoạch dự kiến sẽ đến nhiều cảng ở Đài Loan và Nhật Bản, sau đó đến cảng Yokohama vào ngày 14 tháng 2 đúng dịp lễ tình nhân Valentine để kết thúc hành trình.
Trên tàu có 1455 hành khách và 802 nhân viên.
Phần lớn hành khách là khách du lịch phương Tây, trong đó 650 người đến từ Hoa Kỳ, 271 từ Canada, 127 từ Vương quốc Anh, 91 từ Hà Lan và một số ít từ Úc, Đức và Trung Quốc; và một số nước khác.
Vào ngày 3 tháng 2, con tàu có tổng chiều dài 285,3 mét, chiều rộng 105,8 mét, tổng trọng tải 81.811 tấn, đã ghé cảng Manila, nhưng bị chính quyền Philippines trả lời không tiếp vì đang có dịch COVID-19.
Ngày 4 tháng 2, Westerdam bơi đến cảng Cao Hùng của Đài Loan. Thời điểm đó, 38 người trên tàu đã bị sốt và có các triệu chứng kèm theo khác. Để tránh lây truyền COVID-19, phía Đài Loan từ chối bất ki ai trên con tàu, nhất định không tiếp và không cho lên bờ.
Westerdam đành bơi ra biển, ngày 8 tháng 2 con tàu ghé cảng Okinawa của Nhật Bản, nhưng từ chiều hôm trước đồng loạt các Bộ đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông, Du lịch của Nhật đã ra thông cáo không tiếp nhận, yêu cầu Westerdam quay lại vị trí xuất phát là Hồng Kông. Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông trước đó cũng đã ra thông báo, không đồng ý tiếp nhận bất kì tàu du lịch nào quay trở lại.
Hàn Quốc cũng tuyên bố nâng cấp toàn diện các tiêu chuẩn kiểm dịch, hủy bỏ việc tiếp nhận tàu du lịch Westerdam tại cảng Busan, Văn phòng Thống đốc cũng yêu cầu Westerdam không được cập vào bất cứ cảng nào của Hàn Quốc.
Ngày 10 tháng 2, công ti vận tải du lịch Mỹ - Hà Lan tuyên bố không có trường hợp nào trên tàu nhiễm coronavirus chủng mới, Westerdam sẽ cập cảng Lianchabang của Bangkok vào ngày 13 tháng 2, hành khách sẽ được sắp xếp để lên tàu trực tiếp đến sân bay Bangkok Don Mueang để trở về nước.
Nhưng sáng ngày 11 tháng 2, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin đã ra lệnh cho tàu du lịch Mỹ - Hà Lan Westerdam không được phép cập cảng tại cảng Lianchabang.
Ngay cả đảo Guam của Mỹ cũng từ chối Westerham.
Bất cứ ai đã từng đi tàu trên biển vài ngày sẽ thấm hiểu, một con tàu du lịch bỗng dưng trở nên vô gia cư, lênh đênh 14 ngày khắp đại dương, nhiên liệu sắp cạn kiệt và ở đâu cũng từ chối, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Liệu có ai đó nhảy xuống biển, có người sợ hãi quá nghĩ đến những hành vi tiêu cực, có ốm đau bệnh tật gây rối loạn bạo lực mất kiểm soát; tất cả đều có thể, sẽ là một thảm họa nhân đạo gây khủng hoảng quốc tế rất lớn.
Đó có thể là lí do để lịch sử lựa chọn Campuchia là quốc gia thực hiện sứ mệnh quốc tế nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể nhìn thấy ngay trước mắt.
Điều này càng được thể hiện rõ, khi tất cả hành khách biểu hiện sự vui mừng tột độ khi họ nhìn thấy TT Hun Sen, người đàn ông đầu tiên ra khỏi con tàu đã quỳ xuống để hôn lên mặt đất.
Thủ tướng Campuchia đã “bốc cháy” dữ dội trên toàn thế giới!
Tất cả mọi người đều đã rất hạnh phúc, nhưng có ai biết rằng chuyện gì đó đã xảy ra vào sáng 15 tháng 2, tàu du lịch Mỹ - Hà Lan Westerdam một lần nữa trở thành tâm điểm toàn cầu, khi có một hành khách người Mỹ trên chiếc tàu đã xác nhận nhiễm COVID-19 khi đến Kuala Lumpur, trở thành bệnh nhân thứ 22 tại Malaysia.
Trước đó, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để kiểm tra sức khỏe cho tất cả hành khách theo tiêu chuẩn của tổ chức này. Cụ thể, sáng ngày 13 tháng 2, nhân viên y tế Campuchia đã lên tàu để lấy mẫu bệnh phẩm cho những hành khách không khỏe trên tàu hoặc có các triệu chứng tương tự. Vào thời điểm đó, khoảng 20 hành khách bị đau dạ dày và các triệu chứng sốt đã được kiểm tra coronavirus và không ai được phát hiện mắc COVID-19. Do đó, vào sáng ngày 14 tháng 2, nhà chức trách Campuchia đã phê chuẩn cho phép tất cả hành khách rời khỏi tàu, Thủ tướng Hun Sen đã mang hoa ra tận nơi đón, ông dành cho một số hành khách những vòng tay ôm và nụ hôn theo kiểu áp má.
Tôi cho rằng việc Campuchia đồng ý để tàu Westerdam cập cảng Sihanoukville là việc làm nhân đạo rất đáng hoan nghênh, nhưng hình thức đón tiếp rầm rộ và không tuân thủ cách li là rất chủ quan, điều đó thực sự gây nguy hiểm cho cộng đồng, đó là bài học mà chúng ta cần phải nhìn thấy rõ.
Bài học đầu tiên là vấn đề đeo khẩu trang.
Tàu du lịch Westerdam có hành trình đi qua vùng lãnh thổ của Trung Quốc, trên tàu đã có 38 người bị sốt vào ngày 4 tháng 2, đến thời điểm cập cảng Sihanoukville có 20 người vừa đau dạ dày và sốt; nghĩa là được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Vì thế mà việc sàng lọc phát hiện người mắc, cách li tất cả những người chưa mắc trên tàu, đó là bắt buộc. Bản thân những người trên tàu và người tiếp đó bắt buộc phải đeo khẩu trang.
WHO và CDC Hoa Kỳ chỉ khuyến cáo không đeo khẩu trang khi = người khỏe mạnh + không có yếu tố dịch tễ!
Bài học thứ 2 là việc tổ chức đón tiếp như vậy rất nguy hiểm.
Ngoài việc tiếp xúc với nhiều người nguy cơ mắc, thì yếu tố thời tiết không ủng hộ cuộc tiếp đón của Campuchia. Có thể, nhưng chưa chắc chắn đó là nhiệt độ cảng Sihanoukville thời điểm sáng 14 tháng 2 dao động từ 26-30˚C sẽ không thuận lợi cho coronavirus tồn tại lâu ở ngoài môi trường, nhưng đó chỉ là giảm thời gian bất hoạt của virus chứ không có ý nghĩa giảm lây nhiễm tức thì.
Độ ẩm 77% cũng không phải là đủ cao để dễ bất hoạt virus.
Tôi chú ý đến vận tốc gió và áp suất khí quyển tại cảng. Vận tốc gió ở thời điểm từ 0-6h sáng coi như 0km/h, từ lúc 6-12h vận tốc trung bình 3km/h, tức là từ không có gió cho đến khi có gió là vận tốc khá thấp, không đủ thông thoáng để “pha loãng” các giọt bắn và virus. Áp suất khí quyển là 1012mbar, thấp hơn so với áp suất mặt nước biển là 1013,25mbar; điều này tạo nên áp lực dương đáng kể trong đường hô hấp, đó là cơ hội thuận lợi để virus từ đường hô hấp phát tán ra môi trường xung quanh qua hơi thở và giọng nói.
Vận tốc gió 3km/h + áp suất khí quyển 1012mbar = có những cơn gió xoáy nhẹ. Nghĩa là, khu vực cảng Sihanoukville buổi sáng 14 tháng 2 có những dòng đối lưu không khí luẩn quẩn. Nhìn video quay gần 7 phút tôi thấy khá rõ, thỉnh thoảng có những hành khác nữ tóc bay theo các hướng, trong khi hầu hết hành khách nữ tóc không bay, hướng gió chính thời điểm đó lại thổi theo hướng Tây. Khi có những dòng đối lưu gió luẩn quẩn và những cơn gió xoáy rất nhẹ, nó chỉ làm cho các giọt bắn chứa virus luẩn quẩn nhiều hơn, nên có thể nguy cơ nhiễm sẽ cao hơn.
Những người Campuchia lại đứng đúng hướng gió đoàn khách di chuyển!
Cuối cùng, cảng Sihanoukville buổi sáng hôm đó nhiều mây và ít nắng, tức là không có tia cực tím để diệt virus, chưa kể muối biển bốc lên rất có thể giống như môi trường thuận lợi với coronavirus như SARS-CoV được nghiên cứu trong môi trường nước muối sinh lí trước đây là ít bị bất hoạt.
Cầu mong cho Campuchia không xảy ra dịch COVID-19.
Nhưng người Việt, hãy thật cảnh giác, theo tôi không nên đi Campuchia và Lào vào thời điểm này, nếu công việc mà các bạn hoãn được thì hãy cố gắng hoãn. Tôi cũng mong chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 có những biện pháp mạnh mẽ đề phòng từ sớm.
Phòng dịch COVID-19: Việt Nam đã giành được thắng lợi bước đầu nhưng không được chủ quan!
Bs Trần Văn Phúc
Không có nhận xét nào