[ NGƯỜI VIỆT NAM TỬ TẾ - TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ LÊN TÌNH NGƯỜI ] Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuối tháng và tôi chuẩn bị đóng tiền thuê nhà. Bỗn...
[NGƯỜI VIỆT NAM TỬ TẾ - TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ LÊN TÌNH NGƯỜI] Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuối tháng và tôi chuẩn bị đóng tiền thuê nhà. Bỗng lướt qua các diễn đàn thì thấy nhiều người chia sẻ và ca ngợi vài chủ nhà giảm tiền trọ cho công nhân và phát lương thực miễn phí cho những ai cần. Không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở Hà Nội, mọi người đang tìm cách chung sống với nhau. Nam ra Bắc bây giờ cùng một cảnh khổ.
Tôi có bóng gió với chủ chung cư của mình là có thể giảm giá thuê chút xíu được không. Anh ta liền nói “Không được em ơi. Anh còn phải trả tiền ngân hàng nữa.”
Dù thực hư ra sao thì không rõ nhưng tôi tạm tin vì gia đình tôi cũng có một căn mua trả góp rồi cho thuê. Không thể giảm được khi tháng nào cũng phải trả ngân hàng tiền gốc và lãi không thiếu. Nhiều chủ trọ thì cũng hiểu nên giảm chút xíu nhưng chỉ là thiểu số. Cho nên người lao động chọn về quê chờ hết dịch rồi lên lại, đỡ phải tốn tiền khi không có việc.
So với các dân tộc khác thì chúng ta cũng giống họ. Nếu có khác thì là môi trường sống dẫn đến tính cách khác nhau. Đây cũng là trọng điểm của nội dung. Tôi luôn cho rằng cơ chế sẽ tác động ít nhiều đến con người. Nó ảnh hưởng ít nhiều đến tình người và sự tử tế. Tôi chắc rằng tôi không sai.
Nếu tìm kiếm những quốc gia nào góp từ thiện nhiều nhất thì khối Anglo, Âu và Mỹ luôn đúng trong top. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao.
Điều đầu tiên ai cũng biết là phú quý sinh lễ nghĩa. Các nước giàu luôn chiếm phần lớn từ thiện là vì người dân có dư dả của cải cho nên có thể không cảm thấy mất mát nếu cho đi một phần nhỏ. Chưa kể, hầu hết đều cơ chế ưu đãi thuế để khuyến khích con người góp tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc từ thiện. Một cá nhân góp càng nhiều thì càng được giảm tiền thuế.
Nếu chỉ dựa trên chính sách ưu giảm trừ thuế thôi thì chắc không đủ. Nhưng nếu loại bỏ yếu tố đó thì khó ai hình dung ra liệu con người có còn tử tế và góp nhiều hơn hay không. E rằng không. Con người ai cũng có lòng tốt vì ai cũng muốn điều tươi đẹp nhất cho nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, nếu muốn khai thác lòng nhân ái đó thì phải bắt đầu từ trên xuống dưới. Nếu muốn người dân góp phần cho các tổ chức hay hoạt động thiện nguyện, thì chính phủ phải thiết lập những mô hình và cơ chế ưu đãi để đền đáp hợp lý.
Không thể nào ép buộc con người làm điều tốt, cũng như không bao giờ nói miệng mà dẫn đến kết quả được. Đương nhiên sẽ có nhưng rất giới hạn. Tình người luôn có, nhưng nếu kèm theo cơ chế thì sẽ nhân rộng nó hơn vạn lần. Điều đó cũng phần nào giải thích vì sao các đại gia Đông Á thường để lại gia sản cho con cái còn những tỷ phú Phương Tây thường để lại trong các quỹ từ thiện. Bạn có thể nói rằng họ lợi dụng điều đó để lách thuế, cũng không sai nhưng sẽ vô cùng thiếu chính xác.
Chính vì ưu đãi đó nên đã thu hút và lôi kéo nhiều người làm điều tốt hơn. Biến tiền đẻ ra tiền, một bên được tiếng và bên còn lại được nhận sự trợ giúp cần có. Bạn có thể nghĩ xấu hay ghét bỏ họ nhưng sẽ không thể nào bôi bác hành vi nhân ái kia. Nếu vu khống dựa trên lòng ganh ghét hay GATO thì e rằng cá nhân suy nghĩ như vậy chưa trưởng thành và không thực sự hiểu cách xã hội vận hành. Vì con người tử tế khi chính quyền tử tế hay cho phép họ tử tế.
Quay lại đất nước Việt Nam chúng ta, vốn dựa trên một lý thuyết công bằng bác ái nhưng dẫn đến một xã hội vô cảm. Khi thấy cướp ngoài đường, đa số người dân sẽ làm lơ thay vì gọi công an. Không phải vì họ không quan tâm, mà vì lo sợ cho tính mạng. Vì họ biết chính quyền sẽ không làm gì. Nếu giúp người khác chỉ rước hoạ vào thân. Khi thấy ai đó gặp nạn, họ sẽ bỏ đi thay vì chở đến bệnh viện. Vì y tế đất nước này chỉ dành cho người có tiền và họ không muốn thành người chịu gánh nặng cho kẻ lại.
Trong cơn khủng hoảng dịch này cũng tương tự. Bạn có thể thấy sự tử tế ở mọi nơi nhưng sẽ luôn là số ít. Không phải là họ không muốn mà không thể. Trong khi chính quyền khác đưa các gói tài chính và trợ cấp ưu đãi thì nhà điều hành đất nước này chỉ ra lệnh cấm kinh doanh. Nếu ở những xứ tiên tiến khác, tiền nhà và lãi được lùi lại thì ở nơi đây giá điện nước đang sắp tăng.
Sinh sống trong điều kiện như vậy thì con người sẽ tử tế bằng cách nào. Ai cho họ làm người tốt? Tôi e rằng bạn và tôi không thể.
Bạn không thể chỉ trích người dân ác độc nếu không tìm hiểu vì sao. Cũng như không thể giải thích sự khác biệt giữa hành vi con người nếu không xét môi trường sống và cơ chế chính trị.
Muốn đất nước hiền hoà thì phải bắt đầu với một chính quyền liêm chính. Muốn người dân làm điều tốt thì trước tiên phải có những chính sách cho phép họ thực hiện. Nếu không thì sẽ không bao giờ có tình người trong môi trường độc hại về nhân cách như hiện nay. [29.3.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào