RỬA TAY VÀ LÀM VỆ SINH BỀ MẶT Mặc dù có sự không thống nhất giữa các bác sĩ về việc mang khẩu trang, nhưng các bác sĩ lại rất thống nhất với...
RỬA TAY VÀ LÀM VỆ SINH BỀ MẶT
Mặc dù có sự không thống nhất giữa các bác sĩ về việc mang khẩu trang, nhưng các bác sĩ lại rất thống nhất với nhau trong việc rửa tay phòng chống sự lây lan của bệnh dịch Wuhan coronavirus. Thực vậy, việc rửa tay có tầm quan trọng rất lớn trong việc phòng chống sự lây lan của Wuhan coronavirus, cũng như rất nhiều yếu tố lây bệnh khác.
Việc một bác sĩ Trung quốc phân lập được Wuhan coronavirus trên tay nắm cửa cho thấy, con virus này có khả năng tồn tại khá lâu trong các giọt bẩn lắng đọng ngoài môi trường. Lâu là bao lâu thì chưa ai cho được con số chính xác, tuy nhiên, về nguyên tắc, virus nói chung rất khó sống được trong môi trường ngoài cơ thể.
Do vậy, nếu Wuhan coronavirus có thể tồn tại trong các giọt bẩn (là những giọt đàm, có chứa virus, do những người bị nhiễm Wuhan coronavirus ho, hoặc nói chuyện, văng ra) lắng đọng trên bề mặt các đồ vật, thì nếu mật độ phóng thích ra nó không "đông như quân Nguyên", sẽ không đến nỗi đáng sợ lắm.
Nếu chẳng may bạn nắm vào vật gì có chứa những giọt chất bẩn, trong đó có những con Wuhan coronavirus đang khao khát chờ bạn, thì những giọt chất bẩn bên trong có chứa virus đó sẽ nằm trên tay bạn. Và, nếu bạn dùng tay dụi mắt, hoặc đưa lên mũi miệng, hoặc cầm vào đồ ăn, đồ uống... thì con virus ấy có cơ hội xâm nhập vào người bạn.
Dĩ nhiên, chưa hẳn là khi con Wuhan coronavirus xâm nhập vào cơ thể bạn là bạn sẽ bị bệnh. Đầu tiên là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Ở mắt, nước mắt của bạn là một dung dịch sát khuẩn, nó sẽ tiêu diệt một số virus. Ở mũi, miệng, bạn có hệ thống niêm mạc, và dịch nhầy của niêm mạc sẽ bắt ngay các giọt bẩn, và tống nó xuống dạ dày, hoặc bạn sẽ khạc nó ra ngoài.
Trong miệng bạn, nước miếng có tính kiềm, và dịch dạ dày thì có tính acid, nên khi con virus đi qua các vùng đó sẽ không bị cái này thì cái kia tiêu diệt. Ngay cả khi chúng vượt qua được mũi, miệng và rơi xuống phổi, thì thệ thống niêm mạc ở phổi cũng sẽ bắt chúng lại, chuyển thành đàm, và bị tống một phần ra ngoài khi bạn ho.
Chỉ có một số ít virus tồn tại trong các giọt bẩn "cứng đầu" mới có thể tồn tại và xuyên qua tất cả các lớp bảo vệ của cơ thể để gây bệnh cho bạn. Muốn vậy, chúng phải tập trung số đông trước khi xâm nhập vào cơ thể bạn. Muốn có được số đông Wuhan coronavirus, thì phải có nhiều giọt bẩn chưa nó trong môi trường.
Ở đâu có nhiều giọt bẩn?
Ở những nơi càng đông người, xác xuất gặp người bị nhiễm Wuhan coronavirus càng cao, đó là những nơi tụ tập đông người. Ở những nơi có càng nhiều người đến từ vùng dịch, xác xuất gặp người có khả năng tung ra giọt bẩn chứa virus càng cao. Ở những nơi không được thông khí tự nhiên, như trong xe taxi, trong máy bay, trong các phòng kín... mật độ các giọt bẩn sẽ dày đặc hơn so với nơi gió thổi lồng lộng... Và, những nơi tập trung đông người bị bệnh, như bệnh viện, phòng khám... là những nơi có nguy cơ gặp các giọt bẩn chứa virus cao hơn nơi khác.
Không lẽ chúng ta chịu thua các giọt bẩn này sao? Không, virus mạnh thì chúng ta cũng có vũ khí của chúng ta chứ.
Tại EXSON, chúng tôi thực hiện việc tẩy trùng bề mặt thường xuyên. Những nơi tập trung đông bệnh nhân sẽ được tẩy trùng bề mặt mỗi giờ, gồm sàn nhà, kính, ghế ngồi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn trong thang máy... Ở khu vực chỉ có nhân viên thì tẩy trùng ngày 2 lần. Chúng tôi sử dụng Presept, dung dịch tẩy trùng trong y tế, ở nồng độ phù hợp để tẩy trùng bề mặt (0,014%).
Chúng tôi cũng qui định, nếu xuất hiện người có yếu tố dịch tễ, sẽ đưa ngay đến khu vực cách li tạm. Và, khi được bác sĩ tư vấn xác nhận nguy cơ cao, thì ngay sau đó sẽ phải tẩy trùng khu vực, nhân viên sẽ thay toàn bộ đồ, và tắm rửa. Việc làm này nhằm mục đích loại bỏ số lượng virus tập trung "đông như quân Nguyên", giảm số lượng virus có khả năng xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, việc rửa tay được khuyến cáo thường xuyên, nhất là sau khi đặt tay lên các bề mặt, hoặc tháo khẩu trang. Chúng tôi cũng khuyến khích mọi người lau tay bằng khăn giấy dùng một lần sau khi rửa tay, và bỏ vào thùng rác. Nhân viên lau chùi và thu dọn rác phải mang găng tay, sau đó bỏ luôn găng tay mà không được xài lại.
Với nhân viên y tế, việc rửa tay không phải là vấn đề đáng lo lắng, vì ngay cả khi chưa có dịch, chúng tôi vẫn phải đảm bảo rửa tay thường xuyên. Bản thân tôi thuộc nhóm những người phải rửa tay nhiều nhất của Việt nam, thậm chí là của thế giới. Nhưng với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, thì chúng tôi, ngoài việc khuyến khích, còn trang bị ở mọi nơi những bình rửa tay nhanh, để họ có thể rửa tay bất cứ lúc nào.
Theo tôi, ở tất cả những nơi tập trung đông người, như siêu thị, nhà ga, sân bay... cần phải được vệ sinh bề mặt thường xuyên. Riêng taxi, phương tiện đi lại công cộng, lại trong hộp kín, cần được các tài xế lưu ý tẩy trùng thường xuyên. Máy bay, xe lửa, và các phương tiện giao thông công cộng khác thì khỏi cần nói, đương nhiên là phải tẩy trùng thường xuyên.
Ngoài việc rửa tay, sát trùng bề mặt, để hạn chế số lượng giọt bẩn, số lượng virus có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta, chúng ta cũng nên hạn chế cầm nắm lên các đồ vật, tay vịn thang cuốn, tay vịn cầu thang... Nếu bắt buộc phải cầm lên các tay nắm cửa, nút nhấn thang máy, tay vịn cầu thang... ở những khu đông người như siêu thị, nhà ga, sân bay... thì nên rửa tay ngay sau đó.
Nếu tất cả chúng ta cùng ý thức thực hiện những biện pháp phòng chống dịch, thì dù Wuhan coronavirus có độc lực mạnh đến đâu, khả năng lây lan cao đến đâu, cũng sẽ bị chặn lại.
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào