CHIẾN TRANH BẮC NAM (1954-1975) VÀ HẬU QUẢ Từ sau cái ngày 30/4/1975 khủng khiếp ấy cho đến năm 1986, nền kinh tế tư bản miền Nam cơ bản đã ...
CHIẾN TRANH BẮC NAM (1954-1975) VÀ HẬU QUẢ
Từ sau cái ngày 30/4/1975 khủng khiếp ấy cho đến năm 1986, nền kinh tế tư bản miền Nam cơ bản đã được "bên thắng cuộc bình định" xong. Các chủ doanh nghiệp người của thất tán, bị phá, tịch thu quốc hữu hoá, hợp tác hoá, người thành phố bị đẩy lên vùng kinh tế mới lao động, người đẩy vào tù, người chết do bị trả thù, người vượt biên... Cả gần chục năm, người dân Nam Việt vẫn tiếp tục bỏ quê hương, mồ mả cha ông mà đi... Những người mãn hạn tù trở về, những người tị nạn biên giới Tây Nam, những người Việt gốc Hoa... họ tìm mọi cách vượt biên, với ý chí thà "bỏ má, làm mồi cho cá..." vẫn ĐI. ĐI để hi vọng tìm được chân trời mới tự do, một địa đàng - đất hứa. ĐI cả trong vô vọng... nhưng người ta vẫn ĐI. Hơn 1,5 triệu người khi ấy bỏ nước ra đi... Nếu nước Mỹ đã hết giới hạn cho phép nhập cư thì họ tìm đến tất cả các nước Đông Âu, châu Âu, các nước trên vùng Đông Nam Á... sống cơ cực trong các trại tị nạn, miễn là ĐI được, đi để tìm cho ra cơ hội nhập cảnh... cho đến ngày hôm nay, trải 45 năm, ước tính đã có hơn 4 triệu người sinh sống hải ngoại, mà nhiều người trong nước vẫn ôm khát vọng ĐI...! Vì đâu nên nông nỗi hỡi trời?
Trở lại với ngày ấy, chỉ sau ít năm, khoảng 400 ngàn người Nam Việt đến được với Hoa Kỳ, họ nhanh chóng hội nhập, họ làm việc, họ tham gia vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội..., phát huy tính cần cù của con người Việt Nam, họ nhanh chóng có cuộc sống ổn định, nhiều người học hành thành đạt, giàu sang. Quan trọng là họ được sống, được hít thở bầu không khí trên đất nước tự do, dân chủ và thượng tôn pháp luật. Sống trên đất khách quê người nhưng trong trái tim họ, không bao giờ quên họ là người Việt Nam. Nhiều người bóng ngả về chiều nhưng đôi mắt vẫn mòn mỏi vọng cố hương mỗi ngày. Họ khát khao được trở về tắt nắng trên đất Mẹ nhưng vì sao mà ước nguyện vẫn không thông?
Đã là lính chiến thì bên nào cũng thế... sống - chết, lằn ranh chỉ bằng sợi khói thuốc trên tay. Người lính chỉ là con chốt thí trên bàn cờ chính trị - Ý THỨC HỆ của các ông lớn. Người Mỹ còn xót mạng người chứ quốc tế cộng sản thì coi mạng người chỉ như hòn sỏi ném vào lòng giếng cạn. Người Việt trong mấy thập niên ấy đã tiêu hoang phí hơn hai triệu mạng dân, khi cuộc cờ kết thúc, chưa kể phế binh. Bàn cờ thế trận bị cày xới, nhà cửa đổ nát... bom đạn, máu, xương người ra đi... trộn đỏ con mắt người ở lại... Cái đói hằn trên mỗi gương mặt, nhem nhuốc, hốc hác cùng một tâm hồn bị tổn thương ghê gớm... Nhìn lại, ngày ấy... chỉ thấy bến không chồng, đàn bà Bắc Việt tắm không cần che cửa, đêm đêm phành phạch tiếng quạt mo đuổi muỗi dưới mái nhà lụp xụp. Tiếng bước chân tròn lọc cọc khua động ngõ xóm mỗi sớm mai... Đàn trẻ thơ ngơ ngác lớn mà mặt cha không bao giờ được biết... Những người mẹ già héo hắt tựa cửa mỗi hôm mai... ngóng...!
Sau 45 năm qua đi, người Việt Nam có thấy được điều gì sau cuộc chiến cốt nhục tương tàn? Tất cả có thấy đau và tội lỗi? Có thấy hố sâu ngăn cách vẫn chưa được hàn gắn bởi cụm từ "giải phóng miền Nam"? Người ta học bài học tha thứ rồi lại quên. Ngăn cách đã được lấp đầy rồi lại bị đào khoét rộng thêm ra bởi sự hẹp hòi, ích kỉ, sâu hận. Những bí mật xưa chưa lộ ra hết, chưa được vén màn thì bí mật mới vẫn tiếp tục bị che giấu. Điều không thể chối cãi, không thể phủ nhận là cuộc chiến tranh Bắc Nam (1954-1975) là một bi kịch không đo lường nổi, không gì bù đắp nổi. Quá khứ đã lỗi, sao cho đến bây giờ vẫn không chịu sửa chữa lỗi, sao vẫn nói "thế lực thù địch, thế lực phản động"? Ca thương "khúc ruột ngàn dặm" hay chỉ là chót lưỡi đầu môi của một mối tình gian dối? Do đâu mà vẫn có những kẻ cứ cố tình chà xiết, cứa xước trái tim đã rách nát trong quá khứ? Trong khi đó, biết bao người lại tìm thấy ý nghĩa của nó: thấu hiểu, vị tha, thay đổi để trên hết là cùng nhau chống kẻ thù ngoại bang, giữ lấy đất Mẹ thiêng liêng của mình, xây dựng một đất nước mà người dân đi đâu cũng được ngẩng mặt tự tin, tự hào...
(P/S: Lã minh Luận ghi lại cảm xúc sau khi xem xong tập 10, bộ phim Chiến tranh Việt Nam - The Vietnam War, một bộ phim tài liệu dài tập gồm 10 tập của hai đạo diễn người Mỹ Ken Burns và Lynn Novick mô tả chi tiết về cuộc chiến tranh Việt Nam.[1][2][3] Bộ phim tài liệu được công chiếu chính thức vào ngày 17 tháng 9 năm 2017 trên đài PBS - Mỹ).
Không có nhận xét nào