LÂY NHIỄM TRÊM MÁY BAY ...có thể là qua 2 cách: không khí, hoặc đụng chạm (tray ăn, toilet hay bất cứ cái gì đụng tay vào). Có lẽ đườn...
LÂY NHIỄM TRÊM MÁY BAY
...có thể là qua 2 cách: không khí, hoặc đụng chạm (tray ăn, toilet hay bất cứ cái gì đụng tay vào). Có lẽ đường không khí đáng sợ hơn, hoặc ít ra mọi người sợ cái đó hơn. Thử tìm hiểu về hệ thống lưu thông không khí trên máy bay.
Hình 1 là hệ thống lưu thông tổng quát. Không khí từ ngoài vào, trộn với không khí có sẵn, đi qua máy lọc HEPA (ngăn bụi, bi khuẩn, phần lớn virus), rồi bơm vào một hệ thống ống chạy dài suốt máy bay, và phân phát đồng đều dọc máy bay. Sau đó được hút vào những khe ở gần sàn, và trộn lẫn với không khí từ ngoài, rồi tái lưu thông. Vì liên tục hút khí mới từ ngoài nên một phần khí cũ cũng liên tục xả ra ngoài.
Tính ra, khoảng 1/3-1/2 không khí thổi từ trên trần là khí cũ, và cứ chừng 2-3 phút là một thể tích khí bằng thể tích cabin được hút vào từ ngoài và xả ra ngoài. (Dân chuyên môn gọi là một air change mỗi 2-3 phút, tuy nhiên không phải là thay hoàn toàn khí mới, mà luôn luôn có pha trộn giữa khí mới và khí cũ. Ô nhiễm nếu không bị lọc thì cũng không biến mất hẳn sau 3 phút mà chỉ loãng dần).
Vì thay đổi không khí khá nhanh và có lọc HEPA nên không khí sạch và hệ thống này ít có nguy cơ làm virus từ một chỗ ngồi lan khắp máy bay. Khí phân phát đồng đều suốt dọc máy bay và thổi từ trên xuống, nên ô nhiễm không lưu thông theo chiều dọc.
Tuy nhiên, khi nhìn cách không khí lưu thông ở trong cabin (Hình 2, 3) thì ta thấy có vấn đề.
Không khí (tạm gọi là sạch) từ trên trần thổi xuống chênh chếch (để khỏi làm khách khó chịu vì gió thổi vào đầu) rồi xoáy tròn một cách nhiễu loạn (turbulent) trong cabin trước khi được hút ra. Hậu quả là virus từ 1 chỗ sẽ tản mác khắp hàng ghế đó, từ trái sang phải, và một vài hàng ghế trước hay sau nó.
Nhiều máy bay có lỗ thổi khí riêng trên đầu mỗi hành khách (hình 3, giữa). Nếu vặn to lên thì người ngồi dưới tránh nhiễm tốt hơn, vì luôn luôn được khí sạch, tuy nhiên vì khó chịu nên phần nhiều khách vặn nhỏ lại.
Nếu nhiễm virus the cách này (do không khí mang từ bên này qua bên kia hàng ghế) thì phải coi đây là nhiễm bằng aerosol (bụi, giọt bụi trong khí) chứ không phải là giọt bắn nữa.
Một nguy cơ lớn là nếu máy bay phải đậu lâu và tắt hệ thống lưu thông khí khi đầy hành khách thì virus sẽ lây lan bằng aerosol khắp máy bay. Đã có lần một máy bay chở 54 người phải đợi 3 tiếng trên sân bay vì hư máy, không có lưu thông khí. Chỉ 3 ngày sau 72% khách có triệu chứng cảm cúm, và phân tích virus và serum cho thấy là đã lây từ 1 nguồn duy nhất. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/463858)
TÓM LẠI: NẾU ĐI MÁY BAY, MẶC THẬT ẤM VÀ PHỦ ĐẦU NẾU CẦN, RỒI MỞ KHÍ TỐI ĐA (nếu máy bay có lỗ phun khí riêng). Và tránh chạm tay vào mọi thứ, dĩ nhiên.
Phạm Quang Tuấn
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK207472/
https://www.theseus-fe.com/application-areas/aerospace
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780323546966000471
https://aviation.stackexchange.com/questions/26105/where-does-the-air-enter-the-passenger-cabin
https://www.express.co.uk/travel/articles/846704/airline-secrets-plane-air-vent
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK143711/
Không có nhận xét nào