[ NGƯỜI NGHÈO, ĐÓNG THUẾ VÀ CƠ CHẾ ] Mỗi khi đề cập đến vấn đề người nghèo thì sẽ gặp ít nhiều ý kiến cho rằng ngân sách không đủ chi hoặc...
[NGƯỜI NGHÈO, ĐÓNG THUẾ VÀ CƠ CHẾ] Mỗi khi đề cập đến vấn đề người nghèo thì sẽ gặp ít nhiều ý kiến cho rằng ngân sách không đủ chi hoặc họ không đóng thuế nên không thể đòi hỏi quá nhiều sự trợ giúp. Về lý thuyết thì điều đó không có gì sai nhưng khi áp dụng ở ngoài đời thì gần như bất khả thi, nhất là ở một nước chưa phát triển như Việt Nam.
Đa số người dân trong nước làm lao động phổ thông và được trả lương bằng tiền mặt. Vì là một nước nông nghiệp cho nên họ tự kinh doanh để sống qua ngày bằng nhiều cách khác nhau. Người ở quê thì làm ruộng và trông chờ vào vài vụ mỗi năm cho nên thu nhập rất bấp bênh và không đủ sống. Còn ở thành thị thì bạn có thể thấy họ buôn bán trên vỉa hè để mưu sinh qua ngày. Vì không có cơ chế an sinh xã hội nào cho nên họ phải tự lực.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì thế nào cũng sẽ nói rằng họ không đóng thuế hoặc không tham gia góp phần và cơ chế bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều đó không sai, nhưng nếu chỉ dừng lại ở suy nghĩ đó thì sẽ là một sai lầm chết người.
Ở đại đa số các quốc gia tiên tiến, tầng lớp nghèo và bần cùng luôn được ưu tiên. Họ không phải đóng thuế thu nhập trực tiếp và nhận được nhiều ưu đãi về trợ cấp và y tế. Tuy khoản tài chính không nhiều nhưng vừa đủ sống để không ai phải làm chuyện dại dột và tạo cơ hội để vươn lên.
Ở các nước Anglo và Châu Âu, bất cứ người nào nếu rơi vào cảnh lâm nguy cũng không phải quá lo sợ vì được bảo vệ bởi hệ thống y tế toàn dân. Cũng không ai nghĩ đến chuyện bắt con cái nghỉ học vì học phí tương đối quá thấp. Nếu không có khả năng nuôi thì có thể đến cơ quan hỗ trợ trẻ em để nhờ nuôi dưỡng hộ. Đây không chỉ là sự giúp đỡ mà còn là cơ hội để xây dựng lại cuộc đời.
Đồng ý là nhiều nơi có cơ chế quá tốt dẫn đến sự lạm dụng hoặc lợi dụng. Nhưng không thể nào không có và lấy hành vi của thiểu số để lấy đi lợi ích của đa số chưa hề là điều tốt.
Trong khoảng thời gian đó họ không cần phải đóng thuế, mục đích là không tạo áp lực. Cơ quan và những người đóng thuế khác không hề muốn bất cứ ai phải ở mãi trong trạng thái đó, mà chỉ muốn hỗ trợ ở mức tối thiểu. Rồi họ sẽ tự vực dậy, tự đứng lên, tự tìm việc làm, tự xây dựng lại cuộc đời và trả lại số tiền mình đã gián tiếp vay mượn xã hội trong thời điểm cơ cực.
Người nghèo không đóng thuế nhưng không có nghĩa là họ không góp đồng xu nào cho ngân sách. Họ vẫn góp bằng khi đi mua hàng hay dùng dịch vụ. Tuy nó không nhiều nhưng vẫn là đóng góp. Trong lúc hoạn nạn thì mục đích hàng đầu không phải là góp bao nhiêu mà là nỗ lực để khôi phục lại cuộc sống càng nhanh càng tốt. Vì sống ở mức tối thiểu và cơ bản chưa bao giờ đủ để đáp ứng tham vọng con người. Chẳng ai muốn sống nghèo mãi cả.
Quay trở lại đất nước tôi đang sống, nơi đại đa số người dân có tiêu chuẩn sống trung bình hoặc thấp. Nơi hệ thống hành chính đầy quan liêu và thủ tục rườm rà thì khó mà yêu cầu người nghèo đóng thuế hay tham gia và cơ chế an sinh. Họ đã quá cơ cực rồi, từ sáng tới tối chỉ biết kiếm tiền. Lỗi nằm ở người quản lý chứ không phải họ.
Tôi thấy rất làm lạ khi ai đó luôn than phiền rằng ngân sách đang thiếu. Trong khi đó nếu chỉ gõ “dự án nghìn tỷ” thì sẽ ra hàng trăm kết quả. Nào là tượng đài, nào là bù lỗ cho doanh nghiệp nhà nước, nào là bảo trợ sản xuất hay sân bay không cần thiết. Vậy lý do không đủ kinh phí là dân đóng quá ít hay vì chính quyền quá lãng phí với đồng tiền nhận được.
Bạn không thể đòi hỏi quá nhiều ở tầng lớp bần cùng của xã hội. Nghèo không phải là cái cớ để làm phi pháp hay điều sai. Nhưng bần cùng sinh đạo tặc và cơ cực sinh lưu manh. Khi con người quá khổ thì họ sẽ bất chấp luật pháp, liêm sỉ hay danh dự chỉ để tồn tại. Từ buôn lậu, nhập cư phi pháp, bán con gái cho người già ở người hay trộm cắp. Tất cả đều là hậu quả của bộ máy.
Họ cần sự giúp đỡ và cơ chế để xây dựng tương lai. Có thể là bạn không nằm trong số người đó nhưng nếu lỡ sau này gia đình bạn rơi vào vị trí tương tự thì khó mà mạnh miệng như trước.
Người nghèo ở đất nước này quá khổ rồi. Bán dạo trên đường phố hay vỉa hè, họ phải trả tiền bảo kê cho lực lượng an ninh địa phương. Đó là một khoản thuế tàn hình mà chúng ta không thấy. Nếu để dành tiền để lo cho tương lại, họ đang bị lạm phát cướp khi mồ hôi nước mắt dần mất giá trị theo thời gian. Khi mua thuốc, họ phải trả giá hơn ở bất cứ quốc gia nào khác.
Chưa hết, họ phải gánh chịu vô số nỗi khổ chỉ vì sống ở đất nước này. Từ trộm cướp, đất đai bị tịch thu, cơ thể không khoẻ mạnh vì môi trường ô nhiễm hay con cái học tập trong những mái trường xuống cấp. Những thứ đó chưa bao giờ là lỗi của họ mà đến từ sự vô trách nhiệm của người điều hành.
Nếu đòi hỏi người dân đóng góp thêm thì những người cầm quyền nên làm điều tương tự. Đừng đòi người nghèo trả thêm thuế vì họ đang trả quá nhiều. Đừng kêu họ phải phấn đấu hơn vì họ đã kiệt sức. Cũng đừng đổ lỗi những vấn nạn ở nơi này lên họ vì họ là những người đang bị cai trị.
Muốn người dân thoát khỏi đáy của xã hội thì phải bắt đầu với cơ chế điều hành. Vì những vị quan chức kia mới đang giữ quyền lực để thay đổi, còn người nghèo thì không. [28.3.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Ối ông Ku ông Búa ơi ... dân mình rất ưa phỉnh nịnh , mà cũng rất sợ đe nẹt . Vì thế có cô giáo Lam nào đó đã vạch rõ :
Trả lờiXóa" Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi… "
Gì chứ phỉnh vào , dân ta chả những cho trứng , mà còn cho luôn cả gà lẫn vịt : nghĩa vụ ý mà . Cho không cần suy nghĩ nếu lời mật ngọt kèm theo răn đe !
Lịch sử chứng minh : Thời bình dân ta là những nông dân cần cù bám đất .... bán mặt cho đất , bán lưng cho trời, để nộp thuế và sinh tồn .
Thời " phỏng giái " , khoác lên người bộ giáp mục , lăn sả vào chỗ chết ... thay cho các con cháu lãnh đạo .
Cái vòng luẩn quẩn cứ diễn hoài diễn mãi . Tiếc rằng chẳng ai nhìn ra . Họ bị cận thị ? viễn thị ? thong manh ?
Không , họ bị tẩy não bởi truyền thông , báo chí , phim ảnh , loa đài , truyền hình ... và bọn trí thức bưng bô !!!