DỊCH CORONA VIRUS SẼ ĐẠT ĐẾN ĐỈNH ĐIỂM KHI NÀO? Theo tạp chí khoa học lâu đời Nature, các quan chức y tế của tất cả các nước đều muốn...
DỊCH CORONA VIRUS SẼ ĐẠT ĐẾN ĐỈNH ĐIỂM KHI NÀO?
Theo tạp chí khoa học lâu đời Nature, các quan chức y tế của tất cả các nước đều muốn biết thời kỳ cao điểm của dịch bệnh là khi nào và có bao nhiêu người sẽ bị nhiễm để có thể chuẩn bị ứng phó tốt. Về xu hướng phát triển dịch bệnh, có nhóm chuyên gia vẫn giữ quan điểm lạc quan, nhưng cũng có nhóm chuyên gia lại đưa ra dữ liệu không hề lạc quan.
Ngày 11/2, bác sĩ Trung Quốc Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tuyên bố dịch Covid-19 có thể đạt đến đỉnh điểm vào cuối tháng 2, và sau khi các biện pháp hạn chế đi lại cũng như kéo dài kỳ nghỉ của chính phủ được áp dụng thì dịch bệnh sẽ có cải thiện. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Vũ Hán vẫn đang trong thời kỳ khó khăn. Ngày 21/2, khi tổ chức một cuộc họp kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Bộ Chính trị ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng bước đầu đã ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, nhưng ‘điểm ngoặt’ vẫn chưa đến, và tình hình dịch bệnh ở Hồ Bắc và Vũ Hán vẫn còn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Hiroshi Nishiura, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản, đã đưa ra các dữ liệu không lạc quan như ông Chung Nam Sơn. Ông nói rằng vì sau kỳ nghỉ dài ngày, vào tuần trước người dân ở nhiều thành phố của Trung Quốc mới bắt đầu trở lại công việc, điều này sẽ tăng khả năng ‘lây truyền dịch bệnh kiểu chuỗi’. Dựa trên một mô hình, ông ước tính rằng dịch bệnh sẽ đạt đến đỉnh điểm từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5, và vào khoảng thời gian đó, số ca nhiễm dịch chẩn đoán trong một ngày sẽ lên tới 2,3 triệu.
Theo kết quả dự tính của ông Hiroshi, khoảng 550 triệu đến 650 triệu người sẽ bị nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đại lục, chiếm khoảng 40% tổng dân số Trung Quốc, và 1/2 trong số họ sẽ xuất hiện các triệu chứng. Ông Hiroshi nói thêm rằng để đưa ra dự đoán như vậy, nhóm của ông đã xem xét khả năng lây truyền của virus này. Kỳ thực, mô hình của ông đại diện cho một quan điểm tương đối đơn giản, đó là giả thiết rằng mọi người đều dễ bị lây nhiễm. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều người bị nhiễm dịch không biểu hiện triệu chứng hoặc không được điều trị. Nếu đúng là như vậy, số ca nhiễm được báo cáo ở giai đoạn này là thấp hơn số ca bị nhiễm thực tế rất nhiều.
Ông Gabriel Leung, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông, cho rằng những ước tính của chuyên gia Hiroshi khả năng là đúng vì những vùng này không có khả năng miễn dịch với Covid-19. Mặc dù tính toán của chuyên gia Hiroshi nghe có vẻ bi quan, nhưng theo ông Leung hiện nay không rõ dịch viêm phổi Vũ Hán này có tỷ lệ tử vong như thế nào.
Thien Thao Blog Biên dịch : https://www.nature.com/articles/d41586-020-00361-5
Không có nhận xét nào