THÔNG MINH HAY BẤT NHẪN Hôm nay đọc tin trên báo, thấy Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội đã chế tạo ra cái máy phát gạo cho người gặp k...
THÔNG MINH HAY BẤT NHẪN
Hôm nay đọc tin trên báo, thấy Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội đã chế tạo ra cái máy phát gạo cho người gặp khó khăn trong mùa đại dịch. Điều mà những người làm ra chiếc máy này tự hào là sẽ không người nào có thể gian lận để lãnh lần thứ hai. Để làm được điều đó, người xin gạo phải gỡ khẩu trang cho máy ghi hình nhận diện, khai rõ họ tên khi đứng trước hệ thống máy quét, đồng thời cung cấp địa chỉ, hệ thống sẽ ghi lại gương mặt, giọng nói. Đây cũng là phần mềm do cán bộ công nghệ thông tin của trường tự thiết kế, đảm bảo nguyên tắc trong 1 tuần, 1 người chỉ được nhận 1 lần.
Trong chuyện làm từ thiện, việc có nhiều người có lòng tham cũng có, họ sẽ tìm cách lấy cho mình đôi ba phần, điều đó là chuyện không tránh khỏi, nhưng đó không phải là chuyện phải băn khoăn. Tuy nhiên phải hiểu rằng có trường hợp những người vì tuổi già, sức yếu, những người bị bệnh tật phải nằm một chỗ, họ cũng đang thiếu ăn, họ cũng đang ngặt nghèo hơn cả những người đi đến chỗ phát gạo để lãnh một suất từ thiện. Họ phải nhờ hàng xóm, người thân xin giúp một phần để qua cơn đói, nhưng như thế này thì họ đành thua. Hơn nữa, chỉ để lãnh được 3kg gạo mỗi tuần, thật sự trị giá cũng không bao nhiêu mà họ phải bị chụp hình, phải khai tên họ, địa chỉ nhà cửa, phải bị ghi hình, tiếng nói thì nghĩ có vẽ nhẫn tâm quá. Dùng chữ "máy thông minh" nghe cũng khiên cưỡng vì với các thiết bị máy móc thông thường hiện nay, việc ghi hình và giọng nói là chuyện quá tầm thường, có gì mà phải gọi là thông minh để xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Người càng nghèo càng nhiều tự ái, bởi họ mang mặc cảm trong người. Cho tiền một người hành khất mà hỏi tên họ, địa chỉ nhà cửa là sẽ bị khó chịu ngay. Nếu đưa máy lên chụp hình nữa thì chắc là bị chửi thầm hay bị phản ứng công khai ra mặt Giúp một người nào đó mà đào sâu nhân thân của họ cũng sẽ nhận lấy thái độ thiếu thiện cảm vì họ cho là bị xúc phạm. Người nghèo thường dấu thân phận của mình, bây giờ lãnh mấy ký lô gạo lại bị lột trần dưới mắt mọi người, họ đau chứ, họ cảm thấy nhục chứ. Thế là từ việc có lòng tốt giúp người trở thành kẻ bất nhẫn và lố bịch. Đã làm từ thiện thì phải chấp nhận những trường hợp người tham, người gian, nhưng cũng nên hỷ xả thì việc làm tốt của mình sẽ càng tốt đẹp hơn. Kỹ lưỡng, ky bo, nguyên tắc quá sẽ chẳng hay chút nào.
Trong các bệnh viện, ở các quán cơm từ thiện phát cơm hay bán cơm giá rẻ hàng ngày ở Sài Gòn, không bao giờ có chuyện hỏi tên tuổi, hoàn cảnh hay bị chụp hình lưu trữ. Ai cảm thấy thiếu thì lấy, ai cảm thấy đói thì ăn. Họ vui vẻ và cám ơn người tặng, kẻ cho chứ không cảm thấy nhục, thấy bị xúc phạm như kiểu lãnh gạo phải khai báo như thế này.
Những người chế ra cách kiểm soát này có lòng tốt giúp người gặp hoạn bạn đấy nhưng đó chỉ là thái độ ban phát, thiếu sự đồng cảm, vẫn là tư thế của kẻ giàu ban ân huệ cho người nghèo. Nói chính xác hơn họ thiếu cái tâm thiện cho nên cái máy được gọi là thông minh biến thành cái máy điều tra bất nhẫn, mất tình người. Người xưa thường bảo "Của cho không bằng cách cho". Kiểu cho như thế này không thể gọi là làm từ thiện. Ngay thời nạn đói năm 1945, những cuộc phát chẩn gạo cháo cũng không có hành vi bất nhẫn và xúc phạm phẩm giá như thế này. Người nghèo nhận được mấy ký gạo nhưng họ sẽ thêm tủi thân, buồn phận.
Mùa đại dịch
18.4.2020
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào