[ B-RAY VÀ CƠ CHẾ CHÍNH TRỊ - MÔI TRƯỜNG NÀO, ÂM NHẠC ĐÓ ] Mình mới xem bài hát gần đây nhất của B-Ray tên “Do for love.” Mình thực sự không...
[B-RAY VÀ CƠ CHẾ CHÍNH TRỊ - MÔI TRƯỜNG NÀO, ÂM NHẠC ĐÓ] Mình mới xem bài hát gần đây nhất của B-Ray tên “Do for love.” Mình thực sự không thể tin được chàng trai này đã thay đổi quá nhiều từ phong cách đến lời nhạc. Biết từ năm 2015, tới giờ đã hơn 5 năm rồi và hiện tại anh ta đang hoạt động ở Việt Nam.
Đây không phải là sự chỉ trích với chàng rapper này mà là sự phân tích tác động của cơ chế chính trị đối với âm nhạc nói chung.
Tôi luôn cho rằng chính sách chính trị sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mức độ sáng tạo của nghệ thuật. Theo dõi B-Ray thì điều đó được chứng minh rất rõ. Kể từ khi trở về nước hoạt động thì lời nhạc của anh đã thay đổi hoàn toàn để phát triển trong môi trường hiện tại.
Nếu trước đây thành danh với những bài về xã hội, thời sự và châm biếm chính trị thì bây giờ B-Ray chỉ xoay quanh chủ đề tình yêu. “Cá Thép” được thay thế bằng “Như Như Trẻ Còn,” “Vote For Us” bị lãng quên bởi “Ex’s Hate Me” hoặc “Bố Em Là Cán Bộ” biến thành “Do For Love.”
Đây không phải là lỗi anh ta mà là do cơ chế ép buộc nghệ sĩ phải như vậy. Không hiểu ý tôi hả? Đây là lời nhạc trước đây của anh ta.
1. “Điền Đơn kí giấy bỏ phiếu cho tao. Gạch tên ếch viết tên Báo. Tao sẽ đem bộ đội về nhà. Sẽ không còn ai ở ngoài biển đảo. Tao sẽ xây thêm thật nhiều tượng. Tao sẽ cảm hóa làm bạn thù địch.” - từ bài Vote For Us.
2. “Cửa nhà em làm sao mà anh vô, khi mà bố của em là cán bộ. Tất cả có lẽ do duyên số, khi xe đạp sao chạy theo ô tô?” - từ bài Bố Em Là Cán Bộ.
Các bạn có thể thấy sức sống, sự mạnh mẽ và dũng khí thanh niên. Còn đây là lời nhạc những bài gần đây.
1. “Anh muốn được cùng em suốt ngày như trẻ con. Không rời nhau dù một bước đầy như trẻ con. Mình làm những điều mình muốn. Buổi chiều nhìn hoàng hôn xuống. Mà đời thì đầy tình huống đâu như trẻ con." - từ Yêu Như Trẻ Con.
2. "Em gái nhỏ ơi nhìn em đẹp đó. Chỉ cần bước đi ngang là anh khó thở, Nhịp tim anh kẹt đó. Bóng hồng kia chưa có chủ, Hay là hàng hiếm nên chỉ được nhìn? Mà thằng bạn trai nào dại lại, để em bước ra đường một mình." - từ Do For Love.
Khi tôi nghe những câu như vậy thì cảm thấy rất nhàm chán. Vì bị kiểm duyệt cho nên đề tài dễ viết nhất là tình yêu, vì không đụng chạm đến ai. Là một người theo dõi anh ta đã lâu, tôi ít nhiều chán nản. Khi một chủ đề được làm đi làm lại quá nhiều thì sẽ thành nhàm. Khi lời nhạc về tình yêu được nấu đi xào lại liên tục thì sẽ thành nhảm.
Không chỉ B-Ray mà âm nhạc Việt Nam xét tổng quát không có sức hút và chỉ có thể được tiêu thụ trong nước hoặc trong cộng đồng nói tiếng Việt. Hãy nhìn những bài gần đây thì sẽ hiểu, nhạt không thể tả. Khán giả trong nước cũng vô cùng dễ dãi khi chấp nhận chất lượng nghệ thuật thấp kém. Nhưng vì không có lựa chọn nào khác nên họ coi đó là bình thường.
Chẳng sao, tôi vẫn nghe nhưng sẽ tiếc nuối. Nếu đất nước cho tự do ngôn luận thì mọi chuyện sẽ khác. Nghệ sĩ sẽ cất tiếng nói, lời nhạc sẽ bớt nhàm và giai điệu sẽ phong phú hơn.
Môi trường nào, âm nhạc đó. Cơ chế nào, B-Ray đó. [16.3.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào