Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HỒ CHÍ MINH - KU BÚA VÀ BÁC HỒ, KÝ ỨC TỪ NHỎ ĐẾN TRƯỞNG THÀNH

[ HỒ CHÍ MINH - KU BÚA VÀ BÁC HỒ, KÝ ỨC TỪ NHỎ ĐẾN TRƯỞNG THÀNH ] Khác với mong đợi của nhiều người khi đọc tiêu đề, đây không phải là một b...

[HỒ CHÍ MINH - KU BÚA VÀ BÁC HỒ, KÝ ỨC TỪ NHỎ ĐẾN TRƯỞNG THÀNH] Khác với mong đợi của nhiều người khi đọc tiêu đề, đây không phải là một bài phân tích hay đả kích nhân vật tên Hồ Chí Minh. Chỉ là đôi lời tâm sự kể lại ký ức của một cậu bé, thanh niên và sau này là một người trưởng thành đối với nhà sáng lập đất nước và chính quyền hiện tại.

Khi nói về ông ta thì chúng ta sẽ có hai phe rõ rệt, thần tượng và chửi rủa. Nếu bạn muốn đọc nội dung thuộc hai bên thì bây giờ đã có quá nhiều. Cá nhân tác giả không muốn tiếp tục sự nhàm chán đó, vì nó rất vô nghĩa.

Ngày xưa, tôi rất yêu và thần tượng Bác Hồ.

Cũng như bao người khác sinh ra và lớn lên ở đất nước Việt Nam này, tôi không thể nào không bị ảnh hưởng hoặc tác động bởi hình ảnh lúc nào cũng thấy bên mình. Từ lớp học, truyền hình, cơ quan nhà nước cho đến tiền bạc, không ai có thể thoát khỏi sự hiện diện đó.

Khi còn đi học, tôi thuộc lòng “5 Điều Bác Hồ Dạy” và luôn đọc lại với sự hân hoan của một cậu nhóc mới lên. Đeo khăn quàng đỏ, tôi và các bạn trong lớp luôn tự hào mình là “Cháu Ngoan Của Bác.” Một con ngoan trò giỏi là một người phải sinh sống và học tập theo tấm gương đó. Trong sách vỡ cấp một ngày xưa vẫn còn ghi khắc những dòng chữ đầy lý tưởng đó. Khi lấy ra đọc lại thì nhớ sự hồn nhiên thuở nào.

Khi tôi lớn lên thì vẫn không có gì thay đổi. Tôi vẫn mang trong lòng tinh thần yêu nước cháy bỏng. Mỗi lần chào cờ, tôi phải hát Quốc Ca thật nghiêm chỉnh, mắt nhìn Quốc Kỳ và đứng thẳng người. Đó không chỉ là điều cần thiết mà là sự thể hiện của người yêu nước. Những năm tháng đó trôi qua thật nhanh.

Khi còn là học sinh cấp 3, đôi được đi Địa Đạo Củ Chi. Không khỏi choáng ngợp bởi hệ thống đường hầm quá công phu. Vừa tham quan vừa nói thầm, “Như vầy với đánh thắng Pháp Mỹ được chứ.” Tôi chụp ảnh liên tục trong sự phấn khởi và không để ý người thân thì không mấy vui vẻ. Họ chỉ coi đây là chuyến du lịch chứ không mặn mà lắm với câu chuyện lịch sử. Nhưng tôi vẫn cảm thấy phấn khích, như chứng kiến di tích chiến tranh còn lại. 

Tôi đã luôn tự hào về đất nước và dân tộc Việt Nam này. Một quốc gia nhỏ bé nhưng hùng mạnh và vĩ đại. Không bao giờ khuất phục trước ngoại xâm. Đó là niềm tin mãnh liệt và tưởng như sẽ không bao giờ sụp đổ.

Đó giờ bản thân là một người không chủ động và bất quan tâm đến những thứ xung quanh. Lớn lên trong một bong bóng với những giá trị riêng thì khó mà bị tác động bởi người khác. Tôi lớn lên, tốt nghiệp trung học trong phạm vi đó.

Rồi một ngày nọ, mọi thứ từ từ thay đổi.

Tôi rất thích đọc, đó là điều tôi làm khi rảnh rỗi ở mọi nơi. Tôi tìm hiểu về mọi thứ. Từ thế chiến cho đến đất nước mình. Có một hôm tôi hỏi ba mẹ sau khi tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Lúc đó thì càng tự hào vì chúng ta đã đánh bại cường quốc bất chấp tất cả. Không hiểu vì sao, tôi nói “Sao người ta nói Bác Hồ là anh hùng?” Ba mẹ tôi đáp, “Anh hùng, nhưng chỉ với người cộng sản thôi.”

Lúc đó tôi chẳng hiểu gì cả. “Sao lại có chuyện vô lý đến vậy.” Nhưng chẳng bận tâm và tiếp tục khám phá. Tôi đọc rất nhiều cuốn về cuộc đời Hồ Chí Minh của tác giả Việt Nam và Tây. Ấn tượng nhất là cuốn “Ho Chi Minh, The Missing Years” (Hồ Chí Minh, những năm tháng thất lạc). Tôi thực sự không biết tin ai. Chính trị không phải là gì tôi thích thú vì không hiểu quá nhiều về nó. Có người bênh, có người chê. Đối với tôi, tất cả chỉ là ý kiến. Tôi vẫn thần tượng Bác. Dù gì đã bỏ công sức để chiến đấu cho đất nước.

Tôi không thể nào kể lại hết chi tiết vì quá lâu rồi. Nhưng rồi một ngày kia có bộ phim tài liệu tên “Sự Thật Về Hồ Chí Minh” được truyền tải trên YouTube. Vì là một người tò mò, nên tôi đã coi. Từ đó, tôi không còn như xưa nữa.

Khi nghe kể về những chi tiết trái nghịch như ngày tháng năm sinh, bút danh “Nguyễn Ái Quốc” hay sinh hoạt ở Châu Âu, tôi cảm thấy như mình đã bị che giấu quá nhiều thông tin bấy lâu nay. Rồi khi coi những hình ảnh về cải cách ruộng đất và cuộc di cư 1954 của người miền Bắc, tôi như nhận một cái tát vào mặt để dần thức tỉnh. “Sao từ đó đến giờ mình chưa bao giờ biết về những điều này?”

Nhớ lại thì lúc đó là đêm khuya, tôi thức trắng để coi cả chục lần. Không thể tin vào những gì mình nghe và thấy được. Cảm giác như bị lừa dối bấy lâu nay. Khi coi lại clip trên Youtube thì phim đó được đăng tải vào năm 2011, mới đây đã gần một thập niên rồi, nhanh quá.

Rồi từ đó, tôi thay đổi.

Tôi bắt đầu tìm hiểu về thông tin đa chiều. Khi trên internet ngày càng nhiều nguồn và tài liệu thì tôi tham khảo gần như tất cả. Trong đầu tôi luôn có những câu hỏi không thể nào trả lời và không tìm ra sự thật.

1. Vì sao ông ta có tên sinh là Nguyễn Sinh Cung nhưng đổi thành Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và sau này là Hồ Chí Minh?
2. Vì sao ông ta lại chọn CNXH?
3. Vì sao có nguồn tin cho rằng ông ta đã có vợ?
4. Vì sao có thuyết âm mưu rằng ông ta không phải là người Nghệ An mà là một kẻ mạo danh?
5. Trên hết, vì sao chúng ta biết quá ít về nhà sáng lập đất nước hiện tại. Mỗi lần có ai tò mò thì số đông sẽ đả kích ngay. Có gì đó đang được che giấu.

Tôi bắt đầu hoài nghi về mọi thứ, về tất cả. Khi tôi nói chuyện với những người bạn khác thì vì lý do gì đó, họ liền bảo tôi “Thôi, im đi mày ơi” hoặc “Bạn thích tìm hiểu về mấy này hả, mình thì không quan tâm cho lắm.” Cũng vì thế mà tôi mất không ít người bạn.

Sau đó là những chuỗi ngày đọc BBC, Đàn Chim Việt và Nhật Ký Yêu Nước. Nhờ vậy mới biết thêm nhiều thứ và cảm thấy mình không đơn độc. Nhớ lại thời trẻ trâu mình đi chửi bới muôn nơi mà có chút xấu hổ.

Rồi vào cuối năm 2014 hay đầu năm 2015, có một bài hát mang tên “Dit Me Cong San” của Nah Sơn làm xu hướng. Không lâu sau đó, có một người trẻ viết bài đầu tiên tên “23 điều vô lý chỉ có ở Việt Nam” của mình và nó được xuất bản trên Triết Học Đường Phố với bút danh “Ku Búa.” Đã 5 năm rồi, quanh nhanh.

Bây giờ tôi hết yêu Bác Hồ rồi. Dạo quanh phố phường, mỗi lần thấy tượng Bác, tôi không còn cảm thấy lòng yêu nước nữa, mà là sự buồn cười. Tôi cảm thấy có gì đó xấu xa và tởm khi nhìn lại lịch sử. Khi thấy những hình ảnh chiến tranh, tôi căm hận. Coi lại Hà Nội và Sài Gòn xưa trước khi bị “giải phóng,” tôi hối tiếc. Những clip phim chiếu cảnh người dân trốn chạy khỏi đoàn quân từ phía Bắc khiến lòng phẫn nộ. Những cảnh người vượt biên trên thuyền nhỏ làm chấn động thế giới và những người trẻ.

Cho nên đừng quá tức giận với đám đông hăng hái kia, họ chỉ đang bị u mê thôi. Đừng quá tức giận làm gì. Hãy thông cảm vì ai cũng có một thời bị đầu độc.

Sẽ ra sao nếu không có người đàn ông này? Tôi tự hỏi. Chắc đất nước sẽ không như hiện nay. Ngày xưa tôi đã từng rất yêu Bác Hồ, còn bây giờ thì hết rồi. [18.5.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa




Không có nhận xét nào