Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

PHÁP-HÃY NGỒI TRONG NHÀ TRÁNH VIRUS

PHÁP-HÃY NGỒI TRONG NHÀ TRÁNH VIRUS Trước đe doạ càng ngày càng lớn của virus Vũ Hán, nước Pháp vừa tiến thêm một bước nữa trong trận ...

PHÁP-HÃY NGỒI TRONG NHÀ TRÁNH VIRUS

Trước đe doạ càng ngày càng lớn của virus Vũ Hán, nước Pháp vừa tiến thêm một bước nữa trong trận chiến chống dịch: cấm dân chúng ra đường nếu không có lý do đặc biệt. Sau hiệu lệnh ‘’tutti a casa’’ của chính phủ Ý, tới ‘’restez à la maison!’’ ( hãy ngồi trong nhà !) của chính phủ Pháp.
Tổng thống Emmanuel Macron tối nay, thứ Hai, 16/2, long trọng ban hành lệnh cách ly trên toàn lãnh thổ, kể từ sáng thứ Ba.

NGHIÊM TRỌNG
Chuyện hiếm hoi, tổng thống Pháp lên truyền hình lần thứ hai trong bốn ngày để kêu gọi dân Pháp ý thức được tình trạng nghiêm trọng trước mắt. 
Nhà chức trách thất vọng thấy dân Pháp vẫn tiếp tục sinh hoạt như cũ, sau khi Tổng thống, Thủ tướng đã công bố, trong những ngày vừa qua, những biện pháp khẩn cấp: đóng cửa trường học, các cơ sở thương mại, tiệm ăn, café, rạp hát, những sinh hoạt văn hoá, thể thao, những tụ tập, lễ hội quá 100 người. Tóm lại, đóng cửa tất cả trừ công sở,  các tiệm thuốc tây, tiệm bán thực phẩm, thuốc lá..
Mặc dầu vậy, người ta ngạc nhiên thấy dân Pháp, đặc biệt vùng Paris, vẫn đi lại đông đảo trên đường phố. tụ tập trong các công viên vì trời đẹp.
Tổng Thống Pháp, với sự khuyến cáo của các chuyên viên y tế, đã thi hành những biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan vũ bão của virus
Những biện pháp này đã áp dụng trước đó tại Ý, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác ở Âu Châu. 

Sự thực, con số người bị nhiễm không có nghĩa gì nữa, vì ngày nay, người ta chỉ làm test cho những người được đưa tới bệnh viện
Điều khiến các giới chức y khoa lo ngại, là  vận tốc lây lan tại Pháp cũng nhanh như tại Ý. Trong ba ngày, số nạn nhân đã tăng gấp 2, và tăng nhanh hơn nữa trong 24 giờ vừa qua. Việc khẩn cấp là ngăn chặn, ít nhất làm chậm lại vận tốc lây lan của virus. Mỗi người bị nhiễm truyền bệnh, trung bình cho 3 người. Mục tiêu trước mắt là hạn chế tỷ số đó xuống dưới 1 người, bằng cách ngăn cấm sự tiếp xúc dưới mọi hình thức. 
Nếu mục đích đó không đạt được, nước Pháp sẽ ‘’vỡ trận’’ như Ý, vì khả năng y tế không đủ để đương đầu với nhu cầu,
Hiện nay, nước Pháp có trên 5000 giường chuyên trị các bệnh nhân virus. Số giường có thể tăng thêm, mặc dù tốn kém (một phòng bệnh virus cần những trang bị đặc biệt, đắt tiền), nhưng không thể có đủ nhân viên y tế: mỗi bệnh nhân nhiễm dịch cần 2 y tá chuyên môn.

100.000 CẢNH SÁT 
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho hay từ nay dân Pháp chỉ có quyền ra đường khi có chuyện tối cần: mua thực phẩm, thuốc men hay tới sở làm, với điều kiện mang trong người giấy chứng nhận của sở làm, hay giấy khai danh dự lý do di chuyển. 
Tất cả những tụ họp, dù vài ba người, cũng sẽ bị cấm trên các đường phố. Các công viên sẽ đóng cửa
Trên 100.000 cảnh sát, gendarmes được huy động để thực thi các biện pháp cấm đoán. Người vi phạm có thể bị phạt tới 136 Euros ( ở Ý, có thể lãnh 3 tháng tù ).
Mặt khác, chính phủ dời cuộc bỏ phiếu vòng hai bầu hội đồng địa phương, ngưng các dự án cải tổ luật lao động, hưu trí, đóng cửa biên giới Schengen, xây khẩn cấp một nhà thương ở Alsace.
Kể từ thứ Ba, các phương tiện giao thông công cộng sẽ giảm bớt : bỏ 1/3 métro, 1/3 xe bus, một nửa xe lửa. Các hãng máy bay đã giảm từ 70 tới 90% hoạt động.

300 TỶ EUROS
Tổng thống Pháp nhắc lại 6 lần chữ ‘’chiến tranh’’ ( la guerre) để nói về nỗ lực chống đại dịch. 
Trên phương diện kinh tế, Emmanuel Macron nói nước Pháp sẽ trả bất cứ giá nào để bảo vệ đời sống của người dân và tránh khủng hoảng kinh tế hậu virus, như trong quá khứ. Một ngân khoản khổng lồ, 300 tỷ Euros, gấp 10 lần con số đưa ra trước đây, 30 tỷ, được dự trù để trả lương cho những nhân viên công hay tư phải nghỉ việc trong thời gian cách ly, giúp đỡ, bồi thường  hay miễn thuế cho các cơ sở doanh thương, xí nghiệp, thương gia nạn nhân của virus. Mục đích là để không một cơ sở nào phải đóng cửa, để kinh tế hoạt động bình thường nhanh chóng trở lại, khi hết dịch.
Pháp, sau Ý và Tây Ban Nha là quốc gia bị dịch nặng nhất
Tính tới chiều thứ Hai 16/2, Ý đã có trên 2180 tử vong. Đáng lo ngại là vận tốc lây lan: chỉ trong 24 giờ đã có thêm 3200 ca, với 349 tử vong.
Tại Pháp, trong 24 giờ đã có thêm 6633 ca, 21 người chết, tổng số người bị lây nhiễm :6633, với 148 tử vong. Người ta chờ đợi hàng ngàn nạn nhân trong những ngày tới.
Số nạn nhân ở Đức cũng lên cao, khiến Đức, Pháp, Ý, Tây ban Nha cũng như nhiều quốc gia khác đã đóng cửa biên giới, chỉ để đi lại những người có việc làm tại các quốc gia lân cận. Tất cả những người không thuộc cộng đồng Âu Châu sẽ bị cấm vào lãnh thổ Âu Châu 
Thuỵ Sĩ đã ban hành tình trạng khẩn trương. 
Tại Anh, thủ tướng Anh đã thay đổi thái độ. Trước đây, Boris Johnson chủ trương để cho virus phát triển, khi quá nửa dân số bị nhiễm, cộng đồng sẽ có sức đề kháng tự nhiên chống virus và sẽ tránh được tai hoạ khi cùng một virus tái xuất hiện. Nhưng trước viễn ảnh phải trả một giá quá nặng về sinh mạng, thủ tướng Anh dần dần sẽ áp dụng những biện pháp như các nước Âu Châu khác.
Các chính phủ Âu Châu sẽ hội họp khẩn cấp để tìm một giải pháp chung, với hy vọng đi tới một kế hoạch toàn cầu, bởi vì virus không có biên giới.
Tất cả đều đồng ý: sẽ có một thế giới sau virus, khác với thế giới trước coronavirus, trên mọi phương diện. 
Paris 17/03
( tuthuc-paris-blog.com)




Không có nhận xét nào