[ RA LỆNH ĐÓNG CỬA - NGƯỜI LAO ĐỘNG SỐNG KIỂU GÌ ] Sau hơn vài tuần chần chừ, cuối cùng thì chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra q...
[RA LỆNH ĐÓNG CỬA - NGƯỜI LAO ĐỘNG SỐNG KIỂU GÌ] Sau hơn vài tuần chần chừ, cuối cùng thì chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định đóng cửa các quán ăn có quy mô hơn 30 người đến cuối tháng. Công văn chỉ thị này vô cùng bất ngờ vì chỉ cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực chưa được một ngày để thực hiện.
Hiện tại khi nội dụng này được đọc thì trên Quốc Lộ 1 A về miền Tây hay miền Đông, hàng loạt các bạn trẻ và người lao động đang trên đường về quê. Vì ở lại thì không có đi học cũng như không có việc để làm. Cho nên cách tốt nhất là về nhà vì ít ra không tốn tiền ăn uống.
Quyết định này của uỷ ban nhân dân thành phố cũng như nhiều địa phương khác là lựa chọn cần thiết trong thời điểm hiện tại. Mặc dù công bố bệnh dịch đang được kiểm soát nhưng khó mà che giấu sự thật về mức độ lây lan với số lượng người nhiễm ngày càng tăng từ Nam ra Bắc. Nó dường như không có điểm dừng.
Không chỉ ở riêng đất nước này, các quốc gia khác cũng đã cứng rắn khi đóng cửa những cơ sở kinh doanh nào không cần thiết. Những quán bar, rạp chiếu phim, sự kiện thể thao hay bãi biển đều được tạm đóng dưới sự quản lý của chính quyền quốc gia và địa phương. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ nên đã chung sức trong nỗ lực tập thể này.
Tuy nhiên, có một điểm vô cùng khác biệt về hình thức bù đắp cho người lao động cũng như các hộ kinh doanh. Nếu chính quyền Phương Tây đã cam kết các gói tài chính để không một doanh nghiệp nào sẽ suy sụp vì bệnh dịch thì ở đất nước này, mọi người đang hoang mang trong lặng lẽ.
Người thất nghiệp ở Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Canada hay bất cứ quốc gia tiên tiến nào cũng an tâm vì có trợ cấp đủ sống qua ngày. Nếu nghỉ làm thì sẽ được công ty và chính phủ bù đắp để không bị thiệt thòi. Kèm với những phúc lợi cơ bản như y tế, giáo dục và hưu trí, không ai phải lo lắng về sự bất ổn trong tương lai.
Ở đất nước chúng ta thì không có những cơ chế như họ. Đa số người dân là lao động phổ thông và các hộ kinh doanh thì theo mô hình cá thể. Ước tính có 5 triệu người kinh doanh độc lập và hàng triệu người khác nằm ngoài thống kê. Họ là những chủ quán vỉa hè, những cô bán trái cây dạo, những chú chạy xe ôm công nghệ, những người làm freelance và những bạn trẻ đang làm tạm thời trong các quán ăn.
Họ không nằm trong thống kê. Vì được trả lương bằng tiền mặt nên không có nằm trong hệ thống bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp. Cho nên khi đưa quyết định đóng cửa các cơ sở ẩm thực thì bỗng dưng những cá nhân đó được đưa vào đường cùng, không lối thoát và không có sự đền bù thiệt hại.
Chúng ta không thể nào làm theo Phương Tây khi cơ chế an sinh của chúng ta gần như không có. Ra chỉ thị đóng cửa đột xuất và không cho các chủ kinh doanh đủ thời gian để cân nhắc và sắp xếp không chỉ là một lựa chọn thiếu minh mẫn, mà còn là sự lãng quên của hàng triệu người bị ảnh hưởng.
Khi một quán ăn ép phải ngừng hoạt động, thì đằng sau là chục người không có thu nhập. Với đồng lương rẻ mạt chỉ đủ sống qua ngày, thì không cần phải hỏi thì cũng đủ biết họ sẽ không tồn tại quá lâu. Đó chỉ là kết quả trực tiếp, còn hậu quả gián tiếp thì gấp bội nhưng âm thầm. Những cơ sở kinh doanh kế bên thế nào cũng bị ảnh hưởng và đóng cửa. Với tiền thuê mặt bằng ở thành phố này tốn hàng chục triệu mỗi tháng thì sẽ không có cơ sở nào tồn tại nếu không có sự bảo hộ từ những người đưa ra quyết định kêu họ đóng cửa.
Con người không phải là vật thể, người lao động không nên coi là những thứ sẵn có và những cá nhân tạo công ăn việc làm không bao giờ là những điều hiển nhiên. Một khi mất thì làm lại là một quá trình gian khổ. Những cá nhân chỉ tay có bao giờ nghĩ đến điều này.
Ra lệnh đóng cửa nhưng hoàn toàn không có bất cứ kế hoạch hay cơ chế gì để bảo đảm đời sống cho những ai chịu thiệt, đó là sự quản lý tồi. Đòi hỏi người dân phải đóng thuế và thực hiện nghĩa vụ công dân nhưng khi gặp nạn thì lại bị lãng quên, đó là sự dẫn dắt dốt nát. Trấn an công chúng bằng cách để họ nghỉ việc mất thu nhập nhưng không có đề bù, đó là sự lãnh đạo mù loà.
Muốn thiết lập sự trật tự thì không thể nào dùng vũ lực hay bịt miệng những ai bất đồng. Mà phải bắt đầu bằng cách thiết lập những khoản cứu trợ và trợ giúp tài chính cho những ai đang thất thu vì cơn dịch này, vốn không phải là lỗi của họ. Bảo đảm chi phí y tế được miễn để không ai phải lo nếu bị bệnh, chứ không chỉ riêng những ai nhiễm dịch. Nếu không sẽ không có ai còn niềm tin vào bộ máy điều hành đất nước này nữa. Cũng không còn một quốc gia, chỉ sẽ có một mảnh đất của những người không lý tưởng hay định hướng.
Hãy cho họ đường sống. Chúng ta không thể ra lệnh điều hành nền kinh tế mà lãng quên con người. Vì đất nước này không được xây dựng bởi những tờ công văn hay những ai viết nó, mà trên mồ hôi và bằng bàn tay của những người lao động. Họ đã lam lũ từ sáng đến tối để làm nghĩa vụ của mình với đất nước. Bây giờ là lúc đất nước thực hiện nghĩa vụ với họ. [24.3.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Ra lệnh đóng cửa - người lao động sống kiểu gì
|
Không có nhận xét nào