Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LÀM CÔNG DÂN XỨ KHÁC - ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI CNXH

[ LÀM CÔNG DÂN XỨ KHÁC - ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI CNXH ] Bạn có biết ước mơ của người Việt Nam bây giờ là gì không. Đó là không còn ph...

[LÀM CÔNG DÂN XỨ KHÁC - ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI CNXH] Bạn có biết ước mơ của người Việt Nam bây giờ là gì không. Đó là không còn phải sống ở Việt Nam nữa. Tôi xin bắt đầu với câu chuyện. 

Tuần trước khi tới nhà bạn chơi, gọi cà phê giao tận nơi. Hai đứa đang nhâm nhi chưa được lâu thì anh ta nói: “Chừng nào mày mới đi? Ở đây chi nữa. Cả tháng nay thất nghiệp hết rồi.” Tôi liền bình tĩnh đáp lại: “Chưa nghĩ tới. Sao lần nào gặp mày cũng hối tao đi vậy?” Sau khi liếc mắt và cười trừ thì anh bạn trả lời: “Chứ sống đây mệt chết bà ra. Mày đi giùm tao đi.”

Đó không phải là chuyện cá biệt. Vừa lên Facebook thì có bạn kia nhắn tin tương tự, “Anh đi nước ngoài đi.” Vô vài diễn đàn hay nhóm chat thì cũng y chang. Dù cách nói có khác nhưng nội dung vẫn tương tự. Nói chuyện với nhiều bạn trẻ và trung niên, tôi để ý rằng họ sống trên đất nước mình nhưng luôn mơ mộng về việc trở thành công dân của một đất nước khác. Khi đã hiểu được tư duy này thì nó sẽ ít nhiều giải thích con người nơi đây.

Không phải là tất cả nhưng đa số chỉ coi nơi này như một căn nhà trọ hoặc trạm dừng chân để hướng đến một địa điểm khác. Trước đây thời thuyền nhân thì mục đích là Bắc Mỹ hay Châu Âu. Thời kinh tế mở cửa thì các cô gái miền quê mơ mộng đến việc làm vợ ở xứ Đài hoặc kim chi xa xôi. Khi kinh tế phát triển thì mấy cô cậu du học sinh mơ mộng đến việc ra đi rồi định cư ở một nơi tiên tiến hơn. Nếu nhà không có điều kiện thì đi xuất khẩu lao động ở bên Nhật hay Hàn Quốc.

Dù là ở đâu đi nữa thì không quan trọng, miễn sao đó không phải là ở nơi đây. 

Khi đã đồng ý và chấp nhận thực trạng đó thì chúng ta có thể đúc kết như sau. Là sẽ không có bất cứ sự thay đổi gì về mặt thể chế. Vì chính người dân nơi này cũng chẳng quan tâm đến. Đó không phải là sự ưu tiên hàng đầu của họ. Họ đã đầu hàng và chỉ muốn có cuộc sống ổn định. 

Nếu theo dõi những trang “phản động” thì cứ nghĩ rằng đất nước sẽ sụp đổ, tổ chức cầm quyền sẽ tan rã hay sẽ có biến cố lớn lao nào đó. Nhưng thực tế là không, gần không, hoàn toàn không. Tất cả chỉ là sự ảo tưởng của những người đang sống trong vô vọng nên dồn hết tâm huyết vào sự hão huyền. Sự phi thực tế còn lãng mạn hơn cuốn tiểu thuyết tình cảm. Khi thoát khỏi ứng dụng hoặc tắt máy tính thì trở lại cuộc sống bình thường và chẳng có gì xảy ra.

Nếu nguyện vọng của dân tộc khác là biến đất nước mình trở nên giàu mạnh thì ước mơ của đa số người Việt Nam là trở thành công dân xứ khác. Ông doanh nhân thì ôm mộng đa tịch để dễ làm ăn hơn, sinh viên thì muốn du học định cư, công nhân thì muốn đi làm ở nơi khác lương cao hơn. Tất cả đều muốn trốn chạy và từ bỏ vì họ đã cạn kiệt tình cảm với nơi mình sinh ra.

Vì đâu mà đến nông nổi này. Từ bao giờ con người Việt Nam không còn muốn làm người Việt Nam nữa? Có phải từ lúc nhóm kia lên cầm quyền và gắn ghép lòng yêu nước với yêu tổ chức cai trị. Hay từ khi dũng khí đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Dân tộc hào hùng ngày nào bây giờ chỉ còn là những xác người đang sống.

Trước đây tôi cũng có phần phẫn nộ nhưng nếu thực tế suy ngẫm thì sẽ hiểu vấn đề. Bạn không thể nào thay đổi một đất nước khi đa số người dân không coi đó là sự cần thiết. Cũng không thể thúc đẩy sự cải tiến khi trong tay không có quyền lực hay ảnh hưởng vĩ mô. Chứ đừng nói gì đến sự trông chờ phép màu nào đó của vị anh hùng. 

Tôi không trách bất cứ ai ra đi. Cũng không gọi họ bằng những thuật ngữ được dùng như “sính ngoại” hay “hèn.” Vì dám chắc rằng những con người đó nếu có cơ hội cũng làm điều tương tự. Đây như định mệnh của dân tộc. Người ở bên kia đại dương thì nhìn dân trong nước rồi trách móc sao không đấu tranh, nhưng quên rằng ngày xưa chính họ cũng đã từng từ bỏ rồi trốn chạy. Đừng chỉ trích ai vì bạn cũng đang muốn và sẽ làm y chang, nếu chưa.

Khi con người không gì có trong tay, tiền và quyền, thì cách duy nhất họ có thể làm là giả vờ đồng ý hoặc giải thoát. Cho nên họ im lặng hoặc ra đi. Đó là ước mơ hiện tại của người Việt Nam. [06.4.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào