Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CƠ DUYÊN

CƠ DUYÊN Cách đây 44 năm đúng vào ngày 04/04/1975 Tổng thống Hoa Kỳ General Ford ra lịnh di tản 2800 trẻ em mồ côi qua Mỹ trước khi Cộng quâ...

CƠ DUYÊN

Cách đây 44 năm đúng vào ngày 04/04/1975 Tổng thống Hoa Kỳ General Ford ra lịnh di tản 2800 trẻ em mồ côi qua Mỹ trước khi Cộng quân tấn chiếm Sài Gòn. Cuộc không vận này có tên là "Di Tản Trẻ Em Mồ Côi" (Operation Babylift).

Chuyến bay đầu tiên của cuộc không vận này được thực hiện bằng vận tải cơ khổng lồ C-5 Galaxy của Không Quân Hoa Kỳ. Trên máy bay chở 328 người, gồm có phi hành đoàn, các bà vợ hay chồng của nhân viên DAO (Defence Attaché Office) đi theo để chăm sóc hàng trăm trẻ em mồ côi Việt Nam.

Máy bay cất cánh khoảng 4 giờ chiều từ phi trường Tân Sơn Nhứt để bay đến căn cứ Clark Air Base ở Philippines. Sau 12 phút chiếc C-5 đã ra đến hải phận quốc tế cách bãi biển Vũng Tàu 24 km ở cao độ 23 ngàn bộ (7000 mét). 

Bỗng hệ thống khóa cửa đuôi bị trục trặc nổ tung và mở toang. Máy bay bị mất áp suất, các mảnh vỡ nơi cửa phá hư hệ thống thủy điều, đuôi lái và hai cánh nhỏ phía sau dùng để đổi cao độ. 

Phi công phải dùng hệ thống cánh liệng (aileron) nghiêng cánh quay lại 180 độ đáp khẩn cấp ở Tân Sơn Nhứt. Máy bay rớt xuống cánh đồng lúa trước khi về đến phi trường, rồi bồng lên bay qua sông và rớt xuống lần thứ hai, chài trên cánh đồng. Thân chiếc C-5 gãy thành bốn khúc và bốc cháy. Máy bay có hai tầng, tất cả hành khách ở tầng dưới bị cọ sát với mặt đất đều tử nạn.

Chỉ có 172 người sống sót. Số người chết gồm có 78 trẻ em mồ côi, 35 nhân viên DAO và 11 nguời trong phi hành đoàn.

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn đã vận động với chính quyền Thái Lan để chôn cất các trẻ em mồ côi Việt Nam. Các trẻ em xấu số này đã được hỏa táng và tro của người quá cố được chôn ở một nhà thờ công giáo gần Bangkok.

                 🌷🌷🌷  OOO  🌷🌷🌷

Chiều Chủ Nhật ngày 20/10/2019 người viết vẫn còn đi trong hàng ngũ của 350 ngàn người biểu tình Hồng Kông trên đại lộ Nathan Road ở bán đảo Kowloon. Chuyến bay đi Bangkok lúc 4 giờ chiều bị hủy bỏ và dời lại lúc 8 giờ tối, rồi hủy bỏ lần thứ hai đổi lấy chuyến cuối cùng trong ngày lúc 11 giờ đêm. Ở lại để được chứng kiến người biểu tình tấn công một đồn cảnh sát ở phía tây đường Cherry Street, gần ngã tư Nathan Road. 

Tất cả ngõ đường về lại khách sạn và đi ngược ra phi trường đều bị tắc nghẻn vì hàng trăm ngàn người xuống đường và các nút chặn của cảnh sát. Nhưng bất cứ giá nào phải lên cho được máy bay đi Bangkok đêm nay vì sáng hôm sau phải tìm cho ra cái nhà thờ nơi chôn cất 78 trẻ em mồ côi cách đây 43 năm. Không thể trể hơn nữa vì sáng thứ Ba 22/10/2019 phải rời Thái Lan.

Nhưng hình như có một sự sắp đặt vô hình, người viết được ba cô gái biểu tình Hồng Kông rất khả ái dẫn đường vượt qua các nút chặn và đến một trạm xe điện ngầm duy nhứt ở Kowloon còn hoạt động để về lại khách sạn lấy hành lý rồi đi ngược ra lại sân bay ở gần bán đảo Kowloon.

Cuối cùng cũng tới được khách sạn ở Bangkok lúc 2 giờ khuya. Bước qua bên kia đường có một nhà hàng lịch sự vẫn còn mở cửa. Ngồi một mình trong đêm khuya tơi tả mệt mỏi, trong đầu vẫn còn vang vọng những tiếng hô của người biểu tình Hồng Kông, tiếng gạch đá va chạm vì bị cạy tung lên từ những vĩa hè... Ngày mai lại phải lên đường thiên lý. Giống một tên biệt kích đơn độc đi tìm lại lịch sử.

Sáng thứ Hai được anh quản lý khách sạn người Thái tốt bụng dẫn ra trạm xe điện Bts Asoke dặn dò rất kỹ là bao nhiêu “stop” mới tới trạm Ekkamai rồi đi bộ tới bến xe buýt Eastern (Ekkamai) đón xe “minivan” đi đến thành phố Pattaya cách Bangkok 150 cây số ở hướng nam.

Đêm qua anh quản lý nói có thể đặt xe “limousine” rất xịn đưa rước đến tận nơi và chở về. Khách có thể ngồi uống bia rồi ngủ cho đến khi đến địa điểm. Giá khoảng từ 150 – 200 đô la, cũng không mắc lắm. Nhưng đi kiểu đế vương như vậy thì làm sao thấy rõ con người và xã hội bình dân của Thái Lan.

Vào sân ga xe điện thì bị một cô cảnh sát Thái chận lại bắt mở tung cái ba lô đựng máy chụp hình giữa đám đông làm rất ngượng và hoang mang vì chỉ có mình mới bị lục soát. Lúc đó ăn mặc chỉnh tề mà. Có thể vì khuôn mặt giống một thằng khủng bố ghê gớm nào chăng?

Hệ thống xe điện ở Bangkok không thua Nhật bao nhiêu nhưng thua xa Hồng Kông ở mức độ sang trọng. Nhưng đi xe buýt nhỏ “minivan” mới thấy gần gũi với đời sống bình dị của người Thái. Có anh tài xế đeo kiếng mát đen thui tác phong dân chơi mời rao khách lên xe và thường xuyên ngừng trên tuyến đường để bốc thêm khách hàng. Những người Thái nghèo hiền lành ngồi im lặng không lõ mắt tò mò nhìn người lạ và không lấy điện thoại ra nói chuyện ỏm tỏi như chỗ không người.

Đến Pattaya đón xe ôm để tới nhà thờ St. Nikolaus Church mà ai ở đây cũng biết. Pattaya không đẹp, chỉ toàn là xi măng và hầu như không có cây xanh bóng mát. Nhiệt độ nóng hơn cả Sài Gòn. Rất ít xe gắn máy đa phần là xe bốn bánh, nhưng cảm giác đi xe ôm ở Pattaya rất hồi hộp không kém Sài Gòn, nghĩa là có cảm giác sắp bị những bánh xe cán dẹp lép như khô mực.

Nhà thờ St. Nikolaus Church bên kia đường, chỉ cách chỗ xe minivan ngừng vài trăm thước vậy mà sao cha xe ôm hổng chỉ để đi bộ cho đở sợ.

Nhà thờ có một văn phòng bên trái gần cổng ra vào. Không thấy ai làm việc, hổng lẽ người ta đi ăn trưa sao ta mà ăn đến bao giờ mới về. Ngoài vườn thấy có khoảng chục nhân viên đang chăm sóc cây cỏ và không ai biết tiếng Anh nên mình dùng hai tay diễn tả như đang ẳm đứa con nít ru à ơi qua lại và nói chữ Việt Nam Việt Nam. Họ trố mắt tưởng là thằng điên.

Bắt đầu sốt ruột vì thời gian không có nhiều vì chỉ ở đây khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi phải đón xe đò về lại Bangkok. Sáu tháng qua email và gọi điện thoại khắp nơi để điều tra có phải đúng ngôi giáo đường này là nơi an nghỉ của 78 trẻ em Việt Nam. Nhưng không ai trả lời. Có nhiều lúc đã nghĩ các tin tức về các nạn nhân của chiếc C-5 Galaxy được chôn ở đây là tin vịt. Nhưng quyết định đi đại để tìm sự thiệt. Một chuyến đi may rủi liều lĩnh.

Phía sau giáo đường có một nghĩa trang đúng như trong hình trên internet. Hỏi mấy người nhân công làm vườn ở đó không ai hiểu mình muốn gì. Có hàng trăm ngôi mộ trong cái nghĩa trang này thì phải mất cả ngày mới thanh tra hết được. Đi lang thang một mình trên con đường rải sỏi ở nghĩa trang yên tĩnh này mà lòng thấy thất vọng vô cùng tận. Đã đến được đây mà đi tay không về thì đó là niềm hối tiếc không nguôi.

Đang đi thất thểu thì thấy có một người phụ nữ họa sỹ đang dùng cái cọ nhỏ tô đậm lại những dòng chữ đã phai màu trên mấy bia đá. Ngừng lại hỏi bà ta một lần cuối trước khi ra đón xe về. Bà ấy hổng hiểu mình nói gì nhưng móc điện thoại ra nói xì xào tiếng Thái và nghe được chữ Bangkok gì đó. Có thể bà ấy đang gọi về thủ đô. Xong bà ấy đưa điện thoại ra dấu biểu nghe.

Trong điện thoại có tiếng nói của một phụ nữ Thái nói tiếng Anh. Bà làm việc cho một hội đoàn Công Giáo ở Bangkok và cho biết ngôi mộ của trẻ em mồ côi Việt Nam nằm ở lô 76. Bà ấy muốn nói chuyện với người họa sỹ. Hai bên nói chuyện lào xào vài chục giây. Mắt bà họa sỹ sáng lên. Bà ấy cúp điện thoại và biểu mình đi theo bà ta. Bả kêu thêm một anh công nhân nữa.

Hai người dẫn mình đến mộ phần của 78 trẻ em Việt Nam đã thiệt mạng trên chuyến bay định mệnh khi rời bỏ quê hương để đến một chân trời mới. Hai người Thái dùng tay vén lại cỏ cây mọc chung quanh ngôi mộ cho tươm tất để mình chuẩn bị chụp hình. Nơi đây không có nhang đèn vì đây là một nghĩa trang Công Giáo. Không cần thiết, vì trong tôi đã có một trái tim nóng đi tìm lại dấu tích của người xưa. Hình như có một sự sắp đặt vô hình nào đó để đến được nơi đây. Để hỏi câu cuối cùng và được câu trả lời. Gõ sẽ mở, hỏi sẽ được. Phải chăng đó là ý trời.

Địa chỉ nhà thờ St. Nikolaus Church:
10 98 หมู่ที่ 9 Sukhumvit Rd,
ตำบลนาเกลือ Amphoe Bang Lamung,
Chang Wat Chon Buri, Pattaya 20150,
Thailand
+66 38 415 322

Theo Bong Lau





















Không có nhận xét nào