CÔNG LÝ Công lý được biểu trưng bằng hình ảnh một nữ thần (tiếng Latin là Justitia) tay cầm thanh gươm, tay cầm cân với dáng dứng uy nghi và...
CÔNG LÝ
Công lý được biểu trưng bằng hình ảnh một nữ thần (tiếng Latin là Justitia) tay cầm thanh gươm, tay cầm cân với dáng dứng uy nghi và một chiếc khăn bịt mắt. Thanh gươm tượng trưng cho quyền lực, cái cân tượng trưng cho sự công bằng khi phán xét phải trái. Muốn công bằng vì lẽ phải, công lý phải hoàn toàn lý tính khách quan nên kẻ phán xét phải bịt mắt trước mọi tác động của quyền lực khác.
Nhưng đó là huyền thoại về công lý, tức mơ tưởng của loài người. Sự thật, công lý thường bị bóp méo, xuyên tạc trong lịch sử nhân loại. Chính huyền thoại cũng thừa nhận thần công lý không cao hơn quyền lực của đấng chí tôn. Người Hy Lạp xem Themis và Dike là biểu tượng công lý nhưng không thể vượt qua quyền sinh sát của Zeus với tư cách là kẻ độc tài, bạo chúa với quyền sinh quyền sát trong tay. Người La Mã dù tôn thờ Justitia nhưng công lý lại hoàn toàn nằm trong tay Giáo hội, kẻ nhân danh thi hành mệnh lệnh của Thượng đế. Hegel, Kierkegaard nhiều lần nhắc đến "Luật trời" (đối lập với "Luật thế tục") với niềm tin nhân loại sẽ tạo ra được một thứ công lý phù hợp nhất với niềm tin vào thứ luật siêu hình đó. Nhưng hậu quả là hoang tưởng chồng lên hoang tưởng. Khi phê phán nhà nước pháp quyền kiểu Hegel, Schopenhauer rồi đến Marx vạch trần sự nhân danh và ngụy tạo của thứ công lý hoang đường đó. Schopenhauer chỉ trích thẳng thừng đó là lý luận của một kẻ tay ngang", một "tên hề ngu xuẩn, mạt hạng", "mê tín dị đoan" vì cái nhà nước pháp quyền đó không có thật. Marx khẳng định cái nhà nước pháp quyền hoang tưởng ấy chỉ dọn đường cho bọn thầy tu thiết lập một nền chuyên chế tuyệt đối nhân danh Thượng đế biến con người thành nô lệ cho chúng. Foucault khái quát đầy mỉa mai, chua chát trên tinh thần dân gian: "Công lý thuộc về kẻ mạnh!"
Nguyễn Ái Quốc có lẽ thừa hưởng từ những tư tưởng tiến bộ văn minh ấy nên mới đem Thần Công lý ra giễu cợt khi đối chứng giữa lý thuyết và thực tiễn: "Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội". (Bản án chế độ thực dân Pháp, chương Công lý).
Kết quả, các triết gia đã không mệt mỏi đi tìm kiếm công lý bằng nhiều khái quát khác nhau. Hoặc hy vọng vào một luật trời siêu hình cuối cùng sẽ mang lại sự công bằng cho con người hoặc đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp. Marx, cũng như Rousseau, Locke, nhấn mạnh, vì công lý luôn thuộc kẻ cầm quyền, cho nên kẻ cầm quyền chuyên chế phải bị lật đổ và công lý phải được xây dựng trên thỏa ước của người dân.
Xem ra lịch sử đấu tranh nhuốm nhiều máu và nước mắt nhất của nhân loại là cuộc đấu tranh vì công lý. Khi nào thanh gươm còn nằm trong tay kẻ cầm quyền thì cái cân kia chỉ là sự nhân danh sự công bằng để chém giết người vô tội theo nhu cầu lợi ích của chúng. Khi ấy, kẻ cầm quyền vẫn bịt mắt, nhưng không phải bịt mắt cho một sự khách quan vì công lý mà là một thái độ chuyên chế đến mức bất chấp dư luận phản kháng của nhân dân.
Nhiều quốc gia văn minh hiện nay đã cố gắng thực hiện công lý trên tinh thần thỏa ước của người dân bằng cách thay đổi tận gốc sự chuyên chế. Đơn giản như Locke nói trong Khảo luận thứ hai về chính quyền: khi chính quyền không công minh thì chính dân là người phán xử chính quyền để đi đến công lý.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào