CORONAVIRUS : HIỂM HOẠ LÂY LAN CỘNG ĐỒNG NẾU CHO TRẺ ĐẾN TRƯỜNG Giữ trẻ ở nhà không chỉ có ý nghĩa đối với việc bảo vệ an toàn cho trẻ mà cò...
CORONAVIRUS : HIỂM HOẠ LÂY LAN CỘNG ĐỒNG NẾU CHO TRẺ ĐẾN TRƯỜNG
Giữ trẻ ở nhà không chỉ có ý nghĩa đối với việc bảo vệ an toàn cho trẻ mà còn là một biện pháp phòng tránh lây lan cộng đồng vô cùng hiệu quả.
Bài viết này sẽ thảo luận và phân tích chi tiết các lý do vì sao cần phải giữ cho trẻ em Việt Nam ở nhà trong giai đoạn này?
Nguy cơ từ việc lây lan ngược lại cộng đồng từ những đứa trẻ
Xuất phát điểm của việc tạm thời không cho trẻ đến trường và tránh xa chỗ đông người bấy lâu của Nhà nước ta nguyên ban đầu là để tránh lây nhiễm cho trẻ trong giai đoạn đầu dịch bệnh. Tuy nhiên, qua theo dõi những diễn biến lây lan nhanh chóng và tình trạng mất kiểm soát ở các quốc gia khác, tôi cho rằng cần nhìn nhận vấn đề dịch bệnh dưới góc độ rộng hơn của cả cộng đồng chứ không chỉ giới hạn ở những môi trường của trẻ em. Nếu như chẳng may trẻ nhỏ đi học bị nhiễm Coronavirus, mức độ lây lan ngược lại từ trẻ nhỏ ra cộng đồng sẽ rộng và nghiêm trọng hơn rất nhiều, vì những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, ở trường, trẻ sẽ gặp, tiếp xúc và sinh hoạt cùng với số lượng người rất lớn bao gồm bạn bè và thầy cô với mật độ sâu và thời gian dài. Thời gian tiếp xúc giữa các trẻ rất lâu, có thể hơn 8h/ngày cũng như điều kiện sinh hoạt, tiếp xúc (ăn, ngủ, học…cùng nhau) rất thuận tiện để lây lan virus. Thông thường một lớp học phổ thông có sĩ số lớp là 40-50 em. Mỗi một thành viên này trong trường học sau đó sẽ về nhà và tiếp xúc với những thành viên trong gia đình. Trong điều kiện người không có triệu chứng vẫn có thể truyền bệnh, những người lớn trong gia đình có thể không biết bản thân đã bị nhiễm qua trẻ nên không cách ly bản thân, họ sẽ đi ra ngoài, tiếp xúc và tiếp tục lây nhiễm thêm và tạo ra hiệu ứng lây nhiễm theo dây chuyền Domino cho cộng đồng khác.
Có thể liên hệ trực tiếp từ chính câu chuyện lây lan mất kiểm soát ở Hàn Quốc bắt nguồn từ một thành viên tiếp xúc với giáo phái của mình thông qua hình thức nhiều người ngồi gần nhau và cùng nhau đọc sách, khiến virus lây lan nhanh chóng qua không khí. Cách thức sinh hoạt như vậy rất giống với cách thức sinh hoạt học tập của học trò trên trường học. Nhóm người ở Hàn Quốc sinh hoạt cùng nhau trong 1 nhà thờ và đã khiến dịch bệnh ở Hàn Quốc nhanh chóng lây lan từ chính cộng đồng của mình ra bên ngoài, gây ra tình trạng bệnh viện trở tay không kịp khi số lượng bệnh nhân tăng đột ngột. Nếu trường học mở lại thì không khác nào chuẩn bị lặp lại cách thức sinh hoạt dễ gây truyền nhiễm như ở Hàn Quốc, chính phủ cần phải rút kinh nghiệm để không lặp lại tình trạng như nước bạn và hạn chế tổn thất càng nhiều càng tốt.
Thứ hai, theo nghiên cứu đối với chủng Corona, trẻ em nếu mắc bệnh do Covid-19 thường cơ hội hồi phục cao, nhưng khi bệnh lây nhiễm cho người lớn tuổi trong gia đình thì sẽ nguy hiểm hơn vì biến chứng của Corona virus đối với người lớn tuổi vốn rất khó lường, đặc biệt là người lớn tuổi có sẵn các bệnh nền. Sự khác nhau về độ tuổi và bệnh lý có sẵn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị của người bệnh. Hãy thử nghĩ, một đứa trẻ nếu lây nhiễm ngược lại cho ông bà, cha mẹ trong gia đình thì sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp cháu bé có thể chỉ bị bệnh nhẹ, nhưng nếu người lớn tuổi trong gia đình bị nhiễm và bệnh chuyển nặng, thậm chí biến chứng do các bệnh cao tuổi gây ra, phải chăng sẽ trở thành những gánh nặng đối với chính gia đình đó, bệnh viện điều trị và rộng hơn nữa là xã hội? Những hiểm họa này hoàn toàn có thể tránh được nếu như giảm thiểu nguy cơ lây lan từ trẻ nhỏ ngược lại cho người trong gia đình.
Thứ ba, trẻ nhỏ, đặc biệt là là các cháu bé mầm non và các cấp nhỏ thường đủ kiến thức, ý thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân. Xét điều kiện khách quan, hoàn cảnh sinh hoạt trong trường khi trẻ đi học cũng không thể so sánh với không gian và môi trường của một người lớn đi làm. Trẻ ngồi gần nhau, đọc bài, nói chuyện, thậm chí ăn, ngủ, chơi cùng nhau trong trường, trong khi người lớn đi làm có thể chủ động về sinh hoạt và cũng có thể tự ý thức phòng bệnh trong các điều kiện nhất định. Điều này có thể phần nào lý giải bấy lâu nay, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước ta, người lớn vẫn đi làm mà không xảy ra tình trạng lây lan cộng đồng, nhưng điều tương tự sẽ không xảy ra nếu hàng trăm nghìn đứa trẻ tập trung vào trong trường học. Việc để cho một số lượng lớn trẻ không được trang bị phơi nhiễm với môi trường có nguy cơ cao sẽ không khác nào tự thấy nguy hiểm mà vẫn dấn thân vào, do vậy, những nhà quản lý đất nước nhất định không được bỏ qua những chi tiết này khi xem xét cho trẻ quay lại trường.
Lao động chính trong gia đình bị lây bệnh sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội
Bàn về cách thức đánh giá hiện trạng xã hội trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 lây lan và gây ảnh hưởng toàn cầu hiện nay, không thể duy trì tư duy và kế hoạch phát triển như thể trong thời kỳ bình yên khi xưa. Trong thời gian trước mắt, chỉ tiêu phát triển kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và trong trường hợp có những diễn biến xấu hơn khiến sự sống của số lượng lớn người dân bị đe dọa, thì dường như duy trì xã hội ở mức độ tồn tại vừa đủ và kìm chế mọi mối đe dọa đến tính mạng, bất ổn xã hội là ưu tiên lớn hơn cả.
Trong sản xuất xã hội, lực lượng chính lao động đóng góp ra của cải vật chất không phải là trẻ con mà là cha mẹ hay người nuôi dưỡng của chúng. Nếu trẻ nhiễm bệnh và lây ngược lại cho các gia đình thì mức độ lây lan có thể sẽ gia tăng trong cộng đồng người lớn tuổi, bên cạnh mối đe dọa đến sức khỏe, tính mạng thì còn phải tính đến hậu quả đối với nền kinh tế khi bị mất đi lực lượng sản xuất cho xã hội. Khi bản thân lao động chính trong gia đình không thể tiếp tục làm việc, thì cũng sẽ dẫn đến việc nuôi dưỡng bồi đắp cho thế hệ tương lai có nguy cơ bị đe dọa và việc nuôi dạy các cháu tất yếu sẽ bị ảnh hưởng. Sẽ rất thương tâm nếu như một gia đình rơi vào hoàn cảnh không ai mong muốn này.
Chúng ta mất nhiều năm để đào tạo một thế hệ tương lai. Trong khi đó, tình trạng tạm nghỉ học chỉ là do diễn biến bất ổn nhất thời do dịch bệnh tự nhiên. Căn cứ vào các tiền lệ khác của đại dịch trong lịch sử, thời gian kéo dài của dịch bệnh thường không quá 1 năm. Thời gian tạm nghỉ học cứ cho rằng sẽ kéo dài khoảng 1 năm, nếu so sánh 20 mấy năm năm đào tạo ra một con người trưởng thành và đóng góp cho xã hội thì không đáng là gì. Ngay kể cả dịch bệnh này có kéo dài nhiều năm thì cũng là vấn nạn chung của cả thế giới, con người khắp thế giới cũng sẽ phải chấp nhận lui lại vài bước trong các tiến trình phát triển mà họ từng hoạch định. Đây sẽ là vấn đề của nhân loại, không riêng gì Việt Nam, nên các lãnh đạo không cần phải vội vàng tránh có những quyết định đáng tiếc.
Không nên “mất bò mới lo làm chuồng”
Ông bà thường dạy chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”, ý nói nên chuẩn bị và phòng tránh những trường hợp xấu khi còn có thể, vì những nỗ lực sửa chữa sau đó dù to lớn đến đâu cũng sẽ không còn hiệu quả. Khi một em học sinh chẳng may nhiễm bệnh dẫn đến tình trạng lây lan cộng đồng, ngay cả Việt Nam chúng ta có đóng cửa trường học mấy nghìn học sinh như Nhật Bản hay Thái Lan thì cũng không có ý nghĩa nữa vì khi đó, xã hội có thể đã rơi vào trạng thái lây nhiễm cao rồi. Kinh nghiệm ứng phó trên thế giới cũng cho thấy khi đối phó với hiểm họa, việc nâng cao cảnh báo thậm chí quá mức vào những thời điểm mà mức độ an toàn vẫn chưa được xác định vẫn được xem là tốt hơn những quyết định vội vàng do khinh suất hoặc thiếu thông tin toàn cảnh.
Trong lúc này, thay vì khử trùng và vệ sinh trường học – vốn dĩ là việc nên làm theo lịch trình thường lệ dù có dịch bệnh này hay không, các lãnh đạo nên lưu ý nguy cơ lây lan từ giữa con người với con người mới là nguyên nhân của dịch bệnh bùng – trong đó, điều kiện tập trung học sinh ở trường sẽ kích hoạt lây nhiễm tốt nhất. Ngoài ra, Nhà nước có thể thì hỗ trợ giáo viên và ngành giáo dục trong thời gian không giảng dạy. Trong một bài báo trước đây tôi có viết về việc thay đổi hình thức giáo dục linh động hơn có thể cũng là một phương án để hỗ trợ phụ huynh, học sinh hay cho các cơ sở giáo dục vào thời điểm này…
Nếu lãnh đạo biết đâu là trọng điểm thì sẽ có phương án và cách kiểm soát tốt, ngược lại, một quyết định sai lầm do thiếu cân nhắc có thể sẽ phải trả giá bằng vận mệnh của cả dân tộc.
Theo Blog Thiên Hà: https://wp.me/p7cPVx-2Lc . Quý vị sử dụng VPN nếu bị chặn truy cập.
Không có nhận xét nào