[ TÔI CÓ YÊU NƯỚC KHÔNG? ] Trước khi trả lời cho câu hỏi này, xin thưa về “nguồn gốc sản xuất”, bởi ở VN người ta cũng quan trọng xuất xứ ...
[TÔI CÓ YÊU NƯỚC KHÔNG?] Trước khi trả lời cho câu hỏi này, xin thưa về “nguồn gốc sản xuất”, bởi ở VN người ta cũng quan trọng xuất xứ lắm. Tôi là người từ một gia đình có truyền thống CM, bản thân được sinh ra ở trên đất này năm 1984, tức là sau khi Cuộc Chiến tranh đã dừng lại đúng 10 năm! Hầu như chỉ biết Lịch sử qua những lời kể, chứ tôi đâu có cơ hội để được chứng kiến tận mắt. Tất nhiên, đã gọi là “những lời kể” thì cho dù được ai kể (kẻ thắng hay người viết sử), cũng sẽ có đúng - có sai, có đủ - có thiếu, thậm chí có thêm – có bớt. Vậy nên, từ lâu tôi đã có thói quen tự học và tự đọc sâu trong máu, tôi luôn cố gắng tìm tòi, nhìn đa chiều và lắng nghe từ đủ các bên. Nghĩa là, tạm tóm lại, tôi - một người Việt chính gốc, xuất thân gia đình yêu nước và có đầy đủ nền tảng giáo dục, lý luận chặt chẽ, lý tưởng cao đẹp (khẳng định vậy để không bị nghĩ oan tội nghiệp).
Vậy với tôi, Yêu nước là gì?
Yêu nước là tình cảm, tình yêu cao đẹp, lòng tự hào dành cho đất nước và quê hương cũng như gia đình. Người yêu nước sẵn sàng đem mọi khả năng để phục vụ, bảo vệ, hi sinh giúp đất nước, dân tộc phát triển và đi lên.
Lâu nay, khi được nghe kể chuyện suốt khoảng 20 năm đầu của cuộc đời, tôi yêu nước với một thái độ & kiểu tư duy rất khác. Đó là sự cống hiến, ngoan ngoãn và tự hào với tất cả những gì có liên quan, cùng một tinh thần “tốt khoe xấu che” vĩ đại. Chưa bao giờ chê bai mà chủ yếu tôi theo chủ nghĩa “biện hộ triệt để” cho nước nhà. Ví dụ, khi ai đó chê bai VN nghèo, lạc hậu, chậm tiến hay chỉ ra một vài thói xấu lớn to đùng đùng...Thì tôi, ngay lập tức vẫn sẽ “vả vào mồm” họ rằng, VN tao nội chiến tranh kéo dài, không có cơ hội phát triển, dân đông nhưng chủ yếu làm nông, còn đi sau là đương nhiên, từ từ sẽ “đi tắt đón đường” nhá. Khi đó tôi tin sái cổ vào những kế hoạch 10, 20, xxx năm và ước mộng “nước công nghiệp” ở 20xx được người ta hứa hẹn sau mỗi kỳ Đại hội. Và cũng chính tôi, đã từng tự vỗ ngực đôm đốp mà tự hào về những Cuộc chiến xưa cũ. Rằng, nhắc đến VN, là phải nhắc đến những 54, 75...với bao nhiêu hào hùng, bi tráng và đầy tính lịch sử điểm tô cho cả Nhân loại & Thế giới loài người...
Thế rồi, 20 năm sau khi tôi đã gần 40 tuổi. Nếu cộng cả 10 năm tôi bảo lúc này là gần chẵn nửa thế kỷ đã qua. Đất nước thân yêu của tôi đang ở đâu? Khi mà cũng chỉ chừng đó thời gian, những nước lân cận như:
• Hàn Quốc (còn đói nghèo từ 60-70s, tăng tốc từ 80s),
• Nhật Bản (họ còn chơi cả Thế chiến, ăn cả bom nguyên tử và động đất triền miên, chỉ thực sự bức tốc từ 70s),
• Singapore (độc lập 1965, đến 1975 mới dám cắn răng xây cái sân bay đầu tiên),
Nhưng đến nay, họ đều đã cùng nhau đi tới đẩu đâu rồi? Đều đã “hóa hổ hóa rồng” cả. VN tôi thì cứ vẫn như một chú giun, với 1 cơ thể yếu ớt mềm nhũn nhão, trí tuệ thì vẫn đầy “bùn đất” nhưng đầy ấp lý luận phản biện khoa học cấp rất cao.
Tôi gạt chuyện chiến tranh qua 1 bên ngay lập tức. Nhìn vào 03 quốc gia trên, tôi nhận ra ngay lý do họ giàu và phát triển được. Điểm chung là từ lãnh đạo, chính quyền cho đến người dân, cái cách họ yêu nước hầu như khác hoàn toàn với chúng tôi.
Tức là, họ không tự hào theo cái kiểu cố che đậy hay biện hộ cho cái sai, cái lỗi thời, cái tụt hậu, cái quá khứ, cái ngủ quên, cái dối trá, cái bưng bít, cái né tránh...Họ luôn nhìn thẳng, đi ngay & thọc sâu vào các Vấn nạn thực tế của Đất nước và tất cả họ chung sức vì Mục tiêu chung. Hầu như ở 03 quốc gia này, trong thời gian khó, nghèo khổ, chính quyền chỉ dạy con dân 02 thứ duy nhất: Làm GIÀU & Làm NGƯỜI. Và kèm với định hướng lãnh đạo tốt, họ đều đã đi đúng. Ở VN, chúng tôi được dạy và ru ngủ về chiến thắng, về quá khứ và về sự vẻ vang, tôn thờ thánh hóa cá nhân quá nhiều, quá lâu và quá kỹ. Tương lai thì chưa rõ sẽ đi về đâu nhưng đa số chúng đã ăn sâu quá khứ đến mức thế hệ chúng tôi rất nhiều người bị nhầm lẫn rằng yêu nước là phải bảo vệ những giá trị đó mãi mãi và kẻ nào đi ngược lại với niềm tự hào kia, kẻ đó chính là phản quốc. Tôi hay nói vui rằng, hãy nhớ 1 điều, lịch sử ngắn hạn của gia đình mình chẳng qua là nhờ “chiến thắng” vang dội của ông nội trong “cuộc nội chiến” giành bà nội mà thôi, nên ông nội mới là người viết sử và tương lai sẽ trở thành tổ tiên của gia đình này. Chứ nếu “thằng hàng xóm” của ông nội mà thắng thì giờ này làm gì có chuyện ông nội được “sống mãi” trong sự nghiệp của gia đình ta. Rồi lại còn phải “học tập và làm việc” với “tư tưởng của ông nội” đến ngàn đời nữa thì còn chết dở. Cũng nên nhớ, dù rất yêu quý và kính trọng thì ông nội vẫn được sinh ra ở sát mép lũy tre làng. Đời cha đã ra đến thành thị. Đời con đã đi hết VN với vài nước trong Khu vực, còn đời cháu sẽ là công dân Quốc tế. Và đến đời chắt nó sẽ là Vũ trụ, Thiên hà. Làm sao mà mang y cái hệ tư tưởng đó áp đặt lên ngàn đời sau mà mong phát triển được chứ hở ông? Ước gì có cơ hội, tôi ngồi lại phản biện với ông nào đã áp và đè nặng cái tư duy này cho “dòng họ” nhà chúng tôi, để mà đến nửa thế kỷ rồi nó vẫn ì ạch chả tiến lên nổi nửa bước nào. Chưa kể, mỗi con người chúng ta là một cá thể có khả năng “tư duy độc lập” vô hạn, hà cớ phải theo tư duy của kẻ khác ư?
Kế nữa, yêu nước đâu phải là cứ ngồi tại đất nước này để rồi phải khen suông, khen bất chấp, tung hô những điều tất yếu hay ný nuận đánh tráo các khái niệm. Kiểu như thấy rõ con cái của bạn đang hư hỏng, học kém, dối trá, ăn cắp, lừa gạt...nhưng bạn vẫn cố khen nó được cái ăn giỏi với ngủ tốt hơn các bé khác thì hỏng. Yêu nước thực tâm chính là nỗi đau khi dù đang sống ở đâu trên hành tinh này đi chăng nữa, vẫn nhìn thấy cái sai, mạnh mẽ lên tiếng để chỉ đúng ra cái sai - cái xấu đó tồn tại ở đất nước mình, nhất là những cái sai lầm vô cùng tệ hại đang kéo lùi cả một Dân tộc để mà cùng nhau sửa lại cho đúng, đó mới là cách giúp cho quốc gia phát triển. Chứ khen với tâng bốc ba cái phù phiếm thì dễ lắm. Mà nguy hiểm là cố tạo ra điều không đáng để mà hùa nhau khen, cái đương nhiên để mà tung hô ngưỡng mộ, ngạo nghễ đến thần thánh hóa nhiệm vụ tất yếu dù chưa hoàn thành của một vài lãnh đạo. Và chán nhất là cái tư duy khi mình chưa bằng ai đó, thì sẽ cố lấp cái dở của mình đi xong lại cố moi cái xấu cái hạn chế của họ ra để xoáy vào, rồi sau đó bảo thật ra họ cũng...như mình, thậm chí còn thua cả mình. Thì còn chết nữa. “Tư duy yêu nước” kiểu này tôi thấy đầy hiện nay, trên mạng XH nhất là trong mùa dịch virus Vũ Hán này.
Cuối cùng, cay độc nhất là cái kiểu biện hộ mà với tôi, là tận cùng Ấu trĩ và cũng là đỉnh cao của Khốn nạn. Đó là cứ hễ ai đó chê bai 1 điều gì, chỉ ra cái sai nào đó mà họ KHÔNG THỂ CHỐI CÃI hay PHẢN BIỆN lại được. Lập tức, cái điệp khúc “Không thích thì mày cút ra nước ngoài mà sống” trở thành liều thuốc cho trái tim lạnh giá & héo úa của họ! Nói mà quên mất việc ra nước ngoài sống bây giờ có còn khó nữa đâu mà phải đi thách đố nhau cơ chứ! Có biết bao nhiều người Việt đang sống rất thịnh vượng và vương giả bên ngoài lãnh thổ này không? Mua quốc tịch, thẻ xanh châu Âu, Mỹ đầy ra đấy. Thậm chí loanh quanh Châu Á cho nó gần cũng thiếu gì (trừ những nước như Singapore không chơi song tịch). Đầu tư BĐS, mở công ty, hôn phối...nhiều đường để đi lắm. Nhưng tại sao nhiều người tự thân họ đủ trình độ, dư tài chính họ vẫn chọn ở lại đây (tất nhiên những người muốn đi mà thiếu 1 hoặc cả 2 yếu tố thì tôi không bàn ở đây)? Thứ nhất, họ yêu nước, yêu quê hương và không thể rời xa gia đình được. Thứ hai, họ biết là dù có đi đâu rồi cũng sẽ về thôi (không phải về tránh dịch như báo chí vẫn đang cố loa truyền). Chúng ta vẫn thấy rất nhiều người VK thành công ở nhiều lĩnh vực sống khắp nơi trên TG với Quốc tịch thứ 2, 3 nhưng khi già họ vẫn quay về VN sống những ngày cuối cuộc đời. Bởi suy cho cùng, “lá rụng về cội” là không thể thay đổi. Bởi thế, đấu tranh hay lên tiếng cho nơi mình đang sống cũng chính là Yêu nước, việc làm này giúp chính nơi mình sinh ra, lớn lên và sẽ “tan vào nó” trong tương lai trở nên tốt đẹp hơn là điều hoàn toàn đúng đắn, cần làm và luôn nên làm. Khi tách biệt được giữa Tổ quốc với Tổ chức cầm quyền tạm thời, thì việc chúng ta biết sẽ nên yêu ai và cần làm gì. Tiếng nói có tri thức & góp ý chân thành cần được đón nhận bằng Tư duy mở rộng của lãnh đạo, chính quyền & tất cả. Tư duy Bảo thủ & cố hủ mới đáng bị loại bỏ.
Người yêu nước suy cùng vẫn là người khổ tâm nhất. Là một “trạng thái lụy tình hà khắc nhất” trong các kiểu tình yêu. (Bởi thất tình thì có anh này cô khác thay thế, chứ Tổ quốc chỉ có một, sao bỏ sao thay được). Chẳng thà đừng yêu, chứ đã trót còn yêu là còn quan tâm, mà quan tâm là sẽ thấy đau thấy nhói. Mà thấy đó chướng đó là lại cứ phải nói ra, rồi không khéo lại bị qui chụp, đánh đồng hay đánh tráo...tủi khổ lắm!
Nhưng chắc chắn một điều, sẽ còn nhiều người yêu nước chân thành lên tiếng. Kiểu như trái tim nào cũng vậy, còn hơi thở là còn nhịp đập, vậy thôi!
TNB, 29.3.2020, gửi Cafe Ku Búa
Tôi có yêu nước không?
|
Không có nhận xét nào