Được nhiều quí bạn trên facebook hỏi làm cách nào mà tôi giải thích được rành rẽ một số chuyện, trước hết xin cảm ơn thạnh tình đó của quí b...
Được nhiều quí bạn trên facebook hỏi làm cách nào mà tôi giải thích được rành rẽ một số chuyện, trước hết xin cảm ơn thạnh tình đó của quí bạn. Thiệt sự tôi lơ mơ đủ thứ, nhưng tôi đều áp dụng điều mà tôi gọi là “phương pháp thắc mắc trẻ con”: coi, con nít tụi nó không chịu nghe sao ừ vậy, mà tụi nó luôn luôn đặt dấu hỏi cho tới chừng nào hiểu được mới thôi! Hôm nay, xin được kể cách tôi áp dụng “thắc mắc kiểu trẻ con” trong lúc tìm hiểu tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ (các bạn sẽ phải bật cười bởi có lúc thấy ngô nghê phát ớn).
TẠI SAO CHÁNH TRỊ MỸ ÁP DỤNG POPULAR VOTE & ELECTORAL VOTE ?
* Người ta dễ bị « chết cứng » bởi cái nghĩa được biết, được học ở buổi ban đầu; có dè đâu cách dịch đó lại dẫn tới sự nhầm lẫn lung tung và… hiểu sai (có người vô tình, lại có kẻ cố ý) về nền tảng dân chủ của Mỹ.
Trước nhứt, quí bạn đừng vội vàng dịch sang tiếng Việt, cứ biết ở bên Mỹ họ có « popular vote », rồi « electoral vote ». Đây, mượn ngay kỳ bầu cử TT gần nhứt hồi năm 2016 để diễn giải.
*1*
Người dân đi bỏ phiếu, gọi là “popular vote”. Kết quả popular votes thì được kiểm độc lập theo từng bang. Tại sao không lấy kết quả popular votes trong toàn nước Mỹ, mà theo mỗi bang? Ở đây, đừng nhầm lẫn “râu ông cắm cằm bà”: nước Mỹ không phải là quốc gia đơn nhứt như nước Pháp, mà Mỹ là quốc gia hợp thành từ 50 bang, mang tính chất như 50 “tiểu quốc” (“state”, thường được dịch là “bang”, còn có nghĩa là “quốc gia”); thành thử người dân trong mỗi “tiểu quốc” (state) có thẩm quyền riêng biệt trong việc bỏ phiếu.
Tại bang Oregon hồi năm 2016, phiếu bầu popular votes cho bà Hillary nhiều hơn ông Trump, tức bà Hillary trở thành “nguyên thủ” của bang Oregon chớ gì nữa (nếu hình dung mỗi bang là quốc gia đơn nhứt)! Trong khi đó, bang Oklahoma thì ông Trump nhận được nhiều popular votes hơn, tức ông Trump trở thành “nguyên thủ” của bang Oklahoma.
Vậy, nếu ứng viên nào trở thành “nguyên thủ” của nhiều bang hơn (qua kết quả POPULAR VOTES trong mỗi bang) - chẳng hạn, “nguyên thủ” của 26 bang (quá bán, nước Mỹ có 50 bang) - thì trở thành Tổng thống Mỹ? Đâu được, bởi vì có bang đông dân ơi là đông như California, có bang ít xịt như Alaska, không thể cào bằng.
*2*
Thành thử phải “chấm điểm”, bang đông dân phải có nhiều “điểm” hơn bang ít dân. Hiến pháp Mỹ bèn định ra thể thức gọi là “electoral vote” (một lần nữa, xin nhắc, các bạn khoan dịch sang tiếng Việt, cứ thủng thẳng biết người Mỹ họ gọi rứa đó - “electoral vote”). Bang đông dân nhứt như California có 55 electoral votes, bang Texas có 38 electoral votes, bang Oregon 7 electoral votes, bang Oklahoma 7 electoral votes, bang Alaska 3 electoral votes… Tổng cộng toàn nước Mỹ (50 bang, và Đặc khu Columbia nơi đặt thủ đô Washingotn) có 538 electoral votes.
Con số electoral votes của từng bang dựa trên con số tổng cộng thượng nghị sĩ và dân biểu (mà bang đó thủ đắc trong Quốc hội Mỹ), tỉ như California có 2 thượng nghi sĩ và 53 dân biểu trong Quốc hội Mỹ, qui ra có tổng cộng 55 electoral votes. Xin các bạn lưu ý: ở đây thuần túy là SỐ LƯỢNG PHIẾU (55 electoral votes dành cho California).
Để rõ hơn, tới đây mời các bạn nhớ lại hồi bầu cử TT Mỹ 2016, lúc bấy giờ kết quả cập nhựt từng lúc một, cập nhựt liên tục trên mạng online. Tôi còn nhớ: khi bang Oregon đã kiểm phiếu xong (dựa hoàn toàn trên POPULAR VOTES) cho biết bà Hillary thắng thì NGAY LẬP TỨC hiện ra 7 electoral votes (dành cho Oregon), được cộng vào cho bà Hillary.
Rồi, bang Oklahoma kiểm phiếu popular votes xong, cho biết ông Trump thắng thì NGAY LẬP TỨC hiện ra 7 electoral votes (dành cho Oklahoma), được cộng vào cho ông Trump.
Cứ vậy lần lượt các bang, hễ bang nào kiểm phiếu popular votes xong, biết được ứng viên nào thắng thì ngay lập tức con số electoral votes của bang đó thuộc về ứng viên thắng. Và khi ông Donald Trump “chạm mốc” 270 electoral votes (tức quá bán, trong tổng số 538 electoral votes của toàn nước Mỹ), cho dù vẫn đang kiểm phiếu ở một số bang nữa, ngay lập tức biết được ông Trump đắc cử Tổng thống.
Xong. Đó là tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ: kiểm phiếu bầu POPULAR VOTES của người dân TRONG MỖI BANG riêng rẽ => Ứng viên nào thắng cử thì ngay lập tức “SỐ LƯỢNG electoral votes”, qui định nhiều ít tùy bang, thuộc về ứng viên đó.
*3*
Tới đây mới nói về việc dịch sang tiếng Việt, đã làm rối trí nhiều người bắt thương luôn và hiểu… trớt hướt về chánh trị dân chủ bên Mỹ.
a) Cử tri (âm Việt-Hán của chữ 舉知),tức là người đi bỏ phiếu. Tỉ như bạn nổi hứng không ưng ra phòng phiếu mà ở nhà lai rai bia Corona (không phải virus Corona), cho dù bạn trong độ tuổi được quyền đi bầu nhưng bạn không còn là “cử tri” (có đi bỏ phiếu bầu đâu mà gọi “cử tri”!).
“Popular vote” là phiếu cử tri dân chúng, cử tri phổ thông, còn gọi là phiếu phổ thông. Dịch như vậy là ổn thỏa. Còn “electoral vote”, không biết… vị nào là người đầu tiên trong cõi xứ Việt đi dịch thành “phiếu đại cử tri”? “Đại” ở đây là “đại diện/thay mặt”. Coi nè, phiếu cử tri phổ thông kêu bằng “popular vote”; vậy “phiếu đại cử tri” thì phải dịch từ “represent popular vote” mới tương ứng chớ? Tôi áp dụng “thắc mắc kiểu trẻ con” vậy đó.
Trong khi đó, tôi thấy người Mỹ họ gọi một đàng là “popular”, còn một đàng là “electoral” - mặt chữ khác nhau xa lắc xa lơ. Vậy, mắc giống gì lại dịch thành “đại cử tri” (âm Việt-Hán của 代舉知)?
b) Nhờ thắc mắc kiểu con nít con nôi mà tôi nhứt quyết tìm hiểu cho đúng thực chất tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ, gọi theo đúng lối Mỹ là “electoral vote” chớ không rước vô đầu mình lối dịch “phiếu đại cử tri” gì ráo trọi.
Như diễn giải ở phần *2*, quí bạn thấy nơi thể thức “electoral votes” hoàn toàn KHÔNG có việc đi bỏ phiếu gì hết. Ông Trump thắng phiếu cử tri phổ thông (popular votes) tại bang Texax, ngay lập tức… chỉ trong vòng một nốt nhạc, qui đổi thành con số 38 electoral votes của bang Texas thuộc về ông. Lúc đó làm gì có 38 ông thần bà thánh nào từ trên trời rơi xuống hoặc dưới đất chui lên bầu cho ông Trump?
Đã KHÔNG xảy ra việc ĐI BỎ PHIẾU (thay mặt người dân), về mặt ngữ nghĩa, tức không phải “cử tri” (huống hồ là “đại cử tri”)! Ở đây, chỉ là và đúng là: “Electoral votes”.
Vậy, “electoral votes” nếu dịch sang tiếng Việt là gì (cho đúng với thể thức bầu cử TT Mỹ)?
c) Bởi lối dịch “đại cử tri” (không biết vị nào sáng chế ra kiểu dịch này đầu tiên?) mà tôi thấy cái sự tréo ngoe, buồn cười như ri: Ngay cả một số người tự xưng mình hâm mộ nền dân chủ Mỹ nhưng lại đi nói phiếu bầu của người dân không quyết định, mà quyết định bởi “đại cử tri”. Trời đất! Nếu vậy, nước Mỹ độc tài mịa nó rồi, đâu có dân chủ, cho dân đi bỏ phiếu làm màu chơi chớ không có ký lô gì ráo.
“Electoral votes” từ đâu ra? Là hoàn toàn dựa trên sự thắng cử bởi phiếu bầu phổ thông, bởi cử tri dân chúng (POPULAR VOTES). Không thắng bởi phiếu bầu của dân tại bang Oregon, làm sao bà Hillary lụm được 7 electoral votes? Không nhờ dân bầu cho ông Trump thắng tại bang Oklahoma, lấy đâu ra 7 electoral votes thuộc về ổng? “Electoral votes” thuần túy là THỂ THỨC KỸ THUẬT không hơn không kém.
Cái chữ “đại cử tri” bị in vô đầu nhiều người trong chúng ta, vô tình làm cho cái hiểu bị méo mó hết trơn.
Một lần nữa, mời các bạn xem kỹ lại phần *2* ở trên.
*4*
Chúng ta thường nghe nói “phổ thông đầu phiếu”, đây là âm Việt-Hán của 普 通 投 票, còn gọi là “phiếu phổ thông” – tức popular vote. Còn electoral vote? Bên xứ Đài Loan dân chủ, người ta gọi là 選舉票 “tuyển cử phiếu”, không có “đại cử tri” gì ráo ở đây !
Gọi như vậy hay hết biết, trúng phóc với thể thức bầu cử TT Mỹ ! “Tuyển” là chọn lựa : theo qui định của luật pháp Mỹ, chẳng hạn bang California được ấn định / chọn sẵn là 55 phiếu tuyển cử (electoral votes), bang Floria được chọn sẵn là 19 phiếu tuyển cử (electoral votes), hễ ứng viên thắng cử bởi cử tri dân chúng (popular votes) tại bang nào thì “lụm” số phiếu tuyển cử (electoral votes) có sẵn tại bang đó.
“Popular vote” là “phiếu phổ thông”, còn “ELECTORAL” là “PHIẾU TUYỂN CỬ”. Bên tiếng Mỹ, coi mặt chữ « popular » và « electoral » không giống nhau gì hết ; cũng vậy, « phổ thông » và « tuyển cử » cũng rạch ròi, khác biệt đó đa.
Nguyễn Chương MT
-------------------------------------------------------------------------------
* À, ắt có quí bạn cự nự : sau khi dứt cuộc bầu cử TT Mỹ, chừng một tháng sau có…538 ông bà bằng xương bằng thịt hẳn hoi, bấy giờ mới thực hiện « formal voting » là « bỏ phiếu chính thức » để công bố ai là Tổng thống Mỹ à !
Một lần nữa, cũng nhờ tôi áp dụng « phương pháp thắc mắc kiểu con nít » mà nhận ra… « formal » không hề mang nghĩa là « chính thức » gì hết ! Thêm nữa, còn giúp tôi hiểu được sự khác nhau thú vị giữa Tổng thống chế (Presidential system) với Đại nghị chế (Congressional system) mà nhiều người chúng ta vô tình đem « râu ông cắm cằm bà ».
Xin hầu chuyện trong bài sau.
Không có nhận xét nào