Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NỜ-CÔ VI ĐÃ CHÍNH THỨC LAN XUỐNG ĐỊA PHỦ

NỜ-CÔ VI ĐÃ CHÍNH THỨC LAN XUỐNG ĐỊA PHỦ ======================================= Quả thực, Nờ-cô Vi quá nhanh quá nguy hiểm, đã lan ...

NỜ-CÔ VI ĐÃ CHÍNH THỨC LAN XUỐNG ĐỊA PHỦ
=======================================

Quả thực, Nờ-cô Vi quá nhanh quá nguy hiểm, đã lan truyền xuống tận địa phủ. Tôi chưa biết số liệu thống kê ở thế giới bên kia số nhiễm, số tử vong do Nờ-cô Vi là bao nhiêu, nhưng nhìn vào bức ảnh này thì tôi thấy rõ thị trường khẩu trang nơi địa phủ cũng bị găm hàng và thổi giá.



Dương sao âm vậy!

Hiện tượng tăng giá khẩu trang, dù ở trần gian hay địa giới, thì đều được gọi chung với một thuật ngữ kinh tế học là “giá tắc nghẽn - congestion pricing”.

Những thuật ngữ tương đương gồm:

- Congestion charges (phí tắc nghẽn).
- Congestion costs (tổn thất do tắc nghẽn).

Giá tắc nghẽn trong câu chuyện chiếc khẩu trang, bị tăng giá gấp nhiều lần ở cả trần gian lẫn địa giới, bản chất là khi có tác động tiêu cực của dịch bệnh, làm cho nhu cầu người sử dụng khẩu trang tăng lên đột biến, vượt quá nguồn cung sẵn có.

Nó giống như trận bóng đá vòng loại World Cup giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra ở Mỹ Đình, cặp vé ở vị trí đắc địa nhất bình thường phe vé chỉ bán 500 ngàn đồng, nhưng do nhu cầu mua quá cao nên giá bị đẩy lên 15 triệu đồng.

William Vickrey, nhà kinh tế học người Canada đạt giải Nobel kinh tế, người được coi là cha đẻ của giá tắc nghẽn, ông đề xuất khái niệm này vào năm 1952, ứng dụng cho hệ thống tàu điện ngầm ở Thành phố New York. William khuyến nghị, giá vé tàu điện ngầm sẽ được tăng trong thời gian cao điểm và tại các tuyến giao thông có mật độ cao, giá vé được hạ xuống ở những thời điểm khác và ở những nơi mật độ giao thông thấp. 

Giá tắc nghẽn nhanh chóng trở thành một ứng dụng kinh điển của thị trường để cân bằng cung và cầu. Nhưng đó là quy luật kinh tế thị trường ở trong điều kiện bình thường. Còn khi xảy ra thiên tai, địch họa, dịch bệnh trên diện rộng hoặc ở tầm quốc gia; thì hành vi găm hàng thổi giá chấp nhận được hay không, đó là cuộc tranh luận thực sự đang diễn ra trong đại dịch Nờ-cô Vi.

Nhớ lại 2 cơn bão Irma và Harvey càn quét tan hoang nước Mỹ năm 2017, xã hội Mỹ cũng đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt, rằng trong thời kì khủng hoảng, thương nhân có nên tăng hoặc duy trì giá khi nhu cầu tăng đột biến đối với các sản phẩm thiết yếu như nước, gas và thực phẩm?

Các nhà kinh tế học có xu hướng ủng hộ tăng giá theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Sau cơn bão, chính quyến bang Texas xử phạt những hành vi tăng giá, nhưng ngay lập tức Tổng chưởng lí Ken Paxton đã nhận được 500 đơn khiếu nại yêu cầu xóa bỏ quyết định xử phạt và chấp nhận các mặt hàng tăng giá. Thời điểm đó, 1 khối nước sạch tăng 99 đô la, 1 gallon xăng tăng từ 4 đến 10 đô la, taxi cũng tăng giá; nhưng tất cả đều bị phạt.

Nhà kinh tế học Jeff Ely không ủng hộ chính quyền phạt như vậy, ông lập luận rằng khi thảm họa xảy ra, nếu nguồn cung một mặt hàng không đủ so với cầu quá lớn, thì các nhà quản lí chỉ nên tối ưu hóa thị trường tiêu dùng chứ không cần phải lo lắng cho thặng dư quá cao của doanh nghiệp. Jeff Ely và các nhà kinh tế giải thích, việc tăng giá là cách tốt nhất đưa nhu cầu trở về phù hợp với nguồn cung, các sản phẩm vẫn luôn có sẵn và chỉ bán cho những người coi trọng chúng nhất. Giá cao cũng giảm thiểu việc tích trữ, khách hàng chỉ mua những gì họ cần thay cho việc gom hàng vì nó quá rẻ. Khi lợi nhuận của một món hàng quá cao, nó sẽ khuyến khích các nhà sản xuất, các doanh nghiệp tìm cách tăng cung ứng. Nhược điểm của chính sách tăng giá mà ai cũng nhận thấy, là tạo nên sự phân biệt đối xử không công bằng với những người có thu nhập thấp, những người ít có khả năng trả giá cao hơn.

Các nhà hoạch định chính sách thì ngược lại, họ cho rằng khi xảy ra thảm họa, giá cả các mặt hàng phải được giữ nguyên hoặc giảm nhẹ, ví dụ giảm 10%. Đây được coi là phương pháp phân bổ hàng hóa khan hiếm tạo nên sự bình đẳng. Hạn chế của việc giữ giá, là gom hàng tích trữ, không kích thích các doanh nghiệp tăng nguồn cung.

Nhưng có một “cơn bão” đã làm thay đổi cả 2 luồn quan điểm: đó là cơn bão truyền thông mạng xã hội!

Các phương tiện truyền thông xã hội đã phản ánh quan điểm của khách hàng, rằng việc tăng giá, thậm chí là giữ giá các mặt hàng thiết yếu trong thảm họa, đó là hành vi tiêu cực, thể hiện sự vô tâm, thiếu đạo đức của các công ti, các nhà sản xuất.

Người khổng lồ Amazon nổi tiếng với công việc giám sát nhu cầu của công chúng, ngay sau cơn bão Irma, bằng thuật toán riêng của mình, Amazon cảnh báo các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc từ phía cư dân Florida trên mạng xã hội. Ngay lập tức, các công ti thực hiện những điều tra so sánh, thật thú vị khi một nhà bán lẻ tăng giá mặt hàng gấp 5 đến thì lượng khách hàng càng ngày càng giảm đến mức báo động, thay vào đó khách hàng ồ ạt chuyển sang các nhà bán lẽ khác.

Trong cơn bão Harvey, hàng loạt công ti đã thực hiện thông điệp quan tâm đến khách hàng của mình, bằng cách đại hạ giá đồng thời hối hả tăng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Hiệu quả mà các công ti ấy thu được, là chính sách giảm giá trong cuộc khủng hoảng trở thành chiến thuật kinh doanh với chi phí thấp nhất, tạo mối quan hệ tốt giữa khách hàng và công ti.

Adam Smith, người được coi là “cha đẻ của kinh tế học hiện đại”, trong cuốn sách xuất bản năm 1979 có tên “Lý thuyết của tình cảm đạo đức - Theory of Moral Sentiments” ông khẳng định cạnh tranh trên thị trường cần dựa trên sự đồng cảm và phải được xã hội chấp nhận, đó mới là chính nghĩa. Alfred Marshall cũng vậy, trong cuốn “Những nguyên lý của kinh tế học - Principles of Economics” ông cũng đề cao khía cạnh đạo đức và nhân văn cần có trong kinh tế thị trường.

Khi thiên tai, địch họa và dịch bệnh xảy ra, có phải hiện tượng tích lũy, găm hàng và thổi giá là do các mặt hàng thiết yếu bị khan hiếm? Các lí thuyết về kinh tế và xã hội đã đưa ra câu trả lời, rằng hiện tượng tích lũy bắt đầu xảy ra từ năm 1974 sau các vụ dịch bệnh lớn, từ đó đến nay các nghiên cứu cho thấy không phải do hàng hóa bị khan hiếm; mà chủ yếu do tin tức về tình trạng thiếu hụt lan truyền nhanh chóng, được hỗ trợ bởi truyền thông đại chúng dẫn đến tình trạng lo lắng thiếu hụt các mặt hàng. Bầu không khí khan hiếm dẫn đến các thông tin trên truyền thông về việc tích trữ của người tiêu dùng tạo nên cảnh "mua bán hoảng loạn".

Dịch bệnh Nờ-cô Vi đang xảy ra với những diễn biến rất khó lường. Để tránh găm hàng và thổi giá, tích trữ gây nên khủng hoảng xã hội, đe dọa đến sức khỏe của người dân và sự sống của bệnh nhân, bắt buộc chính phủ của các quốc gia phải xác định mặt hàng thiết yếu và thực hiện các biện pháp bình ổn mạnh mẽ.

Chính phủ TQ, ngay ở tâm điểm vụ dịch, cũng đã thực hiện xử phạt rất nghiêm khắc những hành vi găm hàng thổi giá. Một hiệu thuốc ở Thiên Tân tăng giá khẩu trang từ 19 tệ mỗi cái lên 68 tệ (gấp 3,4 lần), một nhà thuốc khác ở Bắc Kinh tăng giá khẩu trang gấp 6 lần, cả hai nhà thuốc này ngay lập tức bị chính quyền phạt 3 triệu NDT, tương ứng với 10 tỉ đồng tiền Việt. Thực phẩm cũng vậy, một siêu thị ở thành phố Trịnh Châu thủ phủ tỉnh Hà Nam, nơi bán một cây cải thảo 63 tệ trong khi giá thực chỉ 28 tệ, chính quyền phạt 3 triệu NDT tương đương 10 tỉ đồng tiền Việt, thu luôn giấy phép kinh doanh.

Chính phủ Hàn Quốc cũng vừa đưa ra quy định, bắt đầu từ mùng 5 tháng 2 người thực hiện hành vi tích trữ nhằm đầu cơ khẩu trang sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm hoặc bị phạt tối đa 50 triệu won, khoảng 1 tỉ đồng tiền Việt.

Việt Nam cũng có đầy đủ những cơ sở pháp lí để giải quyết nguy cơ rối loạn do tích lũy, găm hàng và thổi giá; không cách nào khác, từ chính phủ cho đến người dân phải thực hiện nghiêm túc.

Đầu tiên là Luật Giá 2012, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch chính phủ sẽ đề ra các mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá. Theo đó, tại  Điều 4 của luật này quy định: “Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý”.

Tiếp đó là Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, Điều 196 khoản 1 quy định hành vi đầu cơ tích trữ sẽ bị xử lý hình sự khi tổ chức, cá nhân có dấu hiệu “mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính”.

Nghị định 109 ban hành năm 2013 và Nghị định 49/NĐ-CP ban hành năm 2016 của Chính phủ cũng đưa ra quy định nghiêm cấm hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường để định giá mua bán hàng hóa bất hợp “cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước”.

Rõ ràng, hành vi tăng giá khẩu trang gấp nhiều lần của hơn 80 nhà thuốc, hành vi tích trữ khẩu trang của một số cá nhân không phù hợp với đạo đức cả ở lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội, không phù hợp với xu thế chung của loài người, trái với pháp luật của Việt Nam; đây là hành động đáng lên án và cần phải xử lí thật nghiêm.

Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn mỗi cá nhân tạo ra tâm lí khủng hoảng!

Tôi nhớ thảm họa sóng thần chết chóc nhất thế kỉ diễn ra năm 2004 ở Nhật Bản. Ngay sau thảm họa, người Nhật ở những nơi không bị sóng thần quét qua, thay vì mua đầy 1 bình xăng thì họ mua 1/3 bình, thay vì mua thực phẩm cho cả tuần thì họ chỉ mua đủ ăn trong 1 ngày. Còn ở những nơi bị sóng thần càn quét, tất cả các siêu thị đồng loạt giảm giá, rất nhiều cửa hàng niêm yết giá “100 yên” tương đương khoảng 20 ngàn tiền Việt. Bất cứ người Nhật nào mua bao nhiêu hàng cũng được nhưng họ chỉ phải trả với số tiền tương đương 20 ngàn đồng. Và những hàng người nối dài, họ bình tĩnh, im lặng chờ đến lượt mình được mua đồ ăn và nhu yếu phẩm, họ cứ lặng lẽ nhích từng tí lên phía trước mà không một tiếng phàn nàn, khi đến lượt họ chỉ mua một ít đủ dùng và nhường phần cho người khác.

Chỉ có như vậy nước Nhật ới vượt qua được những thời khắc kinh hoàng.

Bs: Trần Văn Phúc

1 nhận xét

  1. Tôi đã có cách mở mang trí tuệ Việt đây nè, dân Việt đâu hết rồi ??

    Trả lờiXóa