KHÔNG PHẢI CHỈ CẦN ĐỂ CHO MỘT TÌNH THẾ Từ chuyện dịch bệnh người ta quay ra tranh cãi câu chuyện thể chế dân chủ hay độc tài (có vẻ) t...
KHÔNG PHẢI CHỈ CẦN ĐỂ CHO MỘT TÌNH THẾ
Từ chuyện dịch bệnh người ta quay ra tranh cãi câu chuyện thể chế dân chủ hay độc tài (có vẻ) tỏ ra hữu hiệu hơn trong tình thế này.
Đây không phải là vấn đề của thể chế nào hữu hiệu hơn.
Vấn đề đơn giản ngay từ đầu đã được rõ ràng, khi trong thể chế dân chủ, tất cả các quyền của con người được đảm bảo, và trong trường hợp đặc biệt nó vẫn bị hạn chế bằng những đạo luật hay sắc lệnh tạm thời để đối phó với hoàn cảnh mà nó đối mặt.
Trong khi, với chế độ độc tài, tất cả các quyền con người phải hy sinh vào mọi thời điểm, mà cho đến khi rơi vào tình thế cấp bách những sự độc tài còn được phát huy triệt để hơn nữa - nó sẽ tước bỏ khốc liệt và thô bạo hơn nữa các quyền con người, vốn đã phải hy sinh cho sự độc tài của thể chế độc tài từ trước.
Rõ ràng, không một quốc gia nào mà thiếu sáng suốt đến mức, cố gắng thiết lập một mô hình độc tài (có thể cả sự toàn trị) mà rồi chỉ để chờ đợi cho đến một tình cảnh nguy bách hạn hữu nào đó để cho người khác thấy được “sự phản ứng tức thời” của nó là có vẻ nhanh nhạy hoặc quyết liệt hơn là một thể chế dân chủ.
Chính thể dân chủ luôn đảm bảo các quyền mà cho đến khi rơi vào tình thế nguy cấp, nó sẽ kích hoạt hoặc đặt ra các điều khoản mà nó vốn đã dự trù từ trước cho tình huống đó.
Có thể thấy, chế độ toàn trị tuyệt đối như Triều Tiên hiện tại có thể làm cho dịch bệnh không xâm nhập vào trong lãnh thổ của họ, vì sự độc tài đã phát huy tối đa tính thô bạo của nó - kẻ đứng đầu nhà nước đặt ra luật pháp, thứ vốn đã bị thu hẹp đến mức tối thiểu, nay gần như chẳng còn gì nữa. Nhưng vấn đề kinh khủng nhất mà nó luôn hiện hữu, đó là nó chính là nguồn cơn gây ra tội ác không bao giờ chấm dứt bởi nó không cần tới luật pháp trong bất kể hoàn cảnh nào - sự huy động nguồn lực từ xã hội, thứ được phân phát theo chỉ lệnh của những kẻ nắm quyền, được tụ hợp theo những mệnh lệnh phi luật pháp và có tính cướp bóc đối với dân chúng - rõ ràng nó dễ dàng hơn một thể chế dân chủ, nơi mà luật pháp khiến con người được an toàn và bảo vệ trước quyền lực nhà nước.
Trong thể chế độc tài, nguồn lực được phân tán theo cách ban phát, nó có thể được tập trung theo lệnh từ kẻ độc tài bất kể lúc nào. Một xã hội luôn chảy theo dòng chảy mệnh lệnh áp đặt và tước đoạt. Trong thể chế dân chủ, mọi nguồn lực được luân chuyển theo các giao dịch và sự thuận nguyện, mọi sự cưỡng bức đều phải theo một chu trình nghiêm ngặt và được đền bù thoả đáng.
Bàn thêm về một số bất ổn của chính thể mà trong một số trường hợp, sự tồn tại của nó có thể bị đe doạ, tôi đã bàn tới trong cuốn Dân trị và Chính quyền một cách khá rõ ràng.
Trong cuốn Dân trị và Chính quyền, tôi đã đưa ra trường hợp phải “chuyển đổi mô hình chính thể” đối với một chính thể dân chủ để tránh rơi vào sự mất kiểm soát mà nó sẽ dẫn tới một chế độ độc tài vào một hoàn cảnh cụ thể nào đó.
Ví dụ, ngay khi người đứng đầu nhánh hành pháp muốn chiếm quyền toàn bộ các nhánh khác thì quốc hội tuyên bố giải tán chính phủ và đồng thời, có thể cân nhắc, chuyển một phần ba hoặc một nửa số thành viên Quốc hội trở thành thành viên Chính phủ để tiếp tục điều hành. Trong khi có thể vẫn giữ lại Uỷ ban Biện tố Tối cao (một uỷ ban quan trọng của Quốc hội) để nắm giữ quân đội cùng Toà án Tối cao. Nên nhớ, để một kẻ có thể trở thành độc tài, nó chỉ xuất phát từ nhánh hành pháp chứ không bao giờ bắt đầu từ Nghị viện hoặc Toà án.
Lê Luân
Hình: Sự độc tài trong quyền lực và dẫn tới độc tài tư tưởng đã dẫn tới những khẩu hiệu không thể nào chấp nhận được như trong bảng biển - nó tước bỏ quyền được sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc, những quyền cơ bản nhất của mỗi con người.
|
Không có nhận xét nào