[ DEUTSCHLAND - NHỮNG ĐIỀU NƯỚC ĐỨC ĐÃ DẠY TÔI ] Khi nhắc đến nước Đức thì đa số người sẽ nghĩ đến hai thứ, bóng đá và Thế Chiến Thứ 2. Cũng...
[DEUTSCHLAND - NHỮNG ĐIỀU NƯỚC ĐỨC ĐÃ DẠY TÔI] Khi nhắc đến nước Đức thì đa số người sẽ nghĩ đến hai thứ, bóng đá và Thế Chiến Thứ 2. Cũng chẳng bất ngờ gì, nhưng ngoài hai thứ đó ra thì quốc gia trung Âu còn nhiều hơn thế nữa.
Đây là lời chia sẻ của tôi, một du học sinh Việt Nam đang học tập tại Munich. Để tránh nhàm chán, đây không nói về tất cả, mà chỉ nói về bốn điều đặc trưng theo quan điểm cá nhân.
Vậy nước Đức đã dạy tôi những gì.
QUÝ TRỌNG HỌC NGHỀ - Ở các quốc gia khác, công việc lao động phổ thông thường được cho là không quý bằng việc trí óc. Tuy ngoài miệng thì nói rằng “Công việc nào cũng như nhau” nhưng luôn có sự phân biệt. Còn ở Đức thì gần như không có khái niệm này. Đó là vì những doanh nghiệp ở Đức rất coi trọng và đầu tư nhiều vào việc đào tạo học nghề.
Ngay từ thời trung học, học sinh có thể xác định hướng đi của mình. Họ có thể theo đuổi đại học hoặc đi theo hướng học nghề. Trường nghề ở Đức không giống như ở các nước khác mà rất chuyên nghiệp. Các chương trình đào tạo thường kéo dài hai đến ba năm, nghĩa là tương đương với hệ cao đẳng hoặc đại học.
Việc theo đuổi học nghề ở Đức được đánh giá là chất lượng cao. Nó không chỉ giới hạn ở các công việc tay chân mà còn cho nhiều lĩnh vực khác như luật, kế toán, marketing hay kỹ thuật.
Đức là một cường quốc công nghiệp vì họ biết cân bằng lực lượng lao động. Nếu Việt Nam thừa thầy thiếu thợ thì Đức có sự đồng đều giữa cả hai. Chất lượng tay nghề của lao động Đức có thể nói là nếu nhì thì không ở đâu là nhất.
Trong ban lãnh đạo doanh nghiệp hay tập đoàn, các công đoàn luôn có tiếng nói và có mặt trong hội đồng quản trị. Đây là điều hiếm thấy ở các nước tiên tiến khác. Cho nên các quyết định điều hành và về phúc lợi luôn cân bằng giữa tầng lớp văn phòng và lao động.
Học nghề là một điều đáng quý và vô cùng quan trọng. Bạn có thể là một mọt sách nhưng nếu không biết dùng tay chân để làm việc thì cũng sẽ như những kiến thức chết. Tôi không biết quốc gia nào khác có cả kiến thức và tay nghề như quốc gia này.
TƯ DUY VĂN HOÁ VÀ NGÔN NGỮ - Khác với ngộ nhận của nhiều người, Đức có thể cho rằng là một quốc gia đa sắc tộc với sự đa dạng về văn hoá. Trước đây thì có thể khác nhưng tầm ba mươi năm trở lại, nó đã thành trung tâm kinh tế của Châu Âu và vì thế thu hút mọi người khác đến đây sinh sống và làm việc.
Trước đây tôi cứ nghĩ mình học giỏi tiếng Anh là đủ. Nhưng khi qua đây, học tập với những bạn có thể nói đến ba bốn ngôn ngữ thì mới hiểu rằng mình chẳng là gì.
Các học sinh ở Đức được học nhiều ngôn ngữ cho nên khi ra đời có thể nói được tiếng Đức, Pháp, Anh và Ý là điều hết sức bình thường. Nếu không thì sẽ được khuyến khích.
Khi học một ngôn ngữ khác tôi mới nhận ra rằng mục đích không phải là để thành thạo mà còn để tìm hiểu về văn hoá xứ khác. Đừng dừng lại ở một ngôn ngữ mà hãy mở rộng tư duy của mình ra.
Chương trình đại học ở đây được dạy bằng tiếng Đức và Anh hoặc song ngữ. Đa số người ở đây có thể nói được cả hai. Nhưng nếu bạn muốn hoà nhập và được mọi người tôn trọng thì hãy sử dụng ngôn ngữ địa phương. Người Đức yêu nước và văn hoá của họ nhưng luôn mở lòng chào đón những ai đến từ xứ khác.
TINH THẦN LÀM VIỆC NGHIÊM KHẮC - Người Đức làm việc ít nhất trong khối Châu Âu, dựa theo vài thống kê, nhưng lại có năng suất và thu nhập cao nhất. Không phải vì họ tài giỏi mà là họ hết sức nghiêm khắc.
Đến văn phòng chỉ làm tám tiếng nhưng tuyệt đối không bao giờ giỡn hay lơ là. Việc dùng điện thoại cá nhân là điều cấm kỵ. Khi đã làm thì hãy tập trung hết mình. Mỗi năm ngoài ngày lễ thì mỗi người được ba mươi ngày nghỉ phép, tức sáu tuần. So với hai tuần của Mỹ thì là quá nhiều. Nhưng đối với họ, đó là xứng đáng. Làm hết mình và chơi cũng vậy.
CHỦ NGHĨA HOÀN HẢO VÀ TẦM NHÌN DÀI HẠN - Nếu người Anglo theo đuổi sự xuất sắc thì người Đức theo đuổi sự hoàn hảo. Đối với họ, chỉ có đỉnh cao của nghệ thuật mới khiến họ tạm hài lòng. Nếu không làm tận tình và đến cùng thì tốt nhất đừng thực hiện. Nhưng một khi đã theo đuổi thì đừng bao giờ chấp nhận bất cứ kết quả gì trừ hoàn hảo.
Bạn có thể thấy điều này khi so sánh các sản phẩm của Đức với các quốc gia khác. Từ điện tử, cơ khi cho đến xe hơi. Đức gần như không có hàng “bình dân” nào mà chỉ là chất lượng cao trở lên. Không phải vì họ không thể, mà đối với họ, chỉ sự hoàn hảo với đáng làm.
Họ áp dụng lý tưởng đó trong các công trình xây dựng. Dù đó là toà nhà, đường cao tốc hay sân vận động. Nếu đó do người Đức xây thì nó sẽ tồn tại trăm năm. Sự dễ dãi là điều gần như không tồn tại. Nếu đã chạy trên đường Autobahn hay lái chiếc xe của Đức thì bạn sẽ bái phục vì nó quá đỉnh.
Họ không bao giờ thoả mãn với bản thân. Bạn sẽ không bao giờ thấy một nhà trí thức người Đức nào cho rằng mình tài giỏi, họ rất nghiêm tốn và không ngừng học hỏi. Họ rất ham đọc sách, tìm hiểu và không ngừng trau dồi bản thân. Nếu phải dùng một ý thức hệ để miêu tả, thì đó chính là Chủ Nghĩa Hoàn Hảo.
KẾT LUẬN - Ba năm ở Đức quá ngắn để biết tất cả. Nhưng cũng đủ để hiểu vì sao Đức lại thành một cường quốc và là trung tâm kinh tế của Châu Âu. Nếu bạn làm việc và quan sát con người nơi đây làm việc thì sẽ hiểu vì sao họ lại thành công như vậy.
Từ cách sống, quy hoạch, tổ chức, vận hành cho đến tư duy - con người nơi đây là tấm tương để học hỏi. Nói thêm thì hơi nhạy cảm, nhưng cũng không khó để hình dung vì sao ngày xưa Châu Âu lại khốn khổ vì dân tộc này dưới một chế độ chuyên quyền. Nhưng đó là quá khứ, nước Đức bây giờ mở rộng với thế giới và chào đón tất cả.
PS: Bài viết trên được biên tập lại dựa trên lời kể của một bạn du học sinh Việt Nam đang sinh sống tại Đức. [25.2.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào