Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VÀI HÀNG TÂM SỰ VỚI BÊN “THẮNG CUỘC”

Vài hàng tâm sự với bên “ thắng cuộc” Thời gian trôi qua quá nhanh, thoáng lại đến một ngày buồn của tháng tư mỗi năm. Năm nay ngày 30-04-20...

Vài hàng tâm sự với bên “ thắng cuộc”
Thời gian trôi qua quá nhanh, thoáng lại đến một ngày buồn của tháng tư mỗi năm. Năm nay ngày 30-04-2020 đánh đấu đúng 45 năm mảnh đất miền Nam tự do đã bị cưỡng chiếm bởi Quân Cộng Sản Bắc Viêt. Vào những ngày này mỗi năm Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn cố tình lừa dối dân và vẫn còn huyênh hoang tổ chức kỷ niệm vào ngày 30-04-XX với những mỹ từ, nào là ngày chiến thắng, ngày giải phóng.
Sau 45 năm mọi tài liệu liên quan về cuộc chiến tranh Viêt nam đã được bạch hóa. Để rút quân ra khỏi cuộc chiến tại VN trong danh dự. Người Mỹ đã ngầm thỏa hiêp với Trung Cộng để tạo ra một hiệp định  Paris 1973. Hiệp định này thật là bất lợi cho cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam Việt Nam. Kể từ năm 1973 ngoài viêc người Mỹ từ từ rút quân ra khỏi Viêt Nam, họ còn cắt giảm viện trợ về quân sự cũng như về kinh tế cho miến Nam Việt Nam, cho đến cuối năm 1974 thì họ hoàn toàn cắt hẳn viên trợ cho miền Viêt Nam. (chúng ta không có vũ khí, đạn dược như họ vẫn viện trợ trước kia thì chúng ta làm sao có thể chiến đấu). Trong khi đó Cộng Sản Bắc Việt vẫn được Nga, Tàu cũng như cả khối Cộng Sản Đông Âu viện trợ & giúp đỡ tối đa về kinh tế cũng như quân sự để họ dốc toàn lực xâm lăng (cưỡng chiếm) miền Nam Việt Nam.
Sau khi chiếm được miền Nam, họ đã không tạo ra cho dân chúng cả nước có một chương trình phúc lợi nào tốt cả về: an sinh xã hội, giáo dục nhất là về y tế. Sau 45 năm giải phóng (45 năm mà vẫn chưa đủ lớn) mà đất nước vẫn chưa có gì thay đổi, và phát triển. Về y tế: bệnh viện thì luôn luôn quá tải, 4 người nằm một phòng (một phòng dành cho 4 bệnh nhân) mà bệnh nhân lại còn phải trả tiền viện phí (đấy chưa kể nhiều loại lệ phí khác để bôi trơn cho...), về giáo dục: tất cả hoc sinh phải trả tiền học phí (nếu gia đình nào mà không có tiền thì con em gia đình đó phải bị thất học), sinh viên tốt nghiêp: kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ …… khi ra trường không tìm được việc phải đi chạy xe ôm, đi làm cu li hay lao động (với một mỹ từ là xuất khẩu lao động) cho các nước trong vùng Đông Nam Á. Chính quyền các cấp đã nhượng & bán đất, biển của tổ quốc cho bọn giặc phương Bắc, họ cho nhập cư một cách bừa bãi rất nhiều, bọn này sinh sống ở khắp mọi miền của đất nước (chúng lập ra rất nhiều khu tự trị, biệt lập công khai hay bán công khai, có chỗ chúng còn cấm người Viêt được ra vào)
Nói tóm lại sau 45 năm, cái tỷ lệ 50% vui 50% buồn trong số 95 triệu dân mà cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã nói 45 năm trước (nhưng bây giờ tỉ lệ đó phải đổi là 5% (đảng viên ĐCSVN + thân nhân + bọn ăn theo) VUI, còn lại là 95% (người dân toàn quốc) BUỒN. Đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ phải được gọi là đảng “ Mafia Tư Bản Đỏ “, vì các viên chức cộng sản từ cấp nhỏ đến cấp lớn đều biết danh từ “ tham nhũng “, Bây giờ, tất cả các đảng viên (CS) đều giầu sụ, có nhiều tiền, lắm của, có nhà. Họ đưa vợ con họ ra nước ngoài (nước tư bản) sinh sống, mua nhà, mở kinh doanh, trong khí đó toàn dân đều nghèo đói và rất khổ sở, có nhiều người lớn tuổi (60-70) mà vẫn phải xả thân ra ngoài xã hội để đi tim bất cứ công việc gì để nuôi chính bản thân của họ. Với chính sách cai tri: đảng tri, độc đoán, hà khắc, tham nhũng, vơ vét, cướp nhà, cướp đất của nhân dân. Người dân lại còn mất cả các quyền tự do: tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội . . . . . . .Có một câu mà chúng ta vẫn thường nghe được Đảng Cộng Sản Việt Nam nói '‘ đừng lo, mọi việc cứ để nhà nước (ĐCSVN) lo “.
Chúng ta vẫn còn nhớ câu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói:
" Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm "
Những điều nêu ở trên chứng tỏ chúng tôi, các chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi đã hy sinh & chiến đấu rất anh dũng để bảo vệ mảnh đất miền Nam tự do này (chiến sĩ chúng tôi là những người rất yêu đất nước & thương yêu dân đối với tất cả mọi người dân). Sự “ thắng & thua “ giữa miền Bắc & miền Nam Việt Nam chẳng qua cũng như một ” bàn cờ tướng mà trong đó chúng ta chỉ là những con cờ “ kẻ thắng & người thua “ đã được sắp đặt và định đoạt  bởi các siêu cường quốc tế (Mỹ & Tàu).
Nhân ngày 30-04-2020 ngày Quốc Hận, ngày Đi Tìm Tự Do ………
Tôi có một hồi ký ngắn xin gứi đến mọi người
Hồi ký trong tháng ba và tháng tư năm 1975
Phần I
Tháng Ba năm 1975
Ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột vừa bị thất thủ vào ngày 17-03-1975. Phi Đoàn của chúng tôi được lệnh từ Sư Đoàn (Sư Đoàn IV KQ), quân lệnh cho tăng phái một Biệt Đội, gồm có: 1 chi huy (C&C), 3 võ trang (gunship), 5 tải quân (slick) và 1 dự phòng (spare) ra Sư Đoàn II KQ, Pleiku (Quân Đoàn II) với thời gian là một tháng để hổ trợ các phi đoàn trực thăng bạn, mục đích là để tái chiếm lại thành phố Ban Mê Thuột. Một cuộc đổ quân đại qui mô cho Trung đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23th BB từ quận Hàm Rồng tới phi trường Phụng Dực đang tiến hành, thì bất thình lình chúng tôi được lệnh từ Quân Đoàn II đình chỉ cuộc đổ quân, ra lệnh cho Biệt Đội của chúng tôi phải di tản về Nha Trang (trong lúc này thì cả bộ chỉ huy của Quân Đoàn II cũng đang di tản chuyến thuật từ Pleiku về Nha Trang).
Trong thời gian đồn trú tại Nha Trang, thời điểm hiện tại Sư Đoàn II KQ không cần đến sự tăng cường của Biệt Đội chúng tôi cho các cuộc hành quân trong Vùng II Chiến Thuật này. Do đó cấp chi huy Biệt Đội tăng phái của chúng tôi đã phân chia các phi vụ lẻ tẻ tùy theo tình thế hoặc theo lời yêu cầu từ Sư Đoàn II KQ. Trong thời gian này chiếc chỉ huy và 3 chiếc võ trang thường được xử dụng để đi yiểm trợ cho các đơn vị Dù hay cho các đoàn quân đang trên đường di tản về Nha Trang, còn lại các chiếc tải quân thường được phân chia trong các phi vụ liên lạc lẻ tẻ làm việc khắp nơi, làm việc cho các quận lỵ hẻo lánh. Riêng Phi Hành Đoàn của chúng tôi cũng có vài phi vụ liên lạc Quận Sông Cầu, thành phố Qui Nhơn . . . .Phi hành đoàn chúng tôi thường hay hợp tác với các tổ chức nhân đạo từ thiện dân sự trong thành phố Nha Trang (họ nấu cơm và sửa soạn đồ ăn và nước uống, xong cho vào những bọc nylon nhỏ) để tiếp tế thực phẩm cho những đoàn người dân đang di tản, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp chở họ đi tìm những đoàn người dân di tản để thả thực phẩm xuống giúp cho đoàn người di tản, ngoài ra chúng tôi thường hay quan sát những cái đuôi (có những người vì quá yếu sức cho nên họ bị bỏ lại rất xa đằng sau) của đoàn người di tản nếu thấy người nào già yếu, đau bệnh hoặc gia đình nào có con cái quá nhỏ thì chúng tôi đáp xuống đón họ lên tàu (chúng tôi phải đáp và bốc họ thật bất ngờ và mau như hành động bắt cóc, vì rằng, ai cũng muốn được bốc, nếu quá tải trực thăng có thể không cất cánh nổi).
Đón những chiến sĩ lạc đơn vị đang trên đường di tản.
Trông số những phi vụ khi chúng tôi tăng phái tại Vùng II Chiến Thuật, có hai phi vụ mà cho đến giờ này mặc dù đã hơn 45 năm mà tôi vẫn không thể quên được. Thường mỗi khi bay đi để tiếp tế cho đoàn người dân di tản, chúng tôi vẫn hay tìm và quan sát phía dưới xem có đoàn, nhóm người di tản mới nào nữa không. Một lần chúng tôi chợt thấy một toán lính ước chừng khoảng hơn một Tiểu Đội đang di chuyển phía dưới của một ngọn núi, chúng tôi liền đáp xuống để bốc cho họ về Nha Trang. Chúa ơi! tưởng chừng hơn một Tiểu Đội, họ lên chật cả tàu không còn chỗ trống (họ còn ngồi lên nhau), khi tôi nhấc tàu lên để kiểm định lực của con tàu, thì tàu quá nặng không thể cất cánh với phương cách bình thường, tôi có xuống khỏi tàu ra đằng sau, khuyên, đề nghị họ xuống bớt, cũng như hứa với họ là chúng tôi sẽ trở lại để đón những người còn lại nhưng chẳng ai chịu xuống vì người nào cũng lo sợ bị bỏ rơi, cuối cùng chúng tôi đành phải cố thử bằng phương cách cất cánh là trượt càng của trực thăng trên mặt đất (như một con chim bị ướt sũng đôi cánh, cất cánh), lướt càng được một đoạn dài cuối cùng con tàu cũng bốc lên an toàn, sau khi về đáp phi trường Nha Trang chúng tôi đã đếm được hơn 2 tá binh sĩ trong chuyến bay này. (thật ra con số mà chiến sĩ xạ thủ báo cáo là 32 người)
Đón bốn nữ tu sĩ trong đoàn người di tản
Một ngày khác, một vị Linh Mục và một Ma-Sơ đến tìm gặp chúng tôi, nhờ chúng tôi đi tìm bốc giúp họ 4 vị Sơ trẻ hiện đang ở trong đoàn người di tản từ Pleiku. Chúng tôi bay lên vùng để tìm đoàn người di tản, khi tìm thấy đoàn người di tản tôi bay thật thấp dọc theo đoàn người di tản, để vị Linh Mục và vị Ma-Sơ dễ quan sát và tìm kiếm 4 vị Sơ trẻ này. Chỉ mất một lần bay dọc theo đoàn người di tản, cuối cùng họ tìm thấy 4 vị Sơ trẻ này, cũng nhờ yếu tố là những người này đều mặc đồng phục màu đen & trắng cho nên dễ được nhận ra trong đám người di tản. Trong lúc chúng tôi đang đáp xuống để bốc 4 vị Sơ trẻ này thì có nhiều tiếng súng M16 bắn chỉ thiên, hình như để thị oai cho có, nhưng tôi vẫn tiếp tục đáp xuống để đón 4 vị Sơ trẻ này. Thật là may mắn, không có điều gì phiền phức xẩy ra cho chúng tôi khi tôi đáp xuống đón 4 vị Sơ trẻ này lên tàu (Cảm tạ Chúa đã dẫn dắt cũng như che chở cho tất cả phi hành đoàn chúng tôi cũng như 6 vị tu sĩ trên trực thăng).
Tháng Tư năm 1975.
Buổi sáng ngày 02 tháng Tư năm 1975, Biệt Đội chúng tôi được lệnh trở về Phi Đoàn sau khi lệnh tăng phái của chúng tôi vừa chấm dứt. Khi về đến đơn vị thì mọi sinh hoạt hành quân của chúng tôi trở lại bình thường như trước khi chúng tôi được tăng phái cho Quân Đoàn II. Trong tháng này tôi có dịp được về Sàigon 2 lần, lần thứ nhất trong phi vụ liên lạc Cần Thơ – Biên Hòa, tôi đã linh cảm thấy tình hình tại Sàigon có nhiều biến động lạ thường, dân chúng rất lo âu và hoang mang trong lúc này, vì tôi thấy rất nhiều phi cơ lớn của Không Quân Hoa Kỳ như: vận tải cơ C5A, C141 bay đến Việt Nam và bay ra khỏi Việt Nam, thêm vào đó là các đài truyền thông hải ngoại như BBC, VOA . . .Họ đã luôn loan tin về tình hình chiến sự đang diễn biến tại VN từng giờ, từng ngày, nhưng trên thực tế thì những tin tức này đều bất lợi cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa về phương diện tâm lý chiến. Trên không trình đáp phi trường Biên Hòa, tôi được thấy xác của chiếc phi cơ vận tải khổng lồ Galaxy C5A của Không Quân Hoa Kỳ, chiếc này gặp nạn và rơi gần phi trường Biên Hòa vài ngày trước đó trong một chuyến không vận số trẻ mồ côi được bảo trợ sang Mỹ định cư.
Lần thứ hai, nhân lúc phi đội của chúng tôi đang lên ca nghỉ phép tại đơn vị, một hôm Phi Đoàn có một phi cơ với phi vụ liên lạc Cần Thơ - Tân Sơn Nhất tôi có quá giang về thăm nhà được vài giờ. Sau 2 lần ghé nhà (Sàigon) tôi nghe được rất nhiều tin đồn, nào là những ai muốn ra đi định cư ở nước ngoài thì hãy ghi tên toàn thể thành viên trong gia đình với các tổ chức Tôn Giáo để họ nộp những danh sách này lên Liên Hiệp Quốc, trong trường hợp nếu có một Hiệp Định Hòa Bình nào như cái Hiệp Định Hòa Bình tại Genève 1954 đã được ký kết cho phép mọi người dân được quyền lựa chọn sự ra đi hoặc ở lại sống với Chính Thể mới (CSVN) như hồi năm 1954.
Sau khi ca nghỉ phép của Phi Đội chấm dứt, mọi phi vụ tác chiến của Phi Đội chúng tôi trở lại bình thường: thường ngày chúng tôi tham gia các phi vụ hành quân để yiểm trở cho các đơn bạn (Bộ Binh), đôi khi cũng có các phi vụ liên lạc lẻ với các quận, tỉnh . . trong Quân Khu.
Một dịp may tôi được gặp ThiếuTướng Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh
(lần đầu cũng là lần cuối).
Một phi vụ liên lạc thật đáng nhớ nữa là vào khoảng một tuần lễ trước ngày (01-05-1975), ngày mà chúng tôi thực sự bị ” gẫy cánh’’ vĩnh viễn. Ngày hôm đó chúng tôi có một phi vụ làm việc cho Sư Đoàn 7th BB (căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho) nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tế, tản thương . . . yiểm trợ cho một vài đơn vị thuộc Sư Đoàn 7 BB. Trong phi vụ này tôi có một viên Hoa Tiêu Phụ, anh ta vừa được thuyên chuyển từ một Phi Đoàn thuộc Sư Đoàn I KQ về Phi Đoàn chúng tôi được hơn một năm. Buổi sáng hôm đó anh ta bất thình lình gặp lại một người bạn cùng Phi Đoàn cũ với anh ta (Sư Đoàn I KQ) tại hồ nước ngọt Mỹ Tho, nơi chúng tôi đậu trực thăng chờ để liên lac với sĩ quan đại diện của Sư Đoàn 7th BB .Vào thời điểm tất cả phi cơ cũng như nhân viên thuộc các Sư Đoàn I KQ, Sư Đoàn II KQ, Sư Đoàn VI KQ . . . . tất cả họ đều được di tản về các Sư Đoàn KQ còn an toàn ở phía Nam để bảo toàn lực lượng và khí tài, (anh bạn của viên Hoa Tiêu Phụ cho tôi là một trong số những mà tôi vừa đề cập ở trên) Thật không may cho phi vụ của tôi hôm đó, sau khi gặp lại người bạn cũ thì viên Hoa Tiêu Phụ của tôi biến mất với cả chiếc nón bay của anh ta (tôi hiểu ngay là điều gi đã xẩy ra, vì trước đó anh ta có ngỏ ý xin tôi một phiếu đổ xăng cho trực thăng, chắc là anh ta xin cho bạn anh ta, vì anh bạn này sẽ gặp khó khăn khi đổ xăng cho trực thăng của mình nếu như không có phiếu đổ xăng ). Phi vu không thể thi hành vì Không có Hoa Tiêu Phụ nên tôi phải vào Phòng Hành Quân của Sư Đoàn 7th BB, nhờ viên Sĩ Quan Liên Lạc KQ liên lạc về Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 4 KQ để xin cho một Hoa Tiêu khác thay thế để chúng tôi hoàn tất phi vụ cho Sư Đoàn 7th BB. Trong lúc đang chờ ở Trung Tâm Hành Quân của Sư Đoàn 7th BB, tôi đã may mắn có dịp gặp mặt Thiếu Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7th BB. Vì có rất nhiều cuộc liên lạc giữa các đơn vị của Sư Đoàn với Phòng Hành Quân Sư Đoàn 7th BB qua các máy truyền tin từ khắp nơi nghe được trong Phòng Hành Quân lúc đó. Đột nhiên mọi người nghe được một câu gọi bằng tiếng Anh " Midway, Midway, cho tôi biết vị trí của bạn " có lẽ từ một viên Phi Công nào đó, liên lạc để xin vị trí của Hàng Không Mẫu Hạm Midway được phát lên qua hệ thống truyền tin của Phòng Hành Quân Sư Đoàn, tiếp sau đó có tiếng trả lời bằng tiếng Anh từ Midway Aircraft Carrier ‘’ tọa độ của chúng tôi @ XXXX, XXXX (viên truyền tin Mỹ này còn dùng cả tiếng Việt để kêu gọi các Phi Công trực thăng, mục đích của họ là cũng muốn thâu hồi (nhiều nếu có thể, vả lại họ cũng muốn giúp chúng ta) lại những vũ khí, khí tài mà họ đã viện trợ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước đây, vì họ biết rất nhiều trực thăng không có đơn vị chỉ huy trưc tiếp. Ví dụ điển hình như quân chủng Hải Quân, người Mỹ đã có cả môt kế hoạch để họ có thể thu hồi được hầu hết các chiến hạm mà họ đã cung cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước đây, hơn nữa họ cũng không muốn những số vũ khí này lọt vào tay Cộng Sản Việt Nam. Khi Thiếu Tướng Trần Văn Hai nghe được cuộc đàm thoại trên hệ thống vô tuyến giữa viên Phi Công đang liên lạc và viên lính Truyền Tin từ Hàng Không Mẫu Hạm Midway, Ông ta chỉ vào mặt tôi và nói với một lời hơi “ trách móc, cũng có vẻ như châm biếm ‘’ anh là Phi Công gan dạ nhất, giờ này anh còn ở đây, anh có thấy các bạn của anh chưa, họ đã đi hết rồi ? Lòng tôi cũng buồn vì câu nói có vẻ giận và trách móc của Ông Tướng, nhưng tôi cũng thông cảm cho các bạn cùng quân chủng với tôi vì họ đã mất tất cả, không còn đơn vị cũng như không có các cấp chỉ huy trực tiếp của mình.
Hai lần tôi lần bị " bắn "
Để cho các bạn biết là ngành tài xế, tài công trực thăng “ chúng tôi cũng gặp nhiều rất nguy hiểm “ vào sinh ra tử, mỗi khi chúng tôi làm việc với các đơn vị bạn (bộ binh), nhất là khi họ đang giao chiến với Cộng Quân, trong suốt thời gian làm “ tài xế, tài công trực thăng “ hầu hết các anh em chúng tôi đều bị bắn bởi AK47 không nhiều thì ít, mỗi vị phải có đôi ba lần hoăc hơn, nhất là mỗi khi bay đơn độc các phi vụ tiếp tế hay tản thương cho các tiền đốn nhỏ và hẻo lánh của các quận lỵ (vì Cộng Quân thường đã mai phục & chờ đợi vì chúng biết là chúng tôi sẽ đến …….)
Bị bắn như muỗi chích (hai ba viên AK47) không đáng nguy hiểm cho trực thăng thì rất nhiều lần, nhưng có hai lần mà cho đến nay đã 50 năm mà tôi vẫn còn nhớ.
Lần thứ nhất, trong một lần đổ quân cho một đơn vị bạn thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Trực thăng của tôi vừa đáp xuống bãi đáp (LZ), khi trực thăng tôi đang trong tư thế bất động, chờ cho các anh em binh sĩ thuộc Sư Đoàn 9 BB lên trực thăng thì thình lình từ đâu một viên đạn AK47 bắn vỡ nát cái kính trắng trong cản bụi (nón bay có 2 kính: 1 đen & 1 trắng trong) ở cái nón bay của tôi, đang trong vị thế xử dụng. Tuy không bị thương nghiêm trọng nhưng bị những miểng nát từ cái kính trắng cản bụi bằng nhựa trong suốt vỡ nát bắn tung tóe làm cho chung quanh mắt và khắp mặt của tôi bị chầy sướt nhiều chỗ. Hú hồn hai con mắt không hề bị thương tích gì cả, phản xạ hai con mắt thật quá nhanh, nhanh hơn cả tốc độ của viên AK47 bay tới (nói vậy cho vui, hôm đó tôi bay với anh H.). Chúa đã cứu đôi mắt của tôi, nhất là cái não bộ của tôi, nếu viên AK47 này chỉ bay chệch qua trái chừng vài chục ly thì chắc tôi sẽ được thăng lên thêm một cấp chỉ một tuần sau đó.
Lần thứ nhì, trong lần này Phi Đoàn của chúng tôi làm việc với một tiểu đoàn Biệt Động Quân. Tiểu đoàn này đang giao chiến khốc liệt với một đơn vị Cộng Quân, đơn vị này được trang bị rất nhiều võ khí thượng thặng để phòng không như súng đại liên 12.7 ly và hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 cá nhân. Nhiệm vụ trong ngày hôm đó của chúng tôi là tiếp tế lương thực, đạn dược, đồng thời cũng tản thương binh cho đơn vị bạn trên đường ra. Sau khi thuyết trình cả hai (KQ & BĐQ) đồng ý với kế hoạch là chiếc trực thăng chỉ huy (C&C) sẽ bay thật cao và ngoài tầm tác xạ của súng phòng không 12.7 ly & hỏa tiễn SA7 của địch. Hợp đoàn chúng tôi gồm 5 trực thăng tải quân (slick) sẽ bay thật thấp (low-level) vào theo độ hình hàng một (trail) chở thực phẩm, vũ khí cũng như đạn dược cùng 3 trực thăng võ trang (bay theo bảo vệ cho hợp đoàn & yiểm trợ cho đơn vị bạn). Tất cả hợp đoàn chúng tôi phải giảm cao độ xuống thấp khi còn ở xa bãi đáp và bay theo độ hình hàng một (trail) và sau đó bay thật thấp (low-level fly) trên ngọn cây từ rất xa vào mục tiêu. Trong khi đó chiếc trực thăng chỉ huy (C&C) ở trên cao sẽ hướng dẫn hợp đoàn bay vào bãi đáp. Theo sự hướng dẫn từ chiếc trực thăng chỉ huy (C&C) giúp cho hợp đoàn chúng tôi bay được đến vị trí của quân bạn, cho đến thấy khi chúng tôi thấy khói màu đỏ bốc lên (dấu của bãi đáp từ trái lựu đạn khói) thì đó là bãi đáp mà chúng tôi sẽ phải chuẩn bị đáp. Hợp đoàn năm chiếc, mỗi chiếc bay cách xa nhau chừng vài phút bay. Khi thấy trái khói đỏ bốc lên thì chiếc dẫn đầu (#1) đã đáp, hoàn tất việc thả đồ rồi cất cánh. Chiếc của tôi là chiếc thứ hai trong hợp đoàn trên đường bay vào thì đột nhiên Cộng Quân từ những cái hầm cá nhân (a fox hole) ở dưới đất ngay đường mà hợp đoàn chúng tôi bay vào bãi đáp, chúng đứng lên và bắn sối xả nhiều tràng súng AK47 vào trực thăng của tôi (từ đầu tới đuôi), lúc này kim của các phi cụ trong buồng lái đều rơi xuống vị trí “ 0 ”, tất cả các đèn (instrument lights) cũng như âm thanh báo nguy (warning audio) bật lên & kêu inh ỏi. Ngay khi đến bãi đáp tôi phải thắng vội (flare) trực thăng lại thật nhanh, rồi ra lệnh cho anh em cơ phi & xạ thủ đạp đồ tiếp tế xuống cho lẹ để còn bay nhanh ra khỏi chỗ này càng sớm càng tốt (chứ không có thể đáp để đón thương binh). Khi ra khỏi vùng giao chiến, anh “ L” người bay một trong ba chiếc trực thăng võ trang có gọi & hỏi tôi về tình trạng chiếc trực thăng của tôi. Tôi cho anh biết là tạm thời ổn, có thể bay ra khỏi vùng giao chiến, chỉ có một điều là tất cả các đồng hồ phi cụ trong phòng lái đều hỏng, có lẽ tất cả các bình dầu, cũng như bình xăng . . . . đều trúng đạn và đang chẩy. Sau đó anh “ L ” (một lần nữa, xin cám ơn bạn " L ") hộ tống trực thăng của tôi bay về đáp an toàn tại quận Hồng Ngự, chiếc trực thăng này bị bắn quá nhiều ở phòng lái cũng như dọc suốt thân trực thăng và sau đó nó được trực thăng Chinook câu về căn cứ, phi trường Cần Thơ để sửa chữa.
Mặc dù phòng lái (cockpit) bị đạn rất nhiều, nhưng nhờ cái ghế chống đạn khá tốt nên tôi chỉ bị xây sướt bởi những mảnh vỡ từ các tấm “ fibre & ceramic hỗn hợp “ chống đạn quây xung quanh cái ghế của hoa tiêu ngồi và các miểng vỡ từ hợp kim nhôm & sất trong phòng lái bắn vào khắp hai chân của tôi mà thôi.
Trận giao chiến này thật là khốc liệt. Thật đau buồn & thương tiếc cho những sự thiệt hại & mất mát của đơn vị bạn (BĐQ). Và cũng tại nơi đây ngày hôm sau, Phi Đoàn trực thăng bạn (cùng căn cứ), tiếp tục công việc yiểm trợ cho đơn vị BDQ này. Không may cho Phi Đoàn này trong ngày hôm đó, họ mất một trực thăng và cả 4 chiến sĩ trên chiếc trực thăng này đều hy sinh cho tổ quốc trong cuộc hành quân này.
Phần II
Hồi ký " ly hương vào giờ thứ 25 "
Đã hơn 45 năm tôi đã giữ kín về cuộc ra đi thật bất ngờ, chúng tôi chưa có ý định rời Viêt Nam của 4 anh em chúng tôi, vì vào thời điểm đó toàn thể Quân Đoàn IV của chúng tôi vẫn còn hoạt động và đang truy lùng diệt địch như bình thường. Buổi sáng ngày hôm đó (30-04-1975) Cả Phi Đoàn chúng tôi vẫn còn hành quân cùng với các đơn vị bạn (SĐ21th BB) như thường lệ,
Nay tôi xin kể ra cho mọi người cũng như các chiến hữu biết.
Sáng ngày 30-04-1975, Trong buổi sáng hôm đó, ba phi đội (3/4) của Phi Đoàn chúng tôi với các phi vụ hoạt động như thường lệ: hành quân & một vài phi vụ liên lạc, còn phi đội thứ tư thì đang nghỉ phép tại đơn vị (tôi là thành viên của phi đội này). Lệnh từ Phòng Hành Quân Chiến Cuộc (29-04-1975) cho Phi Đoàn của chúng tôi cắt 2 chiếc trực thăng về làm việc với Bộ Tổng Tham Mưu vào sáng ngày 30-04-1975.Thực ra chỉ sau 15 phút bay thì Phòng Hành Quân Chiến Cuộc đã hủy phi vụ của chiếc trực thăng thứ hai, cho nên chỉ còn duy nhất chiếc trực thăng của chúng tôi tiếp tục về Sàigon làm viêc với Bộ Tổng Tham Mưu và giờ trình diện với đơn vị bạn là lúc 8.00 sáng ngày 30-04-1975. Ngày hôm đó tôi đang được nghỉ phép tại trại (" cắm trại 100% "), tôi có ý định ghé về thăm nhà, để căn dặn hoặc nhắn tin vài điều với gia đình vì nhà tôi cũng gần Bộ Tổng Tham Mưu. Cho nên tôi đã đề nghị với một người bạn (anh R. là người sẽ bay với anh Đ. trong phi vụ này, trên chiếc trực thăng thứ nhất) là xin bay thế chỗ của anh ta (nhân đây mặc dù hơi trễ, nhưng cũng xin cảm ơn bạn R. nhé, cũng như anh Đ. cũng vừa viết điều này . . . . .cho tôi ). . . . . . . . . . . . .
Vào đến không phận Sàigòn
Khi chúng tôi vừa bay vào gần không phận Sàigòn thì nghe tiếng nói của một Hoa Tiêu trên tần số Không Quân đang bay trên một chiếc L19 (nhân đây anh em Ác Điểu chúng tôi xin cảm ơn vị chiến hữu đó, người đã " cưỡi trên con Sơn Ca chuồn chuồn L19 ”), lúc đó anh ta đang hướng dẫn cho một phi tuần khu trục, phi tuần này đang yiểm trợ cho một đơn vị Dù, các chiến sĩ Dù đang chiến đấu với Cộng Quân tại Ngã Tư Bẩy Hiền. Chúng tôi liền liên lạc với anh để hỏi thăm về tình hình an ninh trên không phận Sàigòn vào thời điểm đó. Chúng tôi đã được anh khuyến cáo là khi bay vào không phận thành phố Sàigòn, chúng tôi phải xuống thật thấp từ phía sông Sàigòn, sau đó phải bay thật là thấp (low-level fly) trong khi bay trên thành phố để tránh súng cao xạ phòng không và hỏa tiễn SA7 tầm nhiệt của Cộng Quân trên không phận Sàigòn, vì ngày hôm trước 29-04-1975, Không Lực của của chúng tôi đã bị mất hai phi cơ bởi trúng hỏa tiễn SA7 của Cộng Quân. Cũng may một điều là nhà của tôi gần " Bộ Tổng Tham Mưu " và tôi cũng rất rành khu vực này, nên tôi đã làm một Navigator tốt cho anh “ Đ“. Chúng tôi bay thật thấp trên mặt đường từ phía sông Sàigon nhắm thẳng hướng về Bộ Tổng Tham Mưu. Khi bay đến gần " Bộ Tổng Tham Mưu ", chúng tôi bắt đầu liên lạc với đơn vị bạn ở Bộ Tổng Tham Mưu để xin chi tiết & hướng dẫn cho chỗ đáp, nhưng đã không thể liên lạc được, đồng thời chúng tôi thấy một vài cụm khói rơi lác đác rất gần “ Bộ Tổng Tham Mưu “ (có lẽ đó là những quả đạn pháo kích của Cộng Quân). Thất vọng vì phi vụ của chúng tôi không thể thi hành được. Tôi quay sang hỏi anh “ Đ “ << anh có muốn đón gia đình của anh không ? >>, sau khi bàn thảo, cả hai chúng tôi đều đồng ý là phi vụ không thể thi hành được, vì chúng tôi không thể liên lạc được với đơn vị bạn ở Bộ Tổng Tham Mưu.
Đáp, thả anh bạn
Sau đó chúng tôi trực chỉ bay thẳng về hướng Ngã Năm Bình Hòa, kế đó chúng tôi đáp xuống một bãi đất trống gần nhà anh “ Đ ” (miếng đất này, nay đã được xây cất thành khu chung cư). Trước khi anh “ Đ “ xuống để về nhà thu xếp gia đình anh, tôi có dặn anh, nhớ thay áo bay với bộ quần áo dân sự, đứng nấp và chờ ở đâu đó, cho đến khi anh nghe tiếng cánh quạt trực thăng đập gió thì chuẩn bị cùng nhau chạy ra giữa bãi đất trống. Đồng thời tôi cho anh biết là tôi sẽ trở lại trong vòng 20 - 25 phút để đón anh & gia đình.
Bay về quan sát tư gia
Sau khi cất cánh từ bãi đất trống ở " Ngã Năm Bình Hòa ", tôi nhắm hướng bay về nhà tôi, khi vừa bay đến nhà, tôi bay vòng vòng xung quanh nhà vài vòng, hy vọng có người nào trong nhà chạy ra, tôi sẽ ném một lá thư căn dặn vài điều (như đã chuẩn bị) nhưng không thấy ai ra. Chợt thấy chị giúp việc nhà, chị ta cũng ở gần nhà tôi chạy ra làm dấu với hai cánh tay chéo nhau, đồng thời lắc lắc cả hai bàn tay làm dấu, sau đó chỉ thẳng ra đại lộ, tôi hiểu ý ngay là cả nhà đã di tản về bên ngoại.
Đáp đón cả hai gia đinh
Tôi liền bay về hướng nhà của ông Nhạc tôi ... Khi vừa bay đến nhà (ông Nhạc) thì cũng là lúc nhà tôi vừa về đến nhà sau một vòng quan sát đường phố Sàigon (thời khắc lo âu của mọi người trong thành phố) cùng ông anh rể. Trong lúc tôi bay vòng vòng xung quanh nhà, chợt thấy nhà tôi một tay đứa cháu gái một tay với chiếc nón lá vẫy vẫy lên trời. Trong lúc bay vòng vòng, tôi đã quan sát được là mái nhà này có thể đáp được, nhà 2 tầng, mái nhà tuy nhỏ nhưng với cái mái nhà phẳng, lại được lợp bằng loại tôn ciment.
Sau vòng cuối cùng, tôi đã đáp và đậu trên mái nhà, vì bay một mình lại phải giữ thăng bằng, cố giảm trọng lượng (chỉ để cho càng chạm trên mái nhà) của trực thăng và của mọi người trên trực thăng tác động trên mái nhà lợp tôn ciment, cho nên tôi không có thể nhìn ra đằng sau để xem những ai lên trực thăng. Sau khi tất cả mọi người gồm có nhà tôi cùng 2 cháu nhỏ cộng thêm 2 vị hành khách “ bất đắc dĩ “ là bà nhạc & ông anh rể. Mười lăm phút sau, ông anh rể đã nhảy xuống khỏi trưc thăng khi tôi đáp xuống bãi đất trống để đón gia đình anh " Đ ". Sau khi mọi người đã an vị thì tôi được thông báo của các chiến hữu phía sau " an toàn, có thể cất cánh “.
Rời không phận Sàigòn
Cuối cùng chúng tôi rời không phận Sàigon qua hướng sông Sàigon. . . Khi lên đến độ cao 3000 bộ chúng tôi đã có thể thấy rất nhiều chiến hạm thuôc Hạm Đội 7 Mỹ lác đác ở trong vùng hải phận Vũng Tàu. Trên đường về thành phố Cần Thơ chúng tôi có ghé Căn Cứ ĐồngTâm để đổ thêm xăng. . . . . Khi sắp đáp phi trường Bình Thủy, chúng tôi liên lạc với đài không lưu của phi trường Bình Thủy thì không thấy ai trả lời, chợt lúc đó chúng tôi nghe được tiếng của một người bạn đang liên lạc với Hàng Không Mẫu Hạm Midway trên tần số quốc tế, chúng tôi liền gọi, nói chuyện với anh ta, thì được anh ta cho biết là Tổng Thống Dương Văn Minh vừa kêu gọi " các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa “, chúng ta hãy . . . .".trên đài phát thanh. Ngay sau đó chúng tôi liền đổi hướng bay để ra Côn Đảo. . . Tại đây, chúng tôi và một số trực thăng bạn phải chờ cho Hạm Đội 7 Mỹ di chuyển từ hải phận Vũng Tàu (chúng tôi đã thấy vào buổi sáng khi vừa rời Saigòn) đến gần Côn Đảo.
Vài giờ sau đó, tất cả anh em chúng tôi đều đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm Midway.
Tạm trú tại Hiệp Chúng Quốc
Cũng như tất cả đồng bào di tản trong tháng 03-1975 và 04-1975 đều được chính phủ Mỹ cho định cư tại Mỹ. Sau khi đến Mỹ vào khoảng tháng 05-1975, chúng tôi đã được tạm trú tại " Trại tỵ nạn Eglin AFB, thuộc tiểu bang Florida " chờ thủ tục để đi định
cư. Chúng tôi đã được một nhà thờ ở Seattle, thuôc tiểu bang Washington bảo trợ, nhưng vì đã nộp đơn xin di cư sang một quốc gia khác nên chúng tôi đã từ chối đi định cư tại Seattle, Washinton state để chờ đi Gia Nã Đại.
Rời Hiệp Chúng Quốc đi Gia Nã Đại
Vì thương nhớ gia đình còn kẹt lại ở quê nhà, tôi đã quyết định từ bỏ nước Mỹ để xin di cư sang một đất nước tư bản khác. Cũng vì muốn liên lạc được với gia đình ngay (vào thời điểm đó thì Mỹ và VN đã cắt đứt liên hệ ngoại giao) nên tôi đã từ bỏ " qui chế tỵ nạn " của chính phủ Mỹ mà chọn qui chế di cư " của một quốc gia tư bản khác.
Chúng tôi rời nước Mỹ vào ngày 04 tháng 08 năm 1975. Ở Gia Nã Đại chỉ vài ngày sau chúng tôi đã có thể liên lạc được với gia đình bên nhà và một năm sau đó chúng tôi đã có thể làm giấy tờ để bảo lãnh cho gia đình.
Vào mùa xuân năm 1981, Song Thân tôi cùng 2 người em cũng được đinh cư tại " xứ tư bản giẫy chết " này. Song Thân tôi nay đã khuất, trong thời gian định cư tại " Gia Nã Đại, Song Thân tôi đã có một cuộc sống rất là an bình cũng như sức khỏe của hai vị được chăm sóc tốt, kỹ lưỡng. Hệ thống an sinh xã hội và hệ thống y tế tại nơi đây thật tuyệt vời (mọi viêc đã có Chính Phủ lo, họ lo thật là chu đáo, không như Đảng Cộng Sản Viêt Nam hứa quậy với dân ta trong nước). Nhờ vậy mà tuổi thọ của cả hai cụ khá ư là ngưỡng mộ (vị nào cũng được hơn 9 bó), Nếu như Song Thân tôi còn ở lại sống với CSVN, tôi không nghĩ hai cụ có được tuổi thọ như vậy.
Thân chào các chiến hữu,
- Mến chào tất cả các chiến hữu thuộc hai phi đoàn: PĐ225 & PĐ227, các chiến hữu KQVN, các chiến hữu thuôc mọi quân binh chủng trong QLVNCH. Tôi xin chúc các bạn cùng quý quyến được dồi dào sức khỏe và mọi sự an lành.
- Nhân đây, tôi cũng xin gửi đến các bạn hoa tiêu trong mọi cương vị “trưởng/phó” và các bạn cơ phi, xạ thủ. Những người đã đồng hành cùng tôi trong những phi vụ mà tôi
kể ở trong hồi ký một lời xin lỗi, là tôi đã không thể nêu tên các bạn. Thú thật vì những sự kiện trên nó xẩy ra đã quá lâu (đã 45 năm) nên tôi không thể nhớ hết (rõ ràng )ngay cả “ngày, tháng, năm“. Cũng xin các bạn châm chước cho, nếu có điều gì sai sót trong hồi ký của tôi. (Sau hơn 45 năm, chất xám của tôi cũng đã bị giảm đi ít nhiều, xin thông cảm)
- Do sự động viên của các con & cháu trong gia đình, nên tôi vừa “ kể “ lại vài sự kiện còn nhớ được sau 45 năm đã xẩy đến với tôi trong cuộc đời quân ngũ cũng như vài tháng trước và sau ngày 30-04-1975. Năm nay vào ngày 30-04-2020, vừa đúng 45 năm chúng ta . . . . . mất Miền Nam Tự Do Yêu dấu.
LQC
Thành viên PĐ225, (Ác Điểu), KĐ84 CT, SĐ4 KQ
Hồi ký viết vào cuối năm 2018
(Vừa chỉnh sửa lại & bổ túc thêm vài đè mục vào tháng ba năm 2020)
DƯỚI ĐÂY LÀ VỊ TRÍ CỦA CÁC ĐIỂM MÀ TÔI VỪA ĐỀ CẬP Ở TRÊN,
ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH VỊ TRÊN GOOGLE  PHOTO  CLIP:
Nhà của chúng tôi trước năm 1975, cũng như 2 điểm “THẢ & ĐÓN“ được định vị trên Google photo clip. (xin xem " Photo Clip " ở phía dưới)
(Cả 2 căn nhà của chúng tôi đều đã bị Cộng Sản Việt Nam Quốc Hữu Hóa hết cả sau năm 1975, nay hai căn nhà này đã có chủ mới)
Sau đây là chú thích của 3 vị trí mà đã được định vỊ trên Google photo clip,
Xin được diễn nghĩa như sau:
Cái bong bóng bay nhỏ màu đỏ viền đen với trái tim màu trắng ở bên trong, bên cạnh có hàng chữ “ Ngã Năm Bình Hòa “.
(ở phía trên cái bong bóng màu xanh dương)
Đây là vị trí nơi mà tôi đã thả anh “ Đ “ cũng như đón anh & GĐ của anh
Cái bong bóng bay màu xanh dương có căn nhà ở bên trong
(nằm ở giữa 2 cái bong bóng đỏ kia).
Đây là vị trí nhà riêng của chúng tôi trước năm 1975. Bên cạnh có chữ “ HOME “
(vị trí #2 nằm giữa hai vị trí #1 & #3)
Cái bong bóng bay to màu đỏ với vòng tròn màu đổ thẫm ở bên trong,
bên cạnh với hàng số "193"
(ở phía dưới cái bong bóng màu xanh dương)
Đây là vị trí nhà mà tôi đáp trực thăng xuống để đón gia đình tôi.
XIN XEM NHỮNG VỊ LIỆT KÊ Ở TRÊN, ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH VỊ TRÊN
“ GOOGLE MAP PHOTO CLIP “
VÀ “ POST “ Ở BÊN NGOÀI “ BÀI HỒI KÝ “

Theo: Bảo Ngân







Không có nhận xét nào