HI VỌNG VÀ SỢ HÃI Chưa bao giờ người ta có thể cảm nhận rõ xã hội Việt Nam mong manh đến như vậy. Chỉ sau một đêm, Hà Nội đã náo loạn....
Chưa bao giờ người ta có thể cảm nhận rõ xã hội Việt Nam mong manh đến như vậy. Chỉ sau một đêm, Hà Nội đã náo loạn.
Rất nhiều người trút giận lên cô bệnh nhân thứ 17 ấy, lại có người không miệt thị nhưng đòi hỏi một chế tài pháp luật, một bản án để răn đe những kẻ vô ý thức với cộng đồng. Thế nhưng nếu khép tội cô ấy để xử phạt thì dựa trên khung luật nào, dân sự hay hình sự? Chuyện cô ấy về từ Châu Âu đâu chỉ mình cô ấy biết, gia đình và những người bạn thân, anh bạn trai chẳng lẽ không bị truy xét trách nhiệm liên đới hay sao?
Cần thừa nhận một thực tế là Việt Nam đã phản ứng chậm với tình hình dịch bệnh tại Châu Âu. Chỉ trong mấy ngày vừa rồi số ca nhiễm bệnh tại Châu Âu đã tăng một cách chóng mặt, xuất hiện ở hầu hết mọi quốc gia của Lục địa già và biến nơi này thành một ổ dịch. Có người cho rằng mô hình chính trị tập quyền phát huy thế mạnh ở những tình huống khủng hoảng, dịch bệnh lần này cho thấy dù là tập quyền hay phân quyền thì cũng đều rất cần sự minh bạch cùa nhà nước và công dân [1].
Báo cáo của Bộ Y Tế về trường hợp thứ 17 này ghi rất rõ: “Trong thời gian từ khi trở về nước đến khi nhập viện, bệnh nhân tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, không đi đâu, không ra khỏi nhà và vẫn đeo khẩu trang tại hộ gia đình”. Qua những dòng này, người đọc có thể giả định rằng cô ấy rất có ý thức trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Câu hỏi đặt ra là nếu như bệnh nhân thực sự có ý thức, tại sao không đi xét nghiệm ngay từ khi có những triệu chứng đầu tiên ở Anh và Việt Nam?
Báo cáo của Bộ Y Tế rõ ràng hướng đến mục đích trấn an dư luận. Dù cho điều đó có là bất đắc dĩ và “thời thế thế thời phải thế”, thì sự bất nhất giữa sự thật và những điều được công bố đã vô tình tạo ra sự mất lòng tin.
Những người tinh ý hơn còn đặt vấn đề rằng, nếu như cô ấy không đến bệnh viện để trình báo khi đã sốt cao thì dù tử vong tại gia cũng đâu ai được biết, số ca nhiễm của Việt Nam có lẽ đã vẫn đứng yên ở số 16.
Nếu Bộ Y Tế chưa hoàn toàn minh bạch, thì làm sao có thể yêu cầu sự minh bạch tuyệt đối từ phía người dân? Việc đưa tên cô ấy trên các phương tiện truyền thông một cách rộng rãi cũng là một sai lầm về quản trị, điều này vô tình tạo ra một nỗi sợ cho các bệnh nhân tương lai. Bằng việc tạo ra một tiền lệ xấu như vậy, người quản trị đã dựng nên một bức tường vô hình mang tên áp lực dư luận cho những người có triệu chứng chưa rõ ràng muốn được xét nghiệm, khiến cho việc phòng dịch càng khó khăn hơn. “Bệnh nhân số 31” của Hàn Quốc nổi tiếng như vậy nhưng mấy ai biết được tên hay mặt mũi của bà ấy?
Cần nhìn thẳng vào thực tế là ở ca bệnh thứ 17 này Việt Nam đã xử lý rất kém. Một trường hợp như vậy đã được dự báo trước và có thể nói chắc chắn sẽ xảy ra không sớm thì muộn vì xã hội vốn là bất toàn. Việc từ ca thứ 17 này dẫn đến một ổ dịch 3 người, 30 người hay 300 người tại Hà Nội cũng chỉ dựa vào xác suất may-rủi mà thôi. Sự bất định hay bất minh vốn luôn là một trong những nguồn cơn của sự sợ hãi.
Mặc cho những nỗ lực của hệ thống y tế và chính người dân, có lẽ Việt Nam lúc này chỉ biết hi vọng nhiều nhất vào thời tiết và khí hậu. Nhìn sang các nước trong cùng khu vực Đông Nam Á và những nước nóng như Ấn Độ, chúng ta có dữ liệu thực tế để nhận định rằng Corona virus chủng mới khó lây lan hơn trong môi trường có độ ẩm tuyệt đối cao [2][3].
Bức tranh toàn cục không chỉ có nỗi sợ hãi mà còn có nhiều tia hi vọng. Đôi khi lằn ranh giữa hi vọng và sợ hãi chính là việc có đầy đủ thông tin hay không. Mới cách đây vài ngày nhiều người sợ hãi khi đọc báo cáo rằng SARS-CoV-2 tiến hoá thành 2 chủng khác nhau, cho rằng virus đã trở nên khó lường và nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, khi đọc kĩ công trình của các nhà khoa học Trung Quốc thì sẽ thấy rằng sự lây lan và phát triển của virus đang đi theo hướng có lợi cho con người nhờ áp lực của chọn lọc tự nhiên, mà ở đó những nỗ lực của cộng đồng thế giới để cách ly và chữa trị người bệnh đóng vai trò lớn [4][5]. Việc một virus biến đổi không có gì là mới, nhất là với những virus RNA với cấu trúc không ổn định, khi lây lan nhiều trên một vật chủ là con người [6].
Sự biến chuyển của COVID-19 cho thấy rằng những nỗ lực của chính phủ các nước đã phần nào phát huy hiệu quả. Nếu con người tiếp tục việc cách ly và chữa trị kịp thời để chặn đường lây lan của những biến thể virus nguy hiểm hơn, qua thời gian áp lực chọn lọc tự nhiên sẽ làm SARS-CoV-2 tiến hoá theo chiều hướng ít nguy hiểm.
Việc đặt hi vọng đúng chỗ cũng cực kì quan trọng. Khi đọc những thông tin về việc nghiên cứu chế tạo vaccine cho COVID-19, hẳn nhiều độc giả đã bi quan khi hầu hết các nguồn tin đều cho rằng cần ít nhất một năm nữa các nhà khoa học mới có thể tạo ra một loại Vaccine như vậy. Tuy nhiên, nếu được thông tin đầy đủ hơn và không phải ăn những cái bánh vẽ của truyền thông, hẳn nhiều người sẽ có suy nghĩ khác hẳn. Việc hi vọng vào một sự can thiệp của khoa học theo đó cũng nên đặt vào việc phát triển một loại thuốc để kềm chế virus chứ không phải là vaccine.
Lấy ví dụ như Remdesivir do Gilead sản xuất, cơ chế hoạt động của loại thuốc này là rất thông minh khi đánh lừa được SARS-CoV-2 khiến nó nhầm tưởng các phân tử thuốc là các nucleotide trong quá trình nhân bản. Khi SARS-CoV-2 đã gắn vào Remdesivir, nó không thể tiếp tục sinh sôi và từ đó hệ miễn dịch người bệnh được giảm bớt gánh nặng. Bệnh nhân đầu tiên của nước Mỹ đã được chữa khỏi theo cách đó [7].
Nhân loại vẫn chưa phát triển được vaccine cho bất kì chủng Corona virus nào, các nhà nghiên cứu gần như đang phải bắt đầu từ con số 0. Thế nhưng một loại thuốc đáng tin cậy có thể trợ giúp hệ miễn dịch đánh bại SARS-CoV-2 rất có thể sẽ được đưa vào thị trường trong vài tháng tới. Đó mới chính là hi vọng thiết thực nhất mà khoa học có thể đem đến cho cư dân toàn cầu.
Leonard Bernstein, nhà soạn nhạc cổ điển của nước Mỹ đã nói một câu rất lãng mạn rằng “To achieve great things, two things are needed; a plan, and not quite enough time”. Trong thế chiến thứ II, các kĩ sư Mỹ đã dự kiến cần tới 3 tháng để sửa con tàu USS Yorktown bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên khi được đô đốc Nimitz thúc ép, họ đã hoàn thành được điều tưởng như bất khả thi là sửa một con tàu sân bay chỉ trong 3 ngày. USS Yorktown sau đó đóng vai trò then chốt trong trận chiến Midway và giúp Mỹ lấy lại Thái Bình Dương từ tay người Nhật. Câu chuyện của các kỹ sư đóng tàu cũng trở thành một giai thoại cho những điều phi thường diễn ra trong tình huống khẩn cấp. Những bộ óc siêu việt nhất của thế giới đang vào cuộc để đánh bại dịch bệnh lần này và họ cũng không có đủ thời gian, đó đều là chỉ dấu của một kỳ tích sắp diễn ra.
Đâu đó, người ta còn đặt hi vọng vào sự tỉnh giấc của nước Mỹ. Hoa Kỳ vẫn luôn là gã khổng lồ ngủ say trên một vị trí địa lý đặc thù cách xa những khủng hoảng của phần còn lại thế giới. Người Mỹ luôn dễ có tâm lý chủ quan nhất là khi họ đang là siêu cường số một cả về quân sự lẫn kinh tế. Tính đến ngày 7/3, CDC Mỹ chỉ mới xét nghiệm khoảng 2000 ca trên toàn quốc, một con số rất khiêm tốn. Tuy nhiên, những động thái gần đây của chính quyền Trump khi duyệt 8,3 tỷ USD chống COVID-19, cũng như việc IMF tung ra 50 tỷ USD hỗ trợ các quốc gia chống dịch, cho thấy Mỹ đang bắt đầu vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Sức mạnh của thị trường tự do và nền tảng công nghệ, khoa học mà Mỹ dày công xây đắp bao lâu nay sẽ chính thức tham chiến, trở thành một hi vọng lớn cho các chính phủ và nhân dân toàn cầu.
Sự sợ hãi trong một khủng hoảng lớn là điều tất nhiên và thậm chí ở chừng mực nào đó là cần thiết. Nhưng dù sợ hãi nhiều hơn hay hi vọng nhiều hơn thì mỗi cá nhân đều phải đối mặt với dịch bệnh và những hệ quả của nó bằng cách này hay cách khác. Tốt hơn hết là chúng ta nên bình tĩnh và để lý trí dẫn dắt, có phải không?
Anh Vũ Ngô
-----------------------------------
1. Độc tài nhân từ (Benevolent Dictatorship) như Singapore hay dân chủ tự do như Hàn Quốc đều gặp những sai lầm trong công tác chống dịch. Tuy nhiên, sự minh bạch và nỗ lực của chính phủ nước họ đã phần nào khống chế kịp thời sự lây lan của COVID-19. Ngược lại, Trung Quốc che giấu số liệu và bưng bít sự thật đã khiến hàng tỷ con người trên khắp toàn cầu bị ảnh hưởng. Nhà nước độc tài IRAN cũng bưng bít thông tin nên cả nước họ lúc này đã biến thành ổ dịch lớn.
2. Trong 30 năm từ 1990 đến nay, số giường bệnh viện trên 1000 người ở Việt Nam đã giảm từ 3,8 xuống còn 2,6. Cho dù tỷ lệ này không phải là quá thấp so với khu vực và thế giới, thì rõ ràng hệ thống y tế của Việt Nam đã không theo kịp sự phát triển dân số. Hơn nữa lại có cách biệt rất lớn về cơ sở vật chất giữa các tuyến, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Trong trường hợp xấu nhất là bùng dịch trong cộng đồng, Việt Nam sẽ trở tay không kịp. Nền tảng cần được bồi đắp trong một thời gian dài chứ không thể đạt được chỉ qua vài tháng vài ngày.
3. Absolute Humidity, là chỉ số tổng hoà giữa nhiệt độ và độ ẩm tương đối, có thể dùng để nhận định khí hậu ở một nơi “nóng” như thế nào.
4. Xiaolu Tang, Changcheng Wu, Xiang Li, Yuhe Song, Xinmin Yao, Xinkai Wu, Yuange Duan, Hong Zhang, Yirong Wang, Zhaohui Qian, Jie Cui, Jian Lu, On the origin and continuing evolution of SARS-CoV-2, National Science Review, , nwaa036, [https://doi.org/10.1093/nsr/nwaa036]
5. Corona Virus phân làm 2 nhánh chính, chủng L nguy hiểm hơn và lây lan nhanh hơn đã xuất hiện tại Vũ Hán. Thế nhưng, nỗ lực cách ly của Trung Quốc và các nước đối với người đến từ vùng dịch Vũ Hán đã giúp loại bỏ bớt chủng L này, còn lại chủng S lây lan chậm hơn và ít nguy hiểm hơn. Dĩ nhiên, người Trung Quốc và cả nhân loại đã phải trả một cái giá rất đắt mà đáng nói nhất là cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Vũ Hán.
6. 2 nhánh Virus lớn là DNA virus và RNA virus. DNA virus có thể kể đến virus mụn rộp (herpesvirus) hay đậu mùa (poxvirus). RNA virus bao gồm các virus chủng cúm (influenza A&B), các chủng Corona virus và Zika virus lây truyền từ muỗi, vv….
7. Tham khảo thêm video rất rõ ràng về cách hoạt động của Remdesivir từ bác sĩ Roger Seheult, [https://youtu.be/pfGpdFNHoqQ]
Không có nhận xét nào