ĐỪNG TIẾT KIỆM NHỮNG LỜI THƯƠNG YÊU Người Việt truyền thống hầu như không có thói quen thổ lộ tình cảm đối với những người thân của mì...
ĐỪNG TIẾT KIỆM NHỮNG LỜI THƯƠNG YÊU
Người Việt truyền thống hầu như không có thói quen thổ lộ tình cảm đối với những người thân của mình như cha mẹ, con cái, vợ chồng bằng lời nói hoặc những hành động âu yếm thân mật. Việc thể hiện tình cảm bằng lời nói bằng những hành động dịu dàng quan tâm nó xa lạ trong văn hóa người Việt đến mức người nào làm những điều ấy một cách công khai thì người đó bị xem như học đòi “phương Tây” hoặc tệ hơn nữa là bị xem là làm màu, giả tạo. Tình cảm thì không được thể hiện ra ngoài, có thương cũng phải giấu trong lòng và người kia phải tự hiểu. Cái lễ giáo khô cứng của đạo Nho càng bó buộc và kìm hãm sự thể hiện tình cảm của những người thân bằng tôn ti trật tự vai vế: là vợ thì phải sợ chồng, là con thì phải sợ cha mẹ. Với tư tưởng như thế từ đời này qua đời khác, việc thể hiện tình cảm bằng lời nói hoặc hành động đối với người thân của mình bị ức chế và kìm nén đến mức trở nên không tự nhiên và mang những ý đồ không trong sáng. Cứ ngẫm mà xem những gì tôi nói sau đây có đúng không nhé?
a. Trong đời bạn bao nhiêu lần bạn nghe cha hoặc mẹ bạn nói với bạn rằng “ba/mẹ rất yêu con” một cách vô điều kiện mà không kèm theo những phần đính kèm đầy oán trách như “nhưng con thì không biết thương ba/mẹ”, “nhưng con làm đau lòng cha/mẹ” hoặc “nên con phải nghe lời ba/mẹ”. Nhiều lúc tôi tự nhủ, những câu nói “ba/mẹ rất thương con” nếu không đính kèm thêm vế sau thì hay biết mấy.
b. Trong đời bạn có bao nhiêu lần bạn đến ôm vai ba/mẹ bạn và nói một cách tình cảm: “Con yêu ba/mẹ” mà không bị ba mẹ bạn liếc nhìn một cách đầy ẩn ý và hỏi “Sao, muốn xin xỏ gì đây? Nói đi”. Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao việc thể hiện tình cảm của con cái đối với cha mẹ lại luôn liên quan tới một yêu sách nào đó mà không thể là vô điều kiện?
c. Lần cuối cùng mà bạn nói với vợ/chồng bạn hoặc nghe ba mẹ bạn nói với nhau “anh/em yêu em/anh” là khi nào?
d. Lần cuối cùng bạn thật lòng nói tiếng cảm ơn hoặc xin lỗi những người thân trong gia đình bạn là khi nào?
Có thể bạn nói tôi những điều đó là khách sáo, là màu mè, là giả tạo vì tại sao người trong nhà với nhau lại phải như thế? Nhưng đối với tôi đó là văn minh, đó là đạo đức. Ngày xưa còn nhỏ nhà tôi ở xóm lao động, có một cặp vợ chồng già tóc bạc trắng cả đầu ở đầu xóm vẫn giữ lối nói chuyện xưng anh em với nhau rất tình cảm và khi đi ra đường vẫn nắm tay nhau. Họ bị những người hàng xóm dè bỉu chê cười là già mà còn mất nết, bày đặt anh anh em em nghe ngứa lỗ tai. Tôi nghĩ họ biết hết nhưng họ không quan tâm. Đối với tôi, họ là những người văn minh thật sự.
Tại sao chúng ta ra ngoài đường đeo cái mặt nạ lịch sự và tử tế đối với người ngoài vì miếng cơm manh áo thì được, nhưng về nhà chúng ta lại cởi cái mặt nạ đó ra để đối xử với người thân trong nhà bằng sự cộc cằn thô lỗ giống như họ là của nợ của chúng ta? Tại sao tại công sở bị sếp mắng chửi oan ức vẫn có thể hạ mình xin lỗi trong khi về nhà chúng ta lại không thể xin lỗi con cái khi chúng ta làm sai? Tại sao ở ngoài ai làm cho chúng ta một việc nhỏ chúng ta đều cảm ơn nhưng chưa bao giờ chúng ta cảm thấy tự nhiên khi cảm ơn những điều tốt đẹp mà người thân của chúng ta làm cho chúng ta mà chỉ coi đó là bổn phận họ phải làm? Tại sao khi yêu đương tán tỉnh nhau thì những lời tỏ tình sến súa đến mức nào cũng có thể nói với nhau được nhưng tới khi về sống chung nhà cùng nhau chia ngọt xẻ bùi thì lại nói chuyện với nhau như dùi đục chấm mắm cáy? Nhiều lúc đọc những tin nhắn của những cặp vợ chồng trẻ chửi nhau mà bạn bè share trên fb, tôi tự nhủ: hai đứa này là kẻ thù truyền kiếp chứ vợ chồng gì mà lại văng vào mặt nhau những thứ dơ bẩn nhất và cay độc nhất! Có phải những lời nói, cử chỉ, hành vi tốt đẹp và văn minh cho dù là giả tạo, chúng ta đều dành hết cho người ngoài để lấy lòng họ còn những thứ rác rưởi tồi tệ nhưng chân thật lại để dành cho người trong nhà? Tôi từng thấy những người đàn ông ngoài đường cực kỳ quảng giao, chọc gái thì miệng trơn như bôi mỡ nhưng về nhà chưa bao giờ nói được một câu tử tế với vợ của mình. Cũng có những người phụ nữ miệng mồm buôn bán nhanh nhạy chiều lòng khách hàng từng chút một nhưng về nhà thì trút lên đầu con cái những lời chửi rủa cay nghiệt. Tôi tự hỏi: đâu mới là con người thật của họ?
Chúng ta quan tâm tới thực phẩm bẩn, nguồn nước bẩn và cả không khí ô nhiễm, nhưng môi trường sống của con người không chỉ có thế. Môi trường sống của chúng ta không thể sạch nếu cha mẹ lúc nào cũng gây gổ với nhau trước mặt con cái vì những chuyện vặt vãnh nhưng không bao giờ thể hiện tình cảm nhau trước mặt chúng. Môi trường sống của chúng ta không thể sạch khi chúng ta là người lớn không cảm ơn hoặc xin lỗi kẻ nhỏ nhưng bắt kẻ nhỏ phải cảm ơn hoặc xin lỗi mình. Con cái chúng ta không thể nào học cách sống chân thật với cha mẹ khi cha mẹ luôn ngang nhiên nói dối hoặc dùng roi đòn để phạt con thật nặng đối với mọi lỗi lầm dù lớn dù nhỏ. Con cái của chúng ta cũng không thể nói những lời thương yêu một cách tự nhiên khi cha mẹ chúng không bao giờ nói những lời đó một cách tự nhiên với nhau và với chúng.
Ở nhà tôi và vợ xây dựng cho Andy một môi trường sống lành mạnh đúng nghĩa. Chúng tôi luôn nói với nhau trước mặt con: “Ba thương hai mẹ con” hoặc “mẹ thương hai ba con” mà không cần một điều kiện gì kèm theo. Chúng tôi dạy con cảm ơn bằng cách cảm ơn bé khi bé đưa cho ba mẹ bất cứ một vật gì. Chúng tôi dạy con xin lỗi bằng cách xin lỗi nhau trước mặt con và xin lỗi bé nếu làm sai. Khi Andy phạm lỗi, vợ chồng tôi đều giải thích một cách bình tĩnh và kiên nhẫn, không bao giờ la mắng quát tháo. Hiện giờ 3 tuổi rưỡi, Andy có EQ khá cao và rất biết cách biểu lộ tình cảm. Hắn khá bình tĩnh, rất ít khi nổi nóng hoặc gào khóc, rất quan tâm đến cảm xúc của người thân và rất biết giữ lời hứa, không mè nheo. Đặc biệt là chơi chán, hắn lại chạy đến ôm lấy ba hoặc mẹ hôn và nói rất tình cảm: “Đì Đì thương ba Viễn/mẹ Vương” rất tự nhiên rồi lại chạy đi chơi tiếp, không làm phiền.
Tiết kiệm tiền bạc là điều tốt vì khi cần bạn sẽ có một số tiền dể dùng mà không phải hỏi xin vay mượn. Nhưng tình cảm nhất là đối với những người thân thì không nên tiết kiệm vì những thứ đó bạn đợi khi nào mới dùng đến? Đừng đợi tới khi mất đi người mình thương yêu rồi mới tiếc nuối. Sinh ly, tử biệt là chuyện thường tình ở đời. Nếu đã có duyên là cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em với nhau thì hãy dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất khi còn ở bên nhau, đừng tiết kiệm.
Vien Huynh
Không có nhận xét nào