Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MÙA HÈ XA VỜI VỢI

MÙA HÈ XA VỜI VỢI “Người Trung Quốc không phải là Đông Á bệnh phu!”, tất cả người đại lục đều dễ dàng liên tưởng câu nói này với những...

MÙA HÈ XA VỜI VỢI

“Người Trung Quốc không phải là Đông Á bệnh phu!”, tất cả người đại lục đều dễ dàng liên tưởng câu nói này với những thước phim đề cao tinh thần dân tộc của Lý Tiểu Long hay Lý Liên Kiệt. Bốn chữ “Đông Á bệnh phu” bằng cách này hay cách khác đã len lỏi vào văn hoá Trung Quốc hiện đại, dồn nén, cô đọng nỗi mặc cảm to lớn vì bị phương Tây xẻ thịt vào thế kỉ 19 vào trong một cụm từ. Người Trung Quốc hôm nay lớn lên với sự tự ti ngầm và nỗ lực để thoát ra khỏi sự tự ti ấy. Trớ trêu thay, “Đông Á bệnh phu” vốn nguyên thuỷ không phải là cách gọi miệt thị con người hay văn hoá Trung Hoa mà là để chỉ một hệ thống tập quyền nhà Thanh mục ruỗng. Người Trung Quốc loay hoay hàng thế kỉ rốt cuộc vẫn chưa trị được căn nguyên cơn bệnh của mình là cơ chế quản lý yếu kém, hôm nay cơn bệnh ấy lại bùng phát. 

Việc các tỉnh thành tranh nhau khẩu trang và thiết bị y tế như tình trạng vô lãnh đạo là một trong những triệu chứng rõ nhất của căn bệnh này. Cách cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc không đảm bảo được sự cân bằng lợi ích giữa các địa phương vì quyền lực tập trung tất cả vào trung ương. Nhìn vào lịch sử, mỗi lần đất nước Trung Hoa xảy ra khủng hoảng thì lại rất hay chia rẽ bất hoà, nội bộ tranh nhau cát cứ khắp nơi, như nắm cát tưởng to nhưng bốc lên lại thành nhỏ. Các thành phố của Trung Quốc cũng có thể được xem là những cá nhân cấu thành nên đại lục, khi thiếu thốn hoạn nạn thì lập tức trở thành “thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”. Nhìn vào điều này, những học giả say mê chủ nghĩa xã hội cấp tiến từng chỉ trích mô hình bầu cử Đại cử tri Hoa Kỳ có nhận ra sai lầm? Với một diện tích đất nước cũng to lớn tương đương Trung Quốc, người Mỹ đã tạo ra được một mô hình chính trị về cơ bản đảm bảo được quyền dân chủ của người dân và quyền lợi của từng bang dù lớn hay nhỏ, đóng góp vào ngân sách nhiều hay ít. 

Nếu ngày mai Trung Quốc sụp đổ với tư cách là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, chắc chắn sẽ có không ít người tiếc nuối như cách mà nhiều người Nga hoài niệm chế độ Sô-viết. Nhưng đặt ngược vấn đề, một mô hình quản lý chết yểu vì những yếu kém của chính nó thì có xứng đáng để trường tồn như những gì lãnh đạo Trung Quốc thường rêu rao? Sẽ có ý kiến cho rằng Trung Quốc thực chất đã đi đến đỉnh cao của nó bằng mô hình hiện tại. Trung Quốc cũng đã có những thành công đáng kinh ngạc như việc vươn lên đứng thứ hai về kinh tế chỉ sau siêu cường Mỹ trong vỏn vẹn 30 năm, hay việc thu gom cả chuỗi cung ứng thế giới về một mối và biến nó thành vũ khí của mình, phát huy tối đa thế mạnh về nhân công giá rẻ và kiểm soát tuyệt đối đồng Nhân dân tệ, vv… 

Phải so sánh với những chính sách thời mò mẫm xã hội chủ nghĩa của Mao mới thấy Trung Quốc ngày nay thực sự rất tiến bộ. Hãy tưởng tượng viễn cảnh đến trường và rồi biết được rằng tất cả trường đại học đã bị đóng cửa, và trên thực tế là nhà nước đã đóng cửa toàn bộ trường đại học. Thêm nữa, do chẳng còn trường cho bạn đi học, nên bạn phải đi về nông thôn để làm việc trong các nông trại nhằm giúp đất nước có thể gia tăng sản lượng nông nghiệp. Đây cơ bản là những gì đã xảy ra với sinh viên học sinh Trung Quốc từ năm 1967 đến 1978 trong thời Cách mạng văn hoá, 17 triệu thanh niên thành thị đã trở thành nạn nhân của chính sách “đi về nông thôn” của chính phủ. Thế nhưng, cần nói rõ rằng sự thành công của Trung Quốc hôm nay được tạo động lực từ việc cởi trói cho nền kinh tế, bắt đầu vào những năm 1980, khi cho phép sở hữu tư nhân và đầu tư nước ngoài – tức là bắt chước mô hình Tây phương. 

Đại dịch virus lần này còn cho thấy một sự thật rằng rất nhiều người dân đã không còn lòng tin vào chính phủ trung ương của Tập Cận Bình. Vốn dĩ trước nay sự bất công luôn hiển hiện trong đời sống thường nhật nhưng người Trung quốc cố tình lờ đi, vì chính họ đã ký một khế ước xã hội hy sinh tự do cá nhân để đổi lấy sự phát triển, để trả song phẳng món nợ “Đông Á bệnh phu”. Nay những ảo vọng về phát triển và mô hình quản lý tập quyền đã không còn, người Trung Quốc còn cơ sở nào để tin chính phủ?  

“Rất nhiều người sử dụng Weibo như là một trung gian để lưu trữ dữ liệu. Chính quyền biết điều này, hoặc đó chính là dụng ý ngay từ ban đầu của họ. Khi một người, một gia đình, một tập thể, một thế hệ lưu trữ trải nghiệm, kí ức của họ trên một nền tảng mà chính phủ có toàn quyền chi phối, cái gì sẽ lưu giữ sự tồn tại của bạn khi họ xoá sạch tài khoản xã hội?” 

“Chúng ta chủ yếu là con một, cha mẹ tôi mất rồi, về cơ bản tôi chỉ có một mình, nếu họ thủ tiêu tôi ai sẽ biết đây? Xem như dòng họ tôi tuyệt tự?”

“Bác sĩ Lý Văn Lượng, anh không có tự do để nói lên sự thật, cũng không có tự do để ra đi!”

Và còn nhiều, rất nhiều dòng tương tự như vậy trên weibo Trung Quốc. Thế giới quan của con người vốn bị chi phối rất lớn bởi lòng tin, vì tin vào những hệ tư tưởng khác nhau mà người ta có thể nhìn thấy những ý nghĩa trái ngược qua cùng một sự kiện. Rồi người Trung Quốc chợt nhận ra rằng, chính phủ trung ương trước nay theo đuổi thuyết vô thần, sẵn sàng đập bỏ tượng Phật đền chùa, đàn áp Pháp luân công, thực ra không để thực hành thuyết vô thần của mình mà chỉ nhằm mục đích biến Đảng cộng sản thành “thần” duy nhất, biến việc suy tôn đảng thành tôn giáo và lãnh đạo đảng thành những vị thánh sống. 

Người dân Trung Hoa đang dần nhận ra rằng, chính quyền trung ương đang cố gắng tẩy não họ bằng những khẩu hiệu tuyên truyền và sự đánh tráo khái niệm. Bốn chữ “Năng lượng tích cực” được rêu rao rộng rãi không phải là muốn hướng người dân đến cái tốt đẹp, mà thực chất chỉ đang đánh lạc hướng họ ra xa khỏi những tiêu cực của xã hội hiện hành mà thôi. 

Người dân Trung Hoa đang dần nhận ra rằng, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” thật ra đã đạt được nhưng chỉ dành cho tầng lớp tư bản đỏ. Chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc thực chất chỉ phục vụ cho một tầng lớp mà thôi.

Dù không mấy dễ chịu, nhưng rồi người Trung Hoa sẽ phải thừa nhận rằng Bá Dương đã nhận xét rất chính xác về họ trong “Người Trung Quốc xấu xí”, rằng Trung Hoa có thừa văn hoá nhưng rất thiếu văn minh. Hay nói tích cực hơn là người Trung Quốc chưa xây dựng được cơ chế xã hội hướng đến sự văn minh ấy. Nên nhớ rằng khi áp dụng một thể chế tương đương thì đất nước Trung Hoa có thể phát triển không kém gì phương Tây hoặc thậm chí còn lấn át ở một số thời điểm. Ở thế kỷ 11, khi Tây Âu vẫn còn chìm trong đêm trường trung cổ, thì Trung Hoa lúc ấy là nền văn minh số một, chiếm đến phân nửa GDP toàn cầu và có nền công nghệ - kỹ thuật tiên tiến nhất. Nếu áp dụng mô hình tam quyền phân lập và cởi trói cho báo chí tự do cũng như nền kinh tế tư nhân, không biết chừng Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc ngang hàng Mỹ trong tương lai nhờ đặc điểm dân tộc rất giỏi buôn bán. 

Thế nhưng từ cơn bĩ cực hiện tại đến tương lai ấy có lẽ còn rất xa, dân tộc Trung Hoa chắc chắc sẽ phải làm chứng nhân bất đắc dĩ cho một thời kì đảo điên lần nữa. Mà cũng rất có thể là Trung Quốc sẽ bị chia năm xẻ bảy, Phúc Kiến trở thành Cộng Hoà Phúc Kiến, Quảng Đông trở thành Quảng Đông dân quốc, Tây Tạng, Tân Cương sẽ tách rời, vv…

Sự sụp đổ của Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu, nhưng có lẽ Tập Cận Bình nằm mơ cũng không ngờ rằng điều đó lại xảy đến đột ngột với một tốc độ rất nhanh như thế. Nếu không kiểm soát dứt điểm được dịch bệnh thì chỉ riêng tâm lý sợ hãi nó đem đến đã đủ để làm đình trệ một guồng máy kinh tế khổng lồ. 

Corona virus chủng mới cũng giống SARS, sẽ bị ức chế và chết nhanh khi thời tiết ấm lên, có lẽ chưa bao giờ người Trung Quốc mong mùa hè đến sớm như thế. 
Nhưng mùa hè đang xa vời vợi, và những đứt gãy trong lòng tin của dân chúng chẳng thể đảo ngược nữa rồi.

Anh Vũ Ngô





Không có nhận xét nào